Thời gian gần đây, dư luận tại TP Vinh (Nghệ An) nhắc đến khá nhiều giả thuyết thi hài vua Quang Trung được chôn trong một chiếc hang sâu trong núi Quyết. Theo tìm hiểu của PV báo ĐS &PL, câu chuyện bỗng nhiên được bàn tán nhiều do có những thông tin đồn về hai người được vua báo mộng?! Tuy nhiên, gạt những chuyện đồn đại thiếu căn cứ sang một bên, theo một số nhà khoa học, giả thuyết mộ vua Quang Trung ở Nghệ An không phải không có cơ sở.
|
Tượng vua Quang Trung
|
Giả thuyết mới
Sinh ra ở Bình Định nhưng tổ tiên của vua Quang Trung vốn là người xứ Nghệ. Khi thống nhất giang sơn, vị vua này đã ra chiếu chỉ xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô làm kinh đô đất Việt nhưng việc chưa thành thì vua đã băng hà. (Hiện nay còn gọi là khu vực Lâm viên núi Quyết, nơi có ngọn núi Quyết nổi tiếng, thuộc địa phận phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An. Hiện nay trên khu vực núi Quyết có đền thờ và bia tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung - PV).
Theo nhiều tài liệu lịch sử để lại thì sau khi diệt được nhà Tây Sơn, Nguyễn ánh đã sai san phẳng khu lăng mộ của các vị vua Tây Sơn, trong đó có mộ vua Quang Trung. Sai quân lính đốt thi hài nhồi vào thuốc súng bắn xuống sông, riêng thủ cấp thì đựng trong một cái vò rồi “nhốt” vào ngục tối. Thế nhưng, cũng có một số giả thuyết cho rằng, Nguyễn ánh không tìm được mộ thật và thi hài thật của Hoàng đế Quang Trung.
Ông Nguyễn Đình Siêu, một nhà nghiên cứu lịch sử ở Nghệ An cho biết: Năm 2003, nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật ở T.P Hồ Chí Minh cùng với một người nữa là ông Nguyễn Thiện Đức đã vào Nghệ An tìm gặp ông. Trong lần gặp gỡ đó, ông Truật đã nói rằng: "Hoàng đế Quang Trung mất ở Phú Xuân năm 1792 là sự thật nhưng mộ của ngài bị Gia Long đào bới là mộ giả, cái đầu lâu bị Gia Long đưa về xiềng trong tù cũng là giả. Thi hài của Hoàng đế Quang Trung đã được Vua Cảnh Thịnh và các thân nhân, cận thần bí mật đưa đi an táng nơi khác, có thể là khu vực Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An”.
Sau đó, ông Siêu đã đưa ông Truật và ông Đức lên núi Quyết khảo sát, nghiên cứu thực địa vùng Phượng Hoàng Trung Đô. Mọi người đã phát hiện ra miệng cái hang ở chân núi Mũi Rồng, thuộc chi đầu rồng (long thủ) trong dãy núi Quyết. Trong lòng ai cũng bị kích thích, tò mò nhưng cuối cùng không ai dám vào vì không có phương tiện bảo hiểm đảm bảo an toàn. Rồi cả ba trở lại khu tưởng niệm vua Quang Trung. Mấy phút sau, bỗng dưng ông Truật nói: "Rất có thể mộ Ngài đã được ẩn táng bí mật ở một vị trí đâu đây trong khu vực Phượng Hoàng Trung Đô”.
Mới đây, ngày 12/10/2009 ông Hồ Đức Long, một nhà ngoại cảm đã về núi Quyết thăm Đền thờ Hoàng Đế, lúc đến nhà bia tưởng niệm (nguyên là nền điện Thái Hoà, nơi cho việc thiết triều của Hoàng Đế ở Phượng Hoàng Trung Đô), nhà ngoại cảm này cho rằng: "Vua đang nằm giữa một cung điện dưới độ sâu 17, 2m. Xung quanh có 3 mộ tái hiện bằng sắc phong chứng chỉ và kiếm của Vua được đi theo có tên?. Điều này đến nay vẫn chưa ai có thể kiểm chứng được đúng sai”.
Về giả thuyết này, TS Hồ Bá Quỳnh cho rằng: “Trước khi mất vua Quang Trung còn nhắc đến mối quốc thù với Gia Định (chỉ Nguyễn ánh) chứng tỏ vua Quang Trung luôn nghĩ đến vận mệnh dân tộc”. Theo TS Quỳnh, khi biết Nguyễn ánh đang tập trung lực lượng chuẩn bị tiến quân ra Phú Xuân, vua Quang Trung không quên căn dặn những người thân cận giữ tuyệt mật nơi yên nghỉ của mình để tránh sau này bị Nguyễn ánh quật phá. Do đó, ta có thể suy luận, thi hài Vua có thể được chôn một nơi bí mật nào đó, mà chỉ có chăng là mấy anh em con của Vua là thái tử Quang Toản, Quang Thuỳ, Quang Thiệu mới biết mà thôi.
Cứ liệu ban đầu
Giả thuyết thi hài vua Quang Trung được bí mật đưa về xứ Nghệ theo đường biển đã có nhiều nhà nghiên cứu đặt ra. Núi Quyết thuộc quần thể Phượng Hoàng Trung Đô, trong lịch sử dựng nước và giữ nước là vị trí yết hầu trên con đường thiên lý xuyên Việt, trở thành một căn cứ quân sự trọng yếu. Từ đây, con người có thể vào Nam, ra Bắc, lên ngàn xuống biển một cách dễ dàng. Trong 200 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh, xứ Nghệ là chiến trường nóng bỏng liên tiếp diễn ra cảnh nồi da nấu thịt và Nguyễn Huệ đã nhìn thấy rõ được thế chiến lược của vùng đất này.
Ngày 3/9 năm Thái Đức thứ 11 (1/10/1788), vua Quang Trung đã hạ chiếu: "Kinh đô Phú Xuân thì hình thế trắc trở, nay trị Bắc Hà sự thế rất khó khăn. Theo định thần nghĩ rằng: chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, Quả cung đã từng xem địa đồ. Thấy ở huyện Châu Lộc, xã Yên Trường, hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng. Có thể chọn để xây dựng kinh đô mới, thực sự là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy”.
Sau đó, việc xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô đã được Nguyễn Huệ Quang Trung giao cho Trấn Thủ Thận và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đảm nhận. Theo tư liệu trong các thư tịch còn giữ được thì vua Quang Trung đã làm việc ở Phượng Hoàng Trung Đô ít nhất là 2 lần. Lần thứ nhất, vào tháng 5/1791, vua Quang Trung từ đây kéo quân lên vùng thượng du Nghệ An, đánh lực lượng phản động đang có âm mưu cấu kết với Lê Duy Chỉ chống lại triều Tây Sơn. Lần thứ hai là vào dịp tháng 1/1792 trên đường đánh giặc từ thượng du Nghệ An về, vua đã dừng chân tại đây.
Rất tiếc, Vua Quang Trung đã qua đời đột ngột vào ngày 29/7/1792 khi chưa kịp dời đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng Trung Đô. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi rằng: Trước khi mất, vua Quang Trung vẫn nhớ đến đất tổ Nghệ An, nhớ đến Phượng Hoàng Trung Đô nên đã trăng trối với Trần Quang Diệu và các tín thần rằng: "Ta mở mang cương giới, khai thác đất đai bao gồm cả cõi nam, nay bị bệnh ắt không dậy được. Thái tử tư chất khá cao, nhưng tuổi còn bé, ngoài thì có giặc Gia Định là quốc thù, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc tuổi già ham dật lạc cầu an, không lo hậu hoạ. Sau khi ta mất rồi, trong một tháng phải lo chôn cất sơ sài cho xong việc mà thôi. Bọn ngươi phải phò Thái tử sớm dời đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Nếu không, khi quân Gia Định ra đến, bọn người không có chỗ chôn đấy”.
Hiện nay thi hài của vua Quang Trung vẫn còn yên nghỉ sâu dưới lòng đất ở một nơi bí mật mà chưa ai làm sáng tỏ được. Câu hỏi đó vẫn như thách đố với các nhà nghiên cứu trong suốt thời gian qua. Đã có nhiều nhà sử học, các đoàn khảo sát qua các thời kỳ đi sâu tìm hiểu và đã có nhiều giả thuyết, nghi vấn, suy đoán. Trước đây là tại Lăng Ba Vành ở làng Cư Chánh hay ấp 5, xã Thuỷ Phương và nay là Núi Quyết, Phượng Hoàng Trung Đô - Vinh. Những suy đoán ấy vẫn đang còn tiếp tục được nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học. Trong số 3 đề tài gần đây, một nhóm chỉ đang tập trung khảo sát vị trí trí thượng nguồn sông Hương, mà chưa chỉ ra được vị trí cụ thể của lăng mộ Quang Trung. Công trình thứ hai của ông Trần Viết Điền khẳng định Lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung, vẫn chưa có nhiều chứng cứ đủ sức nặng để có thể khẳng định. Và công trình của ông Nguyễn Đắc Xuân khẳng định: Khu vực quanh Chùa Thiền Lâm có lăng mộ Vua Quang Trung cũng cần được bổ sung thêm nhiều cứ liệu. Nói tóm lại, cả 3 đề tài này đều chưa có cơ sở tin cậy và thuyết phục để khẳng định một trong 3 nơi trên là lăng mộ Vua Quang Trung. Các giá trị tư liệu vẫn chưa có cơ sở và chưa thuyết phục để kết luận đó là nơi đã từng tồn tại lăng mộ Quang Trung.
Từ những tư liệu lịch sử có được, nhà sử học Trần Minh Siêu luận giải: Là người đặc biệt được thiên phú tài trí vẹn toàn, thông minh, quyết đoán như thần thì không bao giờ những bí mật trong cung đình có thể lọt ra ngoài. Nơi an giấc ngàn thu của Hoàng Đế chỉ có Thái tử Quang Toản và Thân huân trung thần mới có thể biết được. Tuy nhiên, chúng ta có thể suy đoán: biết đâu lời trăng trối của Hoàng đế Quang Trung sớm dời đô về Vinh để lo việc lớn về sau là có ý Ngài đã chọn Phượng Hoàng Trung Đô làm nơi an nghỉ đời đời cho mình?
Khi lăng mộ có thi hài của Quang Trung vẫn còn là một ẩn số, một số nghi vấn mộ của Vua Quang Trung ở Phượng Hoàng Trung Đô cũng cần được lưu tâm và cần sớm được làm sáng tỏ.
CẦN SỰ VÀO CUỘC CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC
Trao đổi với PV báo ĐS &PL, ông Trương Xuân Đạt - Chánh văn phòng Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Nghệ An cho rằng: "Giả thiết mộ và thi hài của Hoàng đế Quang Trung ở khu vực Phượng Hoàng Trung Đô là có cơ sở. Nhưng để xác minh tính chân thực thì rất cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà khoa học. Những luận cứ mang tính thực tiễn cao của họ sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý về mặt nhà nước tiến hành những kháo sát và đi đến kết luận"
ông Đạt cũng cho rằngÖ: "Những phát hiện và lý luận của cơ quan truyền thông đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng có tác động thúc đẩy quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học. Nên chăng báo chí cũng cần tích cự đồng hành với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này". |
.Theo ĐS&PL |