Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn (1788 - 1802)
10:6', 20/9/ 2010 (GMT+7)

Cuối thế kỷ 19, chính quyền vua Lê - chúa Trịnh ở Ðàng Ngoài đã suy yếu. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ lãnh đạo đã giành thắng lợi ở Ðàng Trong. Sau đó, Nguyễn Huệ chỉ huy quân đội tiến ra Thăng Long, tiêu diệt chính quyền chúa Trịnh (năm 1786).

 

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

 

Vị vua cuối cùng của triều Lê Trung hưng là Lê Chiêu Thống vội cầu cứu nhà Thanh giúp đỡ. Cuối năm 1788, Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị theo lệnh vua Càn Long đem 29 vạn quân từ các hướng Lưỡng Quảng, Vân Nam và Quý Châu kéo vào xâm lược nước ta. Trước tình thế đó, ngày 25  tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 22-12-1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân (Huế) rồi xuất quân ra Bắc, lập nên kỳ tích đánh tan quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Sửu (năm 1789). Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (1788 - 1802), và còn phải xử lý mâu thuẫn trong nội bộ Tây Sơn, đối phó với Nguyễn Ánh cùng các thế lực hỗ trợ từ nước ngoài, nhưng triều Tây Sơn dưới thời Quang Trung đã có các đóng góp đáng kể đối với Bắc Thành (tên của Thăng Long thời bấy giờ).

Về chính trị - xã hội: Với việc nội chính, thời Tây Sơn, Bắc Thành chia làm 7 trấn. Nhà vua cho ban tín bài gọi là Thiên hạ đại tín, trong đó ghi họ tên, quê quán và có điểm chỉ của người mang thẻ. Tất cả dân đinh không phân biệt tầng lớp đều phải xuất trình thẻ bài mỗi khi có yêu cầu kiểm tra. Ðó là một bước tiến mới trong việc quản lý nhân khẩu của Ðại Việt. Và tuy triều Lê đã sụp đổ, nhưng tàn dư vẫn tiếp tục hoạt động ở phía bắc, khiến cho Quang Trung phải cử người đánh dẹp. Ở phía nam, thế lực do Nguyễn Phúc Ánh lãnh đạo đang mạnh dần lên và chiếm ưu thế. Bị bao vây từ các hướng khác nhau, quân đội Tây Sơn nhiều phen gian nan, vất vả. Ðể tập trung giải quyết mâu thuẫn trong nước, vua Quang Trung chọn cách giữ hòa khí với phương Bắc, chịu lễ phong An Nam quốc vương, Thăng Long - Bắc Thành được chọn làm nơi tiếp kiến sứ thần.

Về kinh tế: Vào cuối thời Lê- Trịnh, Thăng Long có phần hoang tàn, tiêu điều. Sau khi lên ngôi, vua Quang Trung đã chú ý chăm lo phục hồi, cố gắng làm cho Thăng Long - Bắc Thành trở lại là một trung tâm kinh tế ở phía bắc đất nước. Ngay khi lên ngôi, nhà vua đã tiến hành đúc tiền đồng để tiêu dùng trong cả nước, nhằm thống nhất thị trường tiền tệ, giúp ích cho nền kinh tế. Tiền đồng lấy nguyên liệu từ quá trình thu gom các loại đồ đồng rải rác khắp nơi, và là một cách tiết kiệm nguồn tài nguyên. Không chỉ quan tâm đến kinh tế nông nghiệp; ông còn thực hiện một số chính sách để phát triển công - thương nghiệp. Hoạt động buôn bán với người Hoa tiếp tục được duy trì, bên cạnh đó, còn tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân từ các quốc gia khác đến giới thiệu hàng hóa, thiết lập quan hệ ngoại thương.

Về văn hóa - giáo dục: Văn Miếu - biểu tượng của nền Nho học nước ta bị tàn phá nặng nề vào giai đoạn Lê - Trịnh được khôi phục trở lại. Triều đình lệnh cho quân sĩ đắp thêm tường thành. Ðối với Phật giáo, Nhà nước có sự chấn chỉnh nhất định, cho bắt tất cả những kẻ "trốn việc quan đi ở chùa" phải hoàn tục, trở về quê quán làm ăn; khuyến khích tăng sĩ chuyên tâm tu học đảm nhận việc trụ trì các ngôi chùa. Triều Tây Sơn đã để lại hai kiệt tác kiến trúc còn tồn tại cho đến ngày nay là chùa Kim Liên (Nghi Tàm) và chùa Tây Phương (Thạch Thất) cùng nhiều pho tượng độc đáo, tiêu biểu là tượng Tuyết Sơn và tượng chư tổ ở chùa Tây Phương. Ðối với đạo Kitô, nhà vua bãi bỏ chế độ cấm đạo của các triều vua trước. Trên lĩnh vực giáo dục, vua Quang Trung xuống chiếu, khuyến khích các địa phương mở trường dạy học, nhằm phát triển nền giáo dục, lại cho lập Viện Sùng Chính để dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, đưa chữ Nôm lên trở thành văn tự chính thức của quốc gia.

Vua Quang Trung lên ngôi được bốn năm thì mất. Nhưng trong bốn năm ấy, không những ông đã lãnh đạo nhân dân ta lập nên nhiều võ công hiển hách, đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ được bờ cõi, mà còn tiến hành một số biện pháp nhằm chấn hưng kinh tế - văn hóa của đất nước nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Hình ảnh vua Quang Trung mặc tấm áo bào nhuốm mầu thuốc súng, cưỡi voi vào Thăng Long - Hà Nội vào một ngày đầu xuân năm Kỷ Sửu sẽ còn sống mãi trong lòng nhân dân ta.

.Theo ND

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đột phá mới trong quy hoạch, tôn tạo di tích  (18/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Từ “hỏa đài” tới Bưu điện Hà Nội  (17/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Chùa Báo Ân  (15/09/2010)
Thêm một tài liệu về chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ   (13/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Vết đạn đại bác ở Bắc Môn  (13/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Bí ẩn động Thông Thiền  (10/09/2010)
Thăng Long thời nhà Lý (1009 - 1225)  (07/09/2010)
Tiền giấy: Cuộc cải cách tiền tệ vô tiền khoáng hậu  (03/09/2010)
Danh tướng Phạm Tu  (30/08/2010)
Gốc tích họ Hồ của vua Quang Trung   (24/08/2010)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi: Một nhân cách lớn  (23/08/2010)
Giả thuyết mới về mộ của vua Quang Trung  (22/08/2010)
Nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm   (19/08/2010)
Những đồng tiền thời Trần  (15/08/2010)
Tìm thấy một tài liệu quý thời Tây Sơn  (09/08/2010)