Đòn chí mạng giáng vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh"
16:51', 6/3/ 2011 (GMT+7)

Cách đây 40 năm, chiến dịch phản công quy mô lớn của quân đội ta có sự phối hợp của lực lượng vũ trang Pa-thét Lào tại chiến trường Đường 9-Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân "Lam Sơn 719", giáng một đòn chí mạng vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ - ngụy. Khi đó, tôi là Cục phó Cục Tuyên huấn được Tổng cục Chính trị cử làm phái viên tham dự chiến dịch. Tôi có may mắn được theo sát Bộ tư lệnh Mặt trận trong suốt quá trình tác chiến.

 

Quân địch tháo chạy khỏi Bản Đông sau khi cuộc hành quân "Lam Sơn 719" bị đánh bại. Ảnh tư liệu.

 

Nay, các anh Lê Trọng Tấn - Tư lệnh và anh Lê Quang Đạo-Chính ủy Mặt trận cùng nhiều đồng đội đã qua đời. Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đường 9-Nam Lào, tôi viết những dòng này để bày tỏ lòng tưởng nhớ các anh.

Ngày 30.1.1971, Mỹ-ngụy mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719" tấn công lớn ra Đường số 9 và Nam Lào nhằm đánh chiếm Sê Pôn, phá tận gốc Đường Hồ Chí Minh và thử nghiệm công thức "Bộ binh ngụy + hỏa lực + hậu cần Mỹ". Chúng huy động một lực lượng lớn: Hơn 3 vạn quân chủ lực ngụy, gồm toàn những đơn vị hạng nhất (dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân...) cùng một khối lượng lớn binh khí kỹ thuật với: 450 xe tăng, xe thiết giáp; 250 khẩu pháo; 700 máy bay trong đó có 500 trực thăng và trực thăng vũ trang. Chúng tin tưởng sẽ giành thắng lợi để chứng minh cho sự thành công của "học thuyết Ních-xơn" và chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".

Từ mùa hè 1970, ta đã dự kiến trước, phán đoán đúng ý đồ của địch và đã có sự chuẩn bị. Tháng 10.1970, Binh đoàn 70, một đơn vị tương đương quân đoàn được thành lập. Mặt trận B5, Quân khu Trị Thiên, Đoàn 559 được lệnh điều chỉnh đội hình, bố trí lực lượng, bày thế trận sẵn sàng.

Ngày 31.1.1971, Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Đường 9-Nam Lào: "Trận này là một trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược không những để giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược mà còn nhằm tiêu diệt nhiều đơn vị dự bị chiến lược của địch, tạo điều kiện đánh bại một bước quan trọng âm mưu "Việt Nam hóa chiến tranh". Quân đội ta nhất định phải đánh thắng trận này".

Quân ủy Trung ương cử anh Văn Tiến Dũng làm đại diện Quân ủy tại mặt trận. Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9-Nam Lào được thành lập, anh Lê Trọng Tấn là Tư lệnh và anh Lê Quang Đạo là Chính ủy. Cán bộ các cơ quan Tổng cục, các quân binh chủng được tăng cường cho cơ quan mặt trận. Đây là một cơ quan chỉ huy mạnh, đủ khả năng quyền hạn chỉ huy tất cả các lực lượng trên địa bàn chiến dịch và tổ chức hiệp đồng các chiến trường có liên quan như Quân khu 4, B5, Quân khu Trị Thiên, Đoàn 559 và lực lượng vũ trang của bạn ở Nam Lào.

Anh Lê Trọng Tấn và anh Lê Quang Đạo ra trận lần này rất vội vã. Vừa đi vừa nắm tình hình.

Cục Tác chiến thường xuyên thông báo: Sư đoàn dù ngụy và sư đoàn lính thủy đánh bộ ra Đông Hà. Liên đoàn biệt động quân đã từ Đà Nẵng ra Cam Lộ. Bốn thiết đoàn số 3, 7, 11, 17 từ Quảng Ngãi, Huế đã ra vùng Khe Sanh-Lao Bảo. Các đơn vị hậu cần và bảo đảm của Mỹ đã ra Quảng Trị.

Trên đường vào mặt trận, anh Tấn, anh Đạo dừng lại ở một trạm thông tin do anh Niên-Tư lệnh Bộ đội Thông tin dẫn vào. Qua điện thoại, anh Tấn ra lệnh cho các đơn vị triển khai lực lượng, chiếm lĩnh trận địa. Mặt trận B5 và Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) đánh địch ở phía đông Đường 9. Lực lượng Đoàn 559 đón đánh địch ở phía tây. Sư đoàn 324 (Quân khu Trị Thiên) cấp tốc hành quân ra nam Đường 9. Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đã bí mật cơ động từ Quảng Nam ra từ trước, bố trí ở tây Bản Đông. Sư đoàn 308 được lệnh hành quân cấp tốc vào chiến trường sẽ đánh địch từ phía bắc xuống. Địch đang ra quân, ta cũng ra quân. Tình hình rất khẩn trương. Nhận lệnh, sư đoàn 308 đã cơ động bằng 2.500 chuyến xe tải vượt chặng đường 500km từ Nghệ An vào bắc Đường 9. Tiến nhanh! Thời gian là lực lượng! Gặp địch là đánh! Tại ngã ba Dân Chủ, cửa ngõ vào chiến trường, bộ đội xuống đi bộ, hối hả vượt đèo, leo dốc để kịp vào vị trí chiến đấu. Khí thế ra quân hùng tráng lạ thường. "Lối cũ bây giờ quá nhỏ, quân đi tràn cả ra rừng" (thơ chiến sĩ).

Ngày 8.2.1971, với sự yểm hộ của Mỹ, các đơn vị bộ binh, dù, thiết giáp ngụy Sài Gòn chia thành 3 cánh quân vượt biên giới Việt-Lào. Cánh quân chủ yếu tiến theo Đường 9 từ Lao Bảo đến Bản Đông. Hai cánh quân bảo vệ sườn đổ bộ bằng trực thăng xuống các điểm cao ở cả hai phía nam-bắc Đường số 9. Từng đàn trực thăng vần vũ kín cả bầu trời. Trực thăng vũ trang bắn rốc két, vãi đạn 20mm dọn bãi đổ bộ. Pháo bắn, khu trục ném bom, B52 rải thảm... Mỹ đã yểm hộ tối đa cho quân ngụy về không vận và hỏa lực. Mỹ-ngụy có mưu đồ chỉ trong vòng hai, ba ngày là cắt ngang lưng Đông Dương, chặn đứng tuyến vận chuyển chiến lược của ta. Nhưng chúng đã nhầm.

Ngay từ ngày đầu cuộc hành quân, địch đã bị ngăn chặn. Đến đâu chúng cũng bị đánh. Cánh quân nào cũng bị đánh. Trên bộ, chúng vấp phải các điểm chốt chặn của Mặt trận B5, Trung đoàn 24. Trên không, chúng vấp phải lưới lửa phòng không khá mạnh của Binh đoàn Trường Sơn (gồm 300 súng máy và pháo cao xạ). Phía sau lưng chúng, lực lượng của Mặt trận B5 pháo kích, tập kích vào các căn cứ Mỹ và cắt đường tiếp tế vận tải.

Trên hướng chủ yếu của chiến dịch đã diễn ra 3 trận đánh vang dội: Tiểu đoàn 1 biệt động quân ngụy, một đơn vị nổi tiếng ác ôn bị Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) diệt gọn trên đồi 500. Sư đoàn 308 đã mở toang cánh cửa phía bắc. Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) được một đại đội xe tăng và công binh phối hợp tiêu diệt một tiểu đoàn dù, đánh trúng Sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3, bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ-Lữ đoàn trưởng và toàn bộ Ban tham mưu. Địch đưa Thiết đoàn 17 lên phản kích, nhưng bị Trung đoàn 36 (Sư đoàn 308) dùng B40 diệt gần hết xe tăng, xe thiết giáp. Xe địch cháy, nhiều xe máy vẫn nổ nhưng tổ lái đã chuồn.

Tin Đại tá Thọ-Lữ đoàn trưởng bị bắt và các đơn vị sừng sỏ bị tiêu diệt gây chấn động hàng ngũ địch, đồng thời nâng cao sĩ khí quân ta. Đúng là "Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu, Đẩu". Chính ủy Lê Quang Đạo rất chú trọng công tác cổ động chiến trường. Anh giao cho tôi thảo các lệnh động viên. Mỗi đơn vị lập được chiến công đều có điện khen của Bộ tư lệnh Mặt trận.

Bị bất ngờ vì những đòn giáng trả của bộ đội chủ lực ta, bị thiệt hại nặng, địch phải sớm đưa thê đội hai vào tham chiến hòng tiếp tục tiến đến Sê Pôn nhưng Sư đoàn 1 ngụy bị Sư đoàn 2 của ta chặn đánh không lên được Sê Pôn, chúng phải co cụm lại ở điểm cao 723 và dãy núi Phu Rệt nam đường 9. Lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 bị Sư đoàn 324 của ta vây đánh phải co cụm lại ở các điểm cao 550, 432. Sau một tháng hành quân, địch vẫn chưa đến được Sê Pôn.

Bỗng nhiên, ngày 7 tháng 3 năm 1971, cái loa tuyên truyền của ngụy Sài Gòn và một số hãng tin phương Tây ầm ĩ loan tin: "Sê Pôn đã bị đánh chiếm". Sau khi kiểm tra tình hình trên thực địa, Quân báo mặt trận báo cáo: "Sáng 7 tháng 3 năm 1971, hai tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 2 ngụy được trực thăng Mỹ thả xuống phía tây nhà thờ Sê Pôn. Bị pháo ta bắn và đơn vị bảo vệ Sê Pôn đánh, chúng vội vã rút lui, hiện nay Sê Pôn không có địch".

Tôi báo cáo tin phương Tây với anh Đạo, anh Tấn. Tin thêm: "Việt Nam Thông tấn xã báo cho Cục Tuyên huấn: Ngụy Sài Gòn hủy bỏ kế hoạch đưa báo chí phương Tây đến Sê Pôn".

Anh Tấn nói ngay: "Địch sắp rút". Với sự nhạy cảm của một vị tư lệnh chiến trường dày dạn kinh nghiệm (sau này anh em trong quân đội đặt cho anh Tấn cái tên trìu mến là Giu-cốp Việt Nam), anh Tấn đã phán đoán trúng. Ngày 8.3.1971, Đảng ủy Mặt trận ra lời kêu gọi: "Thời cơ chuyển sang tấn công trên toàn mặt trận đã đến! Diệt và bắt sống thật nhiều địch! Phá hủy thật nhiều phương tiện chiến tranh của chúng! Đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719! Bảo vệ vững chắc con đường mang tên Bác, giành toàn thắng cho chiến dịch!".

Trên Đường 9, đoạn từ Lao Bảo đến Bản Đông, các trung đoàn 2, 24, 102 chốt chặn cắt đường rút lui của địch. Phía nam Đường 9, Sư đoàn 2 vây đánh bọn lính thủy đánh bộ. Từ phía Bắc, các trung đoàn 64, 36, 66 được các đơn vị xe tăng và pháo binh chiến dịch chi viện, tràn xuống vây ép cụm cứ điểm Bản Đông do hai lữ đoàn dù và hai trung đoàn thiết giáp ngụy đóng giữ.

Trong thời gian sôi nổi chuẩn bị đại phá quân địch, hậu phương tới tấp gửi tới mặt trận hàng vạn lá thư thăm hỏi, cổ vũ chiến sĩ.

Ngày 18.3.1971, địch bỏ Bản Đông tháo chạy. Binh lính địch rút lui hỗn loạn, nhiều đơn vị bỏ xe pháo luồn rừng chạy, sĩ quan rút bằng trực thăng, lính ngụy bám càng máy bay. Ngày 20.3.1971, Bản Đông hoàn toàn giải phóng. Sau một tháng rưỡi chiến đấu, chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào kết thúc thắng lợi. Đây là một chiến dịch phản công quy mô lớn có ý nghĩa chiến lược, đánh bại cố gắng cao nhất của Mỹ-ngụy trong chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Từ đó, chấm dứt quá trình tiến công đánh ra vòng ngoài bằng các cuộc hành quân lớn của Mỹ-ngụy trên chiến trường ba nước Đông Dương.

. Theo Trung tướng HỒNG CƯ (QĐNDO)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có hay không nghĩa trang đầu tiên của Liên khu 5?   (01/03/2011)
Hành hương về nguồn cội…   (22/02/2011)
“Mà nay áo vải cờ đào...”  (17/02/2011)
DU KÝ BÌNH ĐỊNH NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX  (15/02/2011)
Đặng Thùy Trâm trong ký ức của những thủy thủ tàu không số  (14/02/2011)
Sáng mãi hào quang Tây Sơn   (12/02/2011)
Gò 13 hay là sự tích gò Đống Đa  (08/02/2011)
DƯỚI BÓNG MÁT CÂY ME LÃO  (07/02/2011)
Tây Sơn, hồn dân tộc rền trong tiếng trống  (30/01/2011)
Vững tin nơi “đầu sóng”  (26/01/2011)
Tiểu đoàn 307 nay ở đâu?  (21/01/2011)
Lòng tự tôn dân tộc của Vua Thành Thái  (19/01/2011)
CÔN ĐẢO - MÙA GIÓ CHƯỚNG  (10/01/2011)
Khánh thành Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc  (03/01/2011)
Làng nghề và tiếng lòng xứ Nẫu  (26/12/2010)