(Kỳ 1)
Đây đó trong dư luận vẫn có người cho rằng Chiến dịch Xuân 1975 sở dĩ ta đánh nhanh thắng lớn là do địch sai lầm về chiến lược và tinh thần binh lính địch bạc nhược nên mới chiến thắng dễ dàng. Nhận thức như vậy là chỉ mới thấy phần ngọn mà chưa thấy hết cái gốc. Phần gốc phải thấy là chúng ta đã BIẾT ĐÁNH để đẩy địch đi vào những quyết định sai lầm về chiến lược và QUYẾT ĐÁNH để làm cho địch suy sụp về tinh thần.
|
Toàn cảnh đường 19, đoạn phía đông đèo An Khê.
|
Sư đoàn 3 Sao Vàng làm nhiệm vụ cắt đường chiến lược số 19 trong Chiến dịch Tây Nguyên. Nếu Sư đoàn 3 không làm chủ được đường 19 thì sẽ không có chuyện tướng ngụy Phạm Văn Phú, Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật ngụy phải rút quân qua đường 7b để rơi vào cảnh thảm bại. Còn để làm chủ được đường 19, Sư đoàn 3 chúng tôi đã phải quyết đánh (gần một trăm trận) để tiêu diệt và làm tan rã Sư đoàn 22 ngụy. Trong đợt chiến đấu ấy, sư đoàn chúng tôi phải chịu thương vong hàng ngàn chiến sĩ. Hoàn toàn không một chút dễ dàng. Có tiểu đoàn (D3, E2) mất gần hết quân số. Có chốt điểm (cầu 16, cầu Thủ Thiện Hạ…) trên trục đường 19 phải đánh đi đánh lại ba lần. Có lần, Chính ủy Trung đoàn phải xuống trực tiếp chỉ huy đại đội vì cán bộ tiểu đoàn, đại đội lần lượt thương vong...
Nhân kỷ niệm ngày Chiến thắng 30.4 lịch sử, tôi xin kể lại cuộc chiến đấu của Sư đoàn 3 - Sao Vàng trong chiến dịch cắt đường 19 (đoạn phía đông đèo An Khê) phối hợp với Chiến dịch Tây Nguyên của Bộ.
Cuối năm 1974, Sư đoàn 3 Sao Vàng vẫn phải tổ chức những trận đánh quyết liệt chống địch lấn chiếm ở bắc Bình Định. Sư đoàn 22 ngụy nghi ngờ Xuân 1975 Sư đoàn 3 lại đánh lớn ở bắc Bình Định như ở Xuân 1972 nên chúng đã đưa quân đánh sâu vào vùng giải phóng của ta ở huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn. Tương kế tựu kế, Sư đoàn dùng một trung đoàn đánh trả quyết liệt và nghi binh dùng xe ủi đất, máy cày, máy kéo, đêm đêm bật đèn chạy từ vùng căn cứ Hoài Ân tiến ra huyện An Lão. Thanh niên xung phong của tỉnh và lực lượng sản xuất, bệnh xá, thu dung của Sư đoàn được huy động ra làm đường thâu đêm. Trong khi đó, chủ lực cơ động của Sư đoàn gồm hai trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo binh đã bí mật chuyển quân vào khu rừng đại ngàn ở phía Tây Nam huyện Hoài Ân. Trung đoàn 270 công binh của Quân khu tăng cường cũng bắt đầu triển khai công việc mở đường cho pháo xe kéo, làm ngầm qua sông Côn. Khó khăn nhất là con đường lên đỉnh núi Ông Bình cao 814m, phía bắc đèo An Khê, để đưa pháo, cối lên đó bắn trực tiếp xuống mặt đường 19. Bộ đội ta chỉ được chặt cây con, còn cây to dùng cưa cắt hai phần ba gốc cây, đợi khi nổ súng mở màn chiến dịch mới cho hạ cây kéo pháo.
Nhiệm vụ cơ bản của Sư đoàn trong Chiến dịch Xuân 1975 là phải tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá hủy và thu một số phương tiện chiến tranh của chúng... thực hiện cắt đường số 19 dài ngày, tạo điều kiện cho hướng chính Tây Nguyên diệt địch, tạo sơ khoáng ở hướng đông, hỗ trợ cho phong trào tỉnh Bình Định.
Cuối tháng 1 năm 1975, khi đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường theo các con đường mòn xuyên rừng thì Trung đoàn 270 công binh bắt đầu khởi công con đường xe cơ giới, nối liền huyện Hoài Ân và huyện Vĩnh Thạnh tới huyện Bình Khê. Các tiểu đoàn trực thuộc cùng một lực lượng lớn nhân dân địa phương cấp tốc mở con đường phía đông sông Côn và nhiều đoạn đường nhánh để lên các điểm cao hòn Sum, Ba Xuyên, Hữu Giang và núi Ông Bình... Khi chiến dịch phát triển sẽ mở tiếp qua eo núi Hoành Sơn ra phía đông và một nhánh cắt ngang đường 19 vào phía nam qua suối Đồng Tre, tiến ra Đồng Dụ, tổng chiều dài khoảng 260km.
Không phải đợi khi thông đường Sư đoàn mới chuyển hàng vào khu chiến mà ngay từ khi nhận nhiệm vụ, cơ quan hậu cần đã triển khai việc vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm và súng đạn từ các kho phía bắc đưa về khu vực phía nam. Tất cả các phương tiện ô tô, thuyền nan, ngựa thồ, vận tải bộ gồm 2000 dân công và 1.800 chiến sĩ được huy động cho chiến dịch vận tải này.
Cuối tháng 2 năm 1975, khi các cơ quan tham mưu chuẩn bị xong phương án tác chiến thì Trung đoàn 270 cũng đã hoàn thành mở đường đợt 1.
Theo phương án tác chiến, trong bước 1, Sư đoàn sử dụng cả 4 trung đoàn tiến công đồng loạt các cụm quân địch trên tuyến dài 30km dọc hai bên đường 19. Sau đó sử dụng một trung đoàn bộ binh, một tiểu đoàn công binh liên tục đánh địch trên hai khu vực: Đỉnh đèo An Khê (phía tây) và núi Ngang (phía đông) không cho địch thông đường, nhốt chặt bọn địch ở thị trấn Đồng Phó và khu vực Vườn Xoài, điểm cao 105 để cho Trung đoàn bộ binh 2 và 141 vận động bao vây tiến công tiêu diệt, thực hiện cắt đường triệt để. Bước thứ hai mở chốt núi Ngang cho viện binh địch vào khu chiến để tiêu diệt tiếp. Bước 3 sẽ phát triển về phía tây hoặc phía đông tùy theo mệnh lệnh của Quân khu.
Ngày 26.2.1975 Sư đoàn bắt đầu hành quân. Những đơn vị đánh từ nam đường 19 được lệnh hành quân trước Tết Ất Mão. Bộ đội vừa hành quân vừa ăn Tết như binh sĩ của Vua Quang Trung năm xưa. Dọc hai bên bờ sông Côn, trên con đường mới mở dày đặc kho, trạm, bếp Hoàng Cầm được ngụy trang kín đáo. Dưới những cánh rừng, bộ đội đi rộn ràng hối hả. Những đoàn dân công người Kinh, người dân tộc thiểu số đi vận chuyển đạn, gạo từ tháng trước trở về nói cười hớn hở.
Cắt đứt đường chiến lược số 19 là vấn đề đầu tiên được đặt ra với Chiến dịch Tây Nguyên. Bởi nó không chỉ là đường tiếp liệu, tiếp viện chủ yếu mà còn là con đường rút lui nhanh nhất, thuận lợi nhất của địch xuống đồng bằng mỗi khi Tây Nguyên thất thủ. Chính vì vậy mà Tổng thống ngụy Sài Gòn và tư lệnh Quân khu 2 ngụy quyết định “Phải giữ đường 19 bằng mọi giá”. Với chiều dài gần 200km bắt đầu từ cầu Bà Di trên quốc lộ 1, đường 19 chạy qua các huyện An Nhơn, Bình Khê, vượt đèo Thượng Giang quanh co hiểm trở, băng qua thị trấn An Khê, đèo Măng Giang rồi đổ vào thị trấn Plei-cu, nơi đặt sở chỉ huy vùng 2 chiến thuật ngụy.
Được Bộ tư lệnh Quân khu 5 phê chuẩn, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã chọn khu vực tác chiến ở đoạn đường hiểm trở nhất, là đoạn phía đông đèo Thượng Giang (đèo An Khê) đến thị trấn Đồng Phó (huyện Bình Khê). Trên đoạn đường này, địch đóng 37 chốt điểm, trong đó có những cụm chốt kiên cố như núi Cây Rui (7 chốt), cống Hang Dơi (5 chốt), Đồng Phó - Hậu Trạm - Vườn Xoài (7 chốt), Truông Ổi - đồi Che Chẻ (6 chốt) v.v.. Hầu hết các chốt đều nằm trên điểm cao, án ngự bên trục đường 19. Cuối tháng 2 năm 1975, địch tăng thêm Trung đoàn 47 thuộc Sư đoàn 22 ngụy vào khu chiến, đưa lực lượng phòng ngự của địch ở đây lên 8 tiểu đoàn bộ binh, 3 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép.
Nghi ngờ ta tiến công lớn cắt đường số 19, chúng cho Trung đoàn 47 sục sâu lên vùng núi Vĩnh Thạnh phát hiện lực lượng ta. Để giữ bí mật, Sư đoàn sử dụng lực lượng trinh sát, công binh trang bị gọn nhẹ đánh theo lối du kích, kết hợp với các bãi chông khiến địch không dám lùng sâu và cho rằng chỉ có bộ đội địa phương và du kích. Trung đoàn 270 công binh triệt để ngụy trang con đường đang làm và bố trí các tổ đánh địch từ xa, không cho chúng phát hiện đường kéo pháo.
Kìm được địch là một thắng lợi lớn, nhưng một khó khăn nữa phải giải quyết là đưa pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng. Hàng trăm người dùng mọi phương pháp kéo, đẩy những khẩu pháo nặng qua ngầm sông Côn chảy xiết, vượt những ngọn núi cao từ 200 đến 800m ngay sát khu vực địch lùng sục. Nhưng nhờ tổ chức chặt, nỗ lực lớn của bộ đội nên cuối cùng những khẩu pháo bắn thẳng và các cụm pháo bắn cầu vồng cũng đã vào trận địa trót lọt.
Ngày 3.3.1975, Sở chỉ huy Sư đoàn chiếm lĩnh vị trí ở tây nam điểm cao 784. Lúc 10 giờ 10 phút, Trung đoàn bộ binh 2 báo cáo có một toán thám báo địch sục lên điểm cao 334 cắt dây điện thoại rồi phục kích bắn chết một chiến sĩ, lấy mất bản mật khẩu. Trung đoàn 270 báo cáo một tốp địch vào tới đường kéo pháo lên Hòn Sum lấy mất 50kg thuốc nổ. Tiếp đó, máy bay địch lên ném bom vào núi Hòn Sum.
Sư đoàn nhận định: Dù đã phát hiện dấu vết bộ binh và pháo binh nhưng địch vẫn chưa phát hiện đây là hướng chính của chiến dịch. Chúng vẫn giữ hai trung đoàn bộ binh ở phía bắc, nghĩa là cho rằng ta cắt đường 19 như năm 1972 để tiến công bắc Bình Định. Các đơn vị được lệnh giữ bí mật, khẩn trương chiếm lĩnh trận địa theo phương án đã định. Cho đến sáng ngày 4.3.1975, tất cả Sư đoàn đã sẵn sàng. Chỉ còn chờ sương mù vén lên là phát hỏa.
Hiệu lệnh nổ súng của Sư đoàn là tiếng nổ giá mìn thổi của Tiểu đoàn 7 ở đồi Che Chẻ. Tiếp đó, hai phát pháo hiệu một vàng, một xanh vút lên báo hiệu chính thức mở màn Chiến dịch Xuân 1975 trên chiến trường Khu 5. Lúc đó là 5 giờ 35 phút ngày 4.3.1975.
(còn nữa)
. Theo Đại tá NGUYỄN VĂN TÍCH (Cựu chiến binh đoàn Sao Vàng)/QĐNDO |