Vị tướng già và ký ức về Trường Sa
11:7', 20/10/ 2011 (GMT+7)

Tháng 4.1975, đoàn tàu không số thực hiện nhiệm vụ cuối cùng trên tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển: Đưa lực lượng đặc công hải quân ra giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Với việc giải phóng núm ruột xa xôi nhất của tổ quốc, những người lính đoàn tàu không số và đặc công hải quân viết nên trang sử vàng chói lọi, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Vợ chồng thiếu tướng Mai Năng. Ảnh: Giang Nguyên

Thiếu tướng Mai Năng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hiện sống ở phố Thiên Lôi, quận Lê Chân (Hải Phòng). Ở tuổi 81, ông Mai Năng vẫn còn minh mẫn lắm. Với giọng nói hào sảng của người miền biển, ký ức hào hùng về quãng đời binh nghiệp của vị tướng già ào ào trỗi dậy, cuồn cuộn như sóng biển Đông. 48 năm tham gia quân ngũ, chiến đấu hàng trăm trận lớn, nhỏ ở các chiến trường nhưng ấn tượng sâu đậm nhất trong ký ức của Thiếu tướng Mai Năng là khi ông chỉ huy lực lượng hiệp đồng gồm biên đội tàu không số (Đoàn 125) cùng hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đoàn đặc công hải quân (Đoàn 126) và một bộ phận Tiểu đoàn 471 đặc công quân khu 5 ra giải phóng quần đảo Trường Sa.

Từ người số 1 của đơn vị dũng sĩ Cát Bi

Thiếu tướng Mai Năng tên thật là Tạ Văn Thiều, sinh năm 1930 tại huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Tháng 6.1950, chàng trai trẻ Mai Năng tham gia quân đội, được điều động về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kiến An (sau này sáp nhập thành Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng), góp phần lập nên nhiều chiến công như đánh vào Sở Dầu (Hồng Bàng- Hải Phòng), giải phóng thị xã Kiến An...

Năm 1953, ông Mai Năng được giao nhiệm vụ đặc biệt: Chỉ huy phân đội trinh sát, tìm cách đánh vào sân bay Cát Bi. Đây là sân bay lớn nhất của Pháp ở Bắc Đông Dương, một cầu hàng không lớn nhất trong thời kỳ Pháp xâm lược, có trên dưới 200 máy bay các loại. Với vị trí đặc biệt đó, sân bay Cát Bi được canh phòng đặc biệt cẩn mật.

Ông Mai Năng cùng đồng đội mất tới 7 tháng trời ròng rã nằm gai, nếm mật, ngủ ngoài trời, uống nước ruộng để từng bước gây dựng cơ sở, trinh sát sân bay này. Sau khi hoàn tất công tác trinh sát, cấp trên quyết định tổ chức đánh. Ông Mai Năng nhớ lại: “Lực lượng tham gia đánh sân bay Cát Bi gồm 32 người, 2 chỉ huy, 6 trinh sát, 24 chiến đấu viên, chia làm 2 mũi tấn công. Đúng giờ G, cả sân bay như chìm trong bão lửa, tiếng bộc phá, lựu đạn, tiếng đạn nổ hỗn loạn, máy bay địch cháy đỏ góc trời”.

Kết thúc trận đánh, ta đã tiêu diệt 56 máy bay, chủ yếu là máy bay chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: Chiến thắng trong trận đánh sân bay Cát Bi có ý nghĩa nhất đối với chiến dịch Điện Biên Phủ. Một “cầu hàng không” chủ yếu của Pháp đã bị cắt, tạo điều kiện để dân công, quân đội vào Điện Biên Phủ, giảm tối đa sự chi viện của Pháp cho căn cứ chiến lược này.

Đoàn chiến đấu đánh sân bay Cát Bi được nhận thư khen của Bác Hồ, Người tặng đơn vị danh hiệu “Dũng sĩ Cát Bi”. Người tổ trưởng phân đội trinh sát Mai Năng được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và được bình bầu là “Dũng sĩ số 1” của đơn vị “Dũng sĩ Cát Bi”.

Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông Mai Năng đi học tại Cục Tình báo rồi vào lực lượng hải quân làm chính trị viên tàu săn ngầm. Năm 1962, ông được Bộ Tư lệnh Hải quân điều động thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng lực lượng đặc công hải quân. Từ đó cho tới khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Mai Năng gắn bó với đơn vị đặc công hải quân huyền thoại. Với phương thức tác chiến độc đáo: Lấy ít đánh nhiều, luồn sâu đánh hiểm, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đoàn đặc công hải quân lập nên những thành tích đặc biệt xuất sắc, đánh chìm, đánh hỏng hơn 300 tàu chiến, tàu vận tải quân sự của địch.

Giải phóng Trường Sa và bản lĩnh của “tướng ngoài biên ải”

Những người có tài thường có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán “dám làm dám chịu”. Trò chuyện với Thiếu tướng Mai Năng, tôi cảm nhận rõ tính quyết đoán của vị tướng già này. Năm 1962, khi lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân gọi ông lên giao nhiệm vụ xây dựng một trung đoàn đặc công hải quân. Ông không ngần ngại đề xuất: Chưa xây dựng trung đoàn vội, mà chỉ nên xây dựng... trung đội để từng bước nghiên cứu cách đánh đặc công nước. Trong quá trình chỉ huy lực lượng giải phóng quần đảo Trường Sa, ông Mai Năng còn có nhiều quyết định khác thể hiện rõ bản lĩnh của “tướng ngoài biên ải”.

Trở lại thời điểm tháng 4.1975, khi các cánh quân trên bộ thực hiện đợt tổng công kích giải phóng miền Nam mang tên  “Chiến dịch Hồ Chí Minh” thì Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu: Tranh thủ thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng đất nước. Chỉ thị cũng nhấn mạnh: “Kiên quyết không để lực lượng nào khác vào đánh chiếm đảo trước ta”.

Trên quần đảo Trường Sa vào thời điểm năm 1975, 11 đảo có người ở trong đó quân ngụy Sài Gòn đóng giữ 5 đảo gồm Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa.

Năm 1975, ông Mai Năng lúc đó đang là Trung đoàn trưởng đặc công hải quân, nhận lệnh vào Đà Nẵng chỉ huy đơn vị hợp thành gồm lực lượng đặc công hải quân, một bộ phận tiểu đoàn 471 đặc công quân khu 5 và biên đội tàu gồm 3 tàu: 673, 674 và 675 của Đoàn 125 (đoàn tàu không số) ra giải phóng Trường Sa.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc giải phóng quần đảo Trường Sa nhưng ông Mai Năng không đồng ý với phương án đồng loạt đánh cả 5 đảo do lãnh đạo cấp trên đưa ra. Ông phân tích: Các đảo cách xa nhau, trong khi ta chỉ có 3 tàu, rất khó có thể đánh liền lúc. Hơn nữa, cần đánh 1 đảo trước để làm tan rã tinh thần quân địch sau đó tiếp tục giải phóng các đảo còn lại. Phương án trên được cấp trên đồng ý và đảo đầu tiên được chọn chiếm đóng là Song Tử Tây. 

4 giờ ngày 11.4.1975, lực lượng giải phóng đảo được lệnh xuống tàu. Ông Mai Năng nhớ lại: “Các đơn vị đánh đảo lần lượt xuống 3 tàu của Đoàn 125 (đoàn tàu không số). 3 con tàu  được cải dạng thành tàu đánh cá đè sóng hướng ra Trường Sa. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đặc công đều nằm ở hầm tàu, phía trên tàu là lưới, ngư cụ dùng để nghi binh. Tuy nhiên, vừa đi được vài chục hải lý, trên bầu trời bỗng xuất hiện máy bay địch, chúng quần thảo ngay phía trên tàu thăm dò. Tôi quyết định: Tiếp tục hành trình, hướng ra vùng biển quốc tế về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) như những tàu đánh cá nước ngoài. Quả thật sau vài lần quần đảo, thăm dò, máy bay địch bỏ đi, chúng tôi quay lại hướng Trường Sa thẳng tiến”.

Trước đây, nhờ những lần vận chuyển vũ khí vào chiến trường, các thủy thủ đoàn tàu không số thường xuyên qua lại vùng biển này. Chính kinh nghiệm đi biển dày dạn đã giúp cho các thủy thủ đoàn tàu không số dễ dàng nhận biết các đảo. Sau 3 ngày hành quân trên biển, lực lượng giải phóng áp sát đảo Song Tử Tây. Thấy trên đảo có treo cờ ngụy, Ban chỉ huy lệnh cho tàu lùi ra xa và thả trôi. Tới 1 giờ 15 phút ngày 14.4.1975, tàu 673 tiến vào vị trí thả xuồng, một bộ phận bơi vào đảo. Kể đến đây, ông Mai Năng trầm ngâm: “Đúng lúc anh em thả xuồng và bơi vào đảo thì tôi nhận được lệnh của cấp trên: Tạm dừng kế hoạch đổ bộ, chờ lệnh. Tuy nhiên, khi các mũi tấn công đã lên đường, nếu dùng xuồng đuổi theo để truyền lệnh dừng kế hoạch sẽ rất dễ bị lộ. Trước tình hình đó, tôi báo cáo đề nghị tiếp tục cho quân đánh đảo”.

Kế hoạch đánh chiếm đảo Song Tử Tây diễn ra theo đúng kế hoạch. Hiệu lệnh từ khẩu súng DKZ phát ra, các mũi tiến công ào lên tấn công dữ dội. Địch bị đánh bất ngờ, chống cự yếu ớt và đầu hàng sau 30 phút, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được treo lên đỉnh cột cờ phía đông đảo.

Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng ký ức về trận đánh đó vẫn in sâu trong ký ức của Thiếu tướng Mai Năng. Ông nhớ nhất câu nói của viên sĩ quan ngụy trên đảo Song Tử Tây sau khi bị bắt: “Khi thấy các ông nói tiếng Việt, chúng tôi đầu hàng ngay. Trước đó, chúng tôi chống cự bởi nghĩ nước ngoài đổ bộ chiếm đảo”. Có lẽ tinh thần dân tộc vẫn có trong những người lính ngụy Sài Gòn.

Song Tử Tây mất, hệ thống phòng thủ của địch ở quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Chúng vội vàng cho 2 tàu chiến số hiệu HQ.16 và HQ.402 từ Vũng Tàu ra, định phản kích chiếm lại đảo, nhưng do hoang mang trước thất bại trên các chiến trường nên chúng chỉ lảng vảng phía ngoài đảo rồi quay về tăng cường cho lực lượng phòng thủ ở đảo Nam Yết. Phát huy thế thắng, sau khi trở về Đà Nẵng rút kinh nghiệm, ông Mai Năng tiếp tục chỉ huy lực lượng đánh chiếm các đảo còn lại gồm Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa. 9 giờ 30 phút ngày 29.4.1975, cờ giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa, hòn đảo cuối cùng do quân ngụy Sài Gòn chiếm đóng được giải phóng.

36 năm đã trôi qua kể từ ngày Thiếu tướng Mai Năng chỉ huy các lực lượng giải phóng đảo Trường Sa. Sau đó, ông tham gia nhiều chiến dịch khác ở biên giới Tây Nam, nước bạn Campuchia rồi biên giới phía bắc. Trước khi về hưu (1998), ông giữ chức vụ Tư lệnh Quân chủng Đặc công. Bên cạnh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông được tặng thưởng 2 huân chương kháng chiến, 2 huân chương quân công, 4 huân chương chiến công vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu.

Về với đời thường, nay đã ở tuổi 81, ông trở thành chỗ dựa tinh thần của đại gia đình với 6 con, 12 cháu, 5 chắt. Nói về Trường Sa thân yêu, ông tâm sự: “Đó là núm ruột thân yêu của tổ quốc. Quần đảo Trường Sa có ý nghĩa đặc biệt về chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế. Là thế hệ những người giải phóng đảo 36 năm về trước, tôi cũng như đồng đội chỉ mong cả nước hãy hướng về Trường Sa bằng suy nghĩ và việc làm thiết thực nhất, mong những người lính Trường Sa hôm nay và mai sau hãy chắc tay súng bảo vệ biển, đảo thiêng liêng”.

.Theo LĐ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tu bổ Kinh thành Huế với quy mô lớn nhất từ trước tới nay  (18/10/2011)
Trưng bày 140 hình dấu trên Châu bản triều Nguyễn  (13/10/2011)
Giải mã bí mật đường Hồ Chí Minh trên biển  (10/10/2011)
Đồng chí Lê Đức Thọ - Một nhà chính trị, tham mưu chiến lược tài năng  (09/10/2011)
Viện Pasteur đề nghị Quảng Ngãi công bố dịch tay chân miệng  (07/10/2011)
Men của bà bầu  (04/10/2011)
Phát hiện văn tế binh phu Hoàng Sa trong đất liền  (28/09/2011)
Người Êđê trồng cà tím xuất sang Nhật  (23/09/2011)
Quảng Nam: Cù Lao Chàm đã có hệ thống quản lý chất thải rắn  (21/09/2011)
Quảng Nam: Hơn 9 tỷ đồng bảo tồn, trùng tu tháp E7 Mỹ Sơn  (17/09/2011)
Dạy học sinh về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa  (11/09/2011)
Khánh thành tượng Nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ  (10/09/2011)
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IV sẽ tổ chức dịp Tết Dương lịch 2012   (10/09/2011)
Nhớ mùa nước nổi  (07/09/2011)
Những tư liệu chưa từng công bố về Bác tại Pháp  (04/09/2011)