Sát cánh cùng ngư dân
11:26', 17/6/ 2011 (GMT+7)

Tàu Cảnh sát biển 2 luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ, giúp đỡ ngư dân.

Gần đây, nhiều ngư dân Quảng Nam thường xuyên bị tàu nước ngoài quấy nhiễu trong lúc khai thác hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lực lượng chức năng đang triển khai nhiều phương án giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Quấy nhiễu

Vừa trở về sau chuyến bám biển dài ngày, ông Huỳnh Văn Tạo (chủ tàu QNa 90244, thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết: “Vào ngày 27.5, khi tàu của tôi đang hoạt động đánh bắt cá tại 15 độ vĩ bắc, 111 độ kinh đông thuộc vùng biển Hoàng Sa thì xuất hiện tàu nước ngoài tiến lại gần tàu, phất cờ ra hiệu lệnh tỏ ý xua đuổi chúng tôi. Quá bất ngờ, lại lo tàu nước ngoài sẽ đi vào khu vực thả lưới thì thiệt hại lớn nên chúng tôi vội vàng thu lưới cụ, tăng tốc cho tàu chạy vào sâu hơn trong lãnh thổ Việt Nam. Nhưng chiếc tàu nêu trên bám theo sau chúng tôi hơn 1 giờ đồng hồ rồi mới chịu dừng”.

Cũng theo ông Tạo, khoảng hơn tháng nay, ông thường nhận được thông tin của ngư dân Núi Thành đang hoạt động đánh bắt hải sản tại khu vực thuộc quần đảo Trường Sa liên tục bị tàu nước ngoài xua đuổi, quấy nhiễu khiến nhiều người lo lắng. Ông Ngô Ri (chủ tàu QNa 910559, thôn 2, xã Tam Hải, Núi Thành) cũng góp chuyện: “Vào giữa cuối tháng 5, khi tàu của tôi đang hoạt động đánh bắt tại 15 độ vĩ bắc, 112 độ kinh đông thuộc quần đảo Hoàng Sa thì xuất hiện tàu lạ đến xua đuổi. Vừa cho tàu chạy, chúng tôi vừa dùng máy ICOM báo cho các trạm, cho đến khi xuất hiện lực lượng tiếp ứng, chiếc tàu mới thôi đeo bám”. 

Bám biển

Theo thống kê của huyện Núi Thành, địa phương có 2.445 phương tiện hoạt động khai thác thủy hải sản với tổng công suất 52.250CV, thu hút 9.400 lao động (chiếm 6,8% dân số toàn huyện). Sản lượng khai thác hằng năm là 23 nghìn tấn, đưa tỷ trọng giá trị của ngành thủy sản chiếm gần 68% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp địa phương. Nhờ mạnh dạn đầu tư cho hoạt động đánh bắt xa bờ, đời sống kinh tế của người dân ven biển ngày càng được nâng cao. Tuy đứng trước nhiều khó khăn thách thức do giá cả xăng dầu tăng cao, lại liên tục bị tàu nước ngoài quấy phá, xua đuổi nhưng ngư dân vẫn bám biển. “Anh em ngư dân chúng tôi dặn lòng nếu còn sức khỏe thì còn gắn bó với biển, bởi biển đã trở thành một phần máu thịt chúng tôi” - ông Tạo nói.  

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho biết, hiện đơn vị quản lý 789 tàu/5.300 thuyền viên của 3 xã Tam Quang, Tam Giang và Tam Hải hoạt động đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đầu tháng 5 đến nay, đơn vị nhận thông tin của ngư dân về tình trạng xuất hiện tàu nước ngoài tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây cản trở hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. “Đơn vị đã triển khai một số biện  pháp cụ thể để bảo vệ ngư dân như tuyên truyền về luật biển quốc tế, động viên ngư dân tăng cường ra khơi đánh bắt theo tổ, đội đoàn kết (từ 7 đến 10 tàu) để sẵn sàng hỗ trợ, tương trợ cho nhau mỗi khi xảy ra tình huống xấu. Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cũng thường xuyên tổ chức trực canh, nắm tình hình, tổng hợp các thông tin mà ngư dân báo về để báo cáo cấp trên có giải pháp bảo vệ để ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường, đánh bắt trên vùng biển Việt Nam” - Thượng tá Nguyễn Trường Quy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Kỳ Hà cho biết.

Đại tá Nguyễn Quang Trung, Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết thêm: “Trước tình hình các tàu cá của ngư dân đánh bắt trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt là vùng biển Hoàng Sa luôn bị các tàu nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, tịch thu hải sản, lực lượng Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường hoạt động tuần tra trên biển và tổ chức các điểm trực ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý. Đặc biệt, từ ngày 1.6, Vùng Cảnh sát biển 2 đã điều một tàu túc trực thường xuyên 24/24 ở Cồn Cỏ (Quảng Trị). Từ khi có tàu túc trực tại đây, qua theo dõi trên rada, lực lượng Cảnh sát biển không phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm vào vùng biển này. Hiện đơn vị cũng triển khai 1 tàu nữa túc trực thường xuyên tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) để cơ động trong mọi tình huống, giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản”.

. Theo Báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dé bò Tây Sơn  (14/06/2011)
Lễ hội cầu ngư đầm Hưng Lương lên sóng VTV1  (15/06/2011)
Người Cor Quảng Ngãi với Bác Hồ  (12/06/2011)
Vết thương Hoàng Sa  (09/06/2011)
Quy Nhơn mùa cá nhảy  (05/06/2011)
Bình Định trong quá trình chuẩn bị xuất dương tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành  (04/06/2011)
Lý Sơn đảo khát   (04/06/2011)
Nhà dài Hrê đang mất dần  (01/06/2011)
Về Dương Nổ thăm nhà lưu niệm Bác Hồ   (31/05/2011)
Vịnh Xuân Đài, nàng tiên chưa thức giấc  (30/05/2011)
Bún cá Quy Nhơn trên xứ người  (26/05/2011)
Bữa tiệc ốc tại vịnh Vĩnh Hy  (25/05/2011)
2020: phục hồi hoàn chỉnh khu vực Đại nội Huế  (23/05/2011)
Vân Đồn, thương cảng điêu tàn  (20/05/2011)
Trùng tu, tôn tạo nhà lưu niệm mẹ Tơm   (19/05/2011)