Cắt đứt đường 19 trong Chiến dịch Tây Nguyên-Xuân 1975
16:5', 18/3/ 2011 (GMT+7)

(Kỳ 2)

Cả một thung lũng rộng lớn của vùng Thượng Giang phút chốc bỗng vang lên bởi hàng ngàn phát pháo các cỡ từ cấp trung đoàn đến tiểu đoàn. Hàng chục chốt điểm địch từ núi Cây Rui đến lăng Mai Xuân Thưởng đều bị tiến công. Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12 tiêu diệt 3 chốt điểm trên sườn đèo An Khê. Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 quét sạch địch ở chốt đồi Đá và lăng Mai Xuân Thưởng, Núi Ngang.

 

Trận địa chốt Cây Rui (đỉnh đèo An Khê), nút cắt phía Tây trong chiến dịch cắt đường 19 của Sư đoàn 3 Sao Vàng.

 

Đường số 19, đoạn Thượng Giang – Bình Khê đã bị cắt chặn hai đầu bởi hai cụm chốt chiến dịch của Sư đoàn 3 Sao Vàng. Trong khi đó, ba tiểu đoàn mạnh của Sư đoàn liên tục tiến công vào 6 đại đội bộ binh và hai ban chỉ huy tiểu đoàn địch từ Truông Ổi đến Định Quang. Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 141 diệt chốt điểm Che Chẻ trong vòng 15 phút. Đại đội 3, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 ào ạt xông lên đánh chiếm điểm cao Cột Cờ. Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Oanh, lúc vào chiếm lĩnh vướng phải mìn giập nát đôi bàn chân nhưng vẫn cắn răng chịu đau để giữ bí mật cho trận đánh. Nguyễn Xuân Oanh là người chiến sĩ đầu tiên của Sư đoàn ngã xuống trong chiến dịch lịch sử này.

Ở chốt điểm Truông Ổi, cuộc chiến đấu của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 141 với Sở chỉ huy Tiểu đoàn 209 bảo an diễn ra gay gắt. Bộ đội phải ba lần tổ chức xung phong mới làm chủ được Truông Ổi. Ba đại đội địch còn lại từ Định Quang đến Tiên Thuận rơi vào tình trạng bị bao vây bốn phía. Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 làm nhiệm vụ tiêu diệt cụm quân này được lệnh xuất kích. Đại đội trưởng Nguyễn Tân Dân cho bộ đội đánh thốc lên điểm cao 309. Nhưng ba lần xông lên đều bị đại liên, lựu đạn địch đẩy bật xuống. Nguyễn Tân Dân xin hỏa lực chi viện và chuyển hướng tiến công thứ yếu thành chủ yếu. Chiến sĩ giữ máy bộ đàm 2W Lê Văn Phiến bị thương gãy nát hai chân. Nguyễn Tân Dân định trực tiếp gọi điện nhưng Lê Văn Phiến đã ngăn lại nói: “Thủ trưởng đưa bức điện cho tôi. Tôi làm việc nhanh hơn”. Đó là bức điện cuối cùng của người chiến sĩ kiên cường ấy. Anh đã lặng lẽ hy sinh bên chiếc máy thân yêu của mình vào lúc hỏa lực của tiểu đoàn bắn trùm lên điểm cao 309.

Mất 309, địch ở Định Quang, Tiên Thuận nháo nhác. Sư đoàn trưởng ra lệnh cho Trung đoàn 2 xuất kích. Sau 30 phút, quân địch bị ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ.

Ngày đầu tiên Sư đoàn san bằng 11 vị trí địch, diệt 316 tên, bắt sống 52 tên, thu 200 súng, có 2 khẩu pháo 105mm và 2 xe đạn pháo. Lực lượng phòng ngự dự phòng của địch bị quét sạch. Sư đoàn cơ động đội hình áp sát đường 19. Các trận địa pháo 105mm, 85mm nhích dần lên. Hai khẩu pháo 85mm nòng dài và cối 120mm vào chiếm lĩnh đỉnh núi Ông Bình cao 814m trong đêm 6.3.

Ở phía đông khu chiến, đúng như dự đoán của ta, ngay sau khi đường 19 bị cắt ở đèo Thượng Giang, địch đã tổ chức phản kích quyết liệt. Nhất là cụm chốt núi Ngang. Sân bay Gò Quánh cách đó khoảng 10km, các trận địa pháo Phú Phong, An Xuân, An Khê liên tục bắn phá, ném bom. Ta giữ chốt được hai ngày thì bị địch chiếm lại. Sư đoàn cho bộ đội lui ra đánh phục kích rồi dùng pháo bắn vào núi Ngang làm cho địch phải kêu lên: “Núi Ngang là một cửa tử”.

Tại cụm chốt phía Tây ở đèo Thượng Giang, địch cũng ra sức tiến công từ An Khê xuống và từ Hòn Kiềng, Chót Vung lên nhưng ta vẫn giữ vững trận địa.

Để làm chủ được mặt đường 19, ngày 8.3, sư đoàn tổ chức đánh chiếm cụm quân địch ở ấp Vườn Xoài, cầu 16, điểm cao 105 và căn cứ Hậu Trạm. Địch đóng ở đây có Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 47, Sư đoàn 22 và Sở chỉ huy Liên đoàn bảo an 927.

5 giờ sáng ngày 8.3 ta nổ súng tiến công, đến 7 giờ thì chiếm được ấp Vườn Xoài và cầu 16. Nhưng đến 12 giờ 30 phút, địch dùng 15 xe tăng, xe bọc thép dẫn đầu bộ binh phản kích. Bộ đội ta bị thương vong nhiều. Tiểu đoàn 3 phải rút lui, địch chiếm lại Vườn Xoài và cầu 16. Chúng đưa sở chỉ huy Trung đoàn 47, Sư đoàn 22 đặt tại điểm cao 105 bên cạnh sở chỉ huy Liên đoàn bảo an 927 để củng cố thế trận phòng ngự.

Mệnh lệnh làm chủ mặt đường 19 trở nên cấp bách. Sáng ngày 10.3, Sư đoàn sử dụng 3 tiểu đoàn bộ binh dưới sự chi viện của pháo binh tiếp tục tiến công chiếm lại ấp Vườn Xoài, cầu 16, điểm cao 105 và Hậu Trạm. Tiểu đoàn 1 và 3, Trung đoàn 2 đánh từ phía Bắc vào. Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12 đánh từ phía Nam ra. Dùng một đại đội của Trung đoàn 141 đánh chặn quân địch chi viện từ thị trấn Đồng Phó lên.

Khi pháo hạng nặng của ta vừa dứt, bộ đội từ các vị trí tiếp cận xông lên. Trận đánh diễn ra ác liệt vì ta phải xuất phát tiến công từ gò, đồng trống trải. Địch có công sự vững chắc và xe tăng chi viện. Căng thẳng nhất là điểm cao 105. Sườn núi dốc, có nhiều gộp đá. Địch lợi dụng gộp đá lập các ổ đề kháng. Bộ đội bị ghìm lại. Tiểu đoàn trưởng Lê Văn Quế điện về trung đoàn xin hỏa lực chi viện. Hỏa lực vừa dứt, Tiểu đoàn 6 và Tiểu đoàn 2 xông lên đánh giáp lá cà với địch. Tên Trung tá Lê Câu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 47 ngụy biết tình thế không thể cứu vãn được vội dẫn một nhóm sĩ quan chạy về Đồng Phó. Nhưng vừa ra khỏi chân núi, đám tàn quân đã bị chính bom của chúng tiêu diệt.

Mất điểm cao 105 và căn cứ Hậu Trạm, địch tung 2 đại đội bộ binh và một chi đoàn xe tăng, xe bọc thép có máy bay và pháo binh yểm trợ đánh ra chiếm lại, nhưng chúng bị Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 141 chặn đánh ở Đồng Vắt. Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 tiến công vào ấp Vườn Xoài và cầu 16 lần thứ hai. Địch dựa vào lô cốt và hào giao thông chống trả quyết liệt. Pháo địch không ngớt dội vào đội hình Tiểu đoàn 3. Ở mũi chủ yếu, Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Danh Mạc trực tiếp chỉ huy, cho hỏa lực đi cùng chế áp để bộ đội bò lên phá cầu 16. Chiến sĩ Nguyễn Văn Thanh đút được ống bộc phá vào lô cốt nhưng bị địch đẩy ra. Lập tức Thanh dùng toàn thân ấn ống bộc phá vào và giật nụ xòe, giữ một lát rồi mới lăn ra. Bộc phá nổ om. Hỏa lực đề kháng của địch bị dập tắt. Bộ đội xông lên. Địch lùi vào lô cốt trung tâm rồi gọi pháo bắn trùm lên căn cứ. Bộ đội tạm dừng tiến công. Ta và địch mỗi bên chiếm một phần căn cứ. Buổi chiều, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 lại tiến công một lần nữa nhưng vẫn không dứt điểm. Trung đoàn 2 ra lệnh bao vây để tối tập kích. Nhưng nửa đêm 10.3, tiểu đoàn trưởng của địch cùng bọn tàn binh đã rút chạy khỏi căn cứ.

Như vậy, trước khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn ở Buôn Ma Thuột (10.3.1975), Sư đoàn 3 Sao Vàng đã đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 47, Sư đoàn 22 ngụy và Liên đoàn bảo an 927, làm chủ hàng chục ki-lô-mét trên đường 19 đoạn phía đông đèo An Khê, thực hiện thế chia cắt chiến lược hiểm hóc giữa Tây Nguyên và đồng bằng Khu 5.

*

*      *

Chiến dịch Tây Nguyên nổ súng được 4 ngày đã đẩy Quân khu 2 ngụy vào tình trạng hoảng loạn.

Ngày 14.3.1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bay ra Nha Trang gọi Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân khu 2 xuống báo cáo. Sau khi Phạm Văn Phú tường trình, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho rút quân về giữ đồng bằng. Việc bảo vệ miền duyên hải trở thành vấn đề sinh tử đối với địch. Bởi vậy, trên con đường 19, Phạm Văn Phú ra lệnh cho Sư đoàn 22 ngụy từ “Phản công tái chiếm” chuyển sang “Chống đỡ và ngăn chặn” phát triển của ta từ cao nguyên xuống Quy Nhơn. Chúng cấp tốc dùng máy bay trực thăng bốc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 47 ở đỉnh đèo An Khê đưa về phía đông, điều toàn bộ Trung đoàn 41, Sư đoàn 22 từ huyện Phú Mỹ vào, đẩy Trung đoàn 42, Sư đoàn 22 lên cùng với Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 47 lập một cụm chốt 12 điểm từ thị trấn Đồng Phó đến Bình Tường, dựng thành lá chắn bảo vệ phía Tây thị xã Quy Nhơn và vùng đồng bằng Nam tỉnh Bình Định, quân cảng Quy Nhơn.

Sư đoàn 3 Sao Vàng nhận điện khẩn của Quân khu 5 giao nhiệm vụ vít chặt hơn nữa đường 19, không cho địch thông đường để cứu Tây Nguyên.

Nắm lại tình hình, Sư đoàn 3 nhận thấy toàn bộ Sư đoàn 22 ngụy đã tập trung vào đường 19. Nếu ta đập tan được cụm phòng ngự của địch ở Đồng Phó thì mới làm chủ được đường 19 vững chắc và có thể dẫn tới những đột biến lớn.

Từ sự phân tích đó, Sư đoàn quyết định sử dụng Trung đoàn 141 và Trung đoàn 2, tăng cường thêm Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, bằng chiến thuật bao vây đánh lấn tiêu diệt ba tiểu đoàn địch từ Đồng Phó đến Bình Tường. Đồng thời dùng Trung đoàn 12 tiến công cụm chốt Cây Rui làm chủ toàn bộ đèo An Khê. Sư đoàn dốc toàn bộ lực lượng đánh liên tục ba ngày đêm. Thương vong khá lớn nhưng bộ đội vẫn thay nhau chiến đấu đến cùng. Các tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn, thậm chí cả Chính ủy Trung đoàn đều nêu gương chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ ở những nơi khó khăn nhất.

Ngày 18.3, Sư đoàn nhận được thông báo của Quân khu: Địch đã rút khỏi Kon Tum, Plei-cu; khen Sư đoàn đã làm chủ đường 19 nên địch phải rút theo đường 7 và đang sa lầy ở đó. Quân khu ra lệnh khẩn cho Sư đoàn 3 dùng một trung đoàn nhanh chóng tiến về phía tây giải phóng quận lỵ An Khê. Lực lượng còn lại tiến về phía đông bao vây tiêu diệt Sư đoàn 22 ngụy, giải phóng thị xã Quy Nhơn, giải phóng tỉnh Bình Định.

Niềm vui lớn bùng lên khắp Sư đoàn. Thời cơ thực hiện khát vọng trong 10 năm trời đã đến. Không kịp họp Đảng ủy Sư đoàn vì các Đảng ủy viên hầu hết đang chỉ huy trên các hướng. Bộ tư lệnh Sư đoàn, một mặt ra lời kêu gọi các đơn vị, một mặt cử Tham mưu trưởng và Phó chính ủy Sư đoàn xuống thẳng Trung đoàn 12 trực tiếp chỉ huy giải phóng huyện An Khê. Cái khó lúc này là quân số hao hụt. Mỗi đại đội chỉ còn khoảng 25-30 tay súng. Nhưng niềm vui chiến thắng từ các chiến trường đưa về như một sức mạnh kỳ diệu tiếp sức cho mỗi cán bộ, chiến sĩ. Bộ đội cắt rừng nhanh chóng tiến về thị trấn An Khê.

(còn nữa)

. Theo Đại tá Nguyễn Văn Tích (Cựu chiến binh Đoàn Sao Vàng)/QĐNDO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cắt đứt đường 19 trong chiến dịch Tây Nguyên-Xuân 1975  (16/03/2011)
Anh hùng hơn 40 năm sống lặng lẽ giữa đời thường  (14/03/2011)
Gặp lại những cựu tù cuối cùng rời "địa ngục trần gian"   (10/03/2011)
Đòn chí mạng giáng vào chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh"  (06/03/2011)
Có hay không nghĩa trang đầu tiên của Liên khu 5?   (01/03/2011)
Hành hương về nguồn cội…   (22/02/2011)
“Mà nay áo vải cờ đào...”  (17/02/2011)
DU KÝ BÌNH ĐỊNH NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX  (15/02/2011)
Đặng Thùy Trâm trong ký ức của những thủy thủ tàu không số  (14/02/2011)
Sáng mãi hào quang Tây Sơn   (12/02/2011)
Gò 13 hay là sự tích gò Đống Đa  (08/02/2011)
DƯỚI BÓNG MÁT CÂY ME LÃO  (07/02/2011)
Tây Sơn, hồn dân tộc rền trong tiếng trống  (30/01/2011)
Vững tin nơi “đầu sóng”  (26/01/2011)
Tiểu đoàn 307 nay ở đâu?  (21/01/2011)