(Tiếp theo và hết)
Địch ở đây lúc này có khoảng 2.500 tên, có trận địa phòng ngự kiên cố do sư đoàn 1 không vận Mỹ để lại, có một chi đoàn xe tăng, xe bọc thép và trận địa pháo hỗn hợp 105 ly, 155 ly. Đó là một thử thách lớn với Trung đoàn 12. Tuy vậy, sau khi nghe tin đại quân địch đang bị tiêu diệt và bắt sống ở Cheo Reo (đường 7), tinh thần ngụy quân ngụy quyền ở đây bị suy giảm.
|
Toàn cảnh căn cứ Lai Nghi, nơi đặt SCH nhẹ F22 và E42 ngụy bị ta tiêu diệt ngày 31.3.1975.
|
Chỉ trong một ngày chiến đấu, Trung đoàn 12 đã đập tan 20 chốt điểm và căn cứ vòng ngoài rồi chia thành 3 mũi đánh thẳng vào trung tâm thị trấn, diệt và bắt 1.300 tên, thu 1.500 súng, có 6 khẩu pháo 105 và 155 ly, 2 khẩu cối 106,7 ly, 6 xe tăng xe bọc thép và 22 xe quân sự. Sư đoàn làm chủ đường 19 trên 30km từ An Khê đến Đồng Phó.
Thực hiện mệnh lệnh tiến về phía Đông, Sư đoàn Sao Vàng phải cấp tốc mở hai con đường nhánh dài 30km từ phía Bắc vào Nam đường 19 và từ phía Tây qua phía Đông dãy núi Hoành Sơn để đưa pháo cơ giới vào chiếm lĩnh trận địa khống chế sân bay Gò Quánh và các trận địa pháo của Sư đoàn 22 ngụy. Thành lập ngay một đại đội pháo 155 ly vừa thu được của địch ở An Khê, cấp tốc huấn luyện đưa vào sử dụng. Ra lệnh điều động cán bộ, chiến sĩ ở các đội sản xuất phía sau, trường Hạ sĩ quan, Tiểu đoàn Thu Dung... ra bổ sung quân số cho các đơn vị bộ binh. Huy động dân công và cán bộ các cơ quan ra tham gia cùng trung đoàn pháo binh, công binh mở đường suốt ngày đêm. Địch phát hiện cho máy bay bắn phá, Tiểu đoàn cao xạ 37 ly bám sát đánh trả quyết liệt. Cả khu chiến sục sôi khí thế xung trận, bộ đội bất chấp tất cả, rùng rùng hành quân tiến về các mục tiêu quy định.
Lực lượng chủ yếu của Sư đoàn 22 ngụy lúc này là Trung đoàn 41 và Trung đoàn 42. Chúng tổ chức phòng ngự dài 20km dọc Đường 19 từ quận lỵ Phú Phong đến căn cứ Lai Nghi. Xe bọc thép rải đều theo đội hình bộ binh. Chúng lập sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 22 bên cạnh ban chỉ huy Trung đoàn 42 tại Lai Nghi, một căn cứ cũ của Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên, rộng chừng nửa cây số vuông, có hào sâu, thành cao, lô cốt kiên cố.
Ngày 26.3.1975, một bộ phận Tiền phương của Quân khu 5 vào tới Sư đoàn 3 truyền đạt Nghị quyết Khu ủy và mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu. Đại ý: Các mặt trận toàn quân khu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nơi hoàn thành xuất sắc như Tây Nguyên, Quảng Ngãi. Địch đã bị tiêu diệt và tan rã lớn. Chúng bỏ miền núi và nông thôn để phòng ngự các đô thị. Nhưng muốn vậy phải có thời gian. Tinh thần sĩ quan, binh lính địch xáo động mạnh. Ta cần tranh thủ thời gian để giải phóng Khu 5. Đây là hiện thực. Quân khu khen Sư đoàn 3 hơn 20 ngày qua đã chiến đấu tốt, trình độ chỉ huy hợp đồng tác chiến được nâng lên. Nhiệm vụ trước mắt của Sư đoàn 3 là bao vây, tiêu diệt Sư đoàn 22 ngụy, không cho chúng chạy thoát, cùng với các lực lượng địa phương giải phóng Quy Nhơn.
Thực hiện mệnh lệnh của quân khu, sư đoàn quyết định sử dụng pháo binh liên tiếp bắn vào các cụm chỉ huy địch (đạn pháo thu được của địch khá nhiều), đồng thời tổ chức một tiểu đoàn mạnh (D2-E2) táo bạo luồn rừng, thọc sâu vào sau lưng căn cứ Lai Nghi, đánh chiếm cầu Thủ Thiện Hạ trên đường 19 hình thành thế vây và chia cắt từ phía Đông, tạo đòn tâm lý đối với toàn bộ cụm quân địch trong khu chiến. Để thực hiện ý đồ chiến thuật này, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 phải hành quân vượt qua nhiều mỏm núi, cánh đồng trên quãng dài gần 20km. Đặc biệt, những chiến sĩ đánh chiếm và chốt giữ cầu phải sẵn sàng tinh thần quyết tử để bám trụ trận địa.
Đúng như dự đoán của ta, vừa nghe tin mất cầu Thủ Thiện Hạ, nghĩa là bị cắt mất đường rút lui, bọn chỉ huy Trung đoàn 42 ngụy ở Lai Nghi lập tức tung lực lượng phản kích. Máy bay địch ở Gò Quánh bị cao xạ và tên lửa H12 của ta khống chế nhưng pháo 105 ly, 155 ly và DKZ, súng cối các cỡ của chúng liên tiếp dội đạn lên đội hình Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2. Tiểu đoàn trưởng bị thương, chính trị viên tiểu đoàn lên thay tiếp tục chỉ huy bộ đội giữ vững trận địa. Đồng thời làm hoa tiêu gọi pháo của ta bắn vào trận địa pháo địch. Bộ đội lần lượt thương vong nhưng đến tối, khi trung đoàn gọi điện xuống, chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Lư bình tĩnh trả lời: Hiện nay, tôi và một tổ 3 đồng chí vẫn đứng ở chân cầu Thủ Thiện Hạ.
Ngày hôm sau, để chi viện cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 giữ cầu, sư đoàn ra lệnh cho Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 141 đánh vào cầu Thủ Thiện Thượng và Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 đánh vào khu vực ngã 3 Thủ Thiện. Trong ngày, sư đoàn hoàn tất phương án tác chiến tiêu diệt cụm quân địch ở Lai Nghi. Nhưng Trung đoàn 12, mũi chia cắt quan trọng, sau khi giải phóng An Khê vẫn đang trên đường hành quân về. Pháo chiến dịch vẫn chưa đẩy được ra phía trước. Bộ Tư lệnh Sư đoàn họp kiểm tra các mặt, có ý kiến cho rằng nên lùi giờ tiến công một ngày nữa. Nhưng qua phân tích, mọi người đều nhận thấy, thời gian lúc này là lực lượng. Nếu để chậm thì các chốt chặn ở Thủ Thiện sẽ không chịu nổi. Địch đánh thông được cầu là ta mất đi một hướng tiến công hiểm yếu và địch sẽ rộng đường rút chạy. Vì thế, trận tiến công vẫn ấn định vào sáng 28.3. Đêm 27.3, với sự nỗ lực phi thường, Trung đoàn 12 đã hành quân vượt 40km về kịp chiếm lĩnh trận địa.
Rạng sáng ngày 28.3.1975, một trận tập kích hợp đồng pháo quy mô cấp sư đoàn đã diễn ra hào hùng. Bộ đội ta từ các rìa núi, đồng ruộng, bờ sông Côn… rùng rùng ngụy trang vận động dưới tầm đạn chế áp của các loại pháo 85 ly, 105 ly và cả pháo 155 ly vừa thu được của địch. Pháo cao xạ 37 ly cơ động giữa ban ngày khống chế bầu trời. Nhưng khi bộ đội ta áp sát căn cứ địch thì gặp phải hỏa lực tầm gần của chúng như DKZ, tên lửa vác vai ghìm chân trước hàng rào. Các đơn vị mở nhiều đợt tiến công nhưng không chiếm được mục tiêu. Xét thấy binh hỏa lực địch vẫn còn mạnh, nếu tiếp tục tiến công sẽ gây tổn thất, Tư lệnh sư đoàn quyết định tạm dừng tiến công để điều chỉnh lực lượng, trong đó quan trọng nhất là đưa pháo binh hạng nặng vào gần hơn nữa. Thấy Trung đoàn trưởng pháo binh ngại đồng trống, chần chừ di chuyển trận địa pháo, Sư đoàn trưởng Trần Bá Khuê ra lệnh đình chỉ công tác trung đoàn trưởng pháo binh, điều đồng chí Bùi Quốc Miện, Chủ nhiệm pháo binh sư đoàn xuống thay, đình chỉ công tác Tiểu đoàn trưởng vận tải vì không hoàn thành nhiệm vụ chuyển đạn cho cánh Nam. Đó là những quyết định dứt khoát, kịp thời trong thời khắc quan trọng để bảo đảm cho trận đánh thắng lợi, giảm thiểu thương vong cho bộ đội.
Đêm hôm đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Quân Giải phóng đánh tan mười vạn quân ngụy, đang tiến vào giải phóng Thành phố Đà Nẵng. Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân khu I ngụy, “Niềm hy vọng còn lại của Quân lực Việt Nam Cộng hòa” hôm trước còn tuyên bố “sẽ chết trên đường phố Đà Nẵng”, hôm sau đã lên máy bay bỏ chạy ra biển.
Khoảng nửa đêm ngày 30.3, sư đoàn nhận điện của Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Bình Định kêu gọi quân dân toàn tỉnh nhanh chóng tiến công, nổi dậy đập tan ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng toàn bộ quê hương. Vài phút sau lại có điện khẩn của Tư lệnh Quân khu 5 ra lệnh cho Sư đoàn 3 Sao Vàng đưa ngay một trung đoàn bộ binh thọc sâu đánh chiếm hậu cứ của Sư đoàn 22 ngụy ở An Sơn.
Đúng 5 giờ 15 phút ngày 31.3.1975, trận tiến công cuối cùng vào cụm quân chủ yếu của Sư đoàn 22 ngụy lại bắt đầu. Các trận địa pháo của ta sau khi được tổ chức lại đã đưa vào tầm bắn có hiệu quả nhất, liên tiếp dội đạn xuống các cụm phòng ngự địch. Sau đó, hỏa lực các trung đoàn, tiểu đoàn bắn phá trực tiếp hỗ trợ cho bộ binh từ các hướng xông lên. Trong thế bị vây cắt, địch điên cuồng chống trả. Cuộc chiến đấu kéo dài tới 12 giờ trưa. Cùng thời gian đó, Trung đoàn 95, Sư đoàn 968 vừa từ Tây Nguyên thọc xuống đã tổ chức tiến công vào cụm quân của trung đoàn 41 ngụy tại quận lỵ Phú Phong. Bọn chỉ huy các cấp bỏ mặc lính, lính xô đẩy bắn giết nhau để nhảy lên xe. Hàng chục xe GMC đầy ắp lính chạy như điên trên đường 19 về căn cứ Lai Nghi. Nhưng chúng vừa tới Phú Xuân, Phú An đã bị Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 12 chặn đánh. Địch bỏ xe nhảy xuống ruộng chạy tán loạn trên đồng. Tiểu đoàn công binh chốt chặn ở đây xông ra bắt sống 600 tên. Cuộc truy lùng bọn tàn binh Trung đoàn 41 và Trung đoàn 42 ngụy kéo dài suốt đêm 31.3.1975.
Cũng đêm đó, chấp hành mệnh lệnh của Quân khu 5, Trung đoàn 2 đã hành quân xuyên rừng vào tới An Sơn-Hậu cứ của Sư đoàn 22 ngụy, nhưng bọn địch ở đây đã rút chạy từ chiều 31.3. Trung đoàn 2 điện về sư đoàn xin truy kích nhưng sư đoàn cho biết, toàn bộ cánh quân này của địch đã bị bộ đội tỉnh Bình Định tiêu diệt và bắt sống trên bãi biển Quy Nhơn. Sư đoàn 22 Ngụy, đối tượng tác chiến trực tiếp của Sư đoàn 3 Sao Vàng suốt mười năm trời đã bị tan rã hoàn toàn.
Như vậy, để cắt và làm chủ được con đường chiến lược số 19, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã phải liên tục đánh suốt 27 ngày đêm trong điều kiện binh hỏa lực tại chỗ, lấy vũ khí địch đánh địch. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên quãng đường này. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ khác bị thương (sau chiến thắng đường 19, Bộ Tổng Tham mưu phải bổ sung cho Sư đoàn 3 hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào quân cảng Quy Nhơn). Nói điều đó để thấy, địch chỉ suy sụp tinh thần sau khi chúng ta đã có những trận đánh quyết liệt và sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh. Mọi chiến thắng trong những trận chiến đấu của Sư đoàn 3 - Sao Vàng trên con đường 19 năm ấy hoàn toàn không dễ dàng. Những hy sinh của họ xứng đáng được dựng tượng đài để lưu danh cho hậu thế.
Giờ đây, mỗi khi chúng ta nói về lịch sử Sư đoàn là Anh hùng thì sự anh hùng đó trước hết, phải dành cho những sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ qua các thế hệ. Hơn thế nữa, phải biết sống sao cho xứng đáng với những sự hy sinh cao quý ấy.
. Theo Đại tá Nguyễn Văn Tích (Cựu chiến binh Đoàn Sao Vàng)/QĐNDO |