Ngô Văn Sở còn có tên là Ngô Hồng Chấn và Ngô Văn Tàng, xuất thân từ một dòng họ lớn, nhiều đời làm tướng ở Trảo Nha, Thạch Hà, Nghệ An. Từ con đường nào, thời điểm nào ông đến với phong trào Tây Sơn thì chưa ai biết. Nhưng nói đến công cuộc phá Nguyễn, diệt Trịnh, đánh đuổi Mãn Thanh xâm lược, thống nhất đất nước và giữ yên 13 trấn Bắc Hà dưới thời Nguyễn Huệ - Quang Trung, thì không thể không nói đến vai trò của Ngô Văn Sở.
Cuối năm 1787, Nguyễn Huệ cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân mang quân ra Nghệ An, hợp sức cùng Võ Văn Nhậm tiến ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh và các thế lực Lê - Trịnh chống đối, Ngô Văn Sở tỏ ra là một tướng cầm quân dũng cảm, mưu lược, đánh đâu thắng đấy. Cuối năm 1788, Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy vào xâm lược nước ta. Bấy giờ Ngô Văn Sở với cương vị là chủ soái Bắc Hà đã sáng suốt nghe theo ý kiến của Ngô Thì Nhậm, chủ động và hết sức mau lẹ, mưu trí thực hiện cuộc rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng. Ông lập phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, chuẩn bị chiến trường, tạo điều kiện thuận lợi để Quang Trung từ Phú Xuân đem đại quân ra đánh một đòn sấm sét vào bọn xâm lược, đuổi chúng và bọn phản quốc ra khỏi bờ cõi. Kế hoạch rút quân khỏi Thăng Long, lui về giữ Tam Điệp được vua Quang Trung cho là hoàn toàn đúng và đánh giá rất cao.
Trong chiến dịch tổng tấn công quân Thanh, Ngô Văn Sở có sáng kiến cho làm những cái “mông xung”, trong đựng cỏ rơm, cao 5 thước, dài 15 thước, hễ ra trận thì mang đi che đằng trước chống tên đạn. Trong trận công thành tháng Giêng năm Kỷ Dậu lịch sử đó, những cái “mông xung” mộc rơm ấy đã trở nên nổi tiếng không kém gì voi trận và hỏa hổ làm khiếp đảm quân xâm lược.
Sau khi đánh tan quân Thanh, vua Quang Trung trở về Phú Xuân, giao cho Ngô Văn Sở ở lại coi giữ hết thảy việc quân việc nước ở Bắc Hà. Sau khi vua Quang Trung mất, Ngô Văn Sở vẫn trấn giữ Bắc Hà, được thăng chức Đại đổng lý, tước quận công. Dưới quyền cai quản của ông, tình hình các trấn ở miền Bắc ổn định, đi dần vào nề nếp. Ông thi hành nhiều chính sách tích cực, coi trọng văn học, mở khoa thi để thu dụng kẻ sĩ, đặt chức Huấn khoa để xét hỏi kẻ gian trong châu huyện... nên có uy tín lớn đối với nhân dân.
. Theo Báo Biên Phòng |