Người dân vùng Đông Bắc cho rằng, nếu vịnh Bái Tử Long không có những đảo đất xen kẽ thì vịnh này chỉ là phiên bản nhỏ sao chép của vịnh Hạ Long. Điều hấp dẫn làm mê hoặc lòng người chính là vịnh Bái Tử Long là những hòn đảo có dân cư sinh sống từ bao đời nay. Trên địa danh Quan Lạn – Minh Châu, hiện vẫn còn tồn tại một thương cảng cổ bậc nhất của nước Việt xưa.
|
Bến Cái Làng, trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn hôm nay êm đềm như một làng quê trung du Bắc bộ.
|
Ngồi trên con tàu đưa bà con đất liền ra đảo Quan Lạn thu mua hải sản. Tôi lắng nghe ông chủ tàu tên Minh – người xã đảo Quan Lạn giải thích hai từ “Quan Lạn” cho một ông khách người gốc Huế. Chủ tàu Minh cho rằng thực ra đảo Quan Lạn có tên thực là Quan Nạn, nghĩa là “quan gặp nạn” do ngày xưa vị quan nào đó có lỗi nên bị triều đình đưa đến vùng đảo xa xôi này, chữ “Lạn” là do người xã đảo nói ngọng “Nạn” thành “Lạn” mà thôi. Ông Minh cho biết thêm, đảo Quan Lạn là hòn đảo dài và rộng nhất, có người ở, nằm trong quần đảo Vân Hải trên vịnh Bái Tử Long.
Hòn đảo cổ vật
Cụ Phạm Công Hội, 86 tuổi, một trong những người cao tuổi nhất của đảo Quan Lạn cho chúng tôi hay, cư dân trên đảo đa phần là gốc người Thanh Hoá nên phát âm giống y chang người Thanh Hoá trong đất liền. Có nhiều dòng họ trên đảo hiện nay vẫn còn liên lạc với những dòng họ gốc trong Thanh Hoá.
Biết chúng tôi có ý định đi tìm lại những dấu tích của thương cảng cổ Vân Đồn xưa, cụ Hội hào hứng hẳn lên. Cụ cho hay, trước kia gia đình cũng ở bến Cái Làng là nơi trung tâm của thương cảng sầm uất một thời. Hơn chục năm trở lại đây, khu vực Cái Làng bị cát biển bồi lấp khiến dân làng khó vận chuyển bằng thuyền bè cập bến, người dân chuyển dần ra gần trung tâm xã. Khu vực Cái Làng trở nên hoang vu. Cụ Hội gọi đứa cháu tên Thành dẫn chúng tôi đi khám phá bến. Cụ nói, bây giờ là buổi chiều, nước thuỷ triều đã dâng lên ngập các đường vào bến Cái Làng. Muốn vào Cái Làng phải chờ con nước xuống vào sáng mai.
Tinh mơ sáng hôm sau, Thành đã đến đón chúng tôi ở bến Cống Cái. Sau gần ba giờ lội bộ qua bãi cát có tên gọi là bãi Sau lởm chởm có những vỏ con hà sắc như dao, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bến Cái Làng, trung tâm của thương cảng Vân Đồn một thuở. Phía dưới chân bến dày đặc những mảnh sành, sứ có niên đại cách đây hàng trăm năm.
Ông Nguyễn Văn Chín, phó chủ tịch UBND xã Quan Lạn cho biết, từ năm 1967 đến năm 1995, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật nhiều vùng trên đảo Quan Lạn. Tại khu vực Cái Làng, các nhà khoa học và khảo cổ đã phát hiện ra nhiều nền nhà cổ. Từ Cái Làng đến Cống Cái có một bãi dài 200m, các nhà khảo cổ đã tìm thấy khắp bờ vụng có hàng triệu mảnh sành sứ, có đoạn dày tới gần 1m, được xác định niên đại từ thời Lý đến thời Lê. Hầu hết các loại gốm được phát hiện ở khu vực này sau khi xác minh là các loại gốm vùng Hải Dương, Bắc Ninh, trùng khớp với các loại gốm phát hiện ở bến cửa sông Bạch Đằng, sông Kinh Thầy và Móng Cái. Các nhà khoa học khẳng định, thương cảng Vân Đồn xưa là nơi trung chuyển của “con đường gốm sứ” Việt Nam ra với thế giới.
Ông Chín cũng kể rằng, khi khai quật thám sát thêm ở lớp đất dưới ở khu vực Cái Làng, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những hũ đựng đồng tiền cổ từ các đời vua Trung Quốc từ thời nhà Đường đến nhà Thanh, tiền Việt Nam từ thời Lý đến thời nhà Nguyễn. “Đặc biệt, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những đồng tiền bằng bạc của Tây Ban Nha được đúc năm 1762, chứng tỏ từ những năm đó, Việt Nam đã mở cửa, thông thương với các nước trên thế giới”, ông Chín nói.
|
Hoàng Trung Tín và những cổ vật đào được của thương cảng cổ Vân Đồn.
|
Robinson ở Cái Làng
Không biết thương cảng cổ ngày xưa sầm uất thế nào chứ hôm nay nhìn quanh rừng núi hoang vắng, chúng tôi chỉ thấy ba ngôi nhà cũ mọc bên ven đồi. Một người đàn ông đang lúi húi giẫy cỏ bên một giếng nước ngẩng lên nhìn chúng tôi lạ lẫm. Hoàng Trung Tín – người được mệnh danh “Robinson” của Cái Làng sốt sắng dẫn chúng tôi đi thăm miếu thờ vua Lý Anh Tông, bên trong có bức tượng cổ bằng gỗ sơn son đã bạc phếch qua thời gian. Tiếp đến, anh dẫn chúng tôi thăm “giếng Tiên” hay còn gọi là “giếng Hệu”, một cái giếng kỳ lạ của khu vực Cái Làng, giếng rất nông, có độ sâu chừng 2m, nước trong vắt và ngọt. Khi các đầm, ao trong khu vực Cái Làng cạn khô nước thì cái giếng này vẫn đầy ắp nước ngọt.
“Robinson Tín” cho hay, hiện toàn bộ khu vực Cái Làng, trung tâm của thương cảng xưa chỉ còn có ba nhà, trong đó riêng anh là người gốc của Cái Làng, còn hai hộ gia đình kia mới vào đây tăng gia sản xuất được gần chục năm nay. Bản thân gia đình Tín cùng các gia đình khác cũng rời Cái Làng chuyển vào cảng Quan Lạn gần hai mươi năm rồi. Nhưng Tín đã xin ở lại Cái Làng để làm ăn, sinh sống. Công việc hàng ngày của anh là đào ao, nuôi cá, lên rừng đặt đõ ong lấy mật. Người đàn ông này có sở thích kỳ dị là thích sống kiểu tự cung, tự cấp. “Ông nội tôi là Hoàng Trung Lận, sống đến 100 tuổi rồi mất tại Cái Làng, trước lúc mất, ông nội tôi bảo gia đình cần có người ở trên mảnh đất này. Khi cả làng rời ra cảng Quan Lạn, một mình tôi tự nguyện xin ở lại thương cảng này… để trông nom!”, Tín nói.
Một mình ở lại thương cảng cổ, Robinson Tín tự nhiên bỗng dưng… là người “hướng dẫn viên” duy nhất cho các đoàn khảo cổ, nhà sử học. Anh kể vanh vách các tên nhà sử học và cả những nhà khảo cổ. Trong nhà Tín có rất nhiều những mảnh vỡ của những đồ gốm sứ, tiền cổ, rìu đá… mà anh lượm được khi đào ao thả cá. Đổ ra một bao tải lổn nhổn những mảnh sành sứ từ thời Lý, Trần, Tín khoát tay bảo tôi, thích gì thì cứ lấy. Tín cho biết, mấy năm trước anh còn đào được cả kiếm, gươm, lá chắn, mũi tên… và anh đã tặng cho những nhà khảo cổ. Tín tự hào rằng, tuy anh sống cô độc giữa núi rừng nhưng anh có rất nhiều bạn là những nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử. “Cứ mỗi tết, họ lại viết thư, gửi quà tặng tôi. Tôi vui lắm”, Robinson Tín cười hồn nhiên.
. Theo SGTT |