Qua miền Trung, nhớ hai vị anh hùng
11:0', 30/9/ 2010 (GMT+7)

Dãy đất miền Trung đậm dấu ấn của nhiều vị anh hùng dân tộc vĩ đại, xuất chúng. Những trang sử hào hùng gắn với truyền thống cứu nước và giữ nước của cha ông như được sống lại, đồng hành cùng thời đại.

Sống lại hào khí Tây Sơn

Trong hành trình băng qua dải đất hẹp miền Trung từ Bình Định đến Nghệ An, trời rất đẹp, nắng vàng và biển xanh như phô bày vẻ tráng lệ, đầy cuốn hút. Khác với mường tượng của chúng tôi về miền đất võ, TP Quy Nhơn vô cùng diễm lệ bên bờ biển dạt dào sóng biển, phố xá thoáng đạt, sung túc bên những hàng cây cổ thụ…

Di tích giếng nước của gia đình thân sinh Tây Sơn Tam kiệt.

Cầu Thị Nại ven biển dài nhất Việt Nam được xem là một hình ảnh mới của thành phố biển trong quá trình phát triển và hội nhập. Tượng đài vua Quang Trung oai vệ không chỉ là điểm nhấn của trung tâm thành phố mà còn là niềm tự hào, biểu tượng đầy kiêu hãnh của người dân đất võ.

Đất võ Bình Định có địa hình khá đa dạng với đồng bằng trù phú xen với núi đồi nằm về phía Đông dãy Trường Sơn. Miền đất này gắn liền với lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn, với người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ (1771-1789). Từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn phát triển thành phong trào rộng lớn, đánh đổ các thế lực phong kiến đang thống trị, đánh tan quân xâm lược Xiêm, đặc biệt là cuộc chống quân xâm lược Mãn Thanh. Anh Êm- Báo Bình Định- giới thiệu về người anh hùng áo vải với sự trân trọng và cảm phục trên đường đưa chúng tôi thăm Bảo tàng Quang Trung tại huyện Tây Sơn.

Bảo tàng Quang Trung tọa lạc trên một vùng đất rộng lớn, được đầu tư khá quy mô về cơ sở hạ tầng cũng như kho tư liệu quý về triều đại Tây Sơn. Điện Tây Sơn được xây dựng ngay trên nền nhà cũ của 3 anh em nhà Tây Sơn xưa. Trước điện, có cây me, giếng nước cổ là những chứng tích ít ỏi còn lại của gia đình Tây Sơn. Đứng bên thành giếng, có thể nhìn thấy nước giếng rất trong. Anh Êm đưa gàu múc nước mời chúng tôi. Nước giếng mát lành làm dịu cơn khát của khách đường dài. Về thăm Bảo tàng Quang Trung, được đứng trên mảnh đất, ngôi nhà đã từng sinh ra, nuôi dưỡng 3 anh em Tây Sơn trưởng thành, tận mắt ngắm nhìn những di vật, chiến tích hào hùng, lừng lẫy của phong trào nông dân Việt Nam khởi nghĩa vào thế kỷ XVIII, vào điện thờ đốt nén hương thơm tưởng nhớ công tích to lớn, kiệt xuất của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ… như được sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất giữ gìn quê hương đất nước qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công hiển hách, lừng lẫy của Quang Trung– Nguyễn Huệ. Nhà Tây Sơn đã lập nên chiến công hiển hách là khôi phục, thống nhất đất nước, xóa bỏ việc chia cắt đất nước của 2 vương quốc Trịnh- Nguyễn đối địch. Trong cuốn Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng có viết: “Trận chiến lúc bấy giờ giống như cái thế Tam quốc bên Tàu: Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô. Ở Việt Nam, nhà Tây Sơn đã đánh Chúa Nguyễn, diệt Chúa Trịnh, thống nhất đất nước”.

Vua Quang Trung hành quân tốc chiến tốc  thắng, biến hóa như thần, hiệu lệnh nghiêm minh, kỷ luật sắt thép. Từ khi làm tướng, giữa lúc nước nhà ly loạn khắp nơi, đến khi ông mất, xông pha trăm trận bách chiến bách thắng, chưa hề chiến bại: “Thần võ duy dương long quốc tặc, uy danh bách thắng độc minh công”. Vương triều Tây Sơn dù chỉ  tồn tại khoảng 30 năm, nhưng đã làm nên những sự kiện lịch sử vang dội, làm rạng danh non sông đất nước.

Chúng tôi rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh của bác Thành (người dân địa phương) dắt cô cháu gái xinh xắn để  “ông cháu ta thăm ông Quang Trung”.Bác nói: “Cháu ở xa tận Sài Gòn phải biết quê nội có ông Quang Trung, sau này lớn lên dù có ở đâu cháu cũng nhớ về quê hương ông nội, cháu nhé!”.

Ra Huế, chúng tôi cũng đã có dịp đến thăm tượng đài Quang Trung vừa được khánh thành- công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long– Hà Nội. Tại đây, chúng tôi như được sống lại hào khí Tây Sơn thần tốc Tết Kỷ Dậu năm nào (tháng 1.1789). Quân Tây Sơn do Vua Quang Trung chỉ huy tiến ra Thăng Long, tổ chức chiến dịch Ngọc Hồi - Đống Đa, tiêu diệt 29 vạn quân Thanh. “Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân. Vì vậy trẫm nghĩ phải tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi đi xe cỏ, để mở mang núi rừng, giúp đỡ hoàng đại huynh, rong ruổi việc nhung mã, cốt ý quét sạch loạn lạc, cứu vớt dân trong vòng nước lửa” (trích “Chiếu lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung”).

Về Dương Nỗ bâng khuâng nhớ Bác

Có cảm giác như chúng tôi đang được đi giữa 2 bờ lịch sử, bởi những dấu ấn lịch sử khá đậm nét của 2 vị anh hùng dân tộc đất nước là: Vua Quang Trung và Bác Hồ, trên dải đất miền Trung này. Theo“Bình Định- Đất võ trời văn” của Tiến sĩ Đinh Văn Liên, vào tháng5.1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm là Tri huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, Bình Định). Ông là một vị quan nổi tiếng thanh liêm và thương dân. Trước khi đến Trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận) dạy học và rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã vào Bình Định thăm cha, ở nhà cụ Phạm Ngọc Thọ (thân sinh cố bác sĩ Phạm  Ngọc Thạch) và đã có một khoảng thời gian ở lại quê hương của vị vua áo vải Quang Trung– Nguyễn Huệ. Bình Định đã để lại trong tâm khảm Nguyễn Tất Thành những ấn tượng sâu đậm về một vùng non thanh thủy tú, về những người dân quê hương “áo vải cờ đào” nhân hậu, bất khuất. Những người dân Bình Định vẫn luôn tự hào vì hạt gạo, củ khoai đất này đã từng góp phần chăm chút cưu mang cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc những ngày lưu lại Bình Định và cùng người thanh niên Nguyễn Tất Thành trăn trở tìm đường cứu nước.

Nhưng trên đất Huế, Bác Hồ đã có 2 lần đến đây sinh sống. Đó là thời kỳ tư năm 1895- 1901, khi Người ở tuổi nhi đồng mang tên Nguyễn Sinh Cung (5-11 tuổi). Và thời kỳ thứ 2 từ năm 1906-1909, khi Người đã ở tuổi thanh niên, mang tên Nguyễn Tất Thành (16- 19 tuổi). Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh”. Chúng tôi đến làng Dương Nỗ để hiểu thêm về thời niên thiếu và tuổi thanh niên của Bác. Huế cùng với tình thương và nỗi gian truân của gia đình, với tình nghĩa đồng bào, bà con, lối xóm,… đã góp phần tích cực vào việc hình thành tính cách, tư tưởng, sự nghiệp của một anh hùng dân tộc - một danh nhân văn hóa- Hồ Chí Minh.

Ngôi nhà gia đình Bác Hồ tá túc trong thời gian ở Huế nép mình lặng lẽ giữa làng Dương Nỗ yên bình cổ kính, nay là Di tích lịch sử văn hóa nhà lưu niệm Dương Nỗ đơn sơ với mái tranh, vách nứa chan hòa cùng thiên nhiên. Những vật dụng trong nhà: cái bếp kiềng 3 chân, cái gạc-măng-giê, lu đựng gạo,… nhắc nhớ một không gian gia đình đầm ấm, hạnh phúc và nề nếp. Ở Huế, gia đình Bác trải qua nhiều biến cố thăng trầm. Giữa tháng 2.1901 (22 tháng Chạp năm Canh Tý), bà Hoàng Thị Loan qua đời trong gian nhà Thành nội, sau khi sanh người con thứ 4 là Nguyễn Sinh Nhuận (hay còn gọi làNguyễn Sinh Xin) vài tháng. Mộ của bà được đặt tại triền phía Tây núi Bân (núi Tam Tầng). Đến năm 1922, cô Nguyễn Thị Thanh (chị ruột Bác Hồ) trong thời gian bị quản thúc tại Huế đã cải táng mô mẹ đem về quê nhà.

Trước khi rời Huế, chúng tôi dừng chân trước Trường Quốc học Huế- nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ, trông coi việc học hành ở Trường Quốc Tử Giám, với hàm Hàn lâm kiểm thảo tòng thất phẩm. Trường Quốc học Huế cũng là nơi Bác từng học vào năm 1908- 1909, ngày nay là một di tích của Huế, như một hình ảnh sống động nhất về tinh thần hiếu học

Tạm biệt Huế, chúng tôi mang tâm trạng vừa bồi hồi lưu luyến, vừa nao nao lạ trên hành trình sắp được trở về với làng Sen quê Bác. Như cuộc hành hương mà trong tâm tưởng luôn ngưỡng vọng về 2 vị anh hùng của dân tộc từng ngược xuôi cứu nước và giữ nước. Nếu như con đường tiến vào Nam và ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành trong thế kỷ XX dài đằng đẵng trên 30 năm thì con đường tiến quân ra Bắc của Vua Quang Trung là cuộc tiến quân táo bạo, bất ngờ, thần tốc.

Với tinh thần đó, chúng tôi- những cư dân vùng đất cực Nam sống trong thời đại Hồ Chí Minh đang thực hiện cuộc hành trình trên con đường thiên lý, nóng lòng có mặt tại Thủ đô trước ngày diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long– Hà Nội.

.Theo baovinhlong.com.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngàn năm hào khí Thăng Long   (28/09/2010)
Giả thuyết về lăng Quang Trung ở thành Phượng Hoàng  (24/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Truyền kỳ hồ Gươm  (22/09/2010)
Thăng Long giai thoại : Người phụ nữ 28 năm chỉnh giờ đồng hồ   (21/09/2010)
Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn (1788 - 1802)  (20/09/2010)
Đột phá mới trong quy hoạch, tôn tạo di tích  (18/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Từ “hỏa đài” tới Bưu điện Hà Nội  (17/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Chùa Báo Ân  (15/09/2010)
Thêm một tài liệu về chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ   (13/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Vết đạn đại bác ở Bắc Môn  (13/09/2010)
Thăng Long giai thoại: Bí ẩn động Thông Thiền  (10/09/2010)
Thăng Long thời nhà Lý (1009 - 1225)  (07/09/2010)
Tiền giấy: Cuộc cải cách tiền tệ vô tiền khoáng hậu  (03/09/2010)
Danh tướng Phạm Tu  (30/08/2010)
Gốc tích họ Hồ của vua Quang Trung   (24/08/2010)