Tháng 5.2010, Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Tư lệnh Quân khu (nay là Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN) nhận được thư của một cựu chiến binh thông báo về nghĩa trang QĐNDVN do Liên khu 5 xây dựng tại sân vận động Quy Nhơn năm 1955 đã bị trôi vào lãng quên. Cũng thời gian này, Đại tướng Nguyễn Quyết, Trung tướng Nguyễn Đôn, đã gửi thư đề nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng xây dựng tượng đài chiến thắng của quân dân Liên khu 5 tại Quy Nhơn. Trung tướng Nguyễn Trung Thu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc.
|
Lễ khánh thành Nghĩa địa QĐND Việt Nam (năm 1955). |
Dấu ấn giữa lòng dân
Trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng số 6 Đội Cấn, thành phố Quy Nhơn, Đại tá CCB Hoàng Liên sôi nổi: "Ngày đó, mặc dù bận rộn trăm công nghìn việc trước khi thực hiện chuyển quân ra miền Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, cùng với làm các công trình dân sinh khác, Bộ tư lệnh Liên khu 5 đã chủ trương xây dựng một nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của Liên khu ở thị xã Quy Nhơn, còn gọi là Nghĩa địa QĐNDVN, tập trung một số hài cốt cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở các chiến trường về nhằm mục đích ghi nhớ công lao của các liệt sĩ và để lại dấu ấn lịch sử trong lòng đồng bào". Trải lên bàn 4 bức ảnh mà ông còn giữ được về nghĩa trang, ông Liên không dứt mạch ký ức: "Những ngày chuẩn bị tập kết sôi động lắm. Tôi cùng các anh trong Ban 300 thuộc Phòng Chính trị Liên khu rong ruổi đến các nơi tuyên truyền chủ trương của Đảng về Hiệp định Giơ-ne-vơ, khi trở về lại Quy Nhơn thì việc xây dựng nghĩa trang đã xong. Tôi may mắn được chọn kéo cờ trong buổi khánh thành. Sau lời diễn văn của đồng chí Nguyễn Đôn, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Liên khu, tôi bước vào vị trí. Các anh trong tổ chụp ảnh của phòng đã kịp bấm máy và tặng cho tôi những tấm ảnh này. Tập kết ra Bắc, tôi gói những tấm ảnh vào giấy bóng, cất sâu trong rương. Khi quay vào Nam chiến đấu thì gửi đồ đạc ở nhà hàng xóm. Sau ngày giải phóng tất cả đều bị thất lạc và hư hỏng vậy mà những tấm ảnh vẫn còn nguyên".
Khi được hỏi, sao có trong tay nhân chứng rõ ràng thế mà không báo cho các cơ quan chức năng sớm hơn, nguyên Phó hiệu trưởng chính trị Trường Văn hóa Quân khu 5 trả lời rằng, mới đây gặp lại những người có mặt tại nghĩa địa năm xưa, các ông mới quyết định lên tiếng với nguyện vọng mong được xây dựng một tượng đài nơi đây để nhắc nhở, giáo dục con cháu mai sau.
Theo ông Hoàng Minh Tùng, nguyên chiến sĩ Đại đội 305, Tiểu đoàn 71 (công pháo) trực thuộc Phòng Tham mưu Liên khu, người trực tiếp xây dựng nghĩa trang hiện ở 94 Nguyễn Thái Học thì việc xây dựng công trình này kéo dài trong khoảng 100 ngày, tức là cuối năm 1954 đến tháng 4-1955 thì xong. Vị trí được chọn là khu đất rộng chừng 300m2 một phần sân vận động (nay là khu vực sân ten-nít), tiếp giáp chùa Long Khánh và các con đường lớn của thành phố, đặc biệt không xa chợ Quy Nhơn và trường Quốc học. Chính nhờ vị trí trung tâm này mà từ khi xây dựng đến sau khi khánh thành, nghĩa trang lúc nào cũng có người đến thăm viếng, thắp hương. Có chuyên môn về ngành công binh, ông Tùng trực tiếp chỉ đạo lực lượng lên thành Bình Định tháo gỡ đá ong về làm khoảng 120 mộ, rất kỹ lưỡng với những tấm đá được kê kích vuông vắn, sâu xuống mặt đất, đồng thời lại dựng những tấm khác kê nhô lên trên gần cả mét. Trước khi đưa ra nghĩa trang, hài cốt liệt sĩ từ các nơi chuyển về đựng trong các tiểu bằng sành hoặc gỗ có tên và không có tên, tập trung ở hội quán chùa Long Khánh, có lập bàn thờ, phủ cờ Tổ quốc, hương khói nghi ngút. Hội quán lúc đó chỉ là căn nhà nhỏ sơ sài (nay đã sửa sang xây dựng lại bề thế). Ngoài hơn 100 chiến sĩ của Đại đội 305 trực tiếp xây dựng, còn có các cháu học sinh đến khắc bia và sơn màu, các mẹ, các chị nấu nước. Nhà chùa do Hòa thượng Thích Tam Hoàng trụ trì đã tổ chức cầu siêu vong linh các liệt sĩ nhiều ngày liền.
|
Khiêng bia vào nghĩa địa (năm 1955). Ảnh tư liệu |
Có còn hài cốt liệt sĩ ở sân vận động?
Theo lời giới thiệu của Hòa thượng Thích Nguyên Phước, trụ trì chùa Long Khánh, chúng tôi tìm đến khuôn viên nhà chùa gặp Hòa thượng Thích Nguyên Trạch, hiệu Giác Lâm, người đã sống ở đây thời Pháp thuộc. Hòa thượng Thích Nguyên Trạch nói: "Thời điểm làm nghĩa địa tôi có biết, bởi tấp nập lắm. Vả lại ranh giới giữa nhà chùa và sân vận động chỉ là những bụi cây lúp xúp, thấy rõ mồn một. Qua năm 1956 thì chế độ Ngô Đình Diệm bắt đầu cho di dời. Họ mời tôi ra cầu siêu. Sau lễ là cất bốc, họ làm vội vàng nhưng trật tự, không thấy dùng xe xúc ủi. Mấy ngày sau thì đã trao sân cho bên sở thể thao. Đa số người vùng này là Phật tử, coi trọng tâm linh, việc vùi lấp hài cốt dù là bên nào cũng khó có thể xảy ra...".
Chắc chắn không còn hài cốt nào ở sân vận động hiện nay cũng là ý kiến của ông Nguyễn Hậu, hiện ở thôn Vĩnh Hy, Phước Lộc, Tuy Phước (Bình Định). Ông Hậu là y tá của Thị đội Quy Nhơn, đáng lẽ đã tập kết ra Bắc chuyến cuối cùng nhưng do bị sốt cao nên ở lại. Ông nhớ chính xác rằng, ngày chế độ Ngô Đình Diệm dời hài cốt liệt sĩ đi nơi khác là đúng dịp thanh minh (tiết tháng Ba). Chúng dùng xe GMC, có lẽ đến 5, 6 chiếc cất bốc đưa vào các thùng đạn. Ban đầu chúng làm có vẻ thận trọng, mỗi hài cốt kể cả bia mộ bỏ vào một thùng đạn bằng gỗ, nhưng ngày hôm sau trước sự đấu tranh của quần chúng nhân dân không cho di dời, chúng làm hối hả, dùng đèn pha rọi làm luôn đêm của ngày hôm sau để đưa bằng hết các liệt sĩ ra khỏi nghĩa địa. Ông Hậu khẳng định, chắc chắn số hài cốt bị thất lạc, hoặc không có tên là do chúng bỏ lẫn lộn vào thùng đạn, hoặc bị thất lạc tại nghĩa địa Ghềnh Ráng bởi thời gian và cát bụi phủ lấp.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, qua 3 lần di dời từ các nơi về nghĩa trang; chính quyền ngụy di chuyển ra khu vực Trại gà (nay là phường Ghềnh Ráng) và Ty thương binh xã hội đưa hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang Quy Nhơn nên số liệt sĩ có tên bị thất lạc nhiều. Hiện nay ở Nghĩa trang Quy Nhơn chỉ còn 41 mộ có tên (Trung đoàn 108: 32 mộ; Trung đoàn 803: 9 mộ) và 58 mộ không có tên. Các Trung đoàn 120, 95 từng có liệt sĩ quy tập thời chống Pháp nhưng không thấy tên. Tiếc là bản danh sách các liệt sĩ được chôn cất lần đầu hiện nay không còn ai lưu giữ nên việc xác minh danh tính là điều rất khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Hữu Chỉnh, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 cho biết: Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Định nhằm kết luận cuối cùng có nghĩa địa QĐNDVN tại Quy Nhơn vào thời điểm 1954-1955 để UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành chức năng thực hiện theo Nghị định 16/CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 26.1.2007 về việc " Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ nghĩa trang, đài tưởng niệm...". Việc xây dựng tượng đài quy mô cấp tỉnh hay cấp Nhà nước sẽ do các cấp có thẩm quyền quyết định. Ở sân vận động Quy Nhơn, cuộc sống vẫn tiếp diễn và sôi động hằng ngày. Tôi thầm nghĩ vong linh các liệt sĩ từng nằm đây 55 năm trước ắt hẳn đã có thể mỉm cười nơi chín suối vì đồng đội và nhân dân đã luôn nhớ về họ như nhớ về một giai đoạn lịch sử bi tráng của quân và dân Liên khu 5 anh dũng.
. Theo Hồng Vân/QĐNDO |