Mặc dù thời gian tồn tại ngắn ngủi (1400 - 1407) nhưng nhà Hồ đã tiến hành nhiều cuộc cải cách kinh tế, trong đó có cải cách tiền tệ, đánh một dấu ấn quan trọng trong lịch sử tiền tệ Việt Nam.
Lần đầu tiên phát hành tiền giấy
Nhà Hồ lên ngôi trong hoàn cảnh đất nước khá đặc biệt: Nhà Trần suy yếu, đất nước kiệt quệ, bên ngoài thì nhà Minh dòm ngó tìm cách xâm lăng nước ta. Trước hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly, một viên quan có tư tưởng tiến bộ tìm mọi cách phục hưng đất nước.
Trưởng thành từ một quan đại thần với quan hệ thân tộc con rể vua Trần Minh Tông, sau nhiều năm củng cố lực lượng, Hồ Quý Ly truất ngôi vua Trần tự lập làm vua, mở đầu triều đại nhà Hồ trong lịch sử.
Trước đó, năm 1394 ông đã được Thái thượng hoàng nhà Trần bật đèn xanh: "Sau khi Trẫm chết, quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua" (Đại Việt sử ký toàn thư tập II, tr 187).
Cùng với việc cải cách quân sự, những cuộc cải cách kinh tế được tiến hành, việc đầu tiên là phát hành tiền giấy. Năm 1396: "Mùa hạ tháng 4, bắt đầu phát tiền giấy Thông Bảo hội sao.
In xong ra lệnh cho người đến đổi, cứ một quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy. Thể thức tiền giấy: tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất tài sản bị tịch thu. Cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ. Kẻ nào vi phạm cũng bị trị tội như làm tiền giả".
Đây là lần đầu tiên tiền giấy xuất hiện ở Việt Nam. Đồng tiền phát hành có hai yếu tố mới. Tiền không ghi niên hiệu vua. Đây là một phép thử ngoại lệ trong tiền tệ Việt Nam khai tử niên hiệu của triều đại Trần, chuẩn bị cho một triều đại mới.
Chất liệu tiền là giấy chưa hề có trong tiền lệ lịch sử chế tác tiền Việt Nam. Tiền giấy sẽ góp phần giúp cho nhà Hồ thu về số lượng đồng lớn dùng để đúc vũ khí, đặc biệt là súng thần công, một loại binh khí mới được ra đời trong thời gian này. Chính vì thế, tiền giấy được nhà Hồ phát huy hiệu quả triệt để thời gian khi cầm quyền.
Lịch sử của tiền giấy
Tiền giấy có nguồn gốc từ tờ giấy Khoán thời Đường, do tiền đồng nặng khi sử dụng số lượng lớn không thuận tiện nên sáng tạo ra tờ Khoán dùng "để nhận tiền thực, đổi tiền giấy, nhận tiền giấy đổi tiền thực" có giá trị như tiền cho dễ mang đi trao đổi. "Thời Tống gọi là giao hội, đời Kim mới gọi là sao".
Đời Tống, bộ lạc Nữ Chân vì ít đồng nên theo tờ Giao hội làm ra tiền giấy. Nhà Trần giai đoạn cuối cũng sử dụng tờ Hội giao thay tiền và Hồ Quý Ly đã phát triển từ Hội giao thành tiền giấy vừa tiết kiệm đồng vừa thuận lợi trong giao thương.
Cho đến nay, chúng ta chưa tìm được đồng tiền giấy nào cho nên chưa rõ kích thước, chất lượng giấy, kỹ thuật in ấn, cách thể hiện hình vẽ mà chỉ biết được qua ghi chép trong lịch sử.
Nhưng những hiện vật thời Trần tìm được qua các cuộc khai quật khảo cổ học như hình rồng, thủy ba (sóng nước), tản vân (vân mây) khắc tạc trên các bệ đá thời Trần đã phần nào cho biết sự phức tạp của các họa tiết trang trí trên đồng tiền này. Tiền giấy cũng cho thấy, nghề sản xuất giấy có sự phát triển đặc biệt với kỹ thuật cao sản xuất ra loại giấy để in tiền.
.Theo Lê Đình Phụng/Bee.net.vn |