Thu Bồn, chiều thẳng đứng
13:8', 27/6/ 2011 (GMT+7)

Âm thầm ghi hình, thu thập tư liệu từ nhiều năm qua, seri phim Mẹ Thu Bồn vừa được Đài Phát thanh-truyền hình Quảng Nam (QRT) chính thức khởi động bằng các chuyến bay để ghi hình từ trên không. Thu Bồn, dưới góc nhìn theo “chiều thẳng đứng” ấy,  hứa hẹn một thành công mới cùng với nỗ lực đặc biệt của các đồng nghiệp truyền hình…

 

Ê-kíp làm phim.

 

Cảm xúc trước giờ bay

Sáng sớm tại sân bay Đà Nẵng, một ngày cuối tháng 4.2011, nhà văn Nguyễn Khắc Phục - tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn seri phim “Mẹ Thu Bồn”, trông rất hoạt bát. Ông nói chuyện với các đồng sự trước khi lên máy bay: “Chúng ta mong muốn ghi được những hình ảnh hoành tráng nhất về Vu Gia, Thu Bồn. Tôi cảm thấy rất sung sướng khi được Quân khu 5 giúp đỡ tận tình thế này”. Chứng kiến cảnh các chiến sĩ không quân chộn rộn chuẩn bị, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đưa ra nhận xét rất “ngoại giao” khi trò chuyện với chúng tôi: “Đã có sự gặp gỡ của những người yêu mẹ Thu Bồn, của lãnh đạo địa phương và quân khu, của Đài QRT và những chiến sĩ. Anh thấy đấy, có bao giờ họ rộn ràng như ngày hội thế kia!”. 

Để tiếp sức cho đoàn làm phim của QRT thực hiện những thước phim toàn cảnh từ trên không, ngày 23.2.2011, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải đã gửi công văn đến lãnh đạo Quân khu 5 đề nghị hỗ trợ trực thăng. Thiếu tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 cũng thống nhất chủ trương này và gửi tờ trình đến Bộ Quốc phòng, ngay sau đó nhận được phản hồi đồng ý giúp đỡ. Hôm 27.4, ba chuyến bay từ sân bay Đà Nẵng chính thức cất cánh tỏa về 3 hướng. Một hướng ngược nguồn Thu Bồn, lên Phước Sơn, đến ngọn nguồn Trà Linh, sau đó lượn về khu Nước Là, Nước Oa rồi xuôi theo dòng sông Tranh bay qua Hòn Kẽm Đá Dừng, “men” theo dòng chính Thu Bồn bay dần xuống đến Cửa Đại. Hướng thứ hai bay thẳng ra Cù Lao Chàm, sau đó quay vào Cửa Đại rồi dọc theo sông Trường Giang vào Kỳ Hà, Chu Lai, Dung Quất… Chuyến thứ ba cất cánh muộn hơn, “bám” theo Vu Gia lên đến tận ngọn nguồn A Vương, sau khi vượt qua Bà Nà, Prao…

 

Hạ nguồn Thu Bồn và dòng Trường Giang trong góc quay theo chiều thẳng đứng.

 

… Ngoài đường băng, 2 chiếc Mi đã sẵn sàng cất cánh. Chỉ 2 chiếc, nhưng đảm nhận 3 chuyến bay trong một buổi sáng. Thượng tá Nguyễn Việt Hùng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn bay 954, người có gần 1.500 giờ bay - làm cơ trưởng trên chiếc Mi-17. Ngồi trong buồng lái là Đại úy chính trị viên Nguyễn Văn Lai, một phi công trẻ có 300 giờ bay, học trò của Trung tá Hùng. Dẫn đường cho họ là Trung tá Nguyễn Văn Cương. Xem ra họ khá tự tin trước khi cất cánh… Các chuyến bay do thượng tá Hùng điều khiển vốn dĩ không mấy xa lạ với truyền hình quân đội trước đó, khi tổ chức quay phim đường Trường Sơn, tây Trường Sơn, hầm Hải Vân… Còn với cánh báo chí Quảng Nam, đây là lần đầu tiên ông tham gia. “Nhưng với tôi, chuyến bay này có ý nghĩa rất lớn, bởi bộ phim sẽ góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống xứ Quảng”  thượng tá Hùng tâm sự. Ngay như Chính ủy Sư đoàn 372, Đại tá Bùi Hồng Quân dù trao đổi rất ngắn gọn nhưng cũng đầy cảm xúc: “Mẹ Thu Bồn, đối với những người lính chúng tôi, đã trở nên rất thân thuộc”.

Sau khi chiếc Mi-8 cất cánh thực hiện chuyến bay đầu tiên nhắm hướng Trà Linh, đến lượt chuyến thứ hai trên chiếc Mi-17 nhấc khỏi đường băng. Đồng hồ chỉ 7 giờ 6 phút. Chừng hơn 2,5 giờ sau, cả hai quay về cũng chỉ lệch nhau chưa đầy 5 phút. Chiếc Mi-17 lại tiếp tục làm nhiệm vụ cho chuyến bay thứ 3.

Tác nghiệp trên không

Chính sự hỗ trợ tích cực của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn 372, Trung đoàn bay 954 cùng với tài trợ của các doanh nghiệp như Cienco 5, Chu Lai -Trường Hải… đã “tích hợp” thành nguồn động viên lớn để dự án phim Mẹ Thu Bồn khởi động. Một số thành viên trong ê - kíp thực hiện cho hay các anh thật sự “choáng ngợp” trước quy mô, ý tưởng của phim. Do đó, những khó khăn mà họ phải vượt qua khá nhiều và cũng là điều dễ hiểu, từ kinh phí, phương tiện kỹ thuật, con người, đến điều kiện tự nhiên… “Nhưng mọi người đều rất hào hứng nhận nhiệm vụ. Bộ phim đã có khởi đầu thuận lợi. Khi thực hiện các cảnh quay trên trực thăng và tận mắt chứng kiến Mẹ Thu Bồn từ trên cao, ai cũng không giấu được xúc động trước hình ảnh đẹp và kỳ vĩ của quê hương” - nhà báo Nguyễn Vinh Quang chia sẻ.

 

Nhà báo Hoài Nam tác nghiệp trên máy bay.

 

Nhà báo Hoài Nam, người tham gia cả 2 chuyến bay trong vai trò quay phim chính, thoạt đầu tỏ ra rất hồi hộp: “Với những người quay phim như tôi thì đây là đợt “tập dượt” quy mô lớn nhất. Bởi những thao tác trên máy bay là cực kỳ khó khăn và phức tạp”. Những phần việc chuẩn bị của đội ngũ kỹ thuật nhà đài cho thấy họ đã sẵn sàng cho một thử thách lớn. Đây là lần đầu tiên Đài QRT thực hiện seri phim tài liệu với quy mô lớn về không gian, thời gian, thời lượng, vì thế nhân tài vật lực cũng được “ưu tiên” đầu tư với số lượng đạo diễn, biên tập viên, quay phim, kỹ thuật viên hùng hậu nhất. Riêng ê - kíp ghi hình trên trực thăng đã khoảng 24 người... Các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất của QRT cũng được huy động để đảm bảo chất lượng hình ảnh tốt nhất. Mặc dầu vậy, do không có các thiết bị ghi hình chuyên dụng (chống rung) trên trực thăng, nên đội ngũ kỹ thuật viên của đài đã nghiên cứu gắn camera dưới bụng máy bay để ghi hình. Để “gắn” máy quay nhỏ xíu dưới bụng chiếc Mi-17, anh Nguyễn Năm (trưởng phòng kỹ thuật) đã “chế” một cái gá để bắt máy quay vào đó, kèm theo thiết bị ghi hình tự động. Đấy là góc quay được chuẩn bị kỹ lưỡng chỉ cho riêng chiếc Mi-17 bay ra Cù Lao Chàm và dọc Trường Giang. Còn trên chiếc Mi-8, để quay “vuông góc” với mặt đất, chính tay máy Nguyễn Năm phải tự trang bị cho mình một… chiếc gối và nằm áp sát sàn máy bay, cứ như thế suốt 2,5 giờ bay.

Sau thành công bước đầu của seri phim tài liệu về danh nhân đất Quảng (kịch bản cũng do nhà văn Nguyễn Khắc Phục đảm nhiệm), QRT đã mạnh dạn đầu tư vào mảng đề tài đất và người xứ Quảng và dự án phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng… Xứ Quảng, vùng đất giàu truyền thống văn hóa - cách mạng, đang dần được “khai thác” sinh động hơn dưới góc nhìn truyền hình. Nhưng khác với loạt phim danh nhân (Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Lê Đình Thám…) trước đó, lần này seri phim Mẹ Thu Bồn mở rộng hơn về đề tài, phong phú hơn về nội dung phản ánh. Và có lý do để những người thực hiện đặt hy vọng, vì đây là thể loại phim tài liệu nên sẽ mang đến cho khán giả góc nhìn hoàn toàn khác với các seri phim ký sự truyền hình. Ở góc độ nghiệp vụ, một lãnh đạo QRT cho biết dự án dài hơi này cũng sẽ tạo điều kiện cho đội ngũ làm truyền hình địa phương thể hiện sự sáng tạo, nâng cao tay nghề. Từ đó, ngày càng gia tăng sự tự tin thực hiện những bộ phim dài hơi cho những năm sau.

Có đi cùng nhà văn Nguyễn Khắc Phục trong chuyến quay phim này, mới thấy hết sự xông xáo của ông. Ngay chính những đồng nghiệp trẻ ở QRT cũng không khỏi thán phục khi chứng kiến cảnh nhà văn đã ngoài tuổi 60 mà vẫn thực hiện 2 trong số 3 chuyến đi bằng trực thăng và “dũng cảm” lên đỉnh Ngọc Linh cùng chiếc gậy Trường Sơn… Vì thế, không có gì lạ khi kết thúc thành công 3 chuyến bay tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Chín - Giám đốc QRT đã yêu cầu mọi người cùng nâng cốc “cảm ơn nhà văn Nguyễn Khắc Phục - người truyền lửa”.

. Theo Báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ấn tượng về tượng và cây  (22/06/2011)
Giữ hồn dân tộc cho mai sau  (20/06/2011)
Sát cánh cùng ngư dân  (17/06/2011)
Dé bò Tây Sơn  (14/06/2011)
Lễ hội cầu ngư đầm Hưng Lương lên sóng VTV1  (15/06/2011)
Người Cor Quảng Ngãi với Bác Hồ  (12/06/2011)
Vết thương Hoàng Sa  (09/06/2011)
Quy Nhơn mùa cá nhảy  (05/06/2011)
Bình Định trong quá trình chuẩn bị xuất dương tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành  (04/06/2011)
Lý Sơn đảo khát   (04/06/2011)
Nhà dài Hrê đang mất dần  (01/06/2011)
Về Dương Nổ thăm nhà lưu niệm Bác Hồ   (31/05/2011)
Vịnh Xuân Đài, nàng tiên chưa thức giấc  (30/05/2011)
Bún cá Quy Nhơn trên xứ người  (26/05/2011)
Bữa tiệc ốc tại vịnh Vĩnh Hy  (25/05/2011)