Giữ hồn dân tộc cho mai sau
17:22', 20/6/ 2011 (GMT+7)

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc luôn được tỉnh Quảng Trị dành nhiều sự quan tâm đặc biệt. Nhiều di sản văn hóa dân tộc đã được gìn giữ và phát huy giá trị trong đời sống xã hội. Trong công cuộc gìn giữ những tài sản quý giá ấy, không thể không nhắc đến “công thần” Lê Bá Sang (khu phố 1, phường 1, Đông Hà, Quảng Trị). 

Sau hơn 40 năm vất vả sưu tầm đồ cổ, nay ông Sang đã có thể mỉm cười hạnh phúc với thành quả của mình.

 

40 năm qua, ông đi khắp đó đây, trải qua biết bao khó khăn, vất vả để sưu tầm và gây dựng nên một “bảo tàng” đồ cổ hoành tráng với gần 1.000 đồ cổ quý hiếm như: lư đồng, ly, chén, bát bằng sứ… Và khi đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn miệt mài, say sưa trên hành trình “săn” cổ vật để thỏa mãn tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng cho mình, và trên tất cả là làm tròn trách nhiệm giữ lửa và truyền lửa đời sau… 

40 năm đi tìm cổ vật 

Nhiều người từng nói với tôi, muốn gặp được ông Sang khó như gặp người… nổi tiếng. May cho tôi, vừa đặt chân đến, cũng đúng lúc ông đi “săn” đồ cổ về. Bước từng bước theo ông, được tận mắt ngắm, tận tay sờ nắn những cổ vật quý giá, tôi có cảm giác như đang lạc vào miền cổ tích… 

Duyên nợ giữa ông Sang với đồ cổ bắt đầu từ hơn 40 năm về trước. Lúc đó, ông làm nghề sửa chữa xe đạp. Hàng ngày ngồi bên vệ đường, ông vẫn chứng kiến hình ảnh những người buôn bán ve chai gồng gánh những bộ lư đồng, đồ sứ cũ kỹ đem bán cùng với những thứ hàng đồng nát rẻ tiền. Là một người sinh ra trong gia đình Nho giáo, ông biết những thứ “bỏ đi” ấy là những vật dụng quý giá. Thế nhưng, những món đồ cổ quý giá ấy sau khi nhập cho các hàng thu mua phế liệu, lại được các chủ hàng đem bán cho các thương gia trong, ngoài nước.
 
Ông buồn bã: “Từ những năm chiến tranh, có rất nhiều cổ vật hàng ngàn năm đã bị thất tán, bị mất, bị cướp bởi quân xâm lược và đến bây giờ, hiện tượng đó vẫn diễn ra. Nếu cứ để tình trạng “chảy máu” cổ vật xảy ra, chắc hẳn chỉ trong vòng một thời gian ngắn nữa, con cháu chúng ta sẽ chẳng bao giờ được chiêm ngưỡng những di sản văn hóa vô giá mà cha ông để lại”. 

Ông hạ quyết tâm phải sưu tầm và giữ gìn những cổ vật, báu vật của cha ông để lại như một thứ “của hồi môn” cho con cháu đời sau. Để thực hiện được ước muốn đó, ông đã dành dụm, tích cóp tiền để mua lại những thứ đã bị người đời lãng quên. Trong cái khó ló cái khôn, ông còn nảy ra ý nghĩ sưu tầm đồ cổ bằng chính “thương hiệu” của mình. Khi sửa xe, ông đề nghị, nếu nhà ai có những đồ dùng xù xì, cổ lỗ thì cứ đem đến trả thay tiền sửa xe. 

Nhiều người tán thành với ý kiến của ông, nhưng cũng có người thấy việc làm khác thường đó nên vặn hỏi, chất vấn. Ông thẳng thắn trả lời: “Nhìn thấy những thứ đồ cổ mà mọi người bỏ đi, tôi đau lòng lắm. Với mọi người, nó không có giá trị gì nhưng với tôi, chúng là những bảo vật vô giá. Sau này, đó sẽ là bằng chứng sinh động nhất giúp cho con cháu hiểu về cội nguồn dân tộc.” 

“Lần đầu tiên đưa đồ cổ về nhà, tôi lau chùi tỉ mỉ bộ lư đồng dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu. Lau đến đâu, bộ lư đồng phát ánh sáng đến đó, trong không gian mờ mờ ảo ảo như có tiếng nói từ ngàn xưa vọng về. Tôi không kìm nén được niềm hạnh phúc đến tột cùng, thế giới chỉ còn lại tôi và chiếc lư đồng cổ sáng lóa”. 

Cho đến hôm nay, ông vẫn không thể nào quên cảm xúc đó. Nhiều thứ đồ cổ, vật báu quý hiếm lần lượt được ông tìm thấy, bổ sung vào bộ sưu tập cổ vật độc đáo. Rồi một ngày, ông Sang quyết định từ bỏ nghề sửa xe, chuyển sang mở cửa hàng bán trống, chiêng, vòng hoa…để toàn tâm, toàn ý sưu tầm, bảo tồn những giá trị lịch sử quý giá của dân tộc. 

Hành trình sưu tầm cổ vật của ông không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió mà nhiều lúc cũng khiến ông phải dở khóc, dở cười. Những ngày đầu, vợ ông phản đối kịch liệt vì niềm đam mê hơi khác người, không dưng đem tiền rước thứ “bỏ đi” về nhà. Những lúc đó, ông vừa nhẹ nhàng phân tích, thuyết phục vợ vừa tự lên dây cót tinh thần cho mình. Mưa dầm thấm đất, cuối cùng vợ ông cũng hiểu được nỗi trăn trở và tâm huyết của ông, ủng hộ hết mình để ông hoàn thành trách nhiệm với đời, với tương lai. 
Cũng có lúc, ông phải vượt hàng trăm cây số, đi khắp các vùng miền trong tỉnh nhưng khi đến nơi thì thứ ông đang tìm không phải là cổ vật mà chỉ là những thứ bỏ đi đúng với nghĩa đen của nó. Nhưng điều đó không làm ông buồn bằng việc nhiều người dân không biết được giá trị đích thực của đồ cổ mà họ đang có nên vứt lung tung, phó mặc cho thời gian, con người tàn phá. 

Thế nhưng khi ông đặt vấn đề mua lại thì họ kiên quyết không bán vì nghĩ chắc phải có lý do gì đó nên người ta mới sẵn sàng bỏ tiền mua những thứ “bỏ đi”. Không mua được thì ông kiên nhẫn phân tích, giảng giải cho mọi người hiểu được giá trị của những cổ vật mà họ đang có, động viên họ phải biết trân trọng, giữ gìn. Và không quên dặn dò, rằng nếu một ngày nào đó muốn bán thì nhớ gọi ông, vì ông mua không phải để làm lợi mình mà chỉ muốn giữ gìn cho quê hương, đất nước. Hiểu được tấm lòng của ông Sang, nhiều người sẵn sàng đem cổ vật đến tặng, hoặc bán rẻ cho ông, và không quên gửi gắm tâm sự, mong muốn ông sẽ giữ gìn, bảo quản thật tốt để thế hệ trẻ mai sau có thể hiểu về gốc tích, cội nguồn của dân tộc. 

“Bảo tàng” cổ vật độc đáo 

40 năm vất vả sưu tầm, gìn giữ những tài sản quý báu cha ông, ông Lê Bá Sang đã sở hữu trong tay một “bảo tàng” cổ vật độc đáo với nhiều món đồ “độc nhất vô nhị”. Ở đó, có nhiều cổ vật từng bị người đời lãng quên được ông đánh thức, trả lại đúng tên gọi, giá trị đích thực. Cũng có nhiều cổ vật quý giá bị thất lạc bao nhiêu năm ở các tỉnh, thành phố trong cả nước được ông đưa về Quảng Trị. Trong “bảo tàng” của ông, mỗi một cổ vật là một thước phim ghi dấu những thăng trầm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Và ông chính là người nối nhịp giữa quá khứ với hiện tại, và tương lai. 

Tôi vẫn thường gọi ông là nhà sưu tầm đồ cổ đặc biệt nhất trong số những người đặc biệt. Thông qua “bảo tàng đồ cổ” và từng lời kể của ông, nhiều người được biết, được hiểu thêm về truyền thống lịch sử cha ông. Nhiều người sau khi đến tham quan “bảo tàng” của ông chỉ biết nắm chặt tay ông và thốt lên hai tiếng “cảm ơn”. Nhưng cũng có người xem xong thầm… tiếc nuối. 

Như câu chuyện về ông lão ở xã Gio Việt (Gio Linh), vì nhiều lý do tế nhị đã phải bán đi bộ lư đồng gia truyền của mình, đến khi nhìn lại, ông thầm tiếc, mong được chuộc lại bộ lư đồng của cha ông. Tất nhiên là ông Sang đồng ý trả đồ cổ về cho chủ với lời gửi gắm hãy trân trọng và gìn giữ kỷ vật cha ông, đừng để nó bị lãng quên theo thời gian. 

Một thời gian sau, ông lão đó mang bộ lư đồng quay trở lại và nói: “Tôi biết đó là của quý, nhưng tôi không biết phát huy giá trị đích thực của nó, không biết làm sao truyền đạt hết ý cho con cháu hiểu. Nay tôi nhờ ông giữ gìn để đem tinh hoa dân tộc đến với mọi người”. 

Hay như câu chuyện về bốn người sưu tầm đồ cổ ở miền Bắc chỉ biết nhìn nhau, ánh mắt buồn bã chất chứa bao nỗi lo lắng khi lỡ tay làm vỡ chiếc đĩa gốm thời Trần của ông. Ông Sang nói trong giọng ấm áp, sẻ chia: “Các anh đừng buồn, tôi cũng như các anh, không ai muốn điều đó xảy ra. Việc đã lỡ rồi, để tôi lấy keo dán lại, dù không giữ được nguyên vẹn nhưng quan trọng là chúng ta vẫn còn giữ được một nét tinh hoa của dân tộc”. Nghe lời tâm sự chí tình của ông Sang cả bốn người thở phào nhẹ nhõm và cảm động. Không lâu sau đó, họ đã mang tặng ông nhiều cổ vật quý giá vì cách hành xử cao cả và tâm huyết của ông đối với những di sản văn hóa của dân tộc. 

Trên hành trình 40 năm đi tìm cổ vật, ông Lê Bá Sang không tìm cách để mua cho được bằng mọi giá mà ông luôn chủ động khuyên mọi người hãy chung tay giữ gìn những cổ vật quý hiếm, đừng vì hoàn cảnh khó khăn mà đem bán đi. Với những cổ vật mà ông có được cũng vậy, dù có nhiều người hỏi mua nhưng ông kiên quyết không bán. 

“Với tôi, những cổ vật đó là một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Điều làm tôi vui nhất là thực hiện được tâm niệm, sống trong đời cần phải làm một việc gì có ý nghĩa. Và tôi đã làm được điều đó thông qua việc giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc”, ông cười hạnh phúc. 

. Theo Báo Quảng Trị

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sát cánh cùng ngư dân  (17/06/2011)
Dé bò Tây Sơn  (14/06/2011)
Lễ hội cầu ngư đầm Hưng Lương lên sóng VTV1  (15/06/2011)
Người Cor Quảng Ngãi với Bác Hồ  (12/06/2011)
Vết thương Hoàng Sa  (09/06/2011)
Quy Nhơn mùa cá nhảy  (05/06/2011)
Bình Định trong quá trình chuẩn bị xuất dương tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành  (04/06/2011)
Lý Sơn đảo khát   (04/06/2011)
Nhà dài Hrê đang mất dần  (01/06/2011)
Về Dương Nổ thăm nhà lưu niệm Bác Hồ   (31/05/2011)
Vịnh Xuân Đài, nàng tiên chưa thức giấc  (30/05/2011)
Bún cá Quy Nhơn trên xứ người  (26/05/2011)
Bữa tiệc ốc tại vịnh Vĩnh Hy  (25/05/2011)
2020: phục hồi hoàn chỉnh khu vực Đại nội Huế  (23/05/2011)
Vân Đồn, thương cảng điêu tàn  (20/05/2011)