Khen ai khéo họa dư đồ Trước sông Nhị Thủy sau hồ Hoàn Gươm”
Thăng Long qua các triều Lý, Trần, Lê có rất nhiều hồ như: Thanh Giám, Thái Cực, Tú Uyên, Kim Âu, Chu Tước, Huy Văn... Nhưng lớn nhất là hồ Lục Thủy (tức hồ Gươm ngày nay).
|
Hồ Gươm nhìn từ tháp Hòa Phong - Ảnh: T.L
|
Lục Thủy là dấu tích của đầm bị cát bồi lấp kéo dài xuống tận phố Hàng Chuối hiện nay. Phía bắc Lục Thủy tiếp giáp với hồ Thái Cực bị ngăn bởi thôn Minh Hương (nay là phố Cầu Gỗ). Phía tây ăn tới tận Nhà thờ Lớn hiện nay. Khi chúa Trịnh cho xây phủ chúa và lầu Ngũ Long thì Lục Thủy bị ngăn làm hai, phía bắc gọi là Tả Vọng, còn phía dưới gọi là Hữu Vọng. Con đường đi từ phủ Chúa sang lầu Ngũ Long là phố Hàng Khay hiện nay.
Nguyễn Văn Siêu đã từng bật lên cảm xúc trước vẻ đẹp của hồ Gươm:
Nhất trản trung phù địa
Trường lưu đảo tải thiên
Ngư châu xuân tống khách
Hồi trạo túc hoa thiên
Dịch nghĩa:
Một chén giữa lòng đất nổi
Nước dài chở lật trời
Thuyền câu ngày xuân đưa khách
Quay chèo về ngủ bên hoa
Không gian thơ mộng lãng mạn của hồ Gươm làm cho Trịnh Giang, vốn là vị chúa thích ăn chơi, đã cho xây Tả Vọng đình trên Gò Rùa làm nơi hóng mát về mùa hè. Khi triều Nguyễn lên nắm quyền thì Tả Vọng đình đã đổ nát. Theo truyền thuyết, Gò Rùa là đất "vạn đại công khanh", nhà nào để được hài cốt vào đó thì con cháu muôn đời làm quan. Chính vì thế, ông Nguyễn Hữu Kim (thường gọi là Bá Kim, 1832 - 1901), khi đó là hào mục của thôn Cựu Lâu (nay là khu vực phố Hàng Khay, Hai Bà Trưng và đầu phố Bà Triệu) đã "lo lót" Kinh lược sứ và cả viên quan Pháp chỉ huy đội quân đóng ở Đồn Thủy để xây tháp làm "hậu chẩm" cho chùa Báo Ân. Tháp Rùa được xây vào khoảng năm 1877.
Dân gian truyền rằng, khi bắt đầu xây móng, ông Bá Kim chờ đêm khuya mới cho người nhà mang hài cốt của cha mẹ đựng trong quách chôn giữa gò. Nhưng hôm sau thì chỉ còn quách mà không còn cốt. Dù không còn cốt song việc xây tháp không thể dừng nên ông Bá Kim buộc phải xây tiếp. Khi Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn trước lúc quân Pháp chiếm thành Hà Nội ngày 25.4.1883 thì chính ông Bá Kim cùng với những người yêu nước đã lén lấy xác Hoàng Diệu mang đi chôn gần miếu Trung Liệt (sau gò Đống Đa hiện nay), rồi sau đó lại di ra Dinh Đốc học (Nhà máy xe đạp Thống Nhất sau này). Tháp Rùa có 3 tầng và không phải là công trình kiến trúc đặc sắc nhưng làm cho hồ Gươm đỡ trống trải và bớt đơn điệu. Sau khi Pháp chiếm Hà Nội năm 1883, Công sứ Bắc Kỳ là Bonnal đã cho quy hoạch lại khu vực hồ Gươm. Hồ bị lấp bớt và diện tích hồ chỉ còn lại 12 ha như hiện nay.
Năm 1952, chính quyền thành phố tổ chức hội chợ bắt đầu từ Thủy Tạ kéo đến nhà Khai Trí Tiến Đức giới thiệu và bán nhiều loại hàng hóa. Người ta còn bắc cả cầu phao ra tháp Rùa để khách có thể ra chơi và chụp ảnh lưu niệm. Năm 1992, sau 115 năm tồn tại, tháp Rùa được UBND TP Hà Nội cho trùng tu. |
Năm 1883, con đường quanh hồ chưa hình thành nên để bớt nguy hiểm, phóng viên của tờ Le Temps và hãng thông tấn Havas ở bên này hồ trong một ngôi chùa nhỏ, còn phóng viên của Le Figaro ở bờ bên kia; để thăm nhau họ đi thuyền qua hồ. Cũng trong năm 1883, Cao ủy Harman khai trương đua thuyền trên hồ Gươm bằng chiếc thuyền độc mộc có mái che với 10 người chèo. Khách sạn Grand Hotel (nay là khu vực siêu thị Intimex) - khách sạn sang trọng đầu tiên ở Hà Nội, được khánh thành vào năm 1886 với 50 phòng ngủ và bàn billard, đã mua 2 chiếc ca nô để chở khách ngắm cảnh trên hồ khi hoàng hôn buông xuống. Hồ Gươm thời kỳ này còn có hoạt động đua thuyền gỗ và thuyền thúng dành cho người Việt. Điểm xuất phát là đền Ngọc Sơn, sau đó đua một vòng quanh hồ. Vì hồ đẹp nên thu hút rất nhiều người Hà Nội đến đây hóng gió, ăn kem và nhiều chuyện không hay diễn ra nên thi sĩ Tản Đà có câu:
Bờ Hồ những gió cùng trăng
Những trăng cùng gió lăng nhăng sự đời
Vào những năm 1930, các cô gái thất tình hay ra hồ Gươm tự vẫn. Trước những chuyện tình éo le, năm 1938, một nhà văn đã dựa theo phóng sự trên báo viết về chuyện tình của cô Phượng với kết cục bằng cái chết ở hồ Hoàn Kiếm để viết thành vở Mồ cô Phượng. Vở kịch này thu hút khá đông khán giả bình dân.
Khoảng năm 1951, mật thám Pháp bắt được một người treo cờ đỏ sao vàng trên đỉnh tháp Rùa, chính quyền đem ra xử, luật sư Vũ Văn Hiền nhận bào chữa giúp không lấy tiền công. Luật sư Hiền học luật ở Pháp, ông là một trong mấy chục trí thức lớn cùng thời với Hoàng Xuân Hãn, bác sĩ Trần Văn Lai, Phạm Khắc Quảng, luật sư Nguyễn Mạnh Hà... ở Hà Nội trong nhiều năm liền, mỗi tháng bí mật góp 500 đồng Đông Dương, thuốc kháng sinh và các báo xuất bản ở Pháp để chính phủ kháng chiến biết tình hình thế giới. Khi người treo cờ bị tòa kết án tù chung thân, ông Hiền cãi: “Cờ đỏ sao vàng được Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua, Quốc hội là do dân bầu, mặt khác cho đến năm 1951 vẫn chưa có quyết định nào xóa bỏ cờ đỏ sao vàng nên việc treo cờ là không sai. Thưa quý tòa, cờ ba sọc được coi là cờ quốc gia nhưng nó không được Quốc hội nào thông qua, sao lại bảo treo cờ đỏ sao vàng là có tội ?” Tòa bí nhưng vẫn cố: “Treo cờ đỏ sao vàng khiến dân chúng tập trung quanh hồ Gươm gây mất an ninh trật tự nên tòa phạt”. Luật sư Hiền lại cãi: “Dân chúng đâu có mất trật tự, họ đứng quanh hồ Gươm vỗ tay mừng lá cờ được Quốc hội thông qua lâu lắm mới xuất hiện lại chứ đâu có làm gì mà tòa bảo làm mất an ninh trật tự?”. Trước những lý lẽ đầy thuyết phục nói trên, tòa đành phải tha bổng người treo cờ.
.Theo TNO |