Hàng năm, cứ vào mùa mưa lũ, nước từ đầu nguồn bắt đầu đổ về cũng là lúc nhiều người dân ở hai bên dòng sông Ngân Sơn thuộc các xã An Thạch, An Dân, An Ninh Tây… (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đổ xô ra sông bắt chình giống. Mỗi đêm có người kiếm được bạc triệu, tuy nhiên đi bắt chình giống ban đêm rất nhiều rủi ro, nguy hiểm khó lường…
|
Nhiều người dân ở hai bên dòng sông Ngân Sơn (Tuy An) đổ xô ra sông bắt chình giống.
|
Đoạn sông “đã có chủ”
Đầu buổi chiều, ông Nguyễn Văn Lập kiểm tra kỹ càng lần cuối xem có đầy đủ dụng cụ để chuẩn bị cho chuyến săn bắt chình giống thâu đêm suốt sáng. Ông cho biết, ở thôn Hội Tín, xã An Thạch (huyện Tuy An) này, mười người thì đã có gần một nửa tham gia bắt chình giống. Vì nghề này rất đơn giản, dễ làm nên ai cũng có thể tham gia, thậm chí trẻ em học lớp bốn, lớp năm cũng làm được.
Để bắt chình giống, chỉ cần một tấm lưới mùng dài khoảng 2m, rộng gần 1m, hai bên gắn hai thanh gỗ dùng để xúc, viền dưới có gắn chì nhưng bà con ở đây thường gắn một sợi dây xích dài, vừa đủ nặng để giữ cho tấm lưới được căng. Tấm lưới mùng này là dụng cụ chính để bắt chình giống, ngoài ra còn có cây vợt, đèn pin và một cái xô để đựng sản phẩm đánh bắt được. Ông Lập cho biết: “Năm nay tôi đã 65 tuổi, cuộc sống lâu nay chủ yếu nhờ vào dòng sông này, hết thả lưới bắt cá lại đến mùa đi xúc chình giống. Nghề này không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần kiên nhẫn, chịu được lạnh, thức đêm giỏi, nếu có sức khỏe thì càng tốt”.
Nhưng để có một vị trí thuận lợi cho công việc xúc chình giống, người dân ở đây đã “xí chỗ” từ nhiều năm trước. Dọc hai bên bờ sông Ngân Sơn, đoạn phía dưới đập Tam Giang, cứ cách nhau 3-4m thì có một bao đựng cát được cột cẩn thận và đặt ở gần mép nước để thể hiện “đoạn sông này đã có chủ”. Người khác đến thì phải thương lượng với các “chủ” mới có được một vị trí ưng ý. Cũng theo ông Lập, chuyện cãi vã, tranh giành vị trí để xúc chình xảy ra hàng năm. Mặc dù không có bất cứ giấy tờ nào chứng nhận song những vị trí xúc chình nói trên có thể sang nhượng, tặng, cho…
|
Sau một đêm vất vả, một người có thể bắt được từng này chình giống.
|
Thâu đêm với chình giống
Cơm nước và nghỉ ngơi xong, khoảng 6g30 chiều, mưa càng lúc càng nặng hạt nhưng hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Lập vẫn người xách xô, người mang lưới ra sông bắt chình giống. Nước từ phía trên đập Tam Giang ào ào đổ xuống tung bọt trắng xóa, khu vực gần bờ phía dưới chân đập nước đã dâng lên đến bụng người lớn. Ai nấy đều trong tư thế sẵn sàng, chỉ chờ trời tối hẳn là bắt đầu cuộc săn bắt chình giống đầy vất vả. Ông Lập cho biết, những đợt chình giống xuất hiện nhiều, mỗi đêm có gần cả trăm người ở hai bên dòng sông Ngân Sơn thuộc các xã An Thạch, An Dân, An Ninh Tây… đổ xô ra sông để xúc chình, tiếng người trò chuyện thâu đêm suốt sáng làm cho cả đoạn sông dài đông vui nhộn nhịp hẳn lên.
Hàng năm, cứ đến mùa mưa thì chình ra ngoài cửa biển để đẻ, sau đó chình con vượt nước lũ lên đầu nguồn dòng sông và sinh sống ở đó. Theo một số người dân nơi đây, năm nay chình giống xuất hiện nhiều nhưng muộn hơn các năm trước và chỉ xuất hiện hơn mười ngày nay. Ban ngày, con chình nằm yên dưới bùn hoặc trong hang, đêm đến chúng thường đi kiếm ăn. Chình con bơi ngược lên đầu nguồn khi có nước lũ xuống. Khi gặp sự cản trở của các con đập, chình con tập trung thành từng đàn và chờ nước tràn qua đập để vượt sông. Nắm được đặc điểm này, khi nước lũ đổ về, nhiều người tập trung ở khu vực phía dưới đập Tam Giang xúc bắt chình giống. Theo kinh nghiệm của ông Lập, nước lũ đổ về mạnh, trời mưa, biển động, nước thủy triều lên… là lúc chình con tập trung từ cửa biển và vượt sông để về đầu nguồn.
Hơn 7g tối, mọi người bắt đầu vào những vị trí mà mình đã “xí phần” trước đó. Công việc xúc chình giống cũng khá đơn giản. Cách bờ khoảng 2m, nước dâng tới bụng, mỗi người cầm một đầu lưới xúc xuống rồi kéo lên. Một người cầm đèn pin rọi vào lưới, nếu phát hiện có chình con thì người kia cầm vợt bắt bỏ vào xô. Công việc cứ thế, hai người xúc thâu đêm suốt sáng, cho đến khi không còn bắt được con chình nào. Ông Phạm Phú Quốc, cũng là người ở thôn Hội Tín, xã An Thạch, cho biết: “Mỗi lần xúc như vậy, nếu trúng thì được năm, sáu con cỡ bằng cây kim may đến cây tăm. Xúc nhiều lần, nếu trúng thì một đêm cũng bắt được vài nghìn con, có đêm không có con nào thì lo về sớm… Chúng tôi không chỉ bắt chình giống ở sông Ngân Sơn mà nhiều lúc vào đến sông Đà Rằng ở TP Tuy Hòa hoặc ra tận Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Các con sông ở miền Trung, nơi nào xuất hiện chình giống thì chúng tôi sẽ có mặt và khai thác”.
Mỗi đêm kiếm bạc triệu
Hiện nay, nhiều vùng nuôi thủy sản có nhu cầu về chình giống nên nghề bắt chình giống mang lại thu nhập khá cao. Anh Nguyễn Công Hoan ở thôn Hội Tín, xã An Thạch, kể: “Tối 7/11 vừa rồi, tại khu vực đập Tam Giang, bà con hai xã An Thạch và An Dân trúng đậm chình giống. Đêm đó hai anh em tôi bắt được gần 1.500 con. Với giá bán 800 đồng/con, anh em tôi kiếm được gần 1,2 triệu đồng. Đêm đó, ông Đức ở xã An Dân bắt được nhiều nhất, trên 2.000 con”. Ông Nguyễn Minh Thông ở xã An Thạch, người mua gom chình giống, cho biết: “Tôi làm nghề này khoảng 5 năm trở lại đây. Sau khi mua, tôi vận chuyển chình giống vào TP Hồ Chí Minh để bán. Mấy năm nay, lượng chình giống bắt được trong tự nhiên không đủ cung cấp cho thị trường. Ở huyện Tuy An có khoảng 3-4 điểm mua gom chình giống, các điểm này cũng bán hết lại cho tôi. Đợt này, trung bình mỗi ngày tôi mua gom khoảng 10.000 con”.
Nghề bắt chình giống hái ra tiền triệu sau mỗi đêm, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Anh Nguyễn Công Hoan kể: “Đi xúc chình đạp phải đá, mẻ chai, sắt… dưới lòng sông bị toét chân, chảy máu là chuyện thường. Chỉ sợ nhất là sụp hầm mà gặp nước xoáy thì dễ bị nước cuốn đi, tuy nhiên chúng tôi thường đi hai người nên hỗ trợ cho nhau…”. Hiện nay, nhiều em nhỏ từ 12-15 tuổi cũng theo người lớn ra sông phụ bắt chình giống. Theo ông Phạm Phú Quốc, hiện mỗi đêm tại khu vực đập Tam Giang có không dưới 10 em độ tuổi học sinh cấp 2 ra sông bắt chình, có em đi với người lớn nhưng cũng có những em ráp thành một cặp để xúc chình. Việc này gia đình biết nhưng chủ quan, nghĩ rằng nước sông cạn. Nếu nước lũ đột ngột đổ về vào ban đêm thì khó trở tay kịp. Trong đợt mưa lũ tháng 10/2011 vừa qua, cũng tại đoạn sông này đã xảy ra một vụ chết người khi đang đánh bắt cá.
. Theo PYO |