Cữ này Côn Đảo đang mùa gió chướng. Cứ như chỉ rặt gió là gió, gió ào ào như chú ngựa hoang. Thi với gió là sóng biển ì ầm. Nhưng nghe kỹ thanh âm của gió và sóng ở đây thì lại thấy thuần khiết tự nhiên, chưa hề bị hoen ố, tạp âm bởi tiếng nhạc thô bạo từ nhà hàng, khiêu vũ lấn át mà ở đất liền ta vẫn thường thấy…
Ra Côn Đảo trên chiếc tàu bay ATR72 từ Sân bay Tân Sơn Nhất, càng gần đến đảo thấy tàu bay càng rùng mạnh, chòng chành; những đám mây chì vùn vụt dưới cánh… Hết gần 60 phút bay, tàu bay chạm đường băng, thở phào nhẹ nhõm. Đặt chân xuống Sân bay Côn Sơn, cơ man là gió, dễ chừng phải gần cấp 5 chứ chẳng chơi… Theo Tư Hùng, anh chàng chạy xe ôm kiêm “hướng dẫn viên du lịch” trên đảo thì, gió chướng ở đảo 6 tháng/năm (từ tháng 6 âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau). Tất nhiên là gió có ngày mạnh ngày yếu và cũng không phải suốt ngày… Người ở đảo quen với tiếng của gió và sóng biển nhưng với người mới tới Côn Đảo như chúng tôi thì những thanh âm đặc trưng mùa ấy lại tạc sâu vào thính giác…
|
Du khách dạo chơi trên con đường ven biển Côn đảo.
|
Theo “hướng đạo” Tư Hùng, chúng tôi đến một số di tích trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo. Quả là “trăm nghe không bằng một thấy”; có tận mắt nhìn những dãy chuồng cọp, chuồng bò, những dụng cụ tra tấn và những lời minh họa của Thuyết minh viên (Bảo tàng Côn Đảo) Bùi Tấn Công, càng thấy rõ hơn sự độc ác trên cả cầm thú của những tên cai ngục, càng kính phục trước ý chí kiên cường, bất khuất của những người tù yêu nước, những người tù cộng sản nơi “địa ngục trần gian” này… Giữa bảng lảng chiều muộn trên đảo, chúng tôi lặng im thành kính trong ào ào của gió, trong rì rầm của sóng như dàn nhạc giao hưởng của trời đất ngợi ca các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây vì độc lập tự do của Tổ quốc…
Không biết có phải trời trở gió hay sao mà đêm đó, gió Côn Đảo bỗng hiền hẳn, chỉ còn miên man pha chút se lạnh. Đêm ở đảo thật tĩnh lặng, thảng hoặc chỉ còn nghe tiếng xe máy chạy về hướng Nghĩa trang Hàng Dương và ngược lại. Người ta đi viếng mộ Bà Sáu (Liệt sĩ Võ Thị Sáu-dân đảo quen gọi Bà Sáu; lại nghe bảo bà linh lắm). Chúng tôi ra đảo đúng vào ngày đầu tháng. Thế là theo những đoàn khách du lịch (và cả dân sở tại) đêm ấy chúng tôi đến viếng nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Nghĩa trang Hàng Dương trải rộng hàng ngàn ngôi mộ và trên mỗi một ngôi mộ được thắp sáng bằng một bóng đèn năng lượng mặt trời. Nhưng do mùa này ít nắng nên các ngọn đèn ấy chỉ mờ mờ tỏ tỏ. Người quản trang đóng điện lưới, cả khu đài tưởng niệm bừng sáng. Khối đá hoa cương tượng đài cao khoảng vài ba chục mét tạc hình vút lên trời đêm. Một không gian linh thiêng mà không lạnh lẽo…
Quả là sức hút của vùng “đất lành” - giờ Côn Đảo đã là miền đất ‘trăm quê’ tụ về đây người của rất nhiều tỉnh, thành cả nước. Từ Cao Bằng, Bắc Cạn, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định đến Kiên Giang, Cà Mau… Trong câu chuyện với những người dân đã gặp trên đảo, mỗi người một giọng quê, nhưng đều luôn cuốn chúng tôi bởi cái hồn nhiên, chân chất thật hoà hợp với cái tự nhiên của không gian, cảnh trí nơi đây. Phải chăng chính điều này tạo nên cảm giác bình yên cho du khách khi lần đầu tới một vùng đất lạ, tôi thầm nghĩ vậy? Chị Nguyễn Thị Ngọc Lý, 48 tuổi, vốn sinh ra và lớn lên ở Quận Ba Đình-Hà Nội. Cơ duyên trong cuộc đời, năm 1998, chị ra đảo cùng chồng là anh Nguyễn Văn Tòng, đồng hương với Bà Sáu (huyện Long Đất-Bà Rịa-Vũng Tàu). Chuyện với chúng tôi mà đôi mắt chị như vừa cười vừa nói: Ở đảo mát trời mát đất thế nào mà cứ sòn sòn ba năm đôi, tôi đẻ một loạt 6 đứa con (thằng đầu nay 29 tuổi, làm công nhân cho Công ty bột ngọt Akinomoto). Gia đình chị sống bằng nghề trồng rau, bông và chăn nuôi; riêng trồng bông (cúc Đà Lạt, lay-dơn…) một mùa kiếm lời trên ba chục triệu. Chị bảo: hằng năm đã thành lệ, cứ chiều Ba mươi Tết cả nhà tôi lại đi viếng mộ Bà Sáu…
Trên đường lên Di tích khổ sai Ma Thiên Lãnh, chúng tôi ghé vào nhà ông Trần Hữu Kỳ, ở Khu dân cư 3. Ông Kỳ đã gần 80 tuổi, quê gốc Điện Bàn -Quảng Nam. Ông đi lính cho chính quyền cũ, ra đảo từ năm 1963 cùng vợ là Cao Thị Tạo, quê Sài Gòn. Ông bà phấn khởi khoe với khách là tháng 11 vừa rồi, gia đình được Bộ đội Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu tặng Nhà Đại đoàn kết, trị giá trên 60 triệu đồng… Tôi giở sổ ghi chép: Côn Đảo hiện có trên 1000 hộ (6402 khẩu); chia làm 10 khu dân cư. Nếu theo chuẩn cũ huyện đảo hầu như không còn hộ nghèo; huyện đang xây dựng chuẩn mới 1 triệu đồng/người/tháng. Dân biển nhưng phần lớn không sống bằng nghề biển mà nguồn thu chính của các hộ là từ dịch vụ; trong đó hai dịch vụ chính là hậu cần nghề cá và dịch vụ du lịch-thương mại. Cảng Bến Đầm được xây dựng đi vào hoạt động năm 2000, trở thành cảng hậu cần nghề cá quan trọng cho cả một vùng ngư trường rộng lớn của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ. So với rất nhiều hòn đảo của nước ta, giữa bốn bề nước biển mặn chát, Côn Đảo được trời phú cho 3 “túi” nước ngọt khổng lồ cùng hệ thống mạch nước ngầm dồi dào. Anh bạn cùng đi ở báo Hà Giang-quê hương của cao nguyên đá-“một miền khát”, ở đó nước ngọt luôn là nỗi ám ảnh của người dân, cứ tặc lưỡi liên tục khi đứng trước những “túi nước” này. Anh bảo, chẳng bù cho quê anh… 3 hồ nước ngọt là An Hải 1,2 và Quang Trung với 10 giếng khoan cấp nguồn cho nhà máy nước của đảo có công suất 5000 m3/ngày đêm, dư dả cho 100% hộ dân và các cơ sở dịch vụ-du lịch.
|
Cầu cảng tàu du lịch.
|
Ý thức được nguồn nước quý giá, ngay từ buổi đầu thành lập,huyện đảo đã ra quy định nhà dân ở cách hồ phải từ 500-1000m; chung quanh hồ được trồng cây xanh giữ nước, ngăn ô nhiễm nguồn nước; huyện đang triển khai kế hoạch xây tường bao quanh hồ… Nghe tụi tôi khen về nhiều thế mạnh của đảo, anh Ba Bình, Chủ tịch UBND Huyện Côn Đảo (vốn quê An Nhơn Tây-Củ Chi,TP Hồ Chí Minh, từng một thời là bộ đội trên đảo) cười mà rằng: Nói dậy chứ đã là ở đảo giữa bốn bề trùng khơi thì bao giờ chẳng khó khăn, thiếu thốn. Anh cho biết: Trên 90% lương thực của đảo do đất liền cung ứng; mùa biển động một bó rau muống có khi lên đến 20 ngàn đồng; 130-150 ngàn đồng/kg gà; giá xây dựng đắt gấp 3 lần đất liền… Với Côn Đảo khó khăn, tựu trung vẫn là ở 4 lĩnh vực chính của đời sống: điện, giao thông,y-tế, giáo dục. Rồi anh diễn giải: Hiện đảo có một nhà máy điện chạy dầu, công suất 3 MGW; trung bình mỗi năm, huyện chi 22 tỷ đồng trợ giá 50% chữ điện cho tất cả các đối tượng trên địa bàn; trợ giá 14 tỷ phí giao thông. Phương tiện ra Côn Đảo hiện có tàu bay ngày hai chuyến và tàu thuỷ (mùa biển lặng) thường 2-3 chuyến/tuần, giá vé 150 ngàn đồng(ghế ngồi) 200ngàn (gường nằm)/người lớn; trẻ em dưới 5 tuổi miễn, trên 5 đến 10 tuổi 1/2 vé. Tàu thuỷ khởi đi từ Vũng Tàu, hành trình hết 12 đến 14 tiếng.
Đảo có một Trung tâm y-tế Quân dân y, 30 giường bệnh với 6 bác sĩ (nhưng chưa có bác sĩ chuyên khoa). Hằng năm có 3-4 đoàn công tác từ đất liền ra trực tiếp khám chữa bệnh cho dân và huấn luyện chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ của đảo. Mấy năm gần đây, Trung tâm “nối mạng” được với bệnh viện lớn trong TP Hồ Chí Minh thực hiện “hội chẩn từ xa” trong điều trị ban đầu, mang lại hiệu quả rõ rệt; đối với những ca cấp cứu khẩn cấp thì chuyển bệnh nhân bằng một chuyến bay trực thăng từ VũngTàu ra với giá 170 triệu đồng/chuyến, trong đó tỉnh hỗ trợ 70%, gia đình bệnh nhân 30%. (Chỉ có điều không phải dân trên đảo ai cũng đủ khả năng tiếp cận để được hưởng lợi từ những dịch vụ đắt đỏ trên). Về cái sự học thì có lẽ ít nơi nào phải đầu tư cao như ở đây. Đảo có một Trường tiểu học Cao Văn Ngọc(459 học sinh);một trường chung (cho cả hai cấp I-II) là Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu (tổng cọng 401 học sinh). Ở điểm trường tiểu học Cỏ Ống (thuộc Trường tiểu học Cao Văn Ngọc) cách xa trung huyện gần 10 km, học sinh thường xuyên không đủ ghép lớp hoặc có thì mỗi lớp có khi chỉ vài em. Chế độ dành cho giáo viên đứng lớp ở đây cao gấp 1,5 đến 2 lần so với điểm trường chính. Từ nhiều năm nay việc duy trì điểm trường Cỏ Ống luôn trong tình trạng khó khăn, phập phù. Năm học này vì không đủ học sinh (chỉ có 4 em mà lại học 4 lớp) nên đành phải đóng cửa, chuyển 4 em về học ở điểm trường chính. Và ngoài việc các em không hề phải đóng một khoản học phí nào, huyện còn hỗ trợ 150 ngàn đồng/tháng tiền xăng xe cho gia đình đưa đến trường… Nhưng trong cái khó của ngành, theo tìm hiểu của chúng tôi, điểm đáng mừng của giáo dục Côn Đảo, là chất lượng; tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THPT đỗ vào đại học, cao đẳng cao. Năm học 2009-2010, có 31/44 em đỗ ĐH-CĐ (đạt 75,4%). Theo anh Nguyễn Văn Tân, chuyên viên Phòng Giáo dục huyện, thì do địa bàn nhỏ, môi trường xã hội còn trong lành nên việc quản lý học tập của các em khá thuận lợi dẫn đến kết quả học tập tốt…
Nói đến Côn Đảo, ta không khỏi nghĩ ngay đến tiềm năng du lịch. Trên cái nền thu hút của một “địa chỉ đỏ” ấy là những cảnh trí thiên nhiên đẹp đến sững sờ những núi cùng non, những bãi tắm nguyên sơ và đặc biệt là những cánh rừng nguyên sinh phủ lên đảo một màu xanh mượt mà. Vào ngày đẹp trời, cả quần đảo rộng lớn này hiện lên như một bức tranh chỉ một gam mầu xanh trộn lẫn từ xanh của trời, xanh của biển,xanh của những cánh rừng khiến du khách ngợp mình trong đó…
Ở Ban quản lý Vườn Quốc gia(VQG) Côn Đảo, tiếp chúng tôi là Kỹ sư, Trưởng phòng Huỳnh Văn Hùng, quê Long An, đã 16 năm ở đảo. Anh cho biết,VQG Côn Đảo được thành lập năm 1984. Đây là một trong những VQG đầu tiên của nước ta bảo vệ cả hai hệ sinh thái rừng và biển với tổng diện tích 19.990 ha rất đa dạng, phong phú về tính sinh học cao quý hiếm, đặc hữu (hơn 1077 loài thực vật; 160 loài động vật và 1493 sinh vật biển). Công tác bảo vệ VQG được thực hiện rất nghiêm ngặt, từng phân khu có những quy định cụ thể. Để góp phần giữ cây xanh,giữ rừng,hằng năm huyện hỗ trợ các đơn vị quân đội trên đảo 1 tỷ đồng để bộ đội dùng ga thay cho chất đốt củi. Riêng ở khu vực trung tâm huyện,hàng chục cây bàng cổ thụ trên trăm năm tuổi toả bóng rợp,đều được đánh số bảo vệ. (Nhớ hồi cơn bão số 5-2009 có một cây ở đường Tôn Đức Thắng bị đổ cản trở giao thông. Huyện điện lên tỉnh, tỉnh gọi ra Bộ, Bộ chỉ đạo chụp ảnh ghi hình lại xong mới được xử lý).
Theo Kỹ sư Hùng thì nhờ làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền kết hợp tuần tra, canh gác chặt chẽ và xử lý nghiêm nên đến nay chưa xảy ra cháy rừng lớn và các hành vi xâm hại nghiêm trọng đến VQG.
|
Bên Di tích lịch sử Cầu Ma Thiên Lãnh, Côn Đảo.
|
Hiện VQG Côn Đảo đã tổ chức 3 loại hình du lịch chính là du lịch nghỉ dưỡng;du lịch thể thao(leo núi,bơi lội…) và du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học… Năm qua đã có 38 ngàn lượt khách du lịch đến Côn Đảo(tăng 55,1% so cùng kỳ) trong đó có 4000 lượt khách quốc tế (tăng 81,82% so cùng kỳ). Được biết, đến nay toàn đảo có 3 khách sạn,10 nhà nghỉ,với tổng cọng 600 giường. Hiện có 3 dự án lớn là khu Resort Đất Dốc, vốn đầu tư hơn 30 triệu USD đang trong thời điểm hoàn thành đưa vào hoạt động; Dự án nâng cấp khu du lịch của Công ty CP du lịch nghỉ dưỡng A, 30 tỷ đồng, đã đưa một phần vào hoạt động và Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bến Đầm đang được triển khai trên diện tích 7200o m2. Ngoài ra còn có 7 dự án ghi nhớ… Đây quả là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Côn Đảo.
Nhưng, trong cái mừng cũng đã thấp thoáng một nỗi lo những mặt trái của phát triển du lịch mà ta đã có nhiều bài học ở không ít địa danh du lịch nổi tiếng nước ta như Đà Lạt, Sa Pa, Phú Quốc… Không biết theo thời gian cái hoang sơ, tự nhiên, thân thiện của môi trường và con người trên Đảo liệu có còn giữ được? Tôi trải nỗi băn khoăn ấy với Chủ tịch huyện, anh bảo: Đúng như vậy! Nhiều năm qua trên đảo chưa hề xảy ra trọng án. Cách vài ba năm trước đêm ngủ nhà không cần khoá. Nhưng khi đà du lịch phát triển thì cũng theo đó là nỗi lo của chính quyền (và cả người dân) khi gần đây những mặt trái tiêu cực như trộm cắp, gây lộn đã bắt đầu xuất hiện. Đây quả là mâu thuẫn trong phát triển. Nhưng có thể nào khác, chúng ta phải chấp nhận một phần trong “cái có thể”… Anh cho biết: Có một bất cập trong công tác quản lý hiện nay đó là còn có sự “phân khúc”: VQG Côn Đảo do tỉnh quản lý; Di tích lịch sử thì Bộ Văn hoá-TT và DL uỷ quyền tỉnh quản lý. Trong 7000 ha diện tích trên đảo lớn, 6000 ha thuộc phạm vi quản lý của VQG, huyện chỉ quản 1000 ha (diện tích bằng phẳng) nên trong việc quản lý-đầu tư không thuận lợi, nảy sinh nhiều vướng mắc… Hiện huyện đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển tổng thể KT-XH của Côn Đảo. Đây là định hướng và cơ sở để Côn Đảo phát triển theo nguyên tắc bền vững; phát triển mà vẫn giữ được cái vốn có, cái hồn cốt của mình …
Ra Côn Đảo với tâm trạng háo hức khám phá, tiếc thời gian lưu lại quá ít. Chiều ấy, trên đường ra sân bay trở về đất liền, nhìn phía gềnh những con sóng bạc đầu đổ bờ liên hồi, bỗng thấy bâng khuâng, chợt nghĩ tới cái cảm giác lưu luyến của cụ Nguyễn khi rời bến Cửa Đại-Hội An trong một lần “xê dịch”: Sóng vỗ chiều nay nghe như có chen những tiếng rì rầu… Chưa xa mà đã thấy nhớ tưởng chừng như có thể quay xe trở lại được!
|