Những ngày cuối tháng 4.1975, các cánh quân của ta tiến thẳng về Sài Gòn. Bộ chỉ huy chiến dịch xác định một trong những cây cầu đặc biệt quan trọng cần phải chiếm giữ là cầu Rạch Chiếc, cửa ngõ vào Sài Gòn. Tại đây, địch bố trí lực lượng dày đặc, sẵn sàng tử thủ hoặc đánh sập cầu để ngăn bước tiến đại quân. Trong ba ngày đêm, hơn 200 chiến sĩ đặc công, biệt động đã chiến đấu ngoan cường, làm chủ cây cầu.
|
Hai chiến sĩ đặc công Z23 Lê Trọng Hạnh (trái) và Lê Bá Hữu ở cầu Rạch Chiếc vào sáng 30-4-1975
|
KẾ HOẠCH “TỬ THỦ” CỦA ĐỊCH
Cầu Rạch Chiếc (trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, cách dinh Độc Lập 7km) là một trong bốn cụm được xây dựng khẩn trương nhưng kiên cố, hỏa lực mạnh. Từ cuối tháng 3.1975, ngoài hệ thống gần chục lô cốt bao quanh cầu, 400 lính bảo an trang bị đại liên, M16, M79, cối 61 ly, súng chống tăng, phóng lựu..., địch cho xây dựng hàng loạt công sự dã chiến bằng thùng phuy, bao cát hai bên đầu cầu. Dưới gầm, chúng làm sàn gỗ cho lính cơ động đi lại, bao quát toàn bộ mặt sông. Dưới mố cầu, địch cài hai quả bom tạ, nếu không giữ được thì sẵn sàng phá hủy để cản bước tiến đối phương. Phía tây, cách một cây số là căn cứ giang thuyền 306 với nhiều ca nô chiến đấu tuần tiễu ngày đêm trên sông. Pháo tầm xa từ căn cứ Sóng Thần, khu Liên Trường, Nhơn Trạch luôn sẵn sàng nhả đạn. Máy bay quần đảo sát mặt sông, thả pháo sáng rực vào ban đêm. Đồng bưng sáu xã lân cận, địch lập đồn bốt dày đặc, ban ngày càn quét, ban đêm oanh kích. Tất cả các con lộ lớn nhỏ đều bị kiểm soát gắt gao. Kể từ khi xây dựng cùng với xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa vào năm 1967, chưa bao giờ cầu Rạch Chiếc lại được quân địch coi trọng và phòng thủ chặt chẽ như vậy. Chúng muốn biến vàm Rạch Chiếc thành chiến hào thép, đồng thời là điểm cuối nếu thất trận tháo chạy về Sài Gòn phải co cụm lại để tử thủ.
Những ngày cuối tháng tư, khi năm hướng tiến công về Sài Gòn đã vào điểm xuất phát, một phương án mới hình thành trên cơ sở nghiên cứu những khó khăn. Đó là địa hình Sài Gòn nằm trên vùng sông nước, có nhiều cây cầu trọng yếu như: Đồng Nai, Rạch Chiếc, Sài Gòn, Bình Triệu, Bình Điền... Nhiệm vụ đặt ra là phải đánh và chiếm giữ những cây cầu này. Ngày 26.4.1975, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định giao trọng trách cho lực lượng đặc công, biệt động. Cầu Rạch Chiếc nằm trên mũi tiến công chính với mục tiêu chiến lược là đánh chiếm dinh Độc Lập, càng phải được chiếm giữ và bảo vệ an toàn sớm. Trọng trách đánh cầu Rạch Chiếc được giao cho Tiểu đoàn 81, Z22 và Z23 thuộc Lữ đoàn đặc công 316, lúc này đang ém quân ở khu vực Bình Trưng, Giồng Ông Tố, Thủ Thiêm. Kế hoạch ban đầu của ba đơn vị này là chiếm các mục tiêu trong nội ô gồm: dinh Độc Lập, Bộ tư lệnh hải quân ngụy, Quân cảng Bạch Đằng, Ngân hàng quốc gia, Đài phát thanh, Đài truyền hình, đã bị hủy bỏ.
|
Ông Trần Xuân Kiện (thứ hai từ phải qua), nguyên Tiểu đoàn trưởng D81, chỉ huy đánh đầu cầu phía nam, gặp mặt đồng đội thuộc Lữ đoàn đặc công 316 vào sáng 24-4-2011
|
BA NGÀY ĐÊM NGOAN CƯỜNG
Trưa 26.4.1975, ba đơn vị D81, Z22, Z23 gặp nhau giữa đồng bưng, lập ra Ban chỉ huy gồm các đồng chí Bảy Ân, Tư Một, Tư Thinh và Hai Kiện. Tối cùng ngày, tổ trinh sát lên đường tiếp cận và vẽ sơ đồ mục tiêu, vị trí bố phòng của địch... Sáng 27.4, kế hoạch tác chiến được thông qua, phương thức đánh là chiến thuật đặc công kết hợp với cường tập. Cụ thể, Z22 và Z23 do đồng chí Tư Thinh chỉ huy đảm nhiệm tấn công đầu cầu phía bắc, D81 chiếm đầu cầu phía nam. Quyết tâm thư được hơn 200 cán bộ chiến sĩ khẳng định: “Toàn thể cán bộ chiến sĩ D81, Z22 và Z23 kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ đánh và giữ cầu Rạch Chiếc, dù phải hy sinh đến người cuối cùng”. Giờ nổ súng được ấn định là 3 giờ 30 phút rạng ngày 28.4.
Chiều 27.4, cán bộ chiến sĩ bắt tay vào chuẩn bị. Ông Mai Thế Vinh, cựu chiến sĩ Z23 nhớ lại: “Mỗi người tự gói cho mình 16 quả thủ pháo, hai trái lựu đạn. Những đồng chí bắn B40, B41 mang 10 trái đạn, ai sử dụng súng AK và các loại vũ khí khác cũng phải mang thêm ba quả đạn B40, B41. Hậu cần lo cho mỗi người hai nắm cơm, hai hộp sữa, một túi thuốc cá nhân”. Nửa đêm, trời tối như mực, các chiến sĩ đặc công âm thầm vượt sông, băng qua đồng bưng tiếp cận trận địa. Ông Trần Xuân Kiện (Hai Kiện), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 81 kể: “3 giờ sáng, các chiến sĩ đã áp sát mục tiêu chờ giờ khai hỏa. Bỗng nhiên một chiến xa địch từ hướng Sài Gòn lao đến đậu sát nơi ém quân, buộc lòng ta phải dùng súng AK bắn chặn. Trước tình huống bất ngờ, tôi hạ lệnh cho các khẩu B40, B41 đồng loạt bắn vào các mục tiêu”. Các chiến sĩ tấn công ào ạt vào bót gác, lô cốt, trại lính. Hàng chục tên địch bị tiêu diệt, số sống sót hoảng loạn bỏ chạy tán loạn. Đầu cầu phía nam trở thành biển lửa và nằm trong sự kiểm soát của quân ta. Hai quả bom địch cài dưới gầm cầu bị các chiến sĩ vô hiệu hóa. Lúc này, ở đầu cầu phía bắc, Z22 và Z23 cũng đã tiếp cận. Ông Nguyễn Đức Thọ, chiến sĩ Z23, người được phân công diệt tháp canh, nói: “Tôi bắn quả B40 đầu tiên nhưng do sợ vướng lưới thép gai nên hướng nòng lên quá cao, trật mục tiêu. Sau đó tôi đứng thẳng dậy bắn tiếp quả thứ hai làm sập một góc tháp canh, khẩu đại liên trên đó im bặt”. Các mũi tiến công đồng loạt dùng thủ pháo, lựu đạn ném vào lô cốt. Địch chống trả quyết liệt, các chiến sĩ D81 ào lên mặt cầu đánh sang phía bắc hỗ trợ. Đến gần 4 giờ sáng, ta đã chiếm được cầu Rạch Chiếc.
Ngay sau khi làm chủ cầy cầu, quân ta đào công sự, củng cố trận địa, chuẩn bị đánh địch phản kích. Bị tấn công bất ngờ và để mất cầu, địch điên cuồng dùng pháo tầm xa từ căn cứ Sóng Thần, khu Liên trường Thủ Đức, Nhơn Trạch bắn như giã gạo với đủ loại đạn chụp, đạn xuyên, đạn đinh... Trên trời, từng bầy trực thăng kéo đến thi nhau bắn như vãi trấu. Dưới sông, ca nô chạy xé sóng xả đạn vào đội hình ta. Cuộc chiến đấu giằng co đến gần trưa, quân địch phía Thủ Đức kéo vào, từ Sài Gòn ào ra với sự hỗ trợ của xe tăng, thiết giáp ngày một đông. Quân ta rơi vào tình thế khó khăn: vũ khí, lương thực cạn kiệt, tiếp tế không có, nhiều chiến sĩ thương vong cần cứu chữa, Ban chỉ huy ra lệnh tạm thời lui quân về củng cố lực lượng, chỉ để lại một ít bí mật bám trận địa.
|
Cầu Rạch Chiếc cũ đang dỡ bỏ để xây mới
|
Quyết chiếm lại bằng được cầu Rạch Chiếc, đêm 28.4, hơn 100 chiến sĩ ta tiếp tục bí mật tiến vào. Lần này, ngoài dùng hỏa lực đánh các mục tiêu địch án ngữ, ta triển khai đánh cả hướng có giang thuyền của địch, đồng thời bảo đảm thông suốt để tuyến sau chi viện thuận lợi. Sau khi chiếm lại được cầu Rạch Chiếc, địch bố trí lực lượng rất đông, hỏa lực cực mạnh, nhưng trước sự phản công như vũ bão của quân ta, chúng hoảng loạn bỏ chạy, ta nhanh chóng làm chủ cầu. Công sự, vũ khí, chiến lợi phẩm của địch lập tức biến thành của ta để bảo vệ trận địa. Suốt ngày và đêm 29, địch tổ chức bảy lần phản công nhưng hơn 100 chiến sĩ đặc công, biệt động đã chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi. Sáng sớm 30.4, địch thảm bại ở các chiến trường dồn về xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, đến cầu Rạch Chiếc bị ách lại. Chúng cố gắng phản công để về Sài Gòn nhưng trước sự kiên cường của Z22 và Z23, chúng phải vứt vũ khí, trút bỏ nón áo tìm đường tháo chạy.
Khoảng 7 giờ 30 sáng 30.4, nghe tiếng xe tăng từ xa vọng lại, các chiến sĩ đặc công nghĩ địch phản công, sẵn sàng chiến đấu. Tiếng máy nổ ngày một gần, trên tháp pháo chiếc xe tăng đi đầu hiện ra lá cờ quân giải phóng. Không ai bảo ai, các chiến sĩ đồng loạt nhảy lên mặt cầu ôm nhau sung sướng hô vang: “Quân ta tới rồi, quân ta tới rồi”. Chiếc xe tăng dừng lại, đồng chí Tư Thinh bước đến báo cáo đồng chí Tống Viết Dương chỉ huy Lữ đoàn 316 vừa từ xe tăng bước xuống: “Báo cáo, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ”. Đoàn xe tăng rầm rập lao qua cầu Rạch Chiếc trực chỉ dinh Độc Lập. Nhiều cán bộ chiến sĩ D81 tiếp tục nhận lệnh theo đại quân tiến vào Sài Gòn. Z22, Z23 bố trí thành từng tiểu đội bảo vệ Nhà máy xi măng Hà Tiên, Nhà máy Nhiệt Điện Thủ Đức. 11 giờ 30, cờ giải phóng phấp phới bay trên dinh Độc Lập. Cầu Rạch Chiếc đã đi vào huyền thoại...
Những ngày này, cầu Rạch Chiếc đang được xây dựng lại to đẹp, đàng hoàng. Xung quanh, những khu dân cư mới với nhà cao tầng đua nhau mọc lên, biến vùng quê đồng bưng xưa thành đô thị hiện đại. Tại nơi này, 36 năm trước, sau ba ngày đêm chiến đấu kiên cường, hơn 200 chiến sĩ đặc công, biệt động đã làm nên thắng lợi giòn giã, chiếm giữ và bảo vệ an toàn cây cầu huyết mạch, mở thông cánh cửa phía đông bắc đón đại quân tiến vào. Để có được kỳ tích ấy, 52 chiến sĩ đã hy sinh, nhiều người còn nằm lại vàm Rạch Chiếc, hàng chục chiến sĩ bị thương. Trận đánh cầu Rạch Chiếc đã đi vào lịch sử, là trận đánh quyết liệt cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
. Theo Báo Công An TP Hồ Chí Minh |