Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ chiến công hạ gục 37 máy bay địch, thế nhưng trong hồi ức của người anh hùng “siêu bắn máy bay” Lê Xuân Tưởng vẫn hiện lên rõ nét về những chiến tích lịch sử.
|
Người anh hùng siêu bắn máy bay Lê Xuân Tưởng bên những tấm huy chương bạc màu thời gian còn giữ lại được.
|
Sinh ra ở vùng đất nghèo huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), khi đất nước trong những ngày gian khổ chiến tranh. Ngày 10.1.1969, Lê Xuân Tưởng nhập ngũ, lên đường vào Thừa Thiên - Huế huấn luyện sử dụng súng cao xạ 12,7 mm. Trước đó, ông Tưởng đã từng bắn rơi hai chiếc máy bay F-4H, khi còn là “Dân quân tự vệ”. Sau đó, ông Tưởng được biên chế vào Đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324.
Lấy cho chúng tôi xem tờ báo Quân Đội Nhân Dân năm 1971 với tiêu đề “Tay súng kiên cường trên điểm cao 1078” và những tấm huy chương “Chiến sĩ bắn máy bay”, ông kể tiếp câu chuyện: “Năm 1970, tôi cùng đồng đội được phân nhiệm vụ bám cao điểm 1078, đón lõng từng tốp máy bay đi qua. Tôi được giao giữ vị trí xạ thủ. Khi tốp 3 chiếc máy bay địch đầu tiên bay tới trận địa, chờ chiếc máy bay đi đầu vào khoảng bắn tốt mới nhận lệnh bắn, lúc đó tôi kéo cò. Loạt đạn đầu trúng ngay đuôi chiếc đi đầu, làm nó bốc cháy và rơi tại chỗ. Loạt đạn tiếp theo tiện đứt chiếc thứ hai. Tôi tiếp tục kéo súng sang trái và nhắm vào chiếc máy bay còn lại. Sau một loạt đạn từ “con rồng nhỏ” 12,7 mm, chiếc máy bay thứ 3 đã bị hạ gục…”.
Từ đó mọi người trong đơn vị dành cho ông biệt danh “Tưởng Cò”, “Tưởng bắn máy bay” hay “Tưởng 1087”... Điều này cũng thật đúng cho đến tận bây giờ, khi chúng tôi về thôn Xuân Hồi hỏi thăm nhà ông Lê Xuân Tưởng mọi người hỏi: “Chú hỏi thăm nhà ông “Tưởng bắn máy bay” phải không? Hay nhà ông “Tưởng Cò” chứ gì?”
Khi được nhìn lại những tấm huy chương và bằng khen của ông Lê Xuân Tưởng mới biết hết về những chiến công rực rỡ của người anh hùng diệt máy bay này. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, của ông Tưởng đã bắn rơi 37 máy bay các loại với khẩu 12,7 mm. 20 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng, được tặng thưởng 5 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và ba, hàng loạt giấy chứng nhận Dũng sĩ diệt máy bay…
Ngồi trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thoàn, vợ ông Tưởng, chúng tôi mới cảm nhận được sâu hơn về người anh hùng siêu bắn máy bay này. Bà Thoàn cho chia sẻ: “Hết chiến tranh, ông về phục vụ tại Quân đoàn 2. Đến năm 1991, ông về hưu với quân hàm Trung tá và sống ở nhà vui bên ruộng vườn đến ngày nay. Hai vợ chồng tôi có 4 người con, tất cả đều đã lớn và có gia đình riêng, nhưng với tôi và những người con, ông luôn là một anh hùng đích thực”.
Nếu không về gặp tận mắt nhìn thấy người anh hùng đang sống bình dị ngay giữa đời thường này. Chúng ta khó lòng mà biết một người hùng cởi áo binh nghiệp trở về với đời thường, sống bình dị, khiêm nhường giữa xóm làng. “Ông Tưởng là người bình dị, sống nhiệt huyết giữa xóm làng. Nhiều người trong Hội Cựu chiến Binh chúng tôi nói sao ông không làm hồ sơ đề nghị phong tặng anh hùng. Ông chỉ cười mà nói đó là công lao chung của cả đơn vị chứ riêng gì mình”, Ông Lê Đình Chụt, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh thôn Xuân Hồi góp chuyện.
Trong thời gian gặp mặt truyền thống mới đây tại Hà Nội, đơn vị cũ của ông Tưởng đã nhất trí đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông. Với những “chiến công” giành được, ông xứng đáng được công nhận là một anh hùng đích thực.
. Theo QĐND Online |