Việc trùng tu, tôn tạo và gìn giữ một công trình kiến trúc độc đáo có lịch sử hơn 600 năm là việc làm không hề đơn giản.
|
Bức tường thành đá trường tồn với thời gian
|
Di sản quốc gia Thành Nhà Hồ, thuộc địa phận 2 xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, một trong những công trình thành cổ tiêu biểu với lối kiến trúc hết sức độc đáo.
Theo giới thiệu của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng năm 1397, đời vua Trần Thuận Tông (1388 – 1398). Thành nằm ở vị trí chiến lược nằm ở khoảng giữa 2 con sông: sông Mã và sông Bưởi, phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới.
Là kinh đô của đất nước ta thời đó, Thành Nhà Hồ đã thể hiện tầm nhìn chiến lược trong quân sự của Hồ Quý Ly. Thành được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, bên ngoài mặt thành ghép bằng những khối đá xanh vuông, có trọng lượng từ 10 - 20 tấn được ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào.
Lõi và phía mặt trong của thành chủ yếu là đắp đất. Hai mặt Nam và Bắc của thành dài hơn 900m, Đông và Tây dài hơn 700m. Trên mỗi mặt thành đều có cổng ra vào được mở ở chính giữa theo hình vòm cuốn, riêng cổng thành phía Nam có 3 cửa. Độ cao trung bình của thành cỡ 7 – 8m.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan khu di tích, TS. Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản thành nhà Hồ (thôn Xuân Giao, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, từ năm 2007, UBND tỉnh cùng Sở VH-TT&DL Thanh Hóa đã giao cho Trung tâm làm công tác tham mưu, thực hiện việc quản lý cũng như bảo tồn và tôn tạo khu di tích Thành Nhà Hồ.
Trong những năm qua, Trung tâm đã tiến hành khai quật, khảo cổ tổng thể di tích Đàn tế Nam Giao với tổng diện tích khai quật lên tới 24.000m2; Tu bổ di tích lịch sử văn hóa đền thờ, bia ký nàng Bình Khương... Bên cạnh đó, Trung tâm đã xây dựng, duy trì công trang thông tin điện tử nhằm tuyên truyền, quảng bá và phát huy toàn bộ những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của khu di tích Thành Nhà Hồ.
Ngoài việc tiến hành tu bổ, khai quật và bảo quản di tích Đàn tế Nam Giao, Giếng Vua, La Thành… Trung tâm đã tập trung nhiều vào việc nghiên cứu khoa học, khoanh vùng các di tích Thành Nhà Hồ, khu vực Thành Nội, Hoàng Thành, Đàn Nam Giao, La Thành đưa vào hồ sơ hoàn thiện đề cử UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới từ 2 năm về trước.
Cũng trong thời gian qua, công tác nghiên cứu khảo cổ học tại khu vực Thành Nội với việc khai quật Thành Cửa Nam, Nội Thành, Đàn Nam Giao, La Thành làm cơ sở cung cấp tính xác thực, những cứ liệu khoa học, góp phần cho các chuyên gia quốc tế đánh giá giá trị của thành nhà Hồ.
Liên quan đến tiến trình đề cử Di sản, TS. Trọng cho biết, trong hồ sơ đề cử Di sản, khu di tích Thành Nhà Hồ đã đáp ứng được 3 tiêu chí, cụ thể ở tiêu chí (ii), (iii) và (iv) được quy định tại Đoạn 77 của bản Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới năm 2008 nhờ những giá trị văn hóa đa dạng mà nó biểu đạt.
|
Giếng Vua đã được phục chế nguyên trạng
|
Ở vào thời điểm này, cơ quan thẩm định hồ sơ của UNESCO (ECOMOS) đang xem xét bộ hồ sơ Thành Nhà Hồ. Dự kiến đến cuối tháng 4, đầu tháng 5.2011 sẽ đưa ra đánh giá cuối cùng tại cuộc họp Ủy ban Liên Chính phủ được tổ chức tại Bahrain. Sau đó, Ủy ban Di sản Thế giới sẽ có quyết định chính thức tại kỳ họp lần thứ 35 tổ chức vào tháng 6.2011.
Theo cảm nhận và hy vọng riêng, TS. Trọng nói rằng, Thành Nhà Hồ rất có thể sẽ được xem xét, ghi nhận, ghi danh vào Di sản của nhân loại. Tuy nhiên, sẽ còn rất nhiều công việc phải tiến hành trong cũng như sau khi được công nhận Di sản.
Trước mắt, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã lên kế hoạch dự toán cho việc tiến hành chống thấm dột 4 cổng thành phía Đông, Tây, Nam, Bắc trong khu vực di tích và phục hồi cánh cửa tại 4 cổng thành này. Đồng thời, việc làm và hoàn thiện hệ thống đường cách ly, đường đi dạo cho du khách bao quanh khu vực chân thành sẽ được gấp rút triển khai.
Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ lập Dự án nghiên cứu, tiến hành nhiều cuộc khai quật khảo cổ tổng thể để làm rõ quy hoạch kiến trúc bên trong khu vực thành nhà Hồ, cũng như việc xây dựng một nhà trưng bày và nhà làm việc thích hợp trong khu vực di tích để phục vụ lưu trữ và giới thiệu tài liệu, hiện vật sưu tầm cho du khách đến thăm quan.
Xác định Di tích Thành Nhà Hồ còn là một danh lam thắng cảnh, một tụ điểm du lịch đẹp mắt, hấp dẫn khách du lịch tới tham quan, trong thời gian tới, Trung tâm còn đề xuất Dự án khôi phục lễ hội truyền thống của các thôn, xã tiếp giáp di tích Thành Nhà Hồ, đảm bảo cho việc bảo tồn di tích không giới hạn ở tính vật thể mà còn phục hồi và lưu giữ được nét văn hóa đặc trưng của khu vực cố đô.
Thành Nhà Hồ là di sản quý giá của quốc gia và rất có thể trở thành Di sản Văn hóa Thế giới. Để bảo tồn được công trình có lịch sử hơn 600 năm tuổi này, giúp bạn bè thế giới biết được sức sáng tạo và tầm vóc của con người Việt xưa và nay, việc trùng tu, tôn tạo nhằm khôi phục và gìn giữ một công trình kiến trúc độc đáo, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước không phải là công việc đơn giản có thể hoàn thiện trong một sớm một chiều.
Thiết nghĩ trong thời gian tới, cùng với sự cố gắng của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa, khu di tích lịch sử độc đáo này rất cần hơn nữa sự quan tâm chung tay vào cuộc của cộng đồng, các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế tiến hành các bước quy hoạch, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và gìn giữ di sản… để thành nhà Hồ được trường tồn mãi mãi với thời gian.
. Theo VOV |