Người Cor Quảng Ngãi với Bác Hồ
15:23', 12/6/ 2011 (GMT+7)

Niềm tin giản dị của đồng bào dân tộc Cor giúp họ vượt qua cả những thời điểm khốc liệt của chiến tranh cho đến những ngày xây dựng cuộc sống hòa bình ấm no.

Ở huyện miền núi Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi) có trên 3 vạn đồng bào dân tộc Cor đều mang họ của Bác – họ Hồ. Việc tự nguyện theo họ của Bác không chỉ là niềm kính yêu của đồng bào đối với lãnh tụ mà còn là lòng thủy chung của người dân đối với con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn. 

Từ thị trấn Trà Xuân, vượt cầu Đỏ, chúng tôi tìm về thôn 3 xã Trà Thủy để gặp già Hồ Chí Khánh, nguyên Phó bí thư Huyện ủy Trà Bồng những năm 1969.

Già Khánh như cây quế giữa đại ngàn, Mặc dù  đã 89 tuổi (với 50 năm tuổi Đảng) nhưng hãy còn khỏe mạnh.  Nghe hỏi chuyện theo họ của Bác, mắt già sáng lên và bắt đầu bằng giọng kể trầm trầm: Hồi đó - năm 1969, ở huyện Trà Bồng địch đánh phá rất ác liệt. Ngày ngày đất rung lên trong tiếng bom, tiếng pháo và bầu trời xanh thi thoảng bị quần nát các loại máy bay. Đồng bào dân tộc Cor theo lời Đảng sống giữa rừng già, đào hầm sâu trong hóc núi. Thiếu gạo phải ăn bằng củ mì, thiếu muối từ đồng bằng chuyển lên nên có người bị bệnh nhưng nhà nhà vẫn bám trụ, người người bám trụ, cùng làm ná, làm cung tên, bẫy đá để đánh địch đi càn. Địch làm con đường Trần Lệ Xuân từ thị trấn Trà Xuân qua thôn 3 Trà Thủy đi qua ngang nhà ông rồi  lên Trà Thanh và hướng về phía Quảng Nam  để khai thác quế. Nhưng chúng chưa kịp chở quế, đồng bào Cor phối hợp với bộ đội địa phương và du kích  đánh địch chạy dài. 


Đánh địch phải chịu gian khổ, hy sinh dân làng không khóc, nhưng khi nghe tin Bác Hồ mất, thì ai nấy mắt cũng rưng rưng. Mặc máy bay địch quần thảo, bắn phá nhưng trên các  nóc buôn đâu đâu cũng thấy một màu trắng của cờ tang tưởng nhớ Bác Hồ. Đi dọc qua các plây, nhiều già làng cứ ngồi nghe Đài tiếng nói Việt Nam,  nghe chuyện quốc tang rồi bàn luận từ lúc con chim bìm bịp tung cánh rời khỏi ổ, cho đến lúc bìm bịp kêu nước lên, từ lúc con gà đi ngủ đến con gà cất tiếng gọi mặt trời, họ cứ ngồi đó, uống hết nhiều ấm nước chè đặc quánh, suy nghĩ bàn bạc. Đồng bào mình theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng mùa thu năm 1959 rồi lan rộng khắp núi rừng miền Tây Quảng Ngãi, vang dội khắp miền Bắc, miền Nam và cả nước ngoài. Cũng theo Đảng, theo Bác Hồ nên đồng bào làm chủ được rẫy quế, được sống trên mảnh đất mà nhiều thế hệ cha ông sinh sống. 

Mặc dù chiến tranh còn ác liệt thật, nhưng rồi cũng có ngày chiến thắng. Nhưng bây giờ, Bác đi xa sẽ không còn được đón Bác vào thăm. Càng suy nghĩ, các già làng cho rằng phải làm một việc gì đó để thể hiện tấm lòng son sắt, thủy chung của dân tộc mình đối với Bác. Ý nghĩ chuyển từ họ Đinh  (trong các văn bản mà hệ thống cai trị thời Pháp thuộc và chính quyền Sài Gòn gán cho) sang họ Bác Hồ được nảy sinh ra từ đó...

Hiểu lòng bà con, nhưng chuyện theo họ của Bác không phải muốn là được, nên Huyện ủy Trà Bồng đã đề đạt lên Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Tỉnh ủy  xin ý kiến của trung ương. Đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn được tin này liền có ý kiến chỉ đạo: Trung ương không chủ trương nhưng thể theo nguyện vọng của đồng bào thì chấp thuận. 

Thông tin được Trung ương chấp thuận cho đồng bào Cor theo họ của Bác Hồ bay về Trà Bồng nhanh hơn đôi chân của con hươu, con nai và đôi cánh của con chim trời. Từ các nóc, các plây, trai làng thông báo cho nhau bằng tiếng hú. Rồi sau đó, nhiều nóc, plây rộn lên tiếng chiêng, tiếng tù và loan tin cho nhau rằng ước nguyện của người Cor đã thành hiện thực. Bên sườn đông của dốc Eo Chim thuộc nóc ông Toán, xã Trà Lãnh (nay thuộc huyện Tây Trà) dân làng lập một bàn thờ có chân dung Bác Hồ, phía trên  treo cờ Đảng và cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Đồng chí Đinh Trinh đã thay mặt Đảng bộ và nhân dân trong huyện Trà Bồng thắp nén hương khấn Bác rồi công bố: Đảng đã đồng ý với nguyện vọng của đồng bào Cor. Từ nay, đồng bào Cor được mang họ của Bác Hồ. 

Lần lượt những già làng, trưởng bản rồi đồng bào thắp hương lên bàn thờ Bác. Sau đó, Huyện ủy Trà Bồng phát động toàn thể nhân dân “Nuốt nước mắt vào trong, lập công đền ơn Bác”. Từ đó, phong trào cách mạng ở huyện Trà Bồng phát triển mạnh mẽ. Những toán du kích lo vót chông, làm thêm bẫy đá, nhiều thanh niên tòng quân vào bộ đội chủ lực huyện Trà Bồng tham gia đánh địch ở các đồn bốt, rồi tiến về huyện lỵ. Với ông Khánh, ông Mân, không những chỉ xin theo họ mà còn xin theo cả tên lót của Bác Hồ là Hồ Chí Khánh, Hồ Chí Mân. 

Theo già Hồ Chí Khánh, chúng tôi ngược đường lên dốc Eo Chim cao 1.000m so với mặt biển, tìm về thôn Trà Lương, xã Trà Lãnh, là địa điểm  ngày 9.9.1969, đồng bào làm lễ xin đổi họ đầu tiên. Con đường xưa nhỏ hẹp bây giờ được mở rộng. Hệ thống điện, nước sinh hoạt đã kéo về. Những ngôi nhà sàn mái ngói đỏ tươi nằm bên sườn núi.

Ông Hồ Văn Hường, 60 tuổi, ở xã Trà Lãnh, nguyên du kích trong chiến tranh, kể: “Từ ngày đồng bào mình tự nguyện theo họ Bác Hồ, địch căm tức lắm. Hễ chúng bắt được ai, câu đầu tiên là mày theo họ gì? Nhiều anh em đã khảng khái: “Tao theo họ của Bác Hồ. Chỉ có đi theo con đường của Bác thì đồng bào của tao mới có cơm ăn áo mặc, mới làm chủ được rẫy quế ngút ngàn”. Niềm tin đã giúp cho đồng bào dân tộc Cor vượt qua những thời điểm khốc liệt nhất  của cuộc chiến tranh cho đến ngày toàn thắng. 

Ông Hồ Văn Bốn, nguyên Xã đội trưởng thời chống Mỹ cứu nước gặp lại già Khánh mừng ra mặt. Ông cùng già Khánh đến thăm nhà già Hồ Văn Toán, vị già làng nổi tiếng năm xưa. Già Toán đã đi xa nhưng chắc rằng cũng vui vì sự nghiệp cách mạng, lòng tin của đồng bào Cor về một ngày mai tươi sáng đã hiển hiện trên đất này. 

Ông Hồ Văn Bốn cho hay: Từ khi đổi họ đến giờ, người Trà Lương luôn vững niềm tin với Bác. Từ sau ngày tổ chức lễ theo họ của Bác, địch biết được nên đưa máy bay đến thả bom, bắn phá. Nhiều ngôi nhà bị cháy, nhiều người bị chết, nhưng không có ai theo giặc. Từ sau khi đất nước thống nhất, người Cor ở Trà Lương lại bỏ nhiều công sức để khai hoang trồng lúa nước, phát triển chăn nuôi trâu bò. Rồi nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống điện thắp sáng, hệ thống nước sạch, xây dựng trường nên cuộc sống của người dân Trà Lương ngày một khá hơn.    

Không chỉ ở Trà Lương mà nhiều bản thôn ở huyện Trà Bồng và Tây Trà bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, công trình nước sinh hoạt, trường học được xây dựng. Riêng ở huyện Trà Bồng, con đường bắt đầu từ xã Trà Sơn qua Trà Thủy đến Trà Thanh mà thời Mỹ Diệm xây dựng mang tên đường Lệ Xuân để khai thác quế giờ đang được san ủi mở rộng, láng nhựa nối qua Trà My (tỉnh Quảng Nam) để thông tuyến với đường Hồ Chí Minh.

Trà Bồng trong chiến tranh ngày nào mà chẳng âm âm tiếng pháo, tiếng bom rền. Nhưng bây giờ về tận các bản xa nghe tiếng nói cười của bầy trẻ nhỏ, tiếng giảng bài của các thầy cô.  Tôi theo Phó phòng giáo dục huyện Trà Bồng tìm đến Trường Nội trú dân tộc tỉnh gặp thầy giáo Hồ Cao Lãnh. Thầy giáo Lãnh quê ở xã Trà Trung (nay thuộc huyện Tây Trà). Trong chiến tranh, Tỉnh ủy Quảng Ngãi, huyện ủy Trà Bồng  tin rằng sẽ có ngày đất nước thống nhất. Lúc đó, sẽ cần rất nhiều những người trẻ tuổi học thức vững vàng xây dựng quê hương nên đã chọn một số thiếu niên ra Bắc học tập. Chú bé Lãnh ngày đó, được lên đường ra miền Bắc học tập, được gặp Bác Hồ. Chú kể cho Bác nghe về quê hương mình có nhiều cây quế, có những đồng bào dân tộc thiểu số kiên trung. Họ đã làm nên cuộc khởi nghĩa Trà Bồng. Nhưng bây giờ quê hương còn chiến tranh, máu của người Cor vẫn chảy và nhiều hộ đồng bào dân tộc còn khổ nghèo. Những đứa bạn của chú bé Lãnh không biết chữ. Một thoáng buồn rồi Bác động viên: Cháu hãy cố gắng học hành rồi mai này nước nhà thống nhất sẽ trở về xây dựng quê hương… 

Sau khi học xong bậc phổ thông, chàng thanh niên dân tộc Cor quyết định theo ngành sư phạm, bởi ở quê mình có quá nhiều người thất học nên phải học ngành sư phạm để trở về dạy con chữ cho các em. Rồi đất nước thống nhất, thầy giáo Lãnh vượt suối về với quê hương để dạy học. Nơi nào khó khăn nhất thầy giáo Lãnh lại xung phong đến với lũ trẻ của dân tộc mình. Hết công tác ở trường phổ thông, thầy giáo Lãnh chuyển sang giảng dạy ở Trường bổ túc văn hóa huyện rồi bây giờ là hiệu phó Trường nội trú dân tộc huyện Trà Bồng. Nhìn những đứa trẻ từ những bản xa xuống huyện học hành, thầy giáo Lãnh như tìm thấy mình trong những ngày xưa ra miền Bắc học tập, cũng lơ ngơ, lớ ngớ đủ điều. Chính vì vậy, ngôi nhà của thầy trong khuôn viên Trường nội trú trở thành điểm hẹn của những học sinh xa nhà. Có lúc chúng thiếu tiền lại xin thầy Lãnh, lúc chúng ốm đau lại ưa có thầy Lãnh động viên. Rồi cũng từ lâu lắm, cái tên “Vá Lãnh” (tức Ba Lãnh) mà lũ học trò trìu mến gọi vận vào thầy bao giờ chẳng rõ.  

Thầy Lãnh cùng nhiều thầy cô giáo khác đang từng ngày từng ngày thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu là làm cho quê hương mình mỗi ngày một giàu đẹp hơn, đàng hoàng hơn.  

. Theo Báo Quảng Ngãi

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vết thương Hoàng Sa  (09/06/2011)
Quy Nhơn mùa cá nhảy  (05/06/2011)
Bình Định trong quá trình chuẩn bị xuất dương tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành  (04/06/2011)
Lý Sơn đảo khát   (04/06/2011)
Nhà dài Hrê đang mất dần  (01/06/2011)
Về Dương Nổ thăm nhà lưu niệm Bác Hồ   (31/05/2011)
Vịnh Xuân Đài, nàng tiên chưa thức giấc  (30/05/2011)
Bún cá Quy Nhơn trên xứ người  (26/05/2011)
Bữa tiệc ốc tại vịnh Vĩnh Hy  (25/05/2011)
2020: phục hồi hoàn chỉnh khu vực Đại nội Huế  (23/05/2011)
Vân Đồn, thương cảng điêu tàn  (20/05/2011)
Trùng tu, tôn tạo nhà lưu niệm mẹ Tơm   (19/05/2011)
Huyền thoại Kôn Clon   (18/05/2011)
Hòn Bà sừng sững trên biển xanh Bình Thuận  (16/05/2011)
Điệu hát giao duyên làng Mỹ Tường   (10/05/2011)