Kế sách với vùng biên cương của Lý Thái Tổ
14:46', 15/7/ 2010 (GMT+7)

Ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đặc biệt quan tâm đến vùng miền núi, biên cương, nơi có vị trí chiến lược, trọng yếu đối với việc bảo vệ đất nước, chống ngoại xâm.

Việt Nam ta từ thời dựng nước đã là một quốc gia gồm nhiều thành phần dân tộc. Qua hàng ngàn năm lịch sử cùng chung sức xây dựng và bảo vệ đất nước, các dân tộc thiểu số có những đóng góp tích cực và ngày càng gắn kết với người Việt - dân tộc chủ thể trong một quốc gia thống nhất.

 

Tượng đài Lý Thái Tổ tại Hà Nội. Ảnh: Giacngo.vn.

 

Kế thừa chính sách của các triều đại trước, đối với vùng núi rừng xa xôi, nơi cư trú của các dân tộc ít người, Lý Thái Tổ vẫn áp dụng chính sách “cơ mi” (ràng buộc lỏng lẻo). Tuy nhiên chính sách quản lý này đã được phát triển thêm một bước mới với những biện pháp mềm dẻo và hình thức linh hoạt hơn.

Các tù trưởng thiểu số là những người có thế lực rất lớn, nắm mọi quyền hành, quản lý cư dân thuộc tộc mình. Do đó chính sách cơ bản được đặt ra là củng cố quốc gia thống nhất bằng cách ra sức tranh thủ các tù trưởng để thông qua họ, thắt chặt khối đoàn kết dân tộc và mở rộng ảnh hưởng của triều đình lên vùng miền núi, biên viễn.

Để tăng cường và đẩy mạnh mối quan hệ, liên kết, bên cạnh việc phong chức tước, quyền hạn, ban thưởng tiền bạc, triều đình nhà Lý còn thông qua các cuộc hôn nhân, gả công chúa cho các tù trưởng lớn có thế lực để qua vai trò của họ tập hợp cư dân thành khối thống nhất quanh nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Đây là chính sách rất đặc biệt của vương triều Lý mà Lý Thái Tổ là người mở đầu chính sách đó.

Cuối năm Kỷ Dậu (1009) ngay sau khi lên ngôi hoàng đế, Lý Thái Tổ đã hạ chiếu tha bổng 28 người lính thuộc dân tộc thiểu số trước đó bị vua Lê Ngọa Triều bắt, cấp quần áo, lương thực cho họ rồi sai người đưa về quê cũ. Vua còn gả con gái cho tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu (nay thuộc Bắc Giang và phía Nam Lạng Sơn) là Giáp Thừa Qúy (họ Giáp sau đổi sang họ Thân) và phong Thừa Qúy làm châu mục Lạng Châu. Theo sử sách ghi lại, kể từ đó các đời vua nối nhau tiếp tục chính sách liên kết với tù trưởng dân tộc ít người bằng quan hệ hôn nhân. Đã có ít nhất 9 trường hợp gả công chúa cho tù trưởng các châu thuộc vùng trung và thượng du đất nước. Một dải biên cương dài rộng của đất nước được giữ vững, khối đoàn kết dân tộc được củng cố, thắt chặt.

Song song với chính sách ràng buộc mềm dẻo thì với những thế lực chống đối và những xu hướng cát cứ đều bị triều đình kiên quyết trừng trị, dập tắt. Trong thời gian trị vì của mình, vua Lý Thái Tổ đã trực tiếp cầm quân hoặc sai vương hầu, tướng lĩnh đem quân dẹp loạn vùng biên viễn. cụ thể:

Tháng 1 năm Tân Hợi (1011) “vua thấy giặc Cử Long ở châu Ái hung hăng dữ tợn, qua hai triều Đinh, Lê không dẹp nổi nên ngày càng dữ, mới đem sáu lộ quân đi đánh, đốt bộ lạc, bắt được tù trưởng đem về; giặc ấy liền tắt” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Tháng 12 năm Nhâm Tý (1012) vua Lý Thái Tổ thân chinh cầm quân đi dẹp loạn vùng châu Diễn. Khi ấy đến vũng Biện (nay thuộc Tĩnh Gia, Thanh Hóa) thì trời đất tối sầm, gió và sấm sét rất dữ, vua đốt hương khấn trời rằng: “Tôi là kẻ ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy quân mạnh mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người dân châu Diễn không theo giáo hóa, hung bạo làm càn, tàn ngược dân chúng, tội ác nhiều quá nên không thể không đánh… Xin lòng trời soi xét” (Đại Việt sử ký toàn thư). Vừa khấn xong thì gió, sấm đều yên lặng.

Cũng trong năm Nhâm Tý (1012), người ở châu Vị Long (nay thuộc huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) nổi loạn, Lý Thái Tổ sai quân tướng đi đánh dẹp, bắt được người và hơn 1 vạn con ngựa.

Năm Qúy Sửu (1013), “châu Vị Long làm phản, phụ theo người Man. Vua thân chinh đi đánh, thủ lĩnh Hà Trắc Tuấn sợ đem cả đồ đảng chạy trốn vào núi rừng” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Năm Giáp Dần (1014), người châu Vị Long lại làm phản, dẫn đường cho tướng nước Nam Chiếu (nay thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn quân vào cướp, đóng đồn ở bến Kim Hoa, dàn quân bày thế trận gọi là trại Ngũ Hoa. Được tin cấp báo của châu mục châu Bình Lâm (nay thuộc huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) là Hoàng Ấn Vinh, vua Lý Thái Tổ “sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh, chém được hơn 1 vạn đầu giặc, bắt sống được quân lính và ngựa không kể xiết”.

Năm Ất Mão (1015), các châu Đô Kim (nay thuộc Hàm Yên, Tuyên Quang), Vị Long, Thường Tân (nay cũng thuộc tỉnh Tuyên Quang), Bình Nguyên (nay thuộc huyện Vị Xuyên, Hà Giang) nổi loạn. Vua xuống chiếu sai Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương đi đánh, bắt được thủ lĩnh là Hà Trắc Tuấn đem về kinh chém đầu.

Tháng 12 năm Canh Thân (1020), quân Chiêm quấy phá miền biên giới phía Nam. Vua sai Khai Thiên Vương và tướng Đào Thạc Phụ đem quân đánh vào trại Bố Chính (nay thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), giết chết tướng Chiêm là Bố Linh, quân Chiêm đại bại.

Năm Nhâm Tuất (1022), vùng đất Đại Nguyên Lịch (nay thuộc Cao Bằng) dựa vào thế nhà Tống phá rối vùng biên giới. Lý Thái Tổ sai Dực Thánh Vương đi đánh, quân ta tiến sâu vào trại Như Hồng trên đất Tống, đốt kho tàng rồi rút về. Cuộc hành quân này vừa nhằm ổn định cương vực, vừa có tính chất răn đe nhà Tống.

Năm Giáp Tý (1024), vua Lý Thái Tổ sai Khai Thiên Vương đi đánh châu Phong (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) và Khai Quốc Vương đi đánh châu Đô Kim (chưa rõ ở đâu).

Năm Bính Dần (1026), Khai Thiên Vương được cử đi đánh giặc loạn ở châu Diễn (Nghệ An ngày nay).

Tháng 9 năm Đinh Mão (1027), vua sai Khai Thiên Vương đi đánh châu Thất Nguyên (nay thuộc Thất Khê, Lạng Sơn); Đông Chinh Vương đi đánh châu Văn (nay thuộc Văn Uyên, Lạng Sơn).

Những chính sách đối với vùng biên viễn được thực hiện một cách khéo léo, mềm dẻo nhưng cương quyết mà vua Lý Thái Tổ tiến hành đã có tác dụng rất lớn trong việc giữ gìn an ninh, bảo vệ lãnh thổ nơi biên cương. Nhiều thủ lĩnh, châu mục, tù trưởng đã đảm trách xứng đáng vai trò làm “phên dậu”, quản giữ vùng đất xung yếu nơi biên thùy của Tổ quốc.

Tất cả những thành tựu đó đã được các đời vua sau kế thừa, phát triển và kết qủa thu được thể hiện rõ nét nhất trong cuộc Bắc phạt theo kế “tiên phát chế nhân” cuối năm Ất Mão (1075); các lực lượng dân binh, thân binh của tù trưởng, thủ lĩnh dân tộc thiểu số cùng quân triều đình phối hợp đánh vào cơ sở hậu cần của giặc và sau đó tham gia cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu năm Bính Thìn (1076), đánh bại quân Tống. Điều đó đã cho thấy nhãn quan chiến lược và kế sách sâu rộng của vị vua anh minh - Lý Thái Tổ. 

.Theo Báo Đất Việt

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những điều ít biết về Giản Định Đế  (11/07/2010)
Biểu tượng sức mạnh của vương triều nhà Nguyễn  (07/07/2010)
Chủ soái Bắc Hà Ngô Văn Sở  (30/06/2010)
Súng thần công được sử dụng từ triều vua nào?  (29/06/2010)
Độc đáo văn hóa Tây Sơn  (27/06/2010)
Hàng hải nước Việt xưa   (24/06/2010)
Khoa cử triều Tây Sơn: Một giấc mơ vàng  (18/06/2010)
Dũng tướng Việt được thờ vọng ở Campuchia  (17/06/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn   (15/06/2010)
Võ Huy Tấn-nhà ngoại giao lỗi lạc của vua Quang Trung  (13/06/2010)
Hiện vật thời Tây Sơn ở Hà Nội  (09/06/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn  (08/06/2010)
Nhà thơ Quách Tấn và bài Văn tế Vua Quang Trung  (06/06/2010)
Vua Quang Trung với bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội  (03/06/2010)
Festival Huế 2010: Nơi hội tụ của các nền văn hóa   (01/06/2010)