Dặm dài đất Võ trời Văn:
Tây Sơn, hồn dân tộc rền trong tiếng trống
9:54', 30/1/ 2011 (GMT+7)

Đất phát tích của phong trào nông dân Tây Sơn được nhiều người khen có thế đẹp, là đại địa - có đủ bút, nghiên, ấn tín, quân hầu và xa xa là dãy núi với hình thù rồng chầu hổ phục. Nhắc đến Tây Sơn là nhắc ba anh em của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ở xứ sở của những hồi trống trận - không nơi nào trên thế giới có được, vang rền và vọng lại đến trăm năm, những người con xa quê đều hối hả trở về theo tiếng trống mùa xuân. Tôi là một trong số đó!

 

Lão võ sư Phan Thọ.

 

Hầu chuyện một huyền thoại bình dị

Ngôi nhà của võ sư Phan Thọ nằm sâu trong một nhỏ ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, không xa dòng sông Côn hiền lành. Đường đất, lối vào quanh co nhỏ hẹp. Ngôi nhà cấp 4 có phần xưa cũ. Đón tôi là một ông lão ngoại bát thập với vẻ mặt phúc hậu. Võ đường là một mảnh sân nằm khiêm tốn dưới những bóng cây. Cái sân tập đầy những bao cát, roi tre… nhưng ít gợi cho tôi cái gì đó liên quan đến võ thuật. Từ nụ cười hiền của lão võ sư đến không gian đơn sơ của sân tập võ khiến tôi có cảm giác ông như một lão nông bình thường.

Cảnh nhà của võ sư chẳng khác gì những người dân xung quanh. Nghề dạy võ không đủ nuôi sống ông và gia đình. Và dù nổi danh trong giới võ thuật nhưng không chỉ ông mà cả con cháu, từ mái nhà của ông đều toát lên sự khiêm nhường. Ông vui vẻ hồn hậu, ông nghèo nhưng người ta chưa từng nghe ông than vãn một câu. Với ông “võ là nghiệp, là đam mê đeo đuổi suốt đời người” - Mình chọn và được võ thuật chọn, không phải ai cũng được như thế, vậy là nhiều.

Tôi bắt đầu chuyến hành hương về đất phát tích vương triều nông dân - vương triều Tây Sơn bằng cách ghé thăm lão võ sư Phan Thọ. Xứ sở “rồng chầu hổ phục”, đất phát tích của một triều đại hiển hách với một hoàng đế lừng lẫy nhưng không có những công trình đền đài, lăng tẩm nguy nga xa hoa, kể cả là dấu tích nhỏ nhất. Dường như cái chất giản dị, khiêm nhường từ thưở ấy còn in dấu tới giờ.

Tôi biết mình sẽ không viết thêm gì về nghiệp võ, về những ước vọng của lão võ sư. Các đồng nghiệp của tôi đã viết rất nhiều, rất hay, tôi có viết thêm cũng không ngoài những việc ấy, chuyện ấy. Nhưng tôi vẫn muốn ghé thăm ông, như để hiểu thêm về đất và người Tây Sơn, để từ ông rọi một cái nhìn vào lịch sử.

 

Một góc bến Trường Trầu ngày nay.

 

Tết này nữa là lão võ sư bước qua tuổi bát tuần. Nhưng ông vẫn như mọi nông dân khác. Hai ông bà già nhưng cõng trên vai tới vài sào ruộng. Ông cười hiền lành – “tôi muốn ban ngày cùng bà ấy ra đồng làm ruộng, tối về luyện võ trong sân nhà”. Đó là mấy năm trước kia, bây giờ, của ông không còn khỏe nữa. Ngày mùa, học trò ông, mỗi đứa góp một công, cứ lẳng lặng mà làm, tự chia nhau mà làm, tự biết việc mà làm. Ông không phải dạy việc. Mọi chuyện cứ như ấy là tự nhiên nó phải thế. Phần ông, những lúc không luyện võ, ông chăm mấy con gà cho bà.

Nghe tôi hỏi, ông lại cười - “Con tôi, đứa dạy võ ở Bình Dương, đứa ở Quy Nhơn. Thi thoảng chúng nó mới về. Việc trông coi võ đường chủ yếu do tôi và thằng cháu ngoại đảm đương”. Nhà chỉ còn có hai ông bà, nhưng cũng bớt hiu quạnh khi vài học trò ở xa nghe danh thầy nên đến ở. Hôm tôi đến, có mấy võ sinh ở Ninh Bình, Bắc Cạn và Đồng Nai vẫn đang lui cui dọn dẹp nhà cửa.

Có vẻ ông thích kể học trò của mình hơn là về con cháu trong nhà. Tôi thầm nghĩ, thầy như thế, trò như thế, tình nghĩa như cha con như thế, thầy không khoe trò thì mới là chuyện lạ! Nghĩ đến đó bỗng nhiên thấy đầu óc mình bừng lên một chân lý – những bậc thầy võ thuật thường bảo, “học võ là học làm sao để không phải dùng đến võ, học võ là học làm người” là đây chứ còn đâu nữa.

Dạo quanh nhà và lượn cả vào bếp, ngó quanh quất, cảnh nhà lão võ sư thanh bần và ông ngồi ngoài sân như một “lão nông tri điền” đích thực. Đất Tây Sơn là thế, mà người Tây Sơn là thế, cảm giác ấm áp, tin cậy, hồn hậu từ cuộc trò chuyện với lão võ sư Phan Thọ phảng phất quanh tôi nhiều ngày sau đó. Đến bây giờ khi ngồi viết những dòng này không dưng tôi lại thấy mình rưng rưng khi nhớ giọng nói ấm, tiếng cười hiền hiền của ông.

 

Ngồi dưới bóng mát của tổ tiên linh thiêng đã vun trồng, cảm giác yên bình sẽ lan tỏa khắp tâm hồn ta.

 

Tiếng trống trận trên bến Trường Trầu

Trưa tháng Chạp. Triền cát trắng xóa bến sông. Bến nay không còn cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền nữa. Ký ức lôi tôi về với hơn hai trăm năm… Vâng, hơn hai trăm năm trước, cái tên Trường Trầu nghe đơn giản mà rền vang khắp non sông, khi những người tụ nghĩa lẳng lặng nối nhau tìm về đây mỗi ngày một nhiều. Vâng, bến Trường Trầu bên sông Kôn.

Xưa! Bến Trường Trầu là một bến buôn bán trầu lớn bên dòng sông Kôn thuộc ấp Kiên Mỹ, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Nay, từ thị trấn Phú Phong, qua cầu Kiên Mỹ, theo tả ngạn sông Côn đi về phía Đông chừng 300 mét là tới bến Trường Trầu.

Vào thế kỷ 17, 18 cảng thị nước Mặn (Tuy Phước) có tên trong những hải đồ lớn của châu Âu với những chuyến thuyền buôn các nước ra vào tấp nập, đóng vai trò là một trong những thương cảng lớn của xứ Đàng Trong thì bến Trường Trầu giữ vị trí là một điểm trung chuyển hàng hóa giữa Tây Nguyên và đồng bằng ven biển. Sinh hoạt và cuộc giao thương từ bến Trường Trầu chắc chắn đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của ba anh Tây Sơn. Ca dao Bình Định có câu “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”, bến Trường Trầu là một nơi trao – gởi như thế.

Trăm năm trôi qua! Bến Trường Trầu phồn vinh một thửa không còn nữa. Con sông Côn đã bao lần thay dòng đổi hướng. Bến xưa, nay phù sa bồi đắp nhưng địa danh Trường Trầu vẫn còn trong ký ức mỗi người dân bởi hào khí khởi nghiệp chưa bao giờ ngút cạn. Nói như vậy vì từ bến sông nay tôi vẫn còn nghe được tiếng trống trận từ phía Bảo tàng theo gió vẳng sang.

 

Tổ tiên ta vất vả dựng xây non sông, để bóng mát lại con cháu và còn để lại mạch nguồn ngọt ngào. Chung hưởng bóng mát, chung hưởng giếng nước tình đoàn kết của người Việt thêm khắng khít keo sơn. Trong ảnh: Giếng nước thiêng trước điện thờ Tây Sơn tam kiệt.

 

Trống trận Tây Sơn có 12 chiếc tượng trưng chi thập nhị địa chi. Trống trận không hiếm, tự cổ chí kim hầu như quân đội ở bất cứ đâu cũng có trống trận. Nhưng “trống trận Tây Sơn” có điểm đặc biệt là nó chỉ có ba hồi: Xuất quân, xung trận - công thành và ca khúc khải hoàn. Hoàn toàn không có hồi trống thu quân. Người đời sau lý giải rằng, quân Tây Sơn hễ đánh là thắng, có thể ban đầu trống trận Tây Sơn cũng có hồi thu quân, nhưng vì không được dùng nên dần dần đã biến mất. Nói như vậy không phải không có lý vì trong đời cầm quân của mình, thiên tài quân sự Quang Trung - Nguyễn Huệ thật sự “bách chiến bách thắng”. Ngài chưa từng phải lui quân trong bất cứ trận đánh nào.

Nghe tiếng trống có thể cảm nhận được hồn dân tộc, khí phách dân tộc. Niềm tự hào thiêng liêng của tổ tiên mình như dội vào từng lồng ngực người Việt một. Mùa xuân đang đến! Tiếng trống trận rền vang. Hãy lắng nghe hồn dân tộc mình rền vang trong mỗi tiếng trống bạn nhé!

Dưới bóng mát của tiền nhân

Cách bến Trường Trầu không xa là Bảo tàng Quang Trung. Bảo tàng được xây dựng trên nền nhà cũ của ba anh em Tây Sơn. Bất cứ ai khi về đây thắp một nén nhang tưởng nhớ đến những người anh hùng dân tộc đều muốn ngồi dưới gốc me già ba trăm năm tuổi có dư. Ngồi dưới bóng mát mà tổ tiên linh thiêng đã vun trồng, cảm giác yên bình sẽ lan tỏa khắp tâm hồn ta.

 

Trong đời cầm quân của mình, thiên tài quân sự hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ thật sự “bách chiến bách thắng”, ngài chưa từng phải lui quân trong bất cứ trận đánh nào. Phải chăng vì thế mà trống trận Tây Sơn không có hồi “lui quân”.

 

Tôi tự hỏi, trải qua bao nhiêu là vật đổi sao dời, bể cạn non mòn, lý làm sao mà vùng đất này vẫn cứ mãi linh thiêng. Đất này phát tích nhà Tây Sơn phải chăng cũng từ lòng người hun đúc mà thành? Khi tụ nghĩa dưới lá cờ đào, nhiệt huyết của họ phải chăng đã thấu cảm đến trời xanh? Người xưa có câu - “tận nhân lực tri thiên mạng”, không chỉ bởi thiên tài mà còn vì tấm lòng với muôn dân nên anh em Tây Sơn mới tập trung, kết nối được hàng trăm anh hùng kiệt hiệt khắp trong thiên hạ, khẳng khái đứng lên vì nghĩa lớn! Nếu không có tấm lòng hẳn sẽ không có cuộc đoàn kết Kinh – Thượng vĩ đại bậc nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam.

Dưới bóng mát của tiền nhân còn là mạch nguồn ngọt ngào từ giếng nước được xếp bằng đá ong, nước bốn mùa trong vắt, ngọt lừ.  Có những người đi cả ngàn cây số, thậm chí từ bên kia đại dương về đây chỉ để hưởng một chút bóng mát, được vã lên mặt mình một gáo nước đoạn uống đến đã khát nguồn nước này. Nhiều người tin rằng uống nước giếng này sẽ gặp nhiều may mắn. Lại có người đến cầu xin vượng phát đường tôn tử,  có người xin lộc làm ăn, có người cầu mong sức khỏe…Nhưng tựu chung lại, niềm tin của họ bắt nguồn từ lòng kính ngưỡng tổ tiên, mong được các bậc tiền nhân che chở. Mạch nước đó có thật sự đem lại hiệu quả nào không chỉ những người cầu mong mới biết. Nhưng nhiều hơn giá trị đạt được, ngay từ khi ta cúi đầu trước tiền nhân, trước những người anh hùng dân tộc chính ta đã neo ta vào tâm linh thiện lương, buộc mình vào niềm tin lớn – niềm tin vào sự bao dung của tổ tiên, dân tộc. Hiểu điều này sẽ hiểu nỗi nhớ của những người con xa xứ, sẽ biết vì sao càng gần đến gốc me người ta lại ríu chân lại, như đứa con xa muốn sà ngay vào lòng Bà Mẹ Quê Hương.

Về Tây Sơn mùa này, bạn hãy căng lồng ngực để tận hưởng tiếng rì rào của đồng lúa, tiếng xào xạc của ruộng mía. Thắp một nén hương dâng lên tiền nhân, nghe tiếng trồng rền trong tâm thức… để cảm nhận một vùng đất đầy tinh thần thượng võ và thấm đẫm tâm linh sưởi ấm trái tim mình.

  • PHẠM UYÊN THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vững tin nơi “đầu sóng”  (26/01/2011)
Tiểu đoàn 307 nay ở đâu?  (21/01/2011)
Lòng tự tôn dân tộc của Vua Thành Thái  (19/01/2011)
CÔN ĐẢO - MÙA GIÓ CHƯỚNG  (10/01/2011)
Khánh thành Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc  (03/01/2011)
Làng nghề và tiếng lòng xứ Nẫu  (26/12/2010)
Tuy Phước, một ngày trên bước trăm năm  (22/12/2010)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp-một trí tuệ thuyết phục  (22/12/2010)
“Mẹ là suối nguồn bao la…”  (12/12/2010)
Côn Đảo là một trong 10 hòn đảo hấp dẫn nhất  (09/12/2010)
Tưởng niệm 702 năm Trần Nhân Tông nhập niết bàn  (07/12/2010)
Tại sao lại không yêu Quy Nhơn!  (06/12/2010)
Hồ Quí Ly - một nhân vật lịch sử cô đơn  (04/12/2010)
Hãy gieo niềm khát vọng sống, như ông (*)   (27/11/2010)
Cuộc đời như huyền thoại của người ba lần bị địch cưa chân  (21/11/2010)