Thăng Long giai thoại: Từ “hỏa đài” tới Bưu điện Hà Nội
10:51', 17/9/ 2010 (GMT+7)

Hơn một trăm năm trước, những con tem, bức điện báo đầu tiên gửi đi từ Bưu điện Hà Nội không dành cho người Việt. Và khi người Việt đầu tiên kiện vụ "xâm phạm bí mật thư tín", tòa án cũng không đứng về phía nguyên đơn... Bưu điện Hà Nội được thực dân Pháp thành lập từ năm 1884, ngay sau khi triều Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng, chấp nhận chế độ bảo hộ. Vị trí của Bưu điện Hà Nội là nền chùa Báo Ân cũ. Bốn dãy nhà hai tầng được dựng lên, phía bắc tiếp giáp với phố Lê Thạch, mặt chính là phố Đinh Tiên Hoàng, phía nam là phố Đinh Lễ, còn phần hậu của bưu điện là Bắc Bộ phủ. Công trình có kiến trúc đơn giản, cầu thang gỗ, phía trên lợp ngói ardoise màu đen.Trước khi thực dân Pháp đưa điện tín, điện báo và thư từ vào Việt Nam để phục vụ cho việc cai trị của họ thì các triều đại phong kiến trước đó đã sử dụng cờ, đèn, kèn, trống, ngựa, thuyền, chim câu… để làm phương tiện truyền thông tin. Hình ảnh người cầm cờ tín hiệu trên mũi thuyền cong khắc trên trống đồng có thể là dấu hiệu của việc truyền tin bằng cờ hiệu. Quanh thành Cổ Loa vẫn còn di tích các "hỏa đài", đây cũng là những di chỉ thể hiện cách thông tin thời xưa. Theo truyền thuyết, trên đỉnh núi Bài Thơ (tên cũ gọi là "núi Truyền đăng" hay "núi Rọi đèn" ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có phiến đá lớn dùng làm chỗ đốt lửa báo hiệu khi có biến ở biên thùy. Với cách này, các đồn binh thấy lửa cháy trên núi sẽ chuyển tiếp thông tin về triều đình để vua, quan kịp thời ứng phó.

 

Bưu điện Hà Nội xưa nhìn từ vườn hoa Paul Bert - Ảnh tư liệu

 

Thế kỷ 17, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh vẫn sử dụng cách đốt lửa. Nguyễn Hữu Dật, một tướng giỏi nhà Nguyễn, cũng xin lập "lạp đài" ở các cửa biển Quảng Bình để báo tin cho nhanh. Nhiều triều đại phong kiến còn lập trạm trên tuyến đường bộ, đường thủy làm nơi chuyển tiếp chiếu chỉ, lệnh dụ… tới khắp nơi. Trạm sử dụng ngựa, thuyền và các phương tiện khác để đảm bảo những yêu cầu về thời gian và an toàn trong suốt hành trình của phu trạm. Người của trạm, từ đội, lính hay phu vận trang phục như lính chiến triều đình. Ngựa được tuyển chọn kỹ càng và luôn sẵn sàng lên đường; khi phu trạm trước đến là người, ngựa phi ngay đến trạm tiếp theo. Thời kỳ đầu triều Nguyễn, tên trạm được xác định bằng cách ghép tên tỉnh với tên thôn nơi đặt trạm. Dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1841), trên địa bàn Hà Nội có hai trạm: Hà Trung ở thôn Yên Trung, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi thành Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương (nay là phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm); Hà Mai, nằm ngay trên đường Trương Định ngày nay. Khi thực dân Pháp xây dựng hệ thống bưu điện, các trạm bị hủy bỏ.

Con tem đắt hơn 1 cân gạo

Trong năm 1884, người Pháp chỉ mới lập ra Bưu cục Hà Nội cùng với các bưu cục Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn Tây và Ninh Bình để phục vụ thông tin liên lạc cho bộ máy cai trị. Hoạt động của bưu cục chủ yếu là nghiệp vụ bưu chính, chuyển thư từ và công văn. Trước đó năm 1883, Toàn quyền Đông Dương đã cho phát hành con tem đầu tiên ở Việt Nam; tem có hình chim phượng hoàng, biểu tượng của Hoàng đế Napoléon đệ tam.  Việc sử dụng tem khi ấy rất hạn hẹp, chỉ trong công sở, giới quan chức và số ít người giàu có. Cước rất cao, một con tem trong nước là 4 xu, giá một tiếng điện báo là 6 xu, trong khi một cân gạo giá 3 xu. Năm 1886, thực dân Pháp cho phát hành con tem đầu tiên dùng cho Nam kỳ và đến năm 1889 thì phát hành tem dùng chung cho ba nước Đông Dương. Cuối năm 1884, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương còn cho xây đường dây hữu tuyến Hà Nội - Sài Gòn dài gần 4.000 km và hoàn thành vào năm 1888. Cũng trong thời kỳ này, họ xây dựng đường dây Hà Nội - Hải Phòng. Năm 1888, thông tin điện báo được thiết lập giữa Hà Nội với Sài Gòn, Vinh, Huế và Đà Nẵng. Năm 1889, Bưu điện Hà Nội có đầy đủ các hình thức hoạt động: bưu chính, điện báo, điện thoại.

Làm việc trong các bộ phận của Bưu điện Hà Nội chủ yếu là người Pháp hoặc người ở các nước thuộc địa do họ tuyển. Nhân viên người Việt hầu hết là người vào "làng Tây", cai hoặc lính đã giải ngũ. Tất cả những người Việt làm trong ngành phải tuyên thệ trước tòa sơ thẩm. Lời tuyên thệ của mỗi người được ghi vào biên bản tòa án và lưu trong hồ sơ cá nhân. Nội dung như sau: "Tuyệt đối giữ bí mật những điều đọc được ở bức điện công hay tư, một công văn hay một bức thư. Nghe được cuộc điện thoại không nói cho ai biết dù là đồng nghiệp. Nếu vi phạm bí mật sẽ bị phạt tù". Lương của nhân viên người Việt chỉ bằng một phần mười, thậm chí một phần hai mươi so với nhân viên người Pháp. Thời kỳ đầu, bưu tá của Bưu điện Hà Nội sử dụng xe người kéo đi phát thư. Bưu điện đã chọn những người kéo xe tay trẻ khỏe vì nhiều khi gia đình nhận thư xa trung tâm. Họ được trả công tùy theo độ dài của quãng đường. Những năm 1920, khi xe đạp được nhập vào Việt Nam thì mỗi bưu tá được giao một chiếc xe có gióng ngang làm chỗ để treo xà cột bằng da.

Năm 1917, Bưu điện Hà Nội bắt đầu tổ chức bưu chính nông thôn. Tuy nhiên, đối tượng nhận vẫn chỉ là cấp chính quyền xã hay huyện. Năm 1922, người Pháp tiến hành xây dựng đài phát vô tuyến tại Ngã Tư Vọng (nay là khu tập thể 128C phố Đại La) và tại số 4 Phạm Ngũ Lão (nay là Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia) để liên lạc với Paris. Ngoài ra, đài này còn thông báo giá vàng, tỷ giá giữa đồng franc và đồng bạc Đông Dương. Năm 1930, một người Việt Nam tên là Trần Văn Sáng đã kiện Bưu điện Hà Nội, lý do là khi nhận được thư của người thân từ Sài Gòn gửi ra, anh này thấy thư bị bóc đã cương quyết không ký vào sổ của viên bưu tá. Vụ kiện không mang lại phần thắng cho anh vì tòa án đứng về phía bưu điện.

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954 đã buộc Chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Genève với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rút toàn bộ quân khỏi Đông Dương. Ngay sau khi tiếp quản thủ đô vào sáng 10.10.1954, công việc bàn giao Bưu điện Hà Nội được tiến hành theo thỏa thuận trước đó. Mặc dù đã thống nhất phải để lại nguyên trạng Bưu điện Hà Nội, nhưng một số thiết bị tại đây đã bị phá hủy, một số khác bị người Pháp mang đi và trên thực tế chỉ còn một tổng đài điện thoại 1.500 số với gần 600 thuê bao.

.Theo TNO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thăng Long giai thoại: Chùa Báo Ân  (15/09/2010)
Thêm một tài liệu về chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ   (13/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Vết đạn đại bác ở Bắc Môn  (13/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Bí ẩn động Thông Thiền  (10/09/2010)
Thăng Long thời nhà Lý (1009 - 1225)  (07/09/2010)
Tiền giấy: Cuộc cải cách tiền tệ vô tiền khoáng hậu  (03/09/2010)
Danh tướng Phạm Tu  (30/08/2010)
Gốc tích họ Hồ của vua Quang Trung   (24/08/2010)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi: Một nhân cách lớn  (23/08/2010)
Giả thuyết mới về mộ của vua Quang Trung  (22/08/2010)
Nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm   (19/08/2010)
Những đồng tiền thời Trần  (15/08/2010)
Tìm thấy một tài liệu quý thời Tây Sơn  (09/08/2010)
Đi tìm mộ thân mẫu Vua Đinh Tiên Hoàng  (04/08/2010)
Tây Sơn bí kíp  (01/08/2010)