Thêm một tài liệu về chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ
18:34', 13/9/ 2010 (GMT+7)

Trong đợt điền dã tìm tài liệu do Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân tổ chức để xây dựng hồ sơ khoa học của di tích đền thờ Tăng Bạt Hồ, ông Tăng Doãn Kích, một hậu duệ của dòng họ Tăng hiện sinh sống tại làng An Thường 2, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân đã cung cấp thêm một tài liệu giúp hiểu rõ hơn về thân thế nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ.

Theo tộc họ Tăng truyền lại, dòng dõi họ Tăng vốn có nguồn gốc từ phía Bắc vào lập nghiệp tại làng Mỹ Thành, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (nay là thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, Bình Định), đến đời ông nội của cụ Tăng Bạt Hổ thì chuyển qua làng An Thường (nay là An Thường 2, Ân Thạnh, Hoài Ân) sinh sống và lập nên chi nhánh họ Tăng ở An Thường.

Trang tài liệu chữ Hán phân chia tài sản cho cụ Tăng Doãn Văn.

Cụ Tăng Bạt Hổ tên thật là Tăng Doãn Văn, tự là Sư Triệu, hiệu là Điền Bát. Ông sinh vào năm 1858 tại Xóm Cửu, làng An Thường, tổng Vạn Đức, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (nay là thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định). Tăng Bạt Hổ lập căn cứ ở Kim Sơn (Hoài Ân) tham gia phòng trào Cần Vương chống Pháp. Năm 1887, phong trào Cần Vương ở Bình Định thất bại, ông ra nước ngoài hoạt động nuôi chí phục thù báo quốc. Năm 1904, ông về nước tham gia vào Duy Tân hội, năm 1905, cùng với Phan Bội Châu xây dựng và phát triển phong trào Đông du. Năm 1906, ông lâm bệnh và mất. Gia đình và đồng chí đã an táng ông tại Huế.

Năm 1995, Sở VHTT (nay là Sở VH-TT&DL) Bình Định, Viện KHXH TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học về cuộc đời thân thế và sự nghiệp Tăng Bạt Hổ. Các nhà khoa học đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về cuộc đời thân thế và sự nghiệp của Tăng Bạt Hổ và  khẳng định, Tăng Bạt Hổ là người yêu nước kiên cường bất khuất. Năm 2001, đền thờ Tăng Bạt Hổ được xây dựng tại  Gò Điếm, xóm Cửi, An Thường, Ân Thạnh, Hoài Ân - vùng đất gắn với thời niên thiếu của ông.

Ông Tăng Doãn Kích cho biết: “Hiện nay họ Tăng ở đây còn giữ một bản phân thư chữ Hán lập năm Tự Đức thứ 33 (1880), theo đó anh em  họ Tăng đồng chia tài sản của ông bà cha mẹ để lại. Phân thư viết chữ Hán mực màu đen, trên giấy dó, gồm 8 tờ khổ 18 cm x 24 cm, mỗi trang có đóng dấu giáp lai mực màu đen. Theo nội dung bức phân thư do nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn dịch nghĩa, thì việc phân chia diễn ra vào năm Canh Thìn (1880), những người được hưởng tài sản gồm 5 ông: Tăng Doãn Khắc, Tăng Doãn Hài, Tăng Doãn Gia, Tăng Doãn Điền và Tăng Doãn Văn (tức Tăng Bạt Hổ). Trong đó, phần phân chia cho ông Tăng Doãn Văn có 9 loại tài sản gồm: Khoảnh ruộng 2 sào 10 thước thuộc xứ Phú Câu, 1 cái nồi bảy bằng đồng, 1 cái bát sơn thủy bịt bạc, 1 thau rửa mặt, 1 mâm đồng thau, 1 ống nhổ, 1 cái đĩa lá liễu, 1 cái lư đồng đựng lửa, 1 cái giá sách.

Theo bản phân thư, ngoài 5 anh em trai, Tăng Bạt Hổ còn có một chị gái và cũng không nói rõ tên cha mẹ của Tăng Doãn Văn, ông nội không rõ tên, chỉ ghi là quan Đội trưởng. Và theo tài sản được thuận chia thì gia đình họ Tăng thuộc loại khá giả trong vùng. Đây là một tài liệu văn bản có giá trị, chắc chắn sẽ góp phần làm sáng rõ hơn thân thế Tăng Bạt Hổ- một nhà chí sĩ yêu nước Bình Định.

  • Võ Chí Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thăng Long giai thoại: Vết đạn đại bác ở Bắc Môn  (13/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Bí ẩn động Thông Thiền  (10/09/2010)
Thăng Long thời nhà Lý (1009 - 1225)  (07/09/2010)
Tiền giấy: Cuộc cải cách tiền tệ vô tiền khoáng hậu  (03/09/2010)
Vì sao Bác Hồ đặt tên Quảng trường Ba Đình?  (03/09/2010)
Danh tướng Phạm Tu  (30/08/2010)
Gốc tích họ Hồ của vua Quang Trung   (24/08/2010)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi: Một nhân cách lớn  (23/08/2010)
Giả thuyết mới về mộ của vua Quang Trung  (22/08/2010)
Nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm   (19/08/2010)
Những đồng tiền thời Trần  (15/08/2010)
Tìm thấy một tài liệu quý thời Tây Sơn  (09/08/2010)
Đi tìm mộ thân mẫu Vua Đinh Tiên Hoàng  (04/08/2010)
Tây Sơn bí kíp  (01/08/2010)
Thái Bình hưng bảo: Đồng tiền đầu tiên của Việt Nam  (28/07/2010)