Còn Cổ Đạm là còn ca trù
16:55', 6/5/ 2011 (GMT+7)

Cổ Đạm là một làng nhỏ, cách thành phố Vinh khoảng nửa giờ ôtô. Ở đó, tồn tại một giáo phường ca trù cổ lớn nhất Bắc Trung bộ và sau nhiều thập kỷ bị lãng quên, ca trù với sức sống bền bỉ của nó, đã lại bùng lên. Nhưng cái nghèo đeo đẳng khiến Cổ Đạm thời điểm này vẫn như một nhan sắc bị khuất lấp sau luỹ tre làng.

 

Hai ca nương nhí, niềm hy vọng của làng ca trù.

 

Vàng son một thuở

Mảnh đất nghèo này còn lưu truyền câu chuyện chàng trai nghèo Đinh Lễ được tiên ban cho khúc gỗ để đẽo thành cây đàn, khi đẽo xong, tiếng đàn hay đến nỗi chim cá cũng ngẩn ngơ. Người vợ là công chúa câm, nhờ nghe tiếng đàn mà nói và hát được. Rồi hai vợ chồng trở thành cặp ca nương, kép đàn đầu tiên của làng, họ cùng nhau dạy đàn, hát cho dân trong vùng. Lúc chết, họ được thờ làm tổ sư. Vì câu chuyện này, cộng với một số cứ liệu lịch sử mà nhiều người tin chắc Cổ Đạm là cái nôi của ca trù.

 

Nghệ nhân Phan Thị Mơn, mười tuổi đã hát nhuyễn các làn điệu ca trù.

 

Ca trù Cổ Đạm được nhớ, được ghi nhận bởi có những “hồn vía riêng” hiển hiện trong âm nhạc lẫn ca từ (rất khác với ca trù đất Bắc) do cách hát hầu như không luyến láy và ít ngưng nghỉ, vừa nhanh vừa đanh, tiết tấu rõ. Ngay cả cách đệm đàn, trống, phách của xứ này cũng khác, ví dụ phách thiên về lối đánh chìm, đánh lửng trong khi tiếng phách xứ ngoài nổ và giòn hơn. Lời thơ ca trù Cổ Đạm cũng được cho là phóng túng. Thời ấy, Nguyễn Công Trứ, người con đất Nghi Xuân, nổi danh là kép đàn độc nhất vô nhị của ca trù Cổ Đạm, không chỉ là tác giả đặt lời nhiều nhất cho ca trù mà còn là người đã đưa ca trù bước khỏi luỹ tre làng để cất tiếng cao sang chốn cung đình… Thời Nguyễn, Cổ Đạm nức danh với tiếng hát, tiếng đàn của nhiều đào ngự, kép ngự vốn sinh ra và lớn lên trong những ngôi nhà tranh bé nhỏ của làng.

Tiếng hát chưa lấm bùn

Hiện tại, làng có ba thế hệ ca nương: thế hệ thứ nhất gồm năm cụ bà đã được phong nghệ nhân; thế hệ thứ hai, có tới ba ca nương từng đoạt huy chương vàng trong các liên hoan ca trù toàn quốc; thế hệ thứ ba là các em nhỏ học sinh cấp một, cấp hai, trong đó có ca nương nhí Minh Ngọc 13 tuổi từng đoạt huy chương bạc trong liên hoan toàn quốc các câu lạc bộ ca trù 2009… Các ca nương xinh đẹp, hát hay như chị Vân, chị Xanh, chị Nết; những kép đàn, quan viên như anh Trần Văn Đài, anh Võ Thanh Tuấn… đều là nông dân hoặc con cái nông dân, ban ngày họ lội bùn cày cấy, đêm cùng nhau lên đình đàn hát, tạm gác bỏ những bức bối mưu sinh…

 

Ba thế hệ ca nương ca trù làng Cổ Đạm.

 

Gặp họ trong canh hát tổ chức vào đêm đầu tiên của tháng 5, được chiêm ngưỡng không gian ca trù Cổ Đạm, mới thấy được các thế hệ nghệ nhân ca trù xưa và nay của Cổ Đạm đều giống nhau ở đức hy sinh. Khi ca trù chưa được coi là nghề, đúng hơn chỉ là niềm đam mê, thì chính những nghệ nhân của làng đã và đang hoàn thành tốt nhất sứ mệnh bảo tồn nghệ thuật cổ. 26 làn điệu, nay đã khôi phục được mười, và các nương, kép đàn Cổ Đạm vẫn còn đó niềm đau đáu… Nhưng ở Cổ Đạm ca trù đã được đưa vào trường học, là một trong những lý do để người yêu ca trù tin ở sức sống của ca trù sau nhiều thập kỷ mai một.

Trong số 63 câu lạc bộ ca trù nằm rải rác ở 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, khúc hát ca trù Cổ Đạm vẫn ấp ủ những mặn mòi, day dứt, không bị “lấm bùn” bởi những mặc cả thị trường, vẫn say đắm ngọt ngào giữa gió Lào và cát trắng.

. Theo SGTT

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hà Nội: Khởi công đúc tượng đồng Trâu vàng hồ Tây  (04/05/2011)
Trận đánh lớn cuối cùng  (28/04/2011)
Thời khắc đáng nhớ qua cuốn lịch sử về Nam Bộ   (26/04/2011)
Anh Sáu Thọ trên đường ra trận  (22/04/2011)
Đấu trí "bên lề" cầu Hiền Lương  (18/04/2011)
Núi Hồng - Sông Lam  (15/04/2011)
Để thành nhà Hồ trường tồn với thời gian  (12/04/2011)
Về Ngàn Nưa  (08/04/2011)
Theo dấu tầng tháp cổ bên dòng sông Côn  (06/04/2011)
TP Pleiku: Làng trong phố  (03/04/2011)
Tháng ba, về Dương Nổ thăm nhà lưu niệm Bác Hồ   (31/03/2011)
Công nhận di sản cây gạo của Quỳnh Trân công chúa   (30/03/2011)
Khám phá sắc phong của các triều đại phong kiến VN  (28/03/2011)
Người sẵn sàng mổ bụng cho địch xem gan  (25/03/2011)
“Thưởng thức” Việt Nam từ Bắc vào Nam   (24/03/2011)