Lý Sơn đảo khát
17:3', 4/6/ 2011 (GMT+7)

Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hai hòn chính: Đảo Lớn gồm hai xã An Hải và An Vĩnh, đảo Bé chỉ một xã An Bình. Đến đảo Bé, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách là những chiếc lu đựng nước được xếp thành dãy dài trước mỗi sân nhà chứ không hẳn là những rặng dừa xanh ngắt quanh năm hay những mõm núi đá đen trũi luôn nhoài ra biển. Người ta gọi đảo Bé là “đảo khát” vì quanh năm thiếu nước.

 

Những chiếc lu trước mỗi sân nhà. Ảnh: T.Đ

 

Suốt mấy trăm năm khai khẩn đảo Bé, bao thế hệ người Việt, bằng nhiều cách và nhiều phương tiện khác nhau, đều đành bất lực trước câu hỏi: Tìm đâu ra nguồn nước để tồn tại và gắn bó với hòn đảo này? Điều ấy lí giải vì sao, mấy trăm năm qua, hòn đảo có chu vi 1 km vuông này chỉ có 76 gia đình sinh sống, điều rất khác với đảo Lớn - nhà cửa ken dày như ở các thành phố lớn.

Theo ý kiến của một số nhà địa chất, nguyên thủy của đảo Bé có thể dính liền với đảo Lớn (cách nhau 4km), sau một cơn địa chấn cực mạnh, phần phía tây của đảo Lớn bị tách ra và trôi dạt trên biển để “ra riêng” thành đảo Bé bây giờ. Chính vì vậy nên đảo Bé bị “rỗng ruột”, mưa bao nhiêu, nước đều chảy tuột ra biển. Tuy nhiên, một điều khá lạ là, trong điều kiện “rỗng ruột” như thế, ấy thế mà cây cối trên đảo vẫn luôn luôn xanh tốt, như một sự thách thức trước những khắc nghiệt của thiên nhiên nơi này. Đấy cũng là lí do để con người không chịu bỏ cuộc trong hành trình đi tìm nguồn nước tại chỗ cho đảo Bé.

 

Hệ thống dẫn nước từ máng xối xuống lu. Ảnh: T.Đ
 

Các cuộc thăm dò địa chất cùng những mũi khoan giăng mắc khắp đảo từ nhiều chục năm qua, song nguồn nước ngầm cho đảo Bé thì vẫn còn là điều bí ẩn. Để có thể tồn tại trên đảo Bé, những chủ nhân của đảo buộc phải tự mua lu hoặc xây bể để đựng nước trời. Thước đo của sự giàu-nghèo trên đảo không phải là tài sản của mỗi gia đình đang sở hữu mà là nhà nào có nhiều bể nước hơn. 

 
Mỗi trưa hè, trẻ con thường “tập kích” kho nước ngọt của xã. Ảnh: T.Đ
 

50 năm về trước, những ngôi nhà mái lá với những bất tiện của nó trong việc tích nước trời vào mỗi mùa mưa, người dân trên đảo chỉ còn một cách duy nhất là mua thật nhiều lu (ghè) nước được làm bằng đất nung, về đặt khắp sân vườn để hứng nước mưa. Hứng nước trời kiểu này, uống tùng tiệm chừng hai tháng là sạch nước! Khi những ngôi nhà mái ngói, rồi mái bằng lần lượt xuất hiện trên đảo thì cũng là lúc những bể nước bằng xi măng ra đời. Người ta làm một hệ thống dẫn nước từ mái nhà gom về máng, từ chiếc máng này, một ống nước bằng nhôm được lắp vào cho nước chảy xuống bể. Nhà nào to thì bể nước càng lớn (15 khối), nhà nào bé thì bể chừng 5-6 khối nước. Để xây được nhà, các chủ nhân phải xây bể đựng nước trước, sau đó “mượn” đường ống dẫn từ nhà bên cạnh để tích nước ngọt, khi nào cảm thấy đủ nước thì mới xây nhà. Vì vậy, khó khăn nhất của việc xây nhà trên đảo Bé không hẳn là xi măng, sắt thép mà là nước ngọt.

 

Đứng trong chậu để tận dụng nước ngọt. Ảnh: T.Đ

 

Trong số 76 ngôi nhà hiện có của đảo Bé, số nhà có bể chứa nước 15 mét khối không nhiều, vì vậy, để giúp người dân “thoát nghèo nước ngọt”, xã An Bình đã xây hẳn một bể nước khoảng 300 khối, lấy nguồn nước mưa từ các mái nhà của ủy ban xã. Bể nước này được xem như “kho thóc dự trữ”, khi đỉnh hạn thì mới xuất ra cấp cho dân! Hàng năm, nếu mưa xuất hiện thường xuyên trong mùa hè thì dân đảo Bé chỉ thiếu nước ngọt khoảng 2 tháng, năm nào hạn nặng thì thiếu 4 tháng nước ngọt.

Để lấp vào khoảng thiếu hụt này, hàng ngày vào mùa khô hạn, dân đảo Bé phải đi thuyền sang đảo Lớn lấy nước (hoặc mua) về dùng. Nhà nào đơn chiếc thì “vay tạm” hàng xóm về nấu cơm qua bữa. Việc tắm giặt ở đảo Bé cũng hạn chế tối đa. Thường thì ra bến nhảy ùm xuống biển tắm táp xong về giội lại một vài gàu nước ngọt cho đỡ rít ráy. Nhưng giội nước ngọt cũng phải đứng trong thau để tận dụng lại rồi tưới rau! Những người đàn bà của đảo Bé có một thói quen không giống với phụ nữ các nơi, đó là vừa xem hũ gạo vơi đầy nhưng cũng ghé mắt hàng ngày để xem ghè nước ngọt còn bao nhiêu nữa. Những chiếc lu đựng nước vì thế cũng được “chăm sóc” hàng ngày vì nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân trên đảo.

  • TRẦN ĐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà dài Hrê đang mất dần  (01/06/2011)
Về Dương Nổ thăm nhà lưu niệm Bác Hồ   (31/05/2011)
Vịnh Xuân Đài, nàng tiên chưa thức giấc  (30/05/2011)
Bún cá Quy Nhơn trên xứ người  (26/05/2011)
Bữa tiệc ốc tại vịnh Vĩnh Hy  (25/05/2011)
2020: phục hồi hoàn chỉnh khu vực Đại nội Huế  (23/05/2011)
Vân Đồn, thương cảng điêu tàn  (20/05/2011)
Trùng tu, tôn tạo nhà lưu niệm mẹ Tơm   (19/05/2011)
Huyền thoại Kôn Clon   (18/05/2011)
Hòn Bà sừng sững trên biển xanh Bình Thuận  (16/05/2011)
Điệu hát giao duyên làng Mỹ Tường   (10/05/2011)
Bãi biển đẹp Long Thủy - Hòn Chùa  (09/05/2011)
Còn Cổ Đạm là còn ca trù  (06/05/2011)
Hà Nội: Khởi công đúc tượng đồng Trâu vàng hồ Tây  (04/05/2011)
Trận đánh lớn cuối cùng  (28/04/2011)