“Mà nay áo vải cờ đào...”
11:15', 17/2/ 2011 (GMT+7)

(Nhân nghĩa trủng đàn Quảng Trị được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa)

Ngày hòa bình sau năm 1975, những người lính hi sinh trên nhiều miền đất nước được quy tập về chôn cất trên đất Quảng Trị. Có hai nghĩa trang quốc gia trên mảnh đất này: nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hầu hết liệt sĩ hi sinh trên tuyến đường Đông Trường Sơn; nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 quy tập hầu hết liệt sĩ hi sinh trên tuyến Tây Trường Sơn, phía đất bạn Lào.

 

                            Nghĩa trủng đàn Quảng Trị vừa được trùng tu.

 

Nhưng ít ai biết rằng hơn 100 năm trước đã có một cuộc quy tập hài cốt quân Tây Sơn hi sinh trong trận chiến thần tốc tiêu diệt 30 vạn quân Thanh từ Hà Nội được đưa về chôn cất trong một mảnh làng nhỏ tên là làng Thạch Hãn trên đất thành cổ Quảng Trị! Nơi đó được gọi là nghĩa trủng đàn Thạch Hãn, nằm cách trung tâm thành cổ Quảng Trị chừng một cây số về phía nam.

Những nghĩa binh áo vải cờ đào theo Tây Sơn ngã xuống ngày ấy vốn được chôn cất trên đồng ruộng quanh thành Thăng Long (Hà Nội) từ mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Năm tháng đi qua, không ai nhớ ra và hương khói. Đến cuối thế kỷ 19, quan tuần vũ Hà Nội bấy giờ là cụ Hoàng Hữu Xứng, vốn là người quê Quảng Trị, nhiều lần đi kinh lý quanh thành gặp rất nhiều mộ hoang này, hỏi han kỳ lão trong vùng mới hay rằng đó là mộ của những nghĩa quân Tây Sơn miền Thuận Quảng theo vua Quang Trung Nguyễn Huệ ra chinh phạt quân Thanh.

Nhìn những mộ hoang vô chủ, quan tuần vũ họ Hoàng không khỏi nhớ đến những mồ quân Thanh chết trận còn được quy xương tập cốt chôn thành mười hai gò gọi là kình nghê kinh quán rồi cho lập đàn cúng tế, sau này (năm 1851) nhân mở chợ Nam Đồng phải làm đường san đất, gặp thêm hàng ngàn hài cốt khác của quân Thanh nên tổng đốc Hà Nội bấy giờ là Đặng Văn Hòa cho quy về chôn cất chu đáo tại một gò khác (chính là gò Đống Đa ngày nay - NV).

Với kẻ thù còn không nỡ lòng để thân xác người ta chôn sấp dập ngửa, huống nữa đây là những nghĩa binh áo vải cờ đào đã bỏ mình vì nước! Quan tuần vũ Hoàng Hữu Xứng bèn thuê người cất bốc, thu nhặt hài cốt gần 1.000 bộ rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng ở làng Thạch Hãn, cạnh thành cổ Quảng Trị. Ở đó có một mảnh đất rộng chừng bảy sào mà thân phụ của ông đã mua từ mấy chục năm trước để dành chôn cất những nấm mồ vô chủ của những lưu dân theo chúa Nguyễn trên đường đi về phương Nam mở cõi đã bỏ mình vì rừng thiêng nước độc, vì không hợp thủy thổ hay ốm đau bệnh tật...

Cuối năm 2010, sau bao nhiêu tháng ngày chờ đợi, nghĩa trủng đàn đã được UBND tỉnh Quảng Trị ký quyết định công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Cùng với tin vui trên, từ đóng góp hảo tâm của những con cháu họ Hoàng, nghĩa trủng đàn được đại trùng tu lần thứ ba, trở nên khang trang tôn kính, xứng với máu xương của những người đã nằm lại đất này từ buổi đầu theo chúa Nguyễn đi mở cõi hay diệt giặc xâm lăng phương Bắc.

Khoảnh đất được gọi là “nghĩa trủng đàn” ấy đã trở thành một “nghĩa trang đặc biệt” với phân nửa mộ phần là những vong hồn bơ vơ trong trời đất, phân nửa còn lại là những nghĩa binh vô danh Tây Sơn áo vải cờ đào. Từ đó con cháu họ Hoàng nối đời thay nhau hương khói săn sóc những mộ phần nơi nghĩa trủng. Đời vua Thành Thái, nghĩa trủng đàn Quảng Trị được đưa vào quy chế quốc gia, triều đình ban ruộng tự điền, người làng chăm lo hương khói được miễn sưu thuế, xuân thu nhị kỳ tế lễ có quan tuần vũ Quảng Trị đứng chủ tế.

Từ bấy đến nay, sau bao dâu bể, nghĩa trủng đàn chỉ được con dân họ Hoàng làng Bích Khê và một số dân làng Thạch Hãn chăm sóc hương khói. Trong lòng dân thành cổ Quảng Trị, đó vẫn là nơi chốn thiêng liêng.

Đầu xuân, chúng tôi về dâng hương ở nghĩa trủng đàn, những chồi non vừa nhú như những búp nến sáng long lanh trên những cành bàng khẳng khiu cạnh nghĩa trủng đàn, ngỡ như cỏ cây còn biết thắp lên niềm tưởng niệm tiền nhân.

Nghĩa trủng đàn đã là một minh chứng: dù dâu bể đổi dời đến đâu, dù trải qua bao nhiêu năm dài quên lãng, cuối cùng thì máu xương những người vị quốc vong thân vẫn luôn được đời dân nhắc nhớ.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
DU KÝ BÌNH ĐỊNH NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX  (15/02/2011)
Đặng Thùy Trâm trong ký ức của những thủy thủ tàu không số  (14/02/2011)
Sáng mãi hào quang Tây Sơn   (12/02/2011)
Gò 13 hay là sự tích gò Đống Đa  (08/02/2011)
DƯỚI BÓNG MÁT CÂY ME LÃO  (07/02/2011)
Tây Sơn, hồn dân tộc rền trong tiếng trống  (30/01/2011)
Vững tin nơi “đầu sóng”  (26/01/2011)
Tiểu đoàn 307 nay ở đâu?  (21/01/2011)
Lòng tự tôn dân tộc của Vua Thành Thái  (19/01/2011)
CÔN ĐẢO - MÙA GIÓ CHƯỚNG  (10/01/2011)
Khánh thành Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc  (03/01/2011)
Làng nghề và tiếng lòng xứ Nẫu  (26/12/2010)
Tuy Phước, một ngày trên bước trăm năm  (22/12/2010)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp-một trí tuệ thuyết phục  (22/12/2010)
“Mẹ là suối nguồn bao la…”  (12/12/2010)