Từ khi bùng nổ cho đến lúc lụi tàn, chỉ trong 32 năm ngắn ngủi (1771-1802), nhưng phong trào nông dân Tây Sơn đã để lại dấu ấn to lớn trong lịch sử Việt Nam. Triển lãm “Cổ vật Tây Sơn: Hào quang sáng mãi” đã ít nhiều cho ta một cái nhìn bao quát về thời đại hào hùng ấy…
1.
Triển lãm “Cổ vật Tây Sơn: Hào quang sáng mãi” được tổ chức nhân Kỷ niệm 240 năm phong trào Tây Sơn (1771 - 2011) và 222 năm chiến thắng Đống Đa (1789 - 2011). Triển lãm đã khai mạc vào sáng ngày 10.2, tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh), dự kiến kéo dài đến tháng 10.2011.
|
Khu trưng bày chính của Triển lãm “Cổ vật Tây Sơn: Hào quang sáng mãi”. |
Ấn tượng đầu tiên khi đến tham quan triển lãm chính là thái độ tôn kính của hậu thế đối với tiền nhân. Các cổ vật được trưng bày trang trọng ở 2 phòng chính của Bảo tàng. Các gian trưng bày được sắp xếp rất khoa học, với tâm điểm của phòng thứ nhất là chiếc khánh đồng và những vũ khí bằng sắt như kiếm, giáo, đao… Hai khẩu thần công bằng đồng vớt được ở đầm Thị Nại được đặt cân đối ở 2 góc phòng, phía sau là những bức ảnh liên quan đến phong trào Tây Sơn và nhà Tây Sơn. Trong các hiện vật trưng bày ở phòng thứ hai, đáng chú ý là những mảnh gỗ của be thuyền tìm thấy tại khu vực chiến trận Rạch Gầm – Xoài Mút…
2.
409 hiện vật được trưng bày tại Triển lãm “Cổ vật Tây Sơn: Hào quang sáng mãi” thuộc nhiều chất liệu. Chiếm số lượng lớn trong triển lãm là các hiện vật bằng kim loại đồng, sắt... với chủng loại phong phú (chuông, khánh, trống đồng, con dấu, bạch khí đao, kiếm, giáo, các loại tiền bằng đồng...), trong đó có những hiện vật lần đầu tiên được trưng bày.
Các loại tiền đồng được trưng bày chủ yếu của các nhà sưu tập cá nhân, gồm: Thái Đức thông bảo, Minh Đức thông bảo, Quang Trung thông bảo, Quang Trung đại bảo, Cảnh Thịnh thông bảo, Cảnh Thịnh đại bảo, Bảo Hưng thông bảo… Triển lãm đã trưng bày khá nhiều con dấu của các võ quan Tây Sơn: Hộ quân sứ tước Vinh Hoa Hầu thuộc vệ Trung Tín thứ nhất phủ Tây Kỳ (1791), Vệ hiệu đô úy thuộc doanh Trung Thừa (1791), Trung Thủy chi Đại Đô đốc (1796), Phó đô ty hiệu Tân Thất vệ Trịnh Hùng (1797); ấn Tả Binh bộ thị lang (1797)…
Về chất liệu gốm, có gạch dùng để xây Phượng hoàng Trung Đô (Nghệ An), ngói âm dương, gạch lát nền, đá ngọc chạm lộng tìm thấy ở thành Hoàng đế (Bình Định). Ngoài ra, sự xuất hiện của những chiếc chum, bát có xuất xứ từ Thái Lan (tức Xiêm La) vớt được từ đáy sông kèm theo cả thân thuyền, mỏ neo ở khu vực xảy ra trận Rạch Gầm - Xoài Mút (hiện vật của Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút và Bảo tàng Tiền Giang) nhắc nhớ trận đánh ngày 18.1.1785, Nguyễn Huệ đã lập trận địa phục kích, đánh tan tành 20 vạn quân Xiêm.
Đáng chú ý, các hậu duệ của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã lưu giữ được nhiều thư từ, sắc chiếu bằng chất liệu giấy của vua Quang Trung và các quan lại gửi cho Nguyễn Thiếp; như Chiếu của vua Quang Trung trách cụ Nguyễn đã từ bổng lộc, Thư của vua gửi Nguyễn Thiếp nhờ xem và chọn ngày để dựng hành cung ở Nghệ An, Thư của Quan trấn Nghệ An thúc giục Nguyễn Thiếp tiến hành việc xem hướng đặt hành cung…
3.
Ngay sau khi vua Gia Long lên ngôi (1802), tất cả những “vật chứng” liên quan đến triều đại Tây Sơn đều bị “xóa sổ”, những người sở hữu chúng buộc phải tiêu hủy vì sợ liên lụy. Những hiện vật thời Tây Sơn còn tồn tại cho đến bây giờ, vì thế, càng hiếm và quý. Số hiện vật triển lãm lần này được tập hợp từ 8 đơn vị (trong đó, có 6 bảo tàng và 2 khu di tích) và 6 nhà sưu tập cá nhân trong cả nước.
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: “Hiện vật thời Tây Sơn hiện không còn nhiều, việc xác minh nguồn gốc “thời Tây Sơn” của các cổ vật cũng khá khó khăn; do đó, tổ chức được triển lãm như thế này là một nỗ lực rất lớn của nhiều tổ chức, cá nhân. Có thể nói, đây là lần đầu tiên những cổ vật thời Tây Sơn đã được tập hợp, trưng bày tại một cuộc triển lãm quy mô lớn nhằm giới thiệu với công chúng những vật chứng của một thời đại oanh liệt”. |
Theo đánh giá của các nhà sưu tập cổ vật và giới khảo cổ học, cho đến nay, cổ vật Tây Sơn vẫn là một trong những loại có số lượng ít nhất trong các loại cổ vật thuộc các triều đại Việt Nam. Có một điều thú vị là, dù số lượng có thể ít nhưng trong thực tế lại có đến hàng trăm địa chỉ trong và ngoài nước còn lưu giữ hiện vật Tây Sơn. Đó là các bảo tàng, các di tích, các sưu tập tư nhân hoặc các gia đình có liên quan đến triều đại này; trong đó, phải kể đến dòng họ Nguyễn của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.
Chị Minh Ánh, nghiên cứu sinh ngành Quy hoạch và Phát triển đô thị, Trường ĐH Việt - Đức, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi vốn ngưỡng mộ vua Quang Trung bởi những chính sách mới mẻ của ông, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Đến xem Triển lãm “Cổ vật Tây Sơn: Hào quang sáng mãi”, tôi hiểu thêm về thái độ coi trọng nền tảng giáo dục của ông khi được tận mắt nhìn thấy Chiếu của Quang Trung khen việc dịch sách “Tiểu học” và “Tứ thư” từ chữ Hán ra chữ Nôm, và thúc giục dịch tiếp “Kinh Thi”, “Kinh Thư”, “Kinh Dịch”…”.
Triển lãm “Cổ vật Tây Sơn: Hào quang sáng mãi” tạo điều kiện cho công chúng có dịp chiêm ngưỡng, tìm hiểu thêm những hiện vật quý hiếm, những vật chứng huyền thoại đã góp phần làm nên sự nghiệp kỳ vĩ của một triều đại anh hùng- triều đại của người anh hùng áo vải cờ đào. Và hơn thế, nó còn là dịp để chứng tỏ Quang Trung- Nguyễn Huệ và triều đại Tây Sơn vẫn mãi mãi lấp lánh trong niềm tưởng vọng của hậu nhân…
|