Những năm đầu thế kỷ XX, sau khi phong trào Cần Vương thất bại, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất đối với đất nước ta. Bằng các chính sách trưng thu, cướp đoạt đất đai của nông dân để xây dựng đồn điền, thực thi chính sách bóc lột thuế khóa nặng nề... làm cho hầu hết các tầng lớp nhân dân ta bị bần cùng hóa, nhân dân mất ruộng vườn, nhà cửa, lại thêm sưu cao thuế nặng phải bán mình làm thuê trong các đồn điền, hầm mỏ... cuộc sống vô cùng khổ cực.
Trước hoàn cảnh đó, hàng loạt cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã nổ ra ở khắp nơi, tiêu biểu là cuộc đấu tranh chống thuế của nhân dân Trung Kỳ (1907-1908). Trong đó, Bình Định là một trong nhiều địa phương có đông đảo nông dân tham gia phong trào chống thuế, trong đấu tranh nhiều người đã bị bắt bớ, giam cầm trong nhà lao tỉnh, một số bị đưa đi đày ở Côn Đảo hoặc bị tử hình.
|
Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh) - nơi ngày 5.6.1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: tamtay.vn. |
Trước hoàn cảnh lầm than của dân tộc, mặc dù được nhận vào học tại Trường Quốc học Huế (tháng 8.1908), nhưng với lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống áp bức, cường quyền nên Nguyễn Tất Thành luôn bất bình trước thái độ miệt thị, khinh rẻ của bọn thực dân đối với đồng bào ta. Năm 1909, khi đang học dở chương trình tiểu học, Nguyễn Tất Thành quyết định bỏ Trường Quốc học Huế, theo cha vào Bình Định. Việc bỏ Trường Quốc học Huế là quyết định có tính bước ngoặt đầu tiên của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, tạm dừng con đường học hành để lập thân, để rẽ sang con đường mới - con đường cách mạng, cứu nước, cứu dân, mà mảnh đất Bình Định là điểm dừng chân đầu tiên của Người.
Bằng các tư liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu đã khẳng định: Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thời gian 1 năm 4 tháng ở Bình Định (từ trung tuần tháng 5.1909 đến trung tuần tháng 8.1910). Trong thời gian này, Người đã đến nhiều nơi, gặp nhiều người trên vùng đất lắng đọng vô vàn tinh hoa văn hóa, vang dội những chiến công của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, của phong trào Cần Vương Mai Xuân Thưởng... Người còn được chứng kiến tinh thần quật cường, quả cảm của những người dân giàu lòng yêu nước, không cam chịu cảnh nước mất nhà tan, tham gia đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống lại sự đàn áp hà khắc của chế độ thực dân, phong kiến đương thời, nhất là phong trào đấu tranh chống thuế của nhân dân Trung Kỳ... Những năm tháng ấy đã để lại trong tâm khảm người thanh niên yêu nước những ấn tượng sâu đậm về con người và truyền thống yêu nước của nhân dân Bình Định, góp phần hun đúc ý chí, quyết tâm sắt đá đi tìm con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành.
Sự kiện Nguyễn Tất Thành đến Bình Định là một tất yếu lịch sử dân tộc trước sự bế tắc (cả về nội dung và hình thức) của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nhưng sự xuất hiện của Nguyễn Tất Thành ở Bình Định không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là kết quả chủ quan của một quá trình chuẩn bị về tư tưởng và hoạt động của chính Nguyễn Tất Thành. Sự kiện Nguyễn Tất Thành ở Bình Định còn là kết quả của mối quan hệ biện chứng giữa yêu cầu khách quan của dân tộc và tư duy chủ quan của Nguyễn Tất Thành. Xét về phương diện lịch sử tư tưởng thì quê hương và con người Bình Định đã tác động đến quá trình phát triển lôgíc trong nhận thức của Nguyễn Tất Thành.
Trong thời gian ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành đã đến nhiều nơi, nhưng chủ yếu sống tại Quy Nhơn, học thêm tiếng Pháp và văn hóa ở nhà giáo học Phạm Ngọc Thọ (thân sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch). Ngoài thời gian học tập, Nguyễn Tất Thành còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu các tác phẩm văn học Pháp, các báo chí tiến bộ và yêu nước để nâng cao sự hiểu biết văn hóa nước Pháp, từ đó có sự so sánh nền văn hóa nô dịch của nước thuộc địa Pháp; nghiên cứu và nhận thức sự bóc lột của chủ nghĩa thực dân đối với đất nước ta, dân tộc ta, nhân dân ta. Người còn đến thăm Huyện đường Bình Khê, nơi ở và làm việc của cụ Nguyễn Sinh Huy - thân sinh của Người; thăm quê hương anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ; đến thăm Tỉnh thành Bình Định (huyện An Nhơn), nơi cụ Nguyễn Sinh Huy tham gia chấm thi Hương tại Trường thi Bình Định và cũng là nơi ở của cụ Huy khi cụ bị cách chức Tri huyện Bình Khê chờ ngày đưa ra Huế hậu cứu; đến thăm nhà cụ Đào Tấn - người có mối thâm giao với gia đình cụ Nguyễn Sinh Huy…
Thời gian Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bình Định không nhiều so với những chặng đường hoạt động cách mạng của Người, song truyền thống lịch sử, văn hóa và con người Bình Định đã tác động đến sự phát triển nhận thức của Nguyễn Tất Thành - xét trên bình diện nơi đây là một trong những nguồn cội cung cấp các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp và đặc trưng của Bình Định cũng như của cả dân tộc, góp phần hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, như sau này Đảng ta đã xác định. Mối quan hệ tương tác trên đây thể hiện sâu sắc mối quan hệ biện chứng trong quá trình phát triển nhận thức của Nguyễn Tất Thành; đồng thời, cũng khẳng định những đóng góp của quê hương Bình Định đến sự hình thành ý chí, quyết tâm và tư tưởng cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành trên lộ trình tìm đường cứu nước.
Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ở Bình Định trong bước ngoặt đầu tiên của chặng đường Người chuẩn bị xuất dương tìm đường cứu nước là niềm tự hào không chỉ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định mà còn là niềm tự hào chung của cả nước, của các thế hệ con cháu Hồ Chí Minh. Tự hào là một trong năm địa phương của cả nước có gắn bó với thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử giữa Nguyễn Tất Thành với cha và anh trai trước khi Người xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Bình Định nguyện ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
|