|
Hạt lúa được cách điệu tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần II tại Sóc Trăng. |
Lần thứ hai hạt gạo Việt Nam được tôn vinh bằng festival hoành tráng và ấn tượng. Hạt gạo không những mang đến ấm no cho người dân, mà hơn 20 năm qua đã đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.
Tôn vinh hạt gạo Việt là điều nên làm, nhưng giá như hàng triệu người trực tiếp làm ra hạt lúa - festival gọi là hạt ngọc - cùng được tôn vinh thì chắc chắn hạt ngọc Việt không chỉ lung linh trong dịp lễ hội.
Festival mênh mang miền sông nước
Tôi cố gắng tra hết cuốn từ điển tiếng Việt này cho đến cuốn khác nhưng cũng không tìm ra từ “fetival”. Rõ ràng đây là từ du nhập từ tận trời Tây, chỉ hoạt động văn hoá lễ hội với nhiều chuỗi sự kiện. Dẫu sao thì người dân ĐBSCL cũng đã quen thuộc với từ ngữ du nhập này từ các sự kiện: Festival Lúa gạo Việt Nam, Festival Thuỷ sản Việt Nam, Festival dừa... Bởi thế mà nông dân Trần Văn Tám - ngụ xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) - dù nhà cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 40km nhưng vẫn nghe, vẫn biết, vẫn hiểu “festival” là gì, tuy nhiên anh thắc mắc: “Sao người ta không đặt cái tên gì cho nó “ta” một chút để nông dân tụi tui dễ đọc, dễ nhớ một chút”. Nói thế thôi, thực tế anh vẫn cùng ông Tám Lạc (một nông dân sở hữu hơn 200 bộ lúa giống) cặm cụi chăm sóc từng bụi lúa để chuẩn bị tham gia festival.
So với lần tổ chức trước tại Hậu Giang, Festival Lúa gạo Việt Nam lần II tổ chức tại Sóc Trăng có quy mô lớn hơn, thời gian dài hơn và dĩ nhiên số lượng khách tham quan đủ làm cho đường phố vốn đã chật hẹp nay nghẹt cứng người, xe qua lại. Hơn 1.000 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội tham gia hội chợ. Ba cuộc hội thảo quốc tế, 5 hoạt động văn hoá diễn ra xuyên suốt từ ngày 8 - 11.11. Ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết: “Do festival tổ chức đúng vào dịp lễ Oócombóc - đua ghe ngo của đồng bào Khmer Nam Bộ nên thu hút đông người tham gia. Và bản thân lễ Oócombóc - đua ghe ngo lần này cũng lập kỷ lục mới về số lượng ghe ngo tham gia - tới 50 đội đến từ các tỉnh ĐBSCL tranh tài”.
Hạt gạo Việt Nam được các nhà tổ chức sự kiện, nhà doanh nghiệp tái hiện một cách bài bản, lung linh huyền thoại. Những dụng cụ sản xuất lúa nước có từ hàng nghìn năm được tái hiện lại khiến không ít người ngỡ ngàng. Bạn trẻ Nguyễn Hồng Thu - sinh viên Trường Cao đẳng Sóc Trăng - tỏ ra thích thú với dụng cụ đập bồ của nông dân đồng bằng: “Em thuộc gia đình nông dân, nhưng từ trước đến giờ chưa từng thấy cái đập bồ để lấy hạt từ những bông lúa”.
Khách thập phương cũng dừng chân bên biểu tượng hạt lúa vàng lung linh đang nở. Hạt lúa, hạt gạo hiển hiện hằng ngày trong gia đình người dân Việt, nhưng cách điệu ra ngoài trời to hơn và đẹp nên ai cũng thích. Người dân đồng bằng đóng góp hơn 80% lượng gạo xuất khẩu đã quá quen với việc giá lúa trồi sụt bất thường. Số đông đang bận vào vụ mùa và tại các tỉnh đầu nguồn họ đang vật lộn với nước lũ năm 2011. Họ kỳ vọng vào nhà doanh nghiệp tạo cơ hội cho hạt gạo Việt có giá trị cao hơn để hàng xáo mua lúa của họ với giá cao hơn, sản xuất có lãi nhiều hơn.
Ngậm ngùi người gieo ngọc
Giá lúa năm nay tăng cao. Nhiều phương tiện thông tin đưa ra mức giá kỷ lục 7.000 đồng/kg. Các nhà doanh nghiệp phân tích: Nông dân lãi cao, nhiều nơi lãi trên 100%. Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng mức lãi không như các nhà kinh tế tính toán, bởi họ bỏ quên khấu hao đồng ruộng (độ bạc màu) và tài sản cố định (giá trị thực của ruộng đất) nên mới có con số lãi cao ngất ngưởng.
Là người có hơn 30 năm theo ngành nông nghiệp, ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NNPTNT - phân trần: “Nếu nông dân lãi 1ha vài chục triệu đồng/vụ thì người ta đi làm nông dân hết rồi”. Có lẽ trong tất cả những ngành hàng sản xuất, duy chỉ có người làm ra hạt lúa, củ khoai, con cá, con tôm là không thể định đoạt sản phẩm do mình làm ra.
Tại sao người ta làm ra phân bón, thuốc trừ sâu, cái soong, cái ghế, cây chổi thì định giá bán được, thậm chí niêm yết giá, còn người nông dân hoàn toàn không định đoạt được gì? Họ phó mặc cho hàng xáo định đoạt giá cả. Vai trò của hàng xáo trong chuỗi thu mua, chế biến, xuất khẩu được Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định: Trên 70% lúa, gạo được thu mua từ hàng xáo. Nghĩa là chỉ có chưa đến 30% số doanh nghiệp xuất khẩu gạo mua trực tiếp của người nông dân.
TS Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ - đưa ra chuỗi giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam với sơ đồ kết nối các phân khúc từ cung cấp đầu vào, trồng trọt (và thu hoạch), chế biến (xay xát, lau bóng), phân phối và tiêu thụ cuối cùng. Các tác nhân bao gồm: Nông dân, thương lái, nhà máy xay xát, các công ty cung ứng, công ty xuất khẩu, mạng lưới bán sỉ, bán lẻ. Nhận xét sơ đồ này, TS Dũng đưa ra kết luận: “Điểm yếu nhất trong chuỗi là những người trồng lúa. Đó là một tập hợp rời rạc của hàng triệu nông hộ sản xuất trên mảnh ruộng của mình. Vùng ĐBSCL - nơi chiếm 1/2 lượng lúa - có gần 2 triệu nông hộ với gần 2 triệu hécta đất canh tác lại là vùng dễ bị tổn thương nhất”.
Người làm ra hạt ngọc Việt phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mưa bão, lũ lụt nên nông dân trở thành nhóm sản xuất dễ bị tổn thương. Biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng ảnh hưởng nghiêm trọng đến vựa lúa đồng bằng. Ngoài ra các yếu tố khác như: Hệ thống bảo hiểm thiếu đồng bộ, khó tiếp cận tín dụng trong khi họ sản xuất trong điều kiện thiếu vốn, thiếu tài sản, thiếu năng lực. Nông dân là người chịu tác động mạnh nhất khi các yếu tố đầu vào tăng giá, họ là nạn nhân của lạm phát gia tăng. Khi giá lúa tăng, họ cũng không phải là người hưởng lợi trọn vẹn; khi giá lúa sụt giảm, thiệt hại của họ rất lớn.
Thông tin từ Bộ NNPTNT cho biết, khả năng trong 10 năm tới, đất lúa của Việt Nam sẽ không tăng thêm, thậm chí có chiều hướng giảm. Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp hằng năm không cao, nếu tốc độ dân số không được kiềm chế.
Giũa mài hạt ngọc Việt
Nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam được các nhà khoa học khuyến cáo thực hiện. Dựa trên cơ sở giá trị tăng thêm của sản lượng xuất khẩu trong bối cảnh diện tích không tăng, do đã giảm thất thoát sau thu hoạch và áp dụng khoa học trong đồng ruộng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT, đến lúc nào đó thì không thể gia tăng thêm sản lượng lúa. Vấn đề là nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam, thay đổi tư duy trong xuất khẩu, tìm thị trường mới. Để đạt được điều này, theo TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam - ngay từ bây giờ, cần phải “mài giũa hạt ngọc Việt”. Nghĩa là xây dựng thương hiệu lúa chất lượng cao, nâng cao giá trị xuất khẩu thay vì chạy theo số lượng.
Đồng cảm, sẻ chia với những người nông dân, trong bài phát biểu khai mạc festival, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định: “Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu thụ lúa gạo như: Chính sách đất đai và phát triển hạ tầng phục vụ cho sản xuất, bảo quản, chế biến; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Để người trồng lúa có được cuộc sống khấm khá hơn, nông thôn dần thay đổi, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, Phó Thủ tướng đề nghị: “Các cấp, các ngành cần có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất trồng lúa; tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường sử dụng giống tốt, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác; cơ cấu lại mùa vụ theo hướng hiệu quả; xây dựng các hình thức tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ để giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa...”.
Những chủ trương, chính sách để hạt gạo Việt Nam vươn ra biển lớn không thiếu. Điều còn lại là áp dụng thực hiện sao cho đời sống người trồng lúa được nâng lên, nông thôn có diện mạo mới. Có như thế, hạt ngọc Việt mới lung linh mãi trong tim người trồng lúa chứ không chỉ lung linh vào dịp lễ hội.
.Theo LĐ |