|
CCB Trần Quang Tuấn |
Trần Quang Tuấn có lần xung phong sẵn sàng tự mổ bụng mình trước mặt bọn cai tù tại nhà tù Kom Tum để phản đối chế độ hà khắc của kẻ thù, đòi lại quyền lợi cho anh em.
Anh Trần Quang Tuấn, nguyên là chiến sĩ biệt động thành phố Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ, bây giờ là Giám đốc Công ty Xây lắp & Công nghiệp Tàu thuỷ Miền Trung đã kể lại câu chuyện trên với phóng viên Báo Quân đội Nhân dân Điện tử bên lề chương trình Giao lưu- Nghệ thuật “Một thời trai trẻ” tối 15 - 3.
Anh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng với 7 người chú, bác ruột đều là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ở xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Chứng kiến biết bao khổ đau mà Mỹ- Ngụy gây ra trên quê hương, cậu bé Tuấn có lòng căm thù giặc sâu sắc và bắt đầu tham gia cách mạng vào ngày 6 tháng 4 năm 1965, khi mới 12 tuổi.
Tuấn được các anh trong cơ sở giao nhiệm vụ đưa thư từ vùng giải phóng sang vùng địch và ngược lại.
“Lúc đó tôi còn rất mông lung, lo lắng không biết mình nhỏ bé thế này có làm được không?” anh Tuấn nhớ lại.
Giải đáp băn khoăn này, một cán bộ lớp trước động viên: Tuổi em nhỏ nhưng công việc này phù hợp, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, cũng như anh Kim Đồng.
Được khai thông tư tưởng, Tuấn hăng hái ra mặt. Để tránh bị địch phát hiện, có khi Tuấn lấy xe đạp, tháo tay nắm của chiếc xe đạp rồi nhét thư vào bên trong ghi- đông hay với cái cặp có nắp cài bằng da, cậu khéo léo rạch một đường nhỏ ở mắt sau cái nắp cài và bỏ thư vào. Nhiều khi, cậu ném tập thư lên xe bò rồi chạy theo sau để nếu địch có kiểm tra và phát hiện thì dễ đối phó.
Đặc biệt là “hòm thư chết”, các anh dặn cậu cứ ra một gốc cây bất kỳ, đào hố rồi chôn một cái ống bơ xuống, lấp đất lên, lỡ có bị quân địch bắt thì khai là có người cho tiền nhờ đem bỏ thư vào chiếc lon đó, nếu muốn bắt thì cứ đứng đấy mà phục chứ tôi còn chẳng biết người đó là ai cả. Vậy là vừa bảo vệ được mình, vừa giữ bí mật cho tổ chức... Những kiểu ngụy trang sáng tạo đó của Tuấn đã góp phần nối liền liên lạc khắp mặt trận.
Hoạt động được một thời gian thì Tuấn bị lộ, anh được chuyển vào Đội biệt động Đà Nẵng.
Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, khi tham gia tiến công vào Đà Nẵng thì Tuấn không may bị địch bắt khi mới 15 tuổi. Tuấn phải nếm chịu nhiều đòn roi, đánh đập, tra tấn, xiềng xích suốt ngày đêm của kẻ thù, qua nhiều trại giam từ ở Đà Nẵng đến Chí Hòa, Côn Đảo rồi lại về nhà lao Kom Tum.
Lập trường, khí tiết của người chiến sĩ cách mạng càng được tôi rèn. Ở nhà lao Kom Tum, chứng kiến rất nhiều tấm gương của các tù nhân chính trị khác đấu tranh phản đối chế độ hà khắc của nhà tù, đòi quyền lợi bằng nhiều hình như hô khẩu hiệu, tuyệt thực và hình thức cao nhất là đấu tranh “mổ bụng”, anh rất khâm phục và càng không sợ kẻ thù.
Chính Trần Quang Tuấn đã có lần xung phong sẵn sàng rạch bụng để chứng minh cho bọn cai ngục biết được cái “gan” của người làm cách mạng và đã được tổ chức đồng ý.
“Tôi hiểu rạch bụng không hề đơn giản, dao đâm vào thịt thì làm sao chịu đựng được, nhỡ trong lúc mổ mà lại bỏ dao xuống thì sẽ mất hết nhuệ khí, kẻ địch lại càng có cớ để tra khảo đánh đập anh em,” anh Tuấn nói.
Nghĩ thế, Tuấn tự nhủ mình phải tập cho quen chịu đau, quên hết sợ hãi thì việc lớn mới thành. Trần Quang Tuấn đã lấy dao rạch một đường rồi sau đó xát muối vào và tiếp tục xát, bóp, nắn thật mạnh, hai môi cố mím chặt lại không để phát ra tiếng kêu đau đớn rồi ngất đi.
“Cứ thế, tỉnh rồi lại làm, ngày này qua ngày khác cho đến khi làm, chỉ cần vận ý chí về phía tay thì chẳng thấy cảm giác đau nữa, vậy là thành công, chỉ chờ thời cơ là thực hiện,” anh Tuấn cho biết.
Vào một ngày, sau khi tra tấn một lượt tù nhân mà chẳng “móc” được thông tin gì, bọn cai ngục mới cho tập trung anh em lại, một tên hùng hổ bước ra hống hách: “Tao nghe nói gan của Việt cộng “to” lắm, đứa nào có thể cho bọn tao xem được không?”
Hắn vừa dứt lời, cả bọn cai ngục liền cười nhạo phụ họa.
Không để bọn chúng đắc ý, ngay lập tức Tuấn bước lên đối diện, xé toạc chiếc áo mỏng sờn bạc phếch, hô dõng dạc: “tao đây”. Dứt lời, anh rút con dao thủ sẵn sau người giương lên rạch bụng.
Nhưng khi con dao vừa đưa lên thì một bàn tay vội cướp lấy: “Không, anh mới là người được mổ. Để anh mổ”.
Người giành lấy con dao từ Tuấn và tự rạch bụng mình là đồng chí Nguyễn Hữu Báo.
Lý do sâu xa của việc này chính là bởi anh Báo nằm chung phòng với Tuấn, nhìn Tuấn tuổi còn quá trẻ mà đã có lòng can trường, luyện tập đau đớn để thực hiện ý đồ rạch bụng, điều này đã “cảm” anh Báo.
Anh Báo đã làm một bài thơ tặng Tuấn và nói rằng cuộc đời Tuấn như một giấc mơ, và Tuấn không thể chết được vì còn trẻ. Anh đã tình nguyện rạch bụng mình thay cho Tuấn.
“Làm quen” với đau đớn nhưng chàng trai trẻ này cũng tranh thủ mọi thời gian để làm toán, luyện văn với một ước mơ cháy bỏng của tuổi trẻ là có ngày sẽ trở về và trở thành người có ích cho xã hội, đóng góp công sức xây dựng đất nước sau khi hết chiến tranh.
Anh tâm sự, quả thật như một giấc mơ, bởi lẽ những năm tháng chiến tranh ác liệt đã dập vùi những ý nghĩ, những mong ước về một xã hội tương lai mà mình được ngồi dưới mái trường đại học như lời của nhà thơ Giang Nam: " Anh chưa bước chân vào trường đại học/ Chưa lên giảng đường chưa mặc áo sinh viên/ Không biết vì sao ngày, tối tiếp liền/ Chưa biết quê ta nơi nào nhiều quặng...".
Trong tù, Tuấn học văn hóa qua đồng chí Trần Văn Tạo (Tư Tạo) từng dạy Toán tại một trường cấp 3 mà thời đó gọi là “Giáo sư đệ nhị cấp”. Để thuận tiện việc học, anh Tư Tạo bố trí cho hai anh em nằm đối đầu nhau, nhưng khi ngồi dậy thì lại đối diện với nhau, vì thế anh có thể giảng bài cho Tuấn. Tất nhiên cả thầy và trò đều không có sách vở hay giáo án.
Cứ thế, Tuấn hăng say học tập và năm 1975 đất nước thống nhất, ngay sau khi được trả tự do, Tuấn thi và học dự bị đại học hệ một năm, sau đó mới quay về thi tốt nghiệp cấp 3, rồi thi tiếp vào đại học, đỗ điểm cao, được chọn vào học Khoa Điện thuộc Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Mặc dù cuộc sống lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, cơm ăn chưa đủ no, còn phải độn bo bo, sắn lát nhưng ý chí tuyệt vời của người chiến sĩ cách mạng từng được tôi rèn trong chiến đấu đã giúp anh tiếp tục vững bước trên con đường thu nhận tri thức.
Anh luôn cảm thấy mình quá may mắn khi giấc mơ đã trở thành sự thật. Từ người mới ngày nào còn bị giam cầm trong những phòng giam tăm tối của kẻ thù vậy mà giờ đây đã được tiếp cận với ánh sáng của tri thức, được bước chân vào đại học, được lên giảng đường và được khoác áo sinh viên.
Ra trường, đi làm kinh tế, thấy thiếu kiến thức chuyên môn, anh tiếp tục đăng ký học bằng kinh tế ở trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, sau đó lại lấy thêm bằng về xuất nhập khẩu tại Đại học Ngoại thương. Tốt nghiệp ba trường đại học, hiện giờ, chiến sĩ biệt động Trần Quang Tuấn năm xưa đã là Giám đốc Công ty Xây lắp & Công nghiệp Tàu thuỷ Miền Trung, một doanh nhân thành đạt với trên 600 cán bộ công nhân viên. Trần Quang Tuấn vẫn đang từng ngày sống và cống hiến cho Tổ Quốc bởi có lẽ với một người như anh: “Chỉ ngừng sống mới ngừng cống hiến”.
. Theo QĐNĐ Online |