Viện Pasteur đề nghị Quảng Ngãi công bố dịch tay chân miệng
9:16', 7/10/ 2011 (GMT+7)

Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang (phải) đang thăm khám bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi.

Với 6.000 bệnh nhân tay chân miệng tại Quảng Ngãi chiếm 2/3 số ca toàn miền Trung, 5 người tử vong, Viện Pasteur Nha Trang cho rằng Quảng Ngãi đủ điều kiện công bố dịch. Lãnh đạo y tế tỉnh khẳng định chưa cần.

Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang Viên Quang Mai cho biết: "Nếu căn cứ theo tỷ lệ người mắc bệnh trên 100.000 dân thì Quảng Ngãi hiện nay có số bệnh nhân tay chân miệng cao nhất nước. Hiện bệnh tại Quảng Ngãi ở mức độ nặng, lan rộng khắp 14/14 huyện, thành phố nên đã có thể công bố dịch".

Theo quy định, địa phương nào có các ca dịch bệnh tăng lên bất thường, tác nhân gây bệnh mới, quy mô vượt tầm kiểm soát… sẽ phải công bố dịch. Vì nhiều lý do khác nhau, có một số địa phương đến nay vẫn chưa công bố dịch bệnh tay chân miệng. Tiến sĩ Mai cho rằng, nếu công bố dịch, các địa phương sẽ được hưởng cơ chế tài chính mua sắm vật tư, hóa chất, đầu tư trang thiết bị phòng chống dịch như máy thở, máy lọc máu...

Trước đề nghị của Viện Pasteur Nha Trang, trao đổi với VnExpress.net chiều nay, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Tấn Đức, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi khẳng định: "Bệnh tay chân miệng còn trong khả năng kiểm soát của ngành y tế Quảng Ngãi. Bệnh chưa được Bộ trưởng Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh., lại xảy ra trong thời điểm không có thiên tai, thảm họa. Vì vậy Sở Y tế chưa tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch".

Theo ông Đức, việc công bố dịch bệnh phải thực hiện đúng theo Quyết định 64 của Thủ tướng. Theo đó, công bố dịch truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi hội đủ hai điều kiện. Một là số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số bệnh nhân dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Hai là có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong cao mà chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; dịch bệnh xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

"Xét hai điều kiện này thì ở Quảng Ngãi mới chỉ thỏa mãn điều kiện 1 còn điều kiện thứ 2 thì chưa, nên thiếu điều kiện công bố dịch tay chân miệng trên địa bàn tỉnh", ông Đức cho biết thêm.

Quảng Ngãi hiện đã có hơn 6.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó đã có 5 trường hợp đã tử vong. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt kế hoạch chi 9,5 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, thuốc men để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Từ đầu mùa dịch đến nay, 11 tỉnh miền Trung có hơn 9.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 10 ca tử vong. Riêng Quảng Ngãi hơn 6.000 ca chiến 2/3 toàn miền Trung, 5 trường hợp tử vong. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt kế hoạch chi 9,5 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, thuốc men để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Theo Viện trưởng Pasteur Nha Trang, sở dĩ bệnh tay chân miệng lây lan nhanh trên diện rộng là do khí hậu thay đổi, bệnh biến đổi nhanh và tác nhân gây bệnh cũng thay đổi liên tục. Thông thường đỉnh dịch rơi vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11, song năm nay ngay từ tháng 6 đã lên đỉnh, chu kỳ thay đổi thất thường khó thể dự đoán trước được.

Hiện tại, Viện Pasteur Nha Trang đã tiếp nhận hơn 600 mẫu bệnh phẩm nghi bệnh tay chân miệng, thế nhưng mới xét nghiệm được khoảng 50% do thiếu nhân lực, nguồn kinh phí. Viện cũng đã hoàn tất xét nghiệm 34 mẫu người nhà bệnh nhân, kết quả đã phát hiện 9 "người lành" mang virus gây bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 người Ninh Thuận, 3 người Bình Thuận, 2 người Quảng Ngãi. Tất cả đều là người lớn và trẻ lớn (trên 5 tuổi), trong đó có 3 người là mẹ của bệnh nhi. 3/9 trường hợp mang virus Entero 71, số còn lại là Enterovirus. Số người lớn nhiễm virus bệnh này không biểu hiện gì bên ngoài nên dễ mang bệnh đi nhiều nơi lây lan cho cộng đồng.

Để sớm dập tắt dịch bệnh tay chân miệng, tiến sĩ Mai khuyến cáo, cần quản lý chặt nguồn phân trẻ em, tránh mầm bệnh lây lan vào nguồn thực phẩm. Ngay cả người lớn là thân nhân của trẻ mắc bệnh cũng cần thực hiện vệ sinh, ăn chín, uống sôi, các khu vui chơi, siêu thị cần vệ sinh hai lần mỗi ngày...

Tính chiều nay, cả nước đã có hơn 62.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 114 trường hợp đã tử vong vì căn bệnh này.

. Theo VnExpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Men của bà bầu  (04/10/2011)
Phát hiện văn tế binh phu Hoàng Sa trong đất liền  (28/09/2011)
Người Êđê trồng cà tím xuất sang Nhật  (23/09/2011)
Quảng Nam: Cù Lao Chàm đã có hệ thống quản lý chất thải rắn  (21/09/2011)
Quảng Nam: Hơn 9 tỷ đồng bảo tồn, trùng tu tháp E7 Mỹ Sơn  (17/09/2011)
Dạy học sinh về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa  (11/09/2011)
Khánh thành tượng Nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ  (10/09/2011)
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IV sẽ tổ chức dịp Tết Dương lịch 2012   (10/09/2011)
Nhớ mùa nước nổi  (07/09/2011)
Những tư liệu chưa từng công bố về Bác tại Pháp  (04/09/2011)
Cửu Đỉnh-Chứng cứ chủ quyền Việt Nam về biển Đông  (29/08/2011)
Kỷ niệm 219 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung  (28/08/2011)
Tướng Giáp 100 tuổi trên báo nước ngoài  (25/08/2011)
Báo Pháp: "Tướng Giáp, nhà chiến lược của tự do”  (23/08/2011)
Chúa Nguyễn Phúc Chu và ý thức chủ quyền lãnh thổ  (23/08/2011)