Người ta đồn rằng ở đảo Bé thuộc huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi có câu chuyện “chó kéo xe”, nghe như trong phim. Tôi đã ra đảo Bé để trực tiếp xem “bộ phim” khó tin này...
|
Bùi Huệ và những người bạn của anh.
|
Chứng kiến tất cả những gì mà hai chú chó đã phục vụ ông chủ tật nguyền của mình hàng ngày, tôi bỗng nhận ra rằng, tình thương yêu dành cho nhau một cách chân thành và tận tụy thì có thể xóa đi ranh giới giữa người và vật. Và, câu chuyện “Huệ và hai chú cún” đã thành chuyện cổ tích giữa hòn đảo cũng rất “cổ tích” này.
Ngày không thể quên
Đã 10 năm rồi, Bùi Huệ chẳng thể quên cái ngày 14 năm ấy. Năm đó anh 26 tuổi nhưng đã có gần 10 năm ngang dọc Hoàng Sa. “Tôi đi bạn (làm thuê) với mấy chú, mấy anh ở đảo Lớn, ra vùng biển Hoàng Sa và ở lại đó có khi cả tháng trời. Nhưng đi bạn bằng nghề đánh cá chỉ đắp đổi qua ngày chứ chẳng thể nào đổi đời mình được đâu anh. Thế là tôi quyết định chuyển sang nghề lặn. Nghề này nghe các bậc đàn anh đi trước nói rằng rất nguy hiểm nhưng bù lại, nếu may mắn, đi vài năm vùng Hoàng Sa hoặc Trường Sa thì mình cũng dám mơ đến chuyện đổi đời. Ngày 7.11.2001 tôi lên tàu ra Trường Sa, đúng một tuần sau thì “bị”. Tôi liệt hai chân từ bấy đến giờ. May mà nhờ có hai chú chó…”. Huệ nói với tôi từng tiếng đứt quãng, lẫn trong gió biển chiều hè, giữa hòn đảo rất cô tịch này.
Có lần trò chuyện với lão ngư Bùi Thượng ở đảo Lý Sơn, người từng giật giải quán quân toàn miền Nam năm 1963 qua cuộc thi lặn biển, ông nói rằng, với nghề lặn, chỉ cần chủ quan một tí tẹo thôi, lập tức anh phải trả giá ngay. Bùi Huệ đã nằm trong trường hợp này. “Có lẽ tôi chủ quan, ỷ vào sức trẻ của mình”. Huệ thú nhận. Hải sâm là loài hải sản đặc biệt vì giá mỗi ký vào thời điểm ấy (2001) có thể mua cả chỉ vàng. Loài hải sản này gần như chỉ có ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, chúng trú ngụ ở độ sâu từ 40 mét nước trở lên. Giá trị của con hải sâm đã “hút hồn” Huệ để anh chuyển từ nghề đánh lưới sang lặn biển. Đúng một tuần sau ngày rời bến cá cảng Lý Sơn để lên chiếc tàu ông Sáu Cửu ở đảo Lớn và ra Trường Sa, chàng trai lực lưỡng ấy đã phải trả một cái giá quá đắt.
Huệ nhớ lại: “Lúc ấy là 9 giờ sáng, tôi đang ở độ sâu 40 mét nước để “theo” một luồng hải sâm thì nghe trong người khó thở. Tôi giật dây để trên tàu biết. Giật hoài mà không thấy tín hiệu cấp cứu từ trên mặt nước, tôi đành bứt ống thở và tự nhô lên từ độ sâu 40 mét ấy. Áp suất bị thay đổi đột ngột, một cơn tai biến đã ập xuống người, làm tôi choáng váng và bất tỉnh. Đó là ngày 14.11.2001”. Năm ấy Huệ 26 tuổi. Vẫn còn trai tân!
Hai chiếc phao
Khi Huệ lâm nạn, tàu ông Sáu Cửu vội vã trở về, chạy thẳng vào cảng Đà Nẵng để cấp cứu nạn nhân. Đúng một tháng sau thì Huệ ra viện, những tưởng đôi chân bại liệt ấy hồi phục dần dần. Tuy nhiên, điều kỳ diệu mà Huệ mơ tưởng ấy đã không xảy ra. Anh biết mình vĩnh viễn giã từ biển khơi ngay từ thời điểm ấy. Hàng ngày, Huệ lết ra khỏi cửa, rồi tự vịn dậy để đứng trước cổng nhà mình nơi đảo Bé, mắt đăm đắm khơi xa. Sự bao la của biển cả mà chàng trai ấy từng vẫy vùng giờ đây được thu nhỏ trong một khoảnh vườn chật hẹp. Huệ tự nhủ lòng: “Mình phải tự đi ra khỏi không gian này, dù là bằng một chiếc xe lăn!”.
Rồi chiếc xe lăn mơ ước ấy cũng đã đến với Huệ. Hàng ngày anh tập “lăn” từ nhà ra bến tàu nơi đầu làng. Còn đường ấy ngày xưa với Huệ chỉ là chuyện vặt, một cái chớp mắt là đã đến nơi, còn bây giờ mới diệu vợi làm sao! Nhất là mỗi lần qua dốc Đụn, anh lại phải gồng mình lên để lăn đi trong gập ghềnh cát sỏi của làng chài. Rồi Huệ kiệt sức.
Chợt một bộ phim có cảnh chó trượt tuyết mà anh xem đã lâu, lại hiện về. “Mình thử nuôi chó cho nó “trượt” với mình xem sao?”. Huệ tự nhủ. Năm 2005, đường làng được thảm bê tông phẳng phiu lại càng hối thúc để Huệ thực hiện ý định viển vông ấy của mình. Anh xin người chị bên đảo Lớn một con chó và đặt tên cho nó là Nô. Nô tỏ ra là một chú cún khôn ngoan, hàng ngày cứ bám lấy Huệ. Nhưng một con chó thì không thể “kéo” được tấm thân hãy còn khá lực lưỡng của anh dân chài này. Huệ xin tiếp một con chó nữa, đặt tên nó là Phao với hy vọng nó sẽ thành chiếc phao của đời anh. “Tôi cũng chẳng huấn luyện gì đâu, chân cẳng thế này làm sao mà “huấn” cho được. Hàng ngày tôi cứ xích chúng vào chiếc xe lăn, dỗ dành chúng và “nói” với chúng rằng hãy cứu tao bằng cách kéo chiếc xe này!”. Huệ nói về cách “thuần dưỡng” hai chú chó như vậy. Kỳ lạ thay, chỉ mấy tháng sau, khi Nô và Phao đã thành “ hai chàng thanh niên” rồi, chúng kéo Huệ đi băng băng trên đường làng trước sự ngỡ ngàng của nhiều người dân đảo Bé.
Huệ nói rằng, hồi chưa có Nô và Phao, mỗi lần đi qua dốc Đụn là anh rất sợ chiếc xe lăn lao dốc vì tay yếu nên hãm không được, hoặc khi lên dốc thì chiếc xe dễ lật ngửa, trút cả xe lẫn người xuống đường. Giờ có hai con chó, chúng vừa kéo hoặc “phanh” nếu như Huệ ra lệnh cho chúng.
Nghe ở đâu có ông thầy nào giỏi chữa bệnh bại liệt là Huệ cũng tìm đến, dù mỗi lần đi lại bằng đò giang cách trở là một lần khổ sở với anh. Mới năm ngoái đây, anh lại lặn lội vô tận Khánh Hòa để chữa bệnh, đúng hai tháng. Đó cũng là quãng thời gian Nô và Phao ủ rũ suốt ngày. Cụ Nguyễn Thị Tề, mẹ của Bùi Huệ kể: “Tội nghiệp lũ chó lắm. Thằng Huệ ra khỏi nhà buổi sáng là buổi trưa cả hai con bỏ ăn. Dỗ thế nào chúng cũng không chịu. Bác phải lấy hai chiếc áo của Huệ để lót vào hai chiếc ổ để chúng đỡ nhớ chủ, khi ấy chúng mới chịu ăn. Ngày Huệ chữa bệnh trở về, chúng ra tận bến cảng cùng chiếc xe lăn đón chủ. Thấy người ta bế Huệ ra khỏi khoang tàu, hai con chó lao đến như trẻ con mừng mẹ chợ về”.
Hai con chó ấy giờ đây là thành một phần đời của Bùi Huệ. Chúng thực sự là những chiếc phao để anh bám víu mà lội qua khổ hạnh giữa đời này.
Vẫn cần một chiếc phao khác
Gia đình Huệ giờ chỉ còn 3 người, thêm 2 chú cún nữa là 5. Cha anh, ông Bùi Mã nay đã 82, còn mẹ anh đã qua tuổi 70 rồi. Nhà có “5 miệng ăn” nhưng chỉ biết bám vào 300 mét vuông đất cọc còi. “Cũng may là Nhà nước giúp cho thằng Huệ 360.000đ/tháng, cũng đủ mua gạo nuôi nó cùng hai con chó”. Bà Tề, mẹ Huệ nói về “mức thu nhập” hàng tháng của con trai. Buổi trưa ở đảo Bé, trời nắng nóng như thiêu, đúng 11 giờ, mẹ Huệ mới từ rẫy trở về. Bà gánh theo một gánh rong biển để làm phân cho vụ tỏi tới. Thì ra, hết việc trên rẫy, bà lại lặn lội xuống biển để vớt rong. Nhìn lưng áo mẹ già ướt đẫm mồ hôi, lòng Huệ lại quặn thắt. Nhưng người mẹ ngoài 70 ấy bây giờ trở thành lao động chính trong nhà.
Thấy mấy tấm lưới treo ở góc rào, tôi hỏi Huệ: “Nhà còn ai nữa mà sắm lưới?”. Anh Ngô Lắm, hàng xóm của Huệ nhanh nhảu: “Của thằng Huệ đó!”. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Lắm giải thích: “Nó vẫn còn thèm đi biển lắm đó anh. Hôm nào bớt việc, tôi cõng nó ra chiếc thuyền thúng rồi bỏ Huệ vào đó. Huệ chèo chiếc thúng ấy ra chỗ nào mà nó thích rồi quăng lưới một cách nhuần nhuyễn như thuở nào. Rồi cũng tự nó lội (bơi) và thu lưới về. Hai chân bị liệt nhưng Huệ vẫn còn đôi tay nên bơi rất khá. Nhưng cũng chỉ là để cho đỡ nhớ biển thôi. Số cá kiếm được từ đôi chân tật nguyền của Huệ chỉ đủ bữa trưa cho hai con chó của nó là cùng”.
Tôi hỏi Huệ giờ mơ điều gì? Anh cười hiền khô: “Mơ đôi chân trở lại như cũ là điều không thể được nữa rồi. Giờ tôi chỉ dám mơ có một chiếc xe lăn, vì chiếc xe này quá cũ, mòn vẹt lốp nên con Nô, con Phao căng sức ra kéo, tội nghiệp tụi nó quá”. Tôi trấn an Huệ: “Cứu căn nhà sắp sập của Huệ thì mới khó chứ chiếc xe lăn thì khó khăn gì. Hãy đợi đấy!”. Hai con chó nghe vậy, vội chui ra khỏi gầm xe và bắt đầu công việc hàng ngày: Kéo ông chủ tật nguyền của mình ra bến nước để nhìn cho đỡ nhớ khơi xa.
|