Nhờ câu hát giao duyên mà gắn kết nghĩa tình xóm làng đầm ấm. Gái trai được vợ nên chồng một lòng một dạ ăn ở với nhau đến cuối đời.
Với truyền thống ba trăm năm lập làng, Mỹ Tường được xem là một trong những vùng cư dân cổ ở ven biển huyện Ninh Hải. Múa siêu và hát giao duyên là hai loại hình văn hoá làng đặc sắc trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Múa siêu biểu hiện cho tinh thần thượng võ của cư dân khai hoang mở đất. Hát giao duyên khơi gợi tình cảm giao hoà gái trai trên vùng đất mới. Thông qua hát giao duyên (còn gọi là hát ghẹo gái, hát đối đáp), con người trở nên gần gũi gắn bó keo sơn. Bà Lê Thị Lý ở thôn Mỹ Tường 2 là một trong số ít những người tâm huyết giữ hồn điệu hát giao duyên lan truyền trên vùng đất Mỹ Tường.
|
Nghệ nhân Bảy Lý vừa se võng vừa hát giao duyên. |
Ngồi se võng gai dưới mái nhà ngói cổ, bà Bảy Lý say sưa hát giao duyên. Tiếng hát ngân nga luyến láy da diết ân tình của nghệ nhân dân gian làm lay động lòng người. Sáu mươi bảy tuổi, nghệ nhân Bảy Lý “nằm lòng” hàng ngàn câu hát. Tuổi thơ của bà được tắm mình trong những đêm trăng hát giao duyên. Mùa trăng, trai bạn các làng chài ít đi biển. Họ thường rủ nhau về Mỹ Tường hát giao duyên. Trai gái tuổi mười tám đôi mươi chưa có gia đình mới được ngồi vào chiếu hát. Các cuộc hát kéo dài thâu đêm suốt sáng. Sự hấp dẫn bởi tài ứng đáp thông minh của người hát và sự gắn kết nghĩa tình của trai gái.
Bên nữ hát rằng:
Nằm nhà đắp chiếu ngủ an
Em nghe bạn lạ hò khoan sân này.
Dời chân ba bước tới đây
Xem trăng chưa tỏ nhìn mây chưa tường.
Bên nam đáp:
Lầu tây ngọn gió tứ phương
Đôi đứa mình mới ngộ tình thương vô hồi.
Trăm năm khăng khắng một lời
Nào ai đem dạ đổi dời mặc ai.
Bên nữ hát:
Phải duyên em đợi, em chờ
Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông.
Chị em ai nấy có chồng
Phải duyên em ở vậy ôm lòng chờ anh.
Bên nam đáp:
Cất tiếng kêu xin hỡi tình khanh
Xin em giữ dạ sắc cầm đừng phai.
Anh xin giữ áo lâu dài
Nào ai có dỗ, em cũng đừng sai tất lòng…
Câu hát giao duyên sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Người hát còn dùng điển tích Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Thoại Khanh Châu Tuấn để bày giải tấm lòng. Trong lời hát của mình, nghệ nhân Bảy Lý nhấn nhá những từ đệm ơ…hờ…ơ… tạo sự gợi cảm giữa các câu hát. Có lẽ đây là nét riêng về mặt thanh âm trong điệu hát giao duyên ở vùng đất Mỹ Tường. Ông Phạm Ngọc Sang ở thôn Mỹ Tường 2 cho rằng hát giao duyên là một phần hồn vía của làng. Thi thoảng, ông vẫn mời các nghệ nhân Bảy Lý, Ba Thương, Chín Non, Minh Diệu…về nhà mình hát. Nhờ câu hát giao duyên mà gắn kết nghĩa tình xóm làng đầm ấm. Gái trai được vợ nên chồng một lòng một dạ ăn ở với nhau đến cuối đời.
“Hồi nhỏ, tui nghe trong làng có chiếu hát là bụng dạ không yên. Cứ ngóng trông chờ cho tới tối là đi nghe các dì các chị trong làng hát. Bạn hát từ Khánh Hội xuống hoặc từ Đông Ba đi thuyền qua, vui lắm! Câu hát nghĩa tình của ông bà cha mẹ ngấm vào người, không rứt ra được. Lâu lâu, nhớ chiếu hát, tui rủ rê những người cùng thời ngồi lại hát cho vui. Tui cố công bày biểu cho các cháu trong xóm hát được câu nào mừng câu đó. Những người biết rành và còn mê hát giao duyên ở xã Nhơn Hải hiện nay cũng đã 60-70 tuổi. Mai mốt lớp người này trở về với ông bà liệu làn điệu hát giao duyên ở Mỹ Tường có còn được lưu truyền hay chăng?”, bà Bảy Lý lo ngại nói.
. Theo NTO |