|
Ngàn Nưa và đền Am Tiên là điểm đến của nhiều du khách. Ảnh: Hà Đồng (CTV). |
Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” mục Thanh Hóa chép: “Núi Nưa tức Na Sơn ở huyện Nông Cống; mạch núi từ phủ Thọ Xuân kéo đến, chạy dài vài ba mươi dặm, đến địa phận tổng Cổ Định thì nổi vọt lên nhiều ngọn, ngọn cao nhất là núi Nưa; bên ngoài thì có bốn dòng nước giao lưu...”
Núi Nưa nay thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, với đặc thù tín ngưỡng, cảnh quan và địa lý của khu vực, lễ hội phủ Nưa kéo dài từ tháng giêng đến hết tháng hai âm lịch. Khu Di tích núi Nưa thường đón hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương đền Bà chúa Thượng Ngàn (tương truyền sau khi mất, bà Triệu đã hiển linh thành Bà chúa Thượng Ngàn) và hưởng thụ không khí trong lành trên đỉnh Am Tiên mây bay, gió thoảng.
Theo sách “Thanh Hóa nghìn xưa lưu dấu” Nhà Xuất bản Trẻ phát hành năm 2008, của tác giả Hoàng Tuấn Phổ, có đoạn viết: Bà Triệu Thị Trinh, sinh ngày mùng hai, tháng 10 năm Bính Ngọ (226 sau công nguyên), tại miền quê núi Nưa, phủ Nông Cống xưa... Thuở ấy, nước Trung Hoa cổ đại chia làm ba thế chân vạc: Ngụy – Thục – Ngô. Nước ta thời ấy bị Đông Ngô thôn tính, một nước Ngô làm nên trận hỏa công Xích Bích làm mất vía ba đời quân Ngụy Tào, khiến thiên tài Gia Cát Lượng cũng phải đau đầu, thiên tướng Quan Vân Trường đến chết còn không nhắm mắt. Ấy thế mà Triệu Thị Trinh, người con gái Ngàn Nưa, tuổi vừa tròn đôi mươi đã làm chấn động Giao châu, lừng danh Bắc quốc, khiến quân Ngô truyền đi câu cửa miệng:
Hoành qua đương hổ dị,
Đối diện Bà vương nan
(Cầm giáo chống hổ dễ
Đối diện với Bà Triệu khó)...
Năm Bính Dần (246) Bà Triệu (Triệu Ẩu) dấy binh, mặc váy áo vàng, chân đi guốc ngà, tay cầm kiếm, đứng trên đầu voi chỉ huy nhiều trận đánh, thế quân ầm ầm, không kẻ nào dám chống lại. Giặc Ngô tôn bà là Lệ Hải Bà Vương. Sau ba năm cầm quân đánh giặc, khiến quân Ngô thất điên bát đảo, bà Triệu mất năm Mậu Thìn (248) tại khu vực núi Tượng, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Nhân dân đã lập đền thờ bà ở đây với nhiều dấu tích về một phòng tuyến quân sự của cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta năm (246 – 248).
Nhà thơ Tố Hữu vào thập niên 60 đã có dịp đến đây và trước vẻ đẹp của thiên nhiên, lòng ngưỡng vọng vị nữ anh hùng Triệu Thị Trinh, ông đã có những vần thơ tha thiết:
Sương thu xanh ngắt Ngàn Nưa
Về thăm Nông Cống đường xưa
ngỡ ngàng
Đồng chiêm mùa lúa chín vàng
Xóm lều rơm hóa phố làng ngói xây
Bãi đồi xanh mướt màu cây
Ước chi Bà Triệu ngày nay lại về.
Về Ngàn Nưa hôm nay, du khách đi qua làng Cổ Định với nhiều di tích thờ các công thần của nhà Lê, qua phủ Nưa là đến được chân núi Nưa. Từ chân núi chúng ta sẽ thâu vào tầm mắt cả một vùng núi non vời vợi. Những hồ nước sâu mênh mông, xanh thẳm, đường đi quanh co bên bờ vực cao, dốc dựng…, du khách cảm nhận mảnh đất linh thiêng cách đây hàng ngàn năm, có một nữ anh hùng đã hiệu triệu nhân dân, dấy binh khởi nghĩa.
Về Ngàn Nưa bạn có thể vào thắp hương đền thờ Bà Triệu (Bà chúa Thượng Ngàn), chùa thờ Phật, am thờ thần Tản Viên Sơn Thánh và ra giếng Tiên xin nước rửa mặt để cầu mong một năm sức khỏe an lành. Nhớ đến cuốn sách “Hồn Sử Việt – Những truyền thuyết, giai thoại nổi tiếng” do Nhà Xuất bản Lao Động phát hành năm 2009 có đoạn viết: Năm Giáp Thân (năm 864) vua Đường Ý Tông, nhân việc quan thiên văn báo cho biết thế đất Cổ Pháp và An Nam (Bắc Việt và một phần Trung Việt) có loạn, sai tướng Cao Biền sang Giao Châu. Khi đi, vua Đường dặn riêng với Cao Biền: “Đất Giao Chỉ có Trưng thị là hai người đàn bà mà làm rung chuyển cơ nghiệp nhà Đông Hán (25 – 220). Rồi đến Triệu Ẩu... Làm cho ta vất vả lắm mới dẹp được. Nay trẫm thấy linh khí An Nam quá thịnh, e sau này có biến. Khanh đến đó, trước bình giặc Nam Chiếu, sau tìm cách trấn yểm linh khí An Nam đi và vẽ địa đồ về cho trẫm”.
Tuy nhiên, ý đồ của vua Đường và tướng Cao Biền đã không thể thực hiện, vì đất An Nam thời bấy giờ có đức Thánh Tả Ao đã phá được tất cả các phép thuật của Cao Biền.
Có một nơi mà mọi người mong muốn tới, đó là huyệt đạo trên đỉnh Ngàn Nưa. Một khu đất rộng chừng một trăm mét vuông, xung quanh lau sậy mọc um tùm, khu đất này nhô lên cao hơn hẳn so với tất cả khu vực này, như hình một cái bát úp, xung quanh được rào bằng tre, gỗ và phía trong ở sát vành hàng rào được dựng bốn cột đá chia đều theo bốn hướng đông - tây – nam - bắc, trên mỗi cột đá có một bát hương thờ bốn phương trời, đất.
Ai lên Ngàn Nưa cũng muốn cầu cho “Quốc thái, dân an”, gia đình hạnh phúc và để được tiếp thêm năng lượng vũ trụ, vì đó chính là huyệt đạo của núi Nưa, nơi giao hòa trời - đất. Tương truyền, có năm vào đúng khắc giao thừa, tại điểm huyệt đạo, những cuộn khói bốc lên cao, rồi có những khối khí sáng, tròn như quả cầu, biến ảo theo màu bảy sắc cầu vồng trong hồi lâu rồi tan biến. Thường những năm đó, nhân dân bốn phía bình yên, mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa.
. Theo Báo Thanh Hóa |