Kỷ niệm 222 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa:
DƯỚI BÓNG MÁT CÂY ME LÃO
16:40', 7/2/ 2011 (GMT+7)

Cho con ngồi dưới gốc me của Người

duỗi chân mà thở

bóng cây mát hơn máy điều hòa nhiệt độ

Năm 1983, đi cùng nhà thơ Xuân Diệu, lần đầu tiên tôi được về Tây Sơn, viếng bảo tàng Quang Trung. Khi ấy bảo tàng còn khá đơn sơ chứ chưa được hoành tráng như bây giờ. Nhưng, cây me lão vẫn vậy, vì với một “lão me” đã mấy trăm tuổi, thì thêm hay bớt vài chục năm cũng chưa là gì.

 

Cây me ở ngay trung tâm của bảo tàng, trước đền thờ “ Tây Sơn Tam Kiệt”, bóng tỏa mát xanh cả một khoảng trời. Ngồi dưới gốc me lão ấy, tự dưng cảm thấy nhẹ nhõm, mát mẻ, sảng khoái hơn cả ngồi trong phòng máy lạnh. Tôi duỗi chân mà thở, và trước tôi, cây me cũng thở điều hòa, nhẹ nhàng, hơi thở có màu xanh tối giống như một con thuyền đưa ta tới những bờ bến khác những giấc mơ khác.

Tôi không nhớ là mình có chợp mắt dưới gốc me ấy không, nhưng tôi có cảm giác như mình đang mơ trong khi tỉnh. Nhà thơ Xuân Diệu cũng đang đắm mình dưới gốc me lão, không biết ông đang nghĩ gì hay mơ thấy gì, nhưng nhìn gương mặt ông thấy chập chờn những quầng sáng. Đó là gương mặt của người đang giác ngộ.

Chúng tôi cứ lặng lẽ ngồi duỗi chân dưới gốc me, cảm giác như mình đang được ban ân sủng từ thân thể cường tráng màu xanh.

Có thể trước chúng tôi ngót hai trăm năm, Nguyễn Huệ cũng từng ngồi lặng lẽ dưới gốc me này để suy nghĩ những điều lớn lao cho đất nước. Một cái cây cổ thụ là một điều lớn lao, nhưng cây me này không chỉ cổ thụ, nó còn là cái cây mà một con người Việt Nam vĩ đại từng ngồi dưới gốc để suy nghĩ, gạn lọc, thăng hoa. Nó là một cây me vĩ đại. Không có hình sông thế núi này, không có cây me giếng nước này thì không có thiên tài Nguyễn Huệ. Nhưng khi đã có một Nguyễn Huệ-Quang Trung, thì mỗi ngọn núi con sông cây me giếng nước trên đất Tây Sơn này chợt trở nên linh thiêng. Đó là sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người, là sự truyền linh khí từ cây sang người rồi từ người lại sang cây.

Giếng nước đá ong bên cây me đã trở thành nguồn mạch linh thiêng từ bao giờ vậy ? Tôi tự hỏi. Hỏi vậy thôi chứ câu trả lời đã có rồi. Nó linh thiêng từ khi Việt Nam có người anh hùng cái thế “Đánh một trận sạch không kình ngạc” đuổi hàng mấy vạn quân xâm lược phương Bắc “chạy mất dép” (nếu ngày ấy quân Thanh mang dép cỏ).

Bây giờ, chỉ cần đứng trước cây me lão ấy và nhắm mắt lại, ta như thấy linh khí Việt đang ngùn ngụt bốc cao, tai ta như nghe văng vẳng tiếng trống trận ba hồi, tiếng voi gầm ngựa hí, và khẽ nhẹ hơn, tiếng lục lạc và tiếng bẻ bánh tráng mà thơ Xuân Diệu đã lắng được: “Lục lạc kêu rang rảng bánh tráng bẻ giòn giòn”. Đó là những âm thanh từ các cuộc hội quân của Quang Trung, từ các đám giỗ chạp của người dân Bình Định, và từ ký ức của một nhà thơ lớn đã trở thành báu vật của một vùng đất lành và mạnh.

Sinh thời, Xuân Diệu là một nhà thơ lành và mạnh, như đất quê mẹ ông, nơi trước ông đã từng sinh Đào Tấn, và trước nữa, đã từng có một Nguyễn Huệ-Quang Trung.

Làm sao lớn như một cây me

và nhỏ như một con người

Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn như vậy. Dưới một gốc me lão. Cách đây gần ba chục năm.

  • Thanh Thảo
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tây Sơn, hồn dân tộc rền trong tiếng trống  (30/01/2011)
Vững tin nơi “đầu sóng”  (26/01/2011)
Tiểu đoàn 307 nay ở đâu?  (21/01/2011)
Lòng tự tôn dân tộc của Vua Thành Thái  (19/01/2011)
CÔN ĐẢO - MÙA GIÓ CHƯỚNG  (10/01/2011)
Khánh thành Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc  (03/01/2011)
Làng nghề và tiếng lòng xứ Nẫu  (26/12/2010)
Tuy Phước, một ngày trên bước trăm năm  (22/12/2010)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp-một trí tuệ thuyết phục  (22/12/2010)
“Mẹ là suối nguồn bao la…”  (12/12/2010)
Côn Đảo là một trong 10 hòn đảo hấp dẫn nhất  (09/12/2010)
Tưởng niệm 702 năm Trần Nhân Tông nhập niết bàn  (07/12/2010)
Tại sao lại không yêu Quy Nhơn!  (06/12/2010)
Hồ Quí Ly - một nhân vật lịch sử cô đơn  (04/12/2010)
Hãy gieo niềm khát vọng sống, như ông (*)   (27/11/2010)