Đấu trí "bên lề" cầu Hiền Lương
16:46', 18/4/ 2011 (GMT+7)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã lùi xa 36 năm. Giới tuyến quân sự tạm thời - Vĩ tuyến 17, với cuộc đấu tranh chống lại sự phá hoại Hiệp định Giơnevơ cũng đã đi vào lịch sử gần 60 năm, nhưng, các thế hệ người Việt Nam  hiểu rõ, ở đó, giữa ta và địch không chỉ có đấu tranh vũ trang, mà còn có những cuộc đấu trí quyết liệt. Vĩ tuyến 17 cũng như bao vĩ tuyến khác, nó chỉ là một đường quy ước, địa lý bình thường, nhưng đã được cả thế giới biết đến và quan tâm. Vĩ tuyến 17 là dấu mốc chia cắt đất nước ta 21 năm. Gần ¼ thế kỷ ấy, là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh gian khổ để thống nhất đất nước của quân và dân ta.

 

Kỳ đài Bắc cầu Hiền Lương (Ảnh Internet)

 

Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 21.7.1954, lấy Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, sau 2 năm hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng, với bản chất hiếu chiến phản động, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, mặc dù là một bên tham dự, nhưng đế quốc Mỹ đã không ký Hiệp định. Mặt khác, ngay sau khi được ký kết, Mỹ đã xé bỏ Hiệp định, lập nên chính quyền bù nhìn tay sai, phục vụ cho âm mưu thực dân mới của mình. Và cuộc chiến đấu của quân và dân ta để bảo vệ Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ miền Bắc XHCN diễn ra quyết liệt bên bờ Hiền Lương với tinh thần “Hòa bình thắng chiến tranh, chí nhân thắng cường bạo”. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của những chiến sĩ công an vũ trang - những người “chiến sĩ giới tuyến”.

Chuyện được bắt đầu bằng chiếc cột cờ. Phía Bắc cầu Hiền Lương là lá cờ đỏ sao vàng, là miền Bắc XHCN, nơi có Bác Hồ ngày đêm thương nhớ đồng bào miền Nam. Từ khi giới tuyến được phân định, chiều cao của cột cờ không ngừng được nâng lên, bởi cờ của ta không thể thấp hơn cờ của ngụy. Ban đầu cột cờ của ta là cây phi lao dài 12 m, phía bên kia họ cắm cờ trên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15 m. Đồng bào miền Nam yêu cầu bờ Bắc treo cờ cao hơn cờ của ngụy. Các chiến sĩ giới tuyến đã lên rừng tìm được chiếc cột cờ cao 18 m. Ngay sau đó, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho dựng một cột cờ bằng xi măng, cốt thép cao 25 m. Cuộc đua cứ tiếp diễn, ngày 19.7.1957, phía bờ Bắc lại có chiếc cột cờ bằng sắt cao 34,50 m - cờ của ta lại tiếp tục bay cao hơn cờ của ngụy. Điều đó đã làm vui lòng đồng bào ta ở bờ Nam. Nhưng để thỏa mãn tình cảm “trái tim phương Nam luôn hướng về miền Bắc”, đồng bào yêu cầu chiến sĩ đồn Hiền Lương hằng ngày, kéo cờ sớm hơn và hạ cờ muộn hơn, để đồng bào đi làm có thể chào cờ mà không bị cảnh sát ngụy phát hiện. Ít lâu sau, ngụy đã nâng cột cờ của chúng lên 35 m. Lần này, ta quyết định xây một trụ cờ mới kiên cố cao 38,60 m, trên đó lá cờ đỏ sao vàng rộng 108 m2 tung bay phấp phới.

 

Cầu Hiền Lương cũ

 

Lá cờ đã làm nức lòng đồng bào bờ Nam, cổ vũ đồng bào miền Nam đấu tranh xóa bỏ giới tuyến quân sự thống nhất đất nước. Việc phục vụ cho lá cờ tung bay ở giới tuyến của các chiến sĩ cũng rất vất vả. Lá cờ đã lớn lại tung bay trên bầu trời cao nên rất nhanh rách, bình thường mỗi tháng thay một lá, nhưng để cờ lành lặn, mỗi tháng các chiến sĩ phải vá cờ năm, bảy lần. Lá cờ nặng 15 kg và khi xếp lại rất cồng kềnh, nên mỗi khi kéo cờ phải huy động cả tiểu đội, nhất là khi chưa lên tới đỉnh bị cuộn vào dây chằng, phải cử người trèo lên sửa rất nguy hiểm. Sau lần nâng cột cờ này của ta phía bờ Nam không nâng lên nữa.

Âm mưu chia cắt đất nước ta thể hiện ngay cả chuyện sơn cầu. Cột cờ thấp thì có thể nâng cao, nhưng xung quanh chuyện sơn cây cầu Hiền Lương thì ta đành phải chấp nhận sự ngang ngược của địch. Cầu Hiền Lương được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nên đã quá cũ. Năm 1962, phía ta gợi ý cả hai bên cùng sơn lại một màu. Phía ngụy không đồng ý. Chiễn sĩ ta nói với cảnh sát ngụy: “Đất nước Việt Nam là một, lẽ nào lại sơn cầu hai màu”? Có tên đồng tình, nhưng cũng có tên phản đối rằng: “Quốc gia không thể sống chung với cộng sản nên cầu này cũng không thể sơn chung một màu”. Ban đầu, ta tiến hành sơn nửa cầu phía Bắc màu đỏ, lập tức phía bên kia được ngụy sơn màu xanh. Ta tiếp tục sơn lớp thứ hai màu xanh cùng màu với nửa phía Nam. Hai tháng sau, phía bờ Nam họ lại sơn màu vàng. Và cũng từ đó, cầu Hiền Lương chỉ có bảy nhịp mà phải mang trên mình hai màu sơn. Mỗi khi có đoàn khách quốc tế đến thăm, chúng ta có dịp để lên án âm mưu chia cắt đất nước Việt Nam của Mỹ, ngụy ngay từ việc sơn chiếc cầu. Những cuộc đấu trí giữa ta và địch. Phía chính quyền Sài Gòn cho rằng trong đấu tranh chính trị, cảnh sát của chúng bị thua kém là do trình độ học vấn thấp hơn công an vũ trang của ta. Vì thế, có thời kỳ chúng đã chọn cảnh sát giới tuyến trong số học sinh, sinh viên đi quân dịch. Những người này biết ngoại ngữ, đàn hát, thể thao. Theo đó, họ cố chứng tỏ rằng mình có trình độ cao hơn các chiến sĩ công an của ta.

 

Cầu Hiền Lương ngày nay (ảnh Internet)

 

Cuối năm 1962 đầu năm 1963, các chiến sĩ giới tuyến khá vất vả với những trò chơi trội của chúng. Những cây vợt bóng bàn khá của công an giới tuyến đã bị chúng hạ dễ dàng, trong khi trước đó bọn cảnh sát cũ phải nhờ chiến sĩ ta dạy cho cách đánh. Trong một tuần lễ, ở Cửa Tùng, nhân dân địa phương ghi nhận lần đầu tiên, sau tám năm có đồn liên hiệp, đội bóng chuyền công an giới tuyến thua đội bóng cảnh sát với tỷ số đậm 3-0.

Trong thi đấu thể thao, thắng thua là chuyện rất bình thường, nhưng ở giới tuyến thì không đơn giản là thế, nó không chỉ là chuyện thể thao, mà còn có vấn đề chính trị rõ ràng. Ý thức rõ điều đó, đồng chí Chính ủy Công an vũ trang Vĩnh Linh đã giao nhiệm vụ cho các chiến sĩ của mình: “Vì danh dự của người chiến sĩ giới tuyến, vì danh dự của lực lượng công an nhân dân vũ trang, các đồng chí chỉ được thắng, không được thua”! Theo đó, các chiến sĩ giới tuyến đã quyết tâm luyện tập. Đến phiên đổi bờ tuần sau, bọn cảnh sát lại thách đấu và chúng đã bị thua tuyệt đối với tỷ số 0-3.

Không chỉ dừng lại ở những trận thi đấu thể thao, tên Quang đồn trưởng cảnh sát ngụy cậy có bằng tú tài, biết ngoại ngữ, coi thường Thiếu úy Lê Thế Tri đồn trưởng công an giới tuyến. Nhân dịp Tết Nguyên đán, công an giới tuyến mời đại biểu cảnh sát đồn Xuân Hòa dự liên hoan chiều 30 Tết. Theo lời mời, Quang cùng hai tên trợ lý  sang dự, tiệc bày đã xong, nhưng đồng chí Tri đồn trưởng rót trà mời khách, Quang xua tay nói: “Thưa ông đồn trưởng, người xưa có câu: Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà, sao ông lại đãi trà lúc này”? Quang muốn dùng chữ Hán để dồn Tri vào thế bí, không ngờ đồng chí Tri đáp: “Thưa ông đồn trưởng, người xưa còn nói: Khát thời nhất trích như cam lộ”. Tên Quang sững người trước sự đối đáp đầy thâm ý và dằn mặt hắn của đồng chí Tri.

. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Bạo/QĐND Online

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Núi Hồng - Sông Lam  (15/04/2011)
Để thành nhà Hồ trường tồn với thời gian  (12/04/2011)
Về Ngàn Nưa  (08/04/2011)
Theo dấu tầng tháp cổ bên dòng sông Côn  (06/04/2011)
TP Pleiku: Làng trong phố  (03/04/2011)
Tháng ba, về Dương Nổ thăm nhà lưu niệm Bác Hồ   (31/03/2011)
Công nhận di sản cây gạo của Quỳnh Trân công chúa   (30/03/2011)
Khám phá sắc phong của các triều đại phong kiến VN  (28/03/2011)
Người sẵn sàng mổ bụng cho địch xem gan  (25/03/2011)
“Thưởng thức” Việt Nam từ Bắc vào Nam   (24/03/2011)
Cắt đứt đường 19 trong chiến dịch Tây Nguyên - xuân 1975   (21/03/2011)
Cắt đứt đường 19 trong Chiến dịch Tây Nguyên-Xuân 1975  (18/03/2011)
Cắt đứt đường 19 trong chiến dịch Tây Nguyên-Xuân 1975  (16/03/2011)
Anh hùng hơn 40 năm sống lặng lẽ giữa đời thường  (14/03/2011)
Gặp lại những cựu tù cuối cùng rời "địa ngục trần gian"   (10/03/2011)