Một khi được tàu Trung Quốc thả về, hầu hết ngư dân trở thành người trắng tay, tật nguyền. Tôi đến thăm chị Võ Thị Tam (48 tuổi) ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khi chị đang ngồi thẫn thờ bên bà mẹ già và đếm những đồng bạc nhàu nát sau một ngày lao động cực khổ.
|
Chị Võ Thị Tam và người mẹ già với câu chuyện Hoàng Sa.
|
Cuộc đào tẩu hy hữu
Anh Lê Văn Huy (44 tuổi), chồng chị, từng là thuyền trưởng của con tàu QNg 5590 TS xuôi ngược ra Hoàng Sa, giờ trong cảnh túng quẫn, hàng ngày anh ra gành bắt ốc kiếm sống. Ở biển, công việc này vốn chỉ dành cho phụ nữ.
Cách đây khoảng ba năm, trong một chuyến đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, tàu anh Huy bị một tàu hải quân Trung Quốc mang số 46161 bắt cùng lúc với ba tàu cá khác của các ông: Trần Đồng, Nguyễn Đức Sáu và Nguyễn Rổ và đưa về giữ tại đảo Hải Nam.
Nhận được tin dữ, chị Tam ở nhà rối bời ruột gan. Anh điện báo về cho biết, 140 tấm lưới trên tàu đã bị phía Trung Quốc chặt đứt hết, máy định vị, máy dò, Icom cũng bị gỡ sạch, dầu họ cũng hút hết còn đòi phạt thêm 5.000 USD/tàu.
Ngày nào chị cũng chạy đôn chạy đáo để hỏi vay nặng lãi, gom tiền chuộc chồng. Tuy nhiên, không ngân hàng nào chịu chuyển số tiền này. Hoạ vô đơn chí, đang trong cơn bấn loạn thì đứa con chị lại bị tai nạn.
Vào một đêm tối trời, lợi dụng đám lính ngủ say, anh Huy gom dầu của ba con tàu lại và lấy giẻ bịt ống khói tàu để giảm tiếng ồn, sau đó tăng ga đưa 19 ngư dân lao về hướng Việt Nam. Trên tàu không có thiết bị định hướng nên cả đoàn cứ thế mò mẫm giữa Biển Đông tìm đường về.
“Chồng mày dẫn ngư dân bỏ trốn, nếu chúng tao bắt lại được thì sẽ chặt đầu!” – chị Tam và cả xóm nhỏ hoảng loạn vì cú điện thoại từ Trung Quốc. Ngày nào chị cũng ra biển ngóng về Hoàng Sa gọi tên chồng, bởi không biết anh Huy lạc hướng nào. Sau gần một tuần mò mẫm trong đói khát trên chặng đường hơn 300 hải lý, chiếc tàu cũng về được đến quê và phải đem bán ngay để trả nợ. Nhìn người chồng thất thểu như kẻ mất hồn, chị Tam đành phải đứng ra lo toan gánh nặng mưu sinh thay chồng và trang trải nợ nần. Thương con, bà Võ Thị Dưỡng (85 tuổi), mẹ của chị, dúi cho con gái 2 triệu đồng. Đây là số tiền chế độ gia đình liệt sĩ mà bà đã dành dụm cả năm mới có được để phòng khi nằm xuống.
|
Chị Quý với đứa con nheo nhóc.
|
Đành kết thúc những chuyến ra khơi vào lộng
Trong căn nhà tranh tối tranh sáng ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chị Nguyễn Thị Quý (31 tuổi), một người đàn bà gầy yếu, ôm đứa con còn nhỏ vào lòng nhỏ nhẹ kể: “Ngày ba nó bị hải quân Trung Quốc bắn bị thương ở Hoàng Sa, bé Tu Thị Trà Mi mới là cái thai sáu tháng. Hồi đó chắc nó đã nghe tiếng mẹ nó khóc ba bị nạn ở Hoàng Sa”.
Chị là vợ của ngư dân Tu Thanh Sơn (34 tuổi). Năm 2007, trong một chuyến đi Hoàng Sa, anh Sơn đã bị hải quân Trung Quốc xả súng bắn. Sau khi được đưa vào đảo Phú Lâm và chuyển về đảo Hải Nam điều trị, trở về, anh Sơn mang biệt danh Sơn sẹo. Thương chồng, chị Quý chạy ngược chạy xuôi để gia đình có cuộc sống tạm đủ qua ngày. Viên đạn bữa đó đã phá vỡ xương chân anh Sơn, thanh inox định hình xương vẫn chưa tháo ra được. Những ngày trở trời, chị lại tất tả chăm sóc và động viên, bởi lúc đó anh thường vật vã vì vết thương đau nhức.
Một bà hàng xóm cho hay: “Vợ chồng thằng Sơn nghèo nhất xóm. Bà con lối xóm góp tiền giúp vợ chồng nó mấy lần rồi. Hồi xưa nó khoẻ mạnh bao nhiêu thì bây giờ yếu bấy nhiêu. Cái nhà trong xó mà vợ chồng nó ở là nhà của hàng xóm, mỗi tháng vợ chồng nó trả tiền thuê 50.000 đồng”.
Khi từ Hoàng Sa trở về và thành người tật nguyền, anh Sơn và vợ của mình phải chật vật mưu sinh trong tình cảnh cả hai cùng bệnh. Chị Quý phải đi Hà Nội mổ tai ba lần, sinh hai đứa con đều phải mổ vì không có sức khoẻ. Thương chồng tật nguyền, nhưng theo chị Quý “không làm thì chỉ vài ngày là hết gạo. Hai đứa con với những đơn thuốc khám bệnh định kỳ khiến gia đình luôn trong cảnh thiếu thốn”.
Từ một ngư dân ngang dọc trên biển Hoàng Sa, giờ anh Sơn phải sống những ngày cơ cực trong cảnh neo thuyền, ngủ bờ. Mùa nắng, cứ chiều tối anh lại đi dọc gành với bóng đèn, cây vợt và lặn suốt đêm dưới đáy biển trong cái giá lạnh để bắt cua, mò cá. Đến sáng sớm anh mới lầm lũi từ ngoài biển trở về. Ngồi trong ánh đèn tù mù và tiếng đứa con đòi ba, chị Quý nói: “Mùa đông, chồng em không đi lặn được, vậy là ảnh làm thợ đụng. Cứ ra biển ai kêu gì thì làm nấy. Hồi khó khăn quá thì gia đình hai bên góp gạo hỗ trợ”.
Rời gia đình chị khi màn đêm sập xuống, tôi vẫn mang theo câu hỏi nhói lòng cùng một niềm hy vọng mơ hồ của người phụ nữ ấy: “Mình bị nạn ở Hoàng Sa thì có được hỗ trợ gì không anh? Nếu được hỗ trợ, em sẽ đưa chồng tới bệnh viện để rút cái nẹp sắt trong chân anh ấy ra, còn dư thì sắm thêm đồ nghề để làm biển, nuôi con”.
. Theo SGTT |