Đồng chí Lê Đức Thọ - Một nhà chính trị, tham mưu chiến lược tài năng
18:47', 9/10/ 2011 (GMT+7)

Đồng chí Lê Đức Thọ là một cán bộ hoạt động cách mạng từ những năm 30 thế kỷ trước. Đồng chí từng bị địch bắt giam cầm ở các nhà tù Côn Đảo, Sơn La. Đồng chí là một nhà chính trị, nhà tham mưu chiến lược tài trí, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Bác Hồ cùng với các học trò xuất sắc, gồm các đồng chí: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp tại Việt Bắc năm 1947. Ảnh: Tư liệu

 

Được Bác Hồ và Trung ương giao cho nhiều trọng trách, nhiều lĩnh vực quan trọng nhất là những tình huống, những thời điểm phức tạp. Đồng chí với tư cách là đặc phái viên của Trung ương được cử đến tận nơi trực tiếp chỉ đạo, nhiệm vụ nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc.

Đồng chí là một phái viên chiến lược toàn năng, có thể ví anh Sáu Thọ như một tướng quân tài ba thao lược. Dày dạn kinh nghiệm, tinh thần quả cảm, quyết đoán, cùng với tư tưởng tích cực tiến công mạnh mẽ quyết liệt được thể hiện rất rõ ở anh trong những năm chiến tranh. Nắm vững đường lối chỉ đạo của Trung ương, anh đã cùng với cấp ủy các tỉnh, thành vận dụng sáng tạo kết hợp 3 mặt: “đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao”.

Những năm tháng tôi còn ở quân ngũ, chiến đấu ở các chiến trường, nhiều lần tôi đã được nghe kể về anh. Có một số lần được nghe anh truyền đạt các chỉ thị của Bộ Chính trị, của Trung ương như việc sửa sai cải cách ruộng đất (1956), hay cuộc chiến tranh Tây Nam và nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng.

Năm 1968 - 1973 thực hiện Nghị quyết Trung ương 13 (khóa III), đồng chí Lê Đức Thọ được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ làm cố vấn đặc biệt về ngoại giao dự Hội nghị Paris về Việt Nam. Cuộc đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Kissinger, cố vấn của phía Mỹ, nảy lửa và thật thú vị. Lúc đó, đơn vị chúng tôi đang chiến đấu ở mặt trận Trị - Thiên Huế vô cùng ác liệt, rồi sau Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là các chiến dịch đường 9 Khe Sanh, Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị năm 1972... Mỹ - ngụy tập trung lớn lực lượng nhằm tạo lá chắn khổng lồ để ngăn chặn các cuộc tấn công của quân ta.

Trong chiến đấu gian khổ ác liệt, chúng tôi thường xuyên theo dõi tin tức diễn ra tại Hội nghị Paris và vô cùng khâm phục ý chí đấu tranh mạnh mẽ của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong đó có vai trò cố vấn đặc biệt rất quan trọng của đồng chí Lê Đức Thọ. Ở anh toát ra một trí tuệ mưu lược, giáp mặt với đối phương với những lời lẽ sắc sảo đanh thép, mạnh mẽ nhưng đầy sức thuyết phục làm rực sáng chân lý chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống lại kẻ đi xâm lược đang bị loài người nguyền rủa.

Trên khắp các chiến trường, quân dân miền Nam đều tự thấy trách nhiệm tiếp tục tấn công địch mạnh mẽ hơn nữa. Mặt trận Quảng Trị năm 1972, bộ đội hy sinh lớn nhưng đã góp phần quan trọng làm thất bại âm mưu của địch. Sức mạnh chính trị, sức mạnh quân sự ở chiến trường và trận Điện Biên Phủ trên không ở bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm ấy là đòn quyết định buộc đế quốc Mỹ và tay sai phải trở lại Hội nghị Paris tiếp tục đàm phán.

Đây là sự phối hợp chiến lược nhịp nhàng giữa đánh và đàm, đàm và đánh hỗ trợ cho nhau. Đến lúc này buộc Mỹ - ngụy phải ký Hiệp định Paris về Việt Nam, quân đội Mỹ phải rút về nước. Như vậy chúng ta đã giành được thắng lợi chiến lược trong bước đi “đánh cho Mỹ cút”, và sau đó mất 2 năm nữa mới giành được thắng lợi hoàn toàn “đánh cho ngụy nhào”. Ngày 30-4-1975 – ngày lịch sử của dân tộc ta và bài thơ Bác Hồ gửi đồng bào cả nước năm 1967 mới được thực hiện trọn vẹn…

“Đánh cho Mỹ cút - đánh cho ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Trong các kỳ đại hội 3, 4, 5, 6 của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ được phân công giữ cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã có công lớn trong việc tham gia soạn thảo xây dựng Điều lệ Đảng, xây dựng quan điểm tư tưởng cách mạng, đấu tranh kiên quyết chống các quan điểm sai trái, đặc biệt là công tác tổ chức - cán bộ.

Có thể đánh giá đồng chí Sáu Thọ như một “kiến trúc sư” về lĩnh vực này. Đồng chí đã để lại cho Đảng, cho Nhà nước những kinh nghiệm quý báu trong việc xem xét, đánh giá cán bộ - đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. Tổ chức phải đề phòng bệnh quan liêu, đánh giá sai đức tài cán bộ, đi đến bỏ sót người tài, để kẻ cơ hội lọt vào bộ máy làm cho Đảng mất sức chiến đấu. Rồi đến các việc bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, lựa chọn, đề bạt cán bộ, cơ quan tổ chức cũng phải nhìn việc mới chọn người và qua thử thách bằng kết quả thực tế việc đã làm mà lựa chọn bố trí giao việc phù hợp. Những người không tập trung lo việc chung mà chỉ lo tạo danh vị, thu vén cá nhân thì suốt đời làm nô lệ cho bản thân mình. Những người đó dứt khoát không đề bạt họ.

Chính làm tốt được những việc đó nên đã hạn chế được những sai sót trong công tác nhân sự, bố trí đúng việc, đúng người làm cho mọi cán bộ luôn tận tâm tận lực, phát huy bản chất người cộng sản trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, đem hết sức mình phục vụ sự nghiệp của Đảng. Những bài học đó còn nguyên giá trị đối với Đảng, với ngành tổ chức của chúng ta.

Lê Khả Phiêu

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Viện Pasteur đề nghị Quảng Ngãi công bố dịch tay chân miệng  (07/10/2011)
Men của bà bầu  (04/10/2011)
Phát hiện văn tế binh phu Hoàng Sa trong đất liền  (28/09/2011)
Người Êđê trồng cà tím xuất sang Nhật  (23/09/2011)
Quảng Nam: Cù Lao Chàm đã có hệ thống quản lý chất thải rắn  (21/09/2011)
Quảng Nam: Hơn 9 tỷ đồng bảo tồn, trùng tu tháp E7 Mỹ Sơn  (17/09/2011)
Dạy học sinh về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa  (11/09/2011)
Khánh thành tượng Nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ  (10/09/2011)
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IV sẽ tổ chức dịp Tết Dương lịch 2012   (10/09/2011)
Nhớ mùa nước nổi  (07/09/2011)
Những tư liệu chưa từng công bố về Bác tại Pháp  (04/09/2011)
Cửu Đỉnh-Chứng cứ chủ quyền Việt Nam về biển Đông  (29/08/2011)
Kỷ niệm 219 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung  (28/08/2011)
Tướng Giáp 100 tuổi trên báo nước ngoài  (25/08/2011)
Báo Pháp: "Tướng Giáp, nhà chiến lược của tự do”  (23/08/2011)