Hơn 5 thế kỷ trôi qua kể từ khi vùng đất Vijaya được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt (1471), võ nhân Bình Định xuất hiện “như sao trên trời” và đã làm rạng danh các làng võ cội nguồn bằng tấm lòng son sắt và chân tài thực học.
|
Song phượng kiếm
|
Tuyệt kỹ Tây Sơn tam kiệt
Những anh hùng hào kiệt đi qua thế gian này, kẻ thoáng chốc, người lâu dài nhưng tiếng thơm còn mãi lan truyền và tàng ẩn trùng trùng huyền thoại. Không chỉ giới học võ mà người Bình Định nói chung đều thích khám phá về võ và huyền thoại của những anh hùng hào kiệt danh tiếng lẫy lừng từ hàng trăm năm trước. Huyền thoại làng võ vì thế trở thành niềm tự hào của cả một miền đất từ bao đời nay.
Võ sư Nguyễn Đông Hải từ thuở nhỏ đã vào chùa tu học Phật pháp và võ thuật. Ngôi chùa Long Phước ở Tuy Phước (Bình Định) với hơn 200 năm lịch sử là nơi mà võ sư Hải gắn bó cuộc đời của mình lâu dài nhất. Cũng vì duyên số cuộc đời nên sau khi đã trở thành một cao thủ trong làng võ, vị võ sư này đã hoàn tục sống thanh nhàn với nghề thuốc nam ở Phù Cát (Bình Định). Tôi tìm gặp võ sư Hải khi được một đệ tử của ông - võ sư Trần Duy Linh (đang là HLV võ cổ truyền thuộc Sở VH-TT-DL Bình Định) “bật mí” là ông đang nắm giữ bí kíp võ thuật hết sức vi diệu.
Có lẽ trải qua nhiều bước ngoặt cuộc đời nên dẫu đã yên bề gia thất ở tuổi 44, nét mặt võ sư Hải thoáng trông ẩn chứa nhiều vẻ trầm tư. Sự hiện diện của võ sư Trần Duy Linh đã giúp tôi có cuộc trò chuyện về Tây Sơn bí kíp mà đến nay tài liệu này ít người biết đến.
Võ sư Hải mào đầu bằng một lời giải thích: “Tây Sơn bí kíp là cách gọi sau này, chứ đúng ra là Tây Sơn danh tướng bí kíp mộ hồn thao, viết về nghiệp võ của 20 danh tướng của nhà Tây Sơn, trong đó có ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Người ghi chép tài liệu này sau khi phong trào Tây Sơn tan rã là võ sư Nguyễn Trung Như, hiệu Hư Linh Ẩn, tự Thông Cát, thuộc đời thứ 8 hệ phái Long Hổ Không Hồng. Bí kíp vốn là gia truyền, khó chia sẻ, nhưng có lẽ sống cùng thời và quý mến tâm thức thao lược của nhau, dùng cái tình hữu hảo nên Nguyễn Trung Như mới tinh tường những tuyệt kỹ võ học của các bậc anh hùng”.
Tây Sơn tam kiệt văn võ song toàn, tuy mỗi người có một sở trường võ học khác nhau nhưng đều đạt đến độ thượng thừa trong việc phô diễn quyền thuật và sử dụng binh khí. Độc thần kiếm của Thái Đức - Nguyễn Nhạc chỉ cần lách qua lách lại là lớp lớp kẻ thù rơi đầu. Ô long đao của Quang Trung - Nguyễn Huệ uy vũ tựa cuồng phong bão tố và được tôn sùng là “tướng nhà trời”. Nhưng sở trường miên quyền của Đông Định Vương Nguyễn Lữ được xem là bí hiểm nhất vì chỉ cần đánh nhẹ thì đối thủ có thể mất mạng ngay lập tức.
Lúc đấu một mất một còn, võ Tây Sơn ngày xưa có cả chiêu điểm huyệt như trong phim kiếm hiệp của Tàu. Võ sư Hải khẳng định điều này là có cơ sở, nhưng người biết vận dụng chiêu thức này không nhiều lắm và tương truyền chỉ có Nguyễn Lữ mới tinh thông. Theo võ sư Hải, nhìn thấy Nguyễn Lữ đánh quyền thì ai cũng khiếp sợ. Ông đánh vào các huyệt đạo và nhơn thần (điểm khí huyết gặp nhau tính giờ theo 12 con giáp). Đánh trúng vào các tử huyệt sẽ làm đứt mạch khí huyết lưu thông dẫn đến tử vong trong nháy mắt. Hùng kê quyền mà Nguyễn Lữ sáng tạo chiêu thức từ thế gà chọi cũng đã lưu danh hậu thế, được Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam chọn vào 10 bài võ tiêu biểu trong hệ thống thi đấu chính thức của quốc gia.
Lương duyên từ sàn đấu
Từ một đội quân nông dân, dưới tài thao lược của anh em nhà Tây Sơn đã trở thành một lực lượng tinh nhuệ gánh vác và hoàn thành sứ mệnh thống nhất sơn hà. Trong số các danh tướng lẫy lừng quy phục và dốc tài thao lược cho triều Tây Sơn, Đô đốc Trần Quang Diệu và Đô đốc Bùi Thị Xuân được nhắc đến với nhiều giai thoại.
Trần Quang Diệu được dị nhân võ nghệ Diệp Đình Tòng ở núi Kim Sơn (nay thuộc huyện Hoài Ân, Bình Định) thu nhận làm đệ tử chân truyền. Gọi là dị nhân vì người này thường sống với một con hổ bên cạnh. Sau 5 năm trì chí luyện công, Trần Quang Diệu được ân sư tặng thanh Huỳnh long bảo đao và ông bắt đầu xuống núi khởi nghiệp anh hùng. Một hôm Trần Quang Diệu hạ sơn xuống Kiên Mỹ tìm gặp Nguyễn Nhạc, trên đường đi đã tay không giáp đấu với một con hổ to lớn từ sáng đến trưa. Bùi Thị Xuân cùng các đệ tử đi săn tình cờ đến ngay lúc Trần Quang Diệu đang lâm nguy. Thấy người sắp bị hổ vồ, Bùi Thị Xuân với biệt tài song kiếm đã liên thủ cùng Trần Quang Diệu hạ hổ dữ.
Tương truyền, Bùi Thị Xuân từng lập sàn đấu võ để kén chọn bạn đời. Ngày qua tháng lại cũng không có ai trong vùng vượt qua được tài nghệ của người phụ nữ sau này trở thành danh tướng Tây Sơn, cho đến khi gặp được Trần Quang Diệu. Mối lương duyên giữa hai người nảy nở và họ trở thành tri kỷ vợ chồng từ những lần “thử chiêu” trên sàn đấu võ. Tây Sơn bí kíp nhắc đến tài dụng đao pháp của Đô đốc Trần Quang Diệu, còn Đô đốc Bùi Thị Xuân xuất thần với kiếm pháp điêu luyện.
Bài Song phượng kiếm do Đô đốc Bùi Thị Xuân tự nghiên cứu chiêu thức mà thành trong thời gian bà huấn luyện đội tượng binh ở Tây Sơn thượng đạo. Theo lưu truyền, bà nhớ đôi chim phượng trong mộng mang cho gươm báu. Cảm phục ân tình ấy, bà sáng tạo nên bài pháp này, đem truyền cho 5 người con gái theo bà đánh giặc, và sau đó được vua Tây Sơn phong tặng là Ngũ Phụng Thư.
Bài võ ngàn năm
Giai thoại kể rằng Lý Công Uẩn lên ngôi giữa lúc thế lực phản loạn nổi lên khắp nơi nên nhà vua phải nhiều phen thân chinh dẹp loạn. Nhận thấy địa thế núi rừng thâm u tịch mịch, trận đồ thường được bố trí lúc trời chạng vạng rất khó cho binh lính sử dụng những loại binh khí thông thường, Lý Công Uẩn đã sáng tạo ra bài pháp U linh thương để tập luyện cho binh sĩ: Sa La thành tẩu mã/Hô lục tướng/Thúc Sa La thành thất phược binh/Đằng đằng khí trận/Loạn mã tung thương/Khốc lược truy hình/Phong linh ảnh địa (nghĩa: Thành Sa La ngựa phi nhốn nháo/Phất cờ hiệu, sáu mặt dồn binh/Thành Sa La vây làm bảy bận/Khí trận truyền khiếp nhược tình quân/Người - ngựa, dày nhau cơn bão giáo/Tìm đường thoát nạn, địch theo chân/Ngã tối, chiêng khua bày đất trận).
Theo võ sư Trần Duy Linh, bài võ ngàn năm này của vị vua đầu tiên nhà Lý, người khởi sự dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) vào năm 1010, do Tổ Hư Minh (sáng lập hệ phái Long Hổ Không Hồng vào thời Hậu Lê) biên soạn trong cuốn Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp (tạm dịch: Sao lục binh thư võ thuật của các vị tướng qua nhiều đời vua khác nhau) và được truyền qua trí nhớ của các đời đệ tử. Hệ phái Long Hổ Không Hồng đã trải qua 13 đời, và truyền nhân hiện nay sống mai danh ẩn tích.
Một điều lạ là bài U linh thương lại phổ biến ở miền đất võ Bình Định mà một trong số ít người thị phạm thành công nhất là võ sư Trần Duy Linh. Danh tính truyền nhân U linh thương đời thứ 13 vẫn còn bí mật, song có người liên tưởng rất có thể là võ sư Nguyễn Đông Hải, bởi ông chính là người cố vấn chuyên môn bài võ ngàn năm nói trên cho võ sư Trần Duy Linh.
.Theo TNO |