Khám phá làng nhà mồ cổ ở Tây Nguyên
9:49', 20/7/ 2010 (GMT+7)

Làng B’Yang ở huyện Krông Chro (Gia Lai) được xem là làng nhà mồ độc đáo nhất Tây Nguyên, với những dấu ấn văn hóa độc đáo của người Ba Na. Khác với rừng ma của người Giẻ Triêng, nhà mồ và tượng nhà mồ của người Ba Na lại rất gần gũi với buôn làng vì đồng bào tin rằng có một thế giới người chết tồn tại song hành với cuộc sống dương gian.

Những bức tượng song hành ở hai thế giới

Làng B’Yang chỉ cách thị trấn Kông Chro 4km nhưng có sức đề kháng mãnh liệt trong cơn lốc đô thị hóa nên còn lưu giữ được khá nhiều nét văn hóa của người Ba Na, đặc biệt là tục táng nhà mồ. Bên dòng sông Ba yên ả (người dân vẫn quen gọi là sông Đắk Krông), mái nhà rông của người Ba Na vút lên trời, sừng sững như một lưỡi rìu khổng lồ. Người dân trong làng cư trú trong hơn 100 nóc nhà sàn theo mô hình làng tròn vây quanh nhà rông thanh bình. Đến B’Yang lại thấy tiếc cho những ngôi làng tròn bị phá vỡ cấu trúc truyền thống và xếp lại thành làng phố kéo dài san sát trong các dự án tái định cư của các công trình thủy điện Tây Nguyên.

Một ngôi mộ còn giữ được nét văn hoá độc đáo của người Ba Na.

Ông Đinh Keo, Trưởng ban Dân vận huyện Kông Chro dẫn chúng tôi tới một gốc mít cổ thụ của làng, vây quanh gốc mít này là hàng chục tượng nhà mồ mới được đẽo thành hình hài, chưa sơn màu nhưng đã rất có hồn và sống động. Trong những pho tượng được người làng dựng quay mặt ra ngoài, có cả tượng khỉ bồng con, bà già ôm mặt rầu rĩ, chim công, chim cú và cả tượng chó, mèo. Làng B’Yang có rất nhiều người có khả năng tạc tượng nhà mồ. Không kể giàu, nghèo, theo phong tục của người Ba Na, đẽo tượng đi theo người chết là điều bắt buộc phải làm, thể hiện lòng hiếu đễ, tình cảm tiếc thương của người sống đối với người đã khuất. Tượng đi theo người chết thường được tạc đẽo theo ý thích, nghề nghiệp của người đó khi còn sống và nhất định phải theo cặp âm dương, con vật cũng phải có cuộc sống lứa đôi. Người Ba Na quan niệm, tượng được tạo ra là để theo hầu người chết, nhất thiết phải đi theo cặp. Kể cả người chết là người suốt đời độc thân thì khi chết cũng phải có cặp tượng đi theo.

Tâm điểm làng nhà mổ

Theo chân anh Đinh êu, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kông Chro, chúng tôi vượt sông Đắk Krông tìm đến nghĩa địa của làng B’Yang. Nhìn từ xa, nghĩa địa trông như một làng Ba Na thu nhỏ, những nóc nhà mồ có hình mái nhà rông được trang trí bằng những cây klao (một dạng cây nêu nhà mồ) sặc sỡ vút lên cao giữa rừng xanh. Mái nhà mồ của người Ba Na lại có cơ cấu phát triển theo chiều cao, đa số các trường hợp làm bằng tre đan có trang trí họa tiết hoa văn hình học với hai mặt phẳng chính. Mỗi loại hoa văn lại có cách sắp xếp khác nhau. Có thể đó là biểu tượng của mặt trời, mặt trăng và các thiên thể. Người Ba Na quan niệm, cột klao là đường dẫn linh hồn người chết lên trời, họ còn gọi các vật trang trí bên ngoài là mặt kar (mặt trời), mặt khei (mặt trăng). Anh Đinh êu cho biết, nhà mồ chỉ được làm sau lễ bỏ mả, với người giàu, có thể bỏ mả sau mùa lúa mới đầu tiên tính từ ngày chết nhưng với gia đình nghèo có khi phải đợi mấy năm. Tượng nhà mồ dành cho người nghèo cũng chỉ là những con vật gắn liền với cuộc sống nương rẫy.

Người Ba Na tin rằng, người chết cũng cần có củi lửa để sưởi ấm và trong những thứ vật phẩm cúng cơm hàng ngày trên mộ trước lễ bỏ mả nhất thiết phải có củi, lửa và nước. Phía trước những ngôi mộ luôn có một giếng nước tượng trưng với gáo dừa để bên cạnh. Thế giới người chết được công nhận hiện hữu từ ngàn đời như vậy.

Tiếp giáp phía sau những nhà mồ hoành tráng ở mặt tiền nghĩa địa, hàng loạt nhà mồ khác của người nghèo có mái lợp tôn hoặc cỏ tranh bình dân thấp dần và bị phủ kín bởi dây leo. Những bức tượng nhà mồ vẫn có cặp, có đôi nhưng chỉ là những con vật gắn với cuộc sống lao động như trâu, bò, khỉ, chó. Trước sức ép của đô thị hóa khi nhiều giá trị văn hóa dần mất đi, việc người dân làng B’Yang còn lưu giữ được nét bản sắc trên là đáng quý nhưng cũng cần áp dụng cho phù hợp để tránh lãng phí, phô trương.

.Theo kinhtenongthon.com.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kế sách với vùng biên cương của Lý Thái Tổ   (15/07/2010)
Những điều ít biết về Giản Định Đế  (11/07/2010)
Biểu tượng sức mạnh của vương triều nhà Nguyễn  (07/07/2010)
Chủ soái Bắc Hà Ngô Văn Sở  (30/06/2010)
Súng thần công được sử dụng từ triều vua nào?  (29/06/2010)
Độc đáo văn hóa Tây Sơn  (27/06/2010)
Hàng hải nước Việt xưa   (24/06/2010)
Khoa cử triều Tây Sơn: Một giấc mơ vàng  (18/06/2010)
Dũng tướng Việt được thờ vọng ở Campuchia  (17/06/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn   (15/06/2010)
Võ Huy Tấn-nhà ngoại giao lỗi lạc của vua Quang Trung  (13/06/2010)
Hiện vật thời Tây Sơn ở Hà Nội  (09/06/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn  (08/06/2010)
Nhà thơ Quách Tấn và bài Văn tế Vua Quang Trung  (06/06/2010)
Vua Quang Trung với bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội  (03/06/2010)