Sông Ba, niềm tự hào…
15:41', 11/7/ 2011 (GMT+7)

Hàng thế kỷ nay, dòng sông Ba được quý như “bầu sữa mẹ” nuôi dưỡng vựa lúa lớn nhất miền Trung. Sông Ba là niềm tự hào lớn của người dân Phú Yên. Nhiều tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa, sử thi… cũng xuất phát từ dòng sông này.

Sông Ba còn gọi là sông Đà Rằng (theo tiếng Chăm cổ tức là con sông lau sậy) bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Linh ở độ cao hơn 1.500m, phía tây bắc tỉnh Kon Tum rồi xuôi dần về phía nam, qua địa phận các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên trước khi ra biển. Đây là con sông lớn nhất miền Trung có lưu vực rộng tới 13.000km².

Càng về hạ lưu lòng sông càng trải ra mênh mông với ba phụ lưu tiếp thêm nước là sông Ayun (thị xã Ayun Pa), Krông Năng (huyện Krông Pa) và sông Hinh (huyện Sông Hinh). Hạ lưu với những cánh đồng xanh non rộng dài đến ngút tầm mắt. Mía từ Kbang, qua An Khê, La Pa, xuống đến tận Krông Pa, rồi Sơn Hòa, Sông Hinh vẫn một màu xanh bạt ngàn. Và những cánh đồng mì, thuốc lá cũng hối hả chạy đuổi theo như muốn neo giữ dòng sông.

Nếu như trong những năm tháng chiến tranh và cả nhiều năm sau ngày giải phóng, người dân lưu vực sông Ba còn nghèo khó thì nay đã là chuyện của quá khứ với sự xuất hiện của rất nhiều buôn làng trù phú bên sông suốt một quãng đường dài hàng trăm cây số. Buôn làng nào cũng rợp đỏ mái ngói với hàng trăm ngôi nhà xây, nhà lầu, cả những ngôi nhà sàn truyền thống cũng cách điệu kiên cố. Nhiều nhà có cả ô tô. Tất cả đều nhờ vào nguồn thu ổn định từ mía, mì, lúa, thuốc lá và chăn nuôi bò.

Trên dòng sông Ba, có nhiều công trình quốc kế dân sinh tầm vóc. Năm 1924, người Pháp khởi công xây dựng đập Đồng Cam với một hệ thống thủy lợi tự chảy, cung cấp nước tưới cho cánh đồng lúa và cây trồng hạ lưu khoảng 25.000ha. Bảy mươi năm sau (năm 1994), một nhánh khác của sông Ba thêm một lần oằn mình gập dòng lại để tạo nên công trình thủy lợi Ayun Hạ tưới cho cánh đồng rộng nhất Tây Nguyên 13.500ha. Hai vựa lúa lớn khu vực miền Trung và Tây Nguyên đều hưởng nước và cả phù sa màu mỡ từ sông Ba, mang lại cuộc sống ấm no và điều quan trọng là đã hình thành tập quán làm lúa nước như người Kinh cho hàng vạn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số Mơ nâm, Bahnar, Jrai, Êđê, Chăm. Trên dòng sông Ba, từ thời thuộc Pháp, người Pháp xây dựng cầu sông Ba (An Khê) trên quốc lộ 19, cầu Lệ Bắc ở Ajunpa (liên tỉnh lộ 7 - nay là quốc lộ 25), cầu Đà Rằng trên quốc lộ 1A - cây cầu dài nhất miền Nam trước năm 2000. Đến nay, riêng địa phận Phú Yên đã có bốn cây cầu bắt qua dòng sông này.

Trong một thập niên đầu của thế kỷ XXI, sông Ba lại tiếp tục làm nên những kỳ tích mới, đó là sự ra đời các công trình thủy điện. Sông Ba Hạ trên địa phận tỉnh Phú Yên gồm hai tổ máy tổng công suất 220 MW, tổng sản lượng điện 825 triệu KWh/năm. Thủy điện An Khê - Ka Nak trên địa phận tỉnh Gia Lai gồm hai công trình: An Khê 160 MW, Ka Nak 13 MW. Chưa kể công trình thủy điện Ayun Hạ 2.700 KW đã đưa vào hoạt động từ lâu và công trình trên phụ lưu sông Ba là thủy điện Ayun Thượng...

Dòng sông còn là chứng nhân một thời của bao nhiêu sự kiện và con người  đã đi vào lịch sử như huyền thoại. Ba anh em nhà Tây Sơn dựng nghiệp nơi vùng thượng lưu sông: Tây Sơn thượng đạo; và cả người phụ nữ Bahnar mà tên tuổi của bà luôn gắn liền với nghĩa quân Tây Sơn - bà Ya Đố… Cũng dòng sông này, hơn 200 năm sau ngày mở cõi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, những người cách mạng Gia Lai đã xây dựng vùng căn cứ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đưa cuộc kháng chiến đi đến thành công. Tuy thời gian đã xóa nhòa nhiều chứng tích chiến tranh song những câu chuyện bi hùng trong cuộc truy đuổi địch trên đường 7 năm xưa (quốc lộ 25 nay) vẫn còn in đậm trong tâm trí của người dân nơi đây. Ngã ba Cheo Reo, đèo Tô Na, cầu Kà Lúi, thị trấn Củng Sơn… đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.

Sông Ba không chỉ gắn liền với kinh tế mà còn là nơi giao thoa văn hóa bao đời của người Kinh, Ba Na, Ja Rai,…

Tự hào về dòng sông chảy qua đất Phú, ông Ba Đà Rằng (một nhà nghiên cứu lịch sử Phú Yên) luận rằng: “Sông Ba chắt kiệt những giọt phù sa trải rộng màu xanh đôi bờ châu thổ để Tuy Hòa được mệnh danh là “vựa lúa miền Trung” - một giá trị mãi mãi không phai nhòa của nền văn minh nông nghiệp và vẫn còn lưu giữ giá trị hiện thực ấy trong chiến lược an ninh lương thực của thời kỳ công nghiệp hóa. Sông Ba đi vào thơ, ca, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh... tạo một không gian văn hóa đặc trưng phả hồn vào giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của một vùng đất trên con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung. Không gian văn hóa ấy gắn liền với không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên - kiệt tác phi vật thể của nhân loại. Dòng sông chính và các phụ lưu cần mẫn tạo dựng và chuyên chở những giá trị văn hóa vượt không gian và thời gian, để lại cho thế hệ sau những bộ sử thi huyền thoại của các tộc người anh em trên địa bàn…”.

Lưu vực sông Ba với hơn một triệu người sinh sống luôn được các nhà hoạch định chính sách giành sự quan tâm nghiêm túc. Những chiến lược phát triển kinh tế xã hội của không gian lưu vực sông Ba đều tính đến tác động và giá trị lớn lao của dòng sông này, đặc biệt là trong chiến lược phát triển tăng tốc mang tính đột phá của tỉnh Phú Yên. Những dự án hóa dầu, lọc dầu đồ sộ của vùng kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên đều dựa vào nguồn nước ngọt sông Ba và xa hơn, dự án Vân Phong cũng đặc biệt coi trọng giá trị nguồn nước sông Ba trong chiến lược phát triển. Sông Ba là xương sống, là động lực để tạo dựng một tiểu vùng kinh tế đầy ấn tượng của Nam Trung bộ, là nơi những thuyền con bơi ra biển lớn, đối mặt với sóng gió thị trường thời hội nhập, là cửa ngõ của Tây Nguyên và những con đường xuyên Á ở Nam Trung bộ trong chiến lược liên kết vùng và hội nhập kinh tế ASEAN.

Còn nữa những câu chuyện về làm du lịch, chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá nước ngọt, trồng lúa xuất khẩu… luôn là đề tài cửa miệng của cư dân trong vùng. Dựa lưng vào núi nhìn ra dòng sông Ba, người ta có thể toan tính mọi điều (!)...

Do vậy, với Ba Đà Rằng và người dân Phú Yên sông Ba là một niềm tự hào và là một dòng sông “huyền thoại” trong lịch sử đất Phú từ khi mở cõi cách đây 400 năm.

. Theo Báo Phú Yên 

 

Ghi chú:

- Bài viết có sử dụng tư liệu về sông Ba của Báo Phú Yên.

- ThS. Phan Thanh Bình

- Ý kiến của ThS. Nguyễn Văn Giác, người nghiên cứu về lịch sử Phú Yên.

- Thư viện Hải Phú.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cá nục Lý Sơn  (09/07/2011)
100 đặc sản Việt sẽ được ghi tên vào sách kỷ lục món ngon  (07/07/2011)
Gia Lai: Khảo sát để thành lập Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo  (05/07/2011)
CÁ CHẠCH TRE BÀU SẤU  (03/07/2011)
Nghệ thuật hát dân ca của dân tộc Cor ở Quảng Ngãi  (01/07/2011)
Hồ Kẻ Gỗ - Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn   (28/06/2011)
Thu Bồn, chiều thẳng đứng  (27/06/2011)
Ấn tượng về tượng và cây  (22/06/2011)
Giữ hồn dân tộc cho mai sau  (20/06/2011)
Sát cánh cùng ngư dân  (17/06/2011)
Dé bò Tây Sơn  (14/06/2011)
Lễ hội cầu ngư đầm Hưng Lương lên sóng VTV1  (15/06/2011)
Người Cor Quảng Ngãi với Bác Hồ  (12/06/2011)
Vết thương Hoàng Sa  (09/06/2011)
Quy Nhơn mùa cá nhảy  (05/06/2011)