Hồn gùi
15:53', 13/8/ 2011 (GMT+7)

Dẫu có đôi chút khác nhau về hình dáng, kích thước, dẫu màu sắc tươi thắm, mộc mạc hồn hậu, hay rực rỡ, điệu đàng... thì chiếc gùi - trong đời sống của đồng bào dân tộc Bana, H’rê, Chăm H’roi… ở Bình Định cũng chứa đựng chung nhiều giá trị, là đồ vật vượt lên ý nghĩa gia dụng chứa đựng trong đó nhiều ý nghĩa văn hóa. Chiếc gùi như người bạn chia sẻ những nhọc nhằn mỗi ngày để khi đi xa, trở thành chiếc neo của nỗi thương mong trong những người yêu rừng, nhớ suối…

 

Dù tuổi đã cao, hàng ngày Bok Hưa - người duy nhất biết đan gùi có hoa văn ở xã Bok Tới, huyện Hoài Ân - vẫn miệt mài đan các loại gùi cho khách hàng.

1.

Có thể nói không ngoa, gùi là sản phẩm thể hiện rõ ràng nhất sự khéo léo, tính  cần cù, kiên trì và óc thẩm mỹ sáng tạo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bok Trường, 80 tuổi, người ở làng O 10, xã Đak Mang, huyện Hoài Ân nói đơn giản: “Sinh sống, sản xuất ở miền núi mà không có chiếc gùi thì khổ lắm!”. Gùi gắn bó với đồng bào hầu như ở mọi nơi, mọi lúc. Gùi vừa là đồ đựng, vừa là phương tiện vận chuyển phổ biến. Có thứ gùi để gùi khoai, lúa, bắp từ rẫy về nhà, có thứ gùi để đựng vật dụng. Đàn ông, con trai có gùi đựng dụng cụ đi rẫy, đi săn; đàn bà, con gái có gùi đi dự hội, đựng thuốc để mời nhau...

Người viết bài từng đến và ở lại 2 ngày tại xã vùng cao Bok Tới, huyện Hoài Ân và may mắn có dịp trò chuyện với Bok Hưa, 80 tuổi, nghệ nhân làm gùi nổi tiếng của huyện. 80 tuổi mà hàng ngày Bok Hưa vẫn miệt mài ngồi vót mây, đan đác. Ông làm luôn tay mà vẫn không đủ hàng giao cho khách. Hàng bán chạy như thế nhưng bok không vui. Không vui vì cả vùng này giờ chỉ còn mỗi bok biết đan thành thạo các hoa văn bằng mây hoặc cài thêm hoa văn bằng thổ cẩm vào vạt.

Phần lớn các bộ phận của gùi được đan, nứt… bằng các loại mây. Mỗi cái gùi đều có 3 phần chính: thân gùi được đan bằng mây, có 4 thanh gỗ nhỏ áp vào thành gùi từ đáy lên miệng, giúp cho gùi được cứng cáp, không bị lệch khi mang nặng. Đồng bào ở vùng cao thường chế tác thân gùi có hình chữ V, đế nhỏ, miệng to, còn đồng bào ở vùng thấp thì chế tác miệng và đáy gùi tương đối bằng nhau, đế gùi đan bằng mây (sợi lớn). Dây mang gùi được đan bằng mây xà phun, mây song… vót mỏng hoặc vỏ cây lạch. Kinh nghiệm của Bok truyền lại thì nếu đan bằng mây, thì dây bền, chắc hơn vì thông thường, một "đời" gùi dùng đến hai "đời " dây.

Tôi ngồi bên Bok Hưa theo dõi cách ông đan gùi. Khi đan, bok dùng tay trái giữ khung, tay phải lận nan quanh khung xương theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ, vòng nọ chồng vòng kia, lớn dần từ dưới lên trên. Đôi tay của Bok thoăn thoắt, mềm mại, khoéo léo đưa lên, đưa xuống một lúc đã được một đoạn nhỏ. Sợi nan được bok vót đều, mỏng được bàn tay khéo léo của bok tạo nên yếu tố quyết định sự đều đặn, cận đối, nan khít của thân gùi.

Sợ tôi chờ lâu, Bok lấy một chiếc gùi vừa đan xong mấy ngày trước kết thân gùi và đế vào nhau bằng cách gắn xương gùi vào lỗ đã đục sẵn ở đế, khít lại bằng dây mây cho tôi xem. Vừa làm, Bok Hưa vừa kể gùi này dùng để gùi củi, sắn, khoai… nên thân gùi được đan thưa và lớn. Nếu đan gùi gạo, lúa, muối… thì thân gùi phải đan kín (khít) sẽ phải mất 1 – 2 ngày, tùy người làm. Muốn đan gùi có hoa văn, người ta dùng màu nhuộm các sợi nan và khi đan, khéo léo tạo ra những hoa văn phỏng theo hoa văn trên trang phục thì phải nửa tháng hoặc lâu hơn. Gùi hoa văn phổ biến của người vùng cao ở đây là họ dùng nan để mộc, hoặc nhuộm đen hay bỏ trên giàn bếp hun khói một thời gian tạo ra màu cánh gián. Những chiếc gùi hoa văn đan đát cong phu thường chỉ được dùng cho những dịp lễ, hội.

 

Những nghệ nhân người H’rê ở An Lão đan gùi đang biểu diễn tại Lễ hội văn hóa miền núi 2011.

2.

Cách đây ít lâu, trong một lần lên xã vùng cao An Vinh, huyện An Lão tôi tìm gặp ông Đinh Văn Bui, 80 tuổi, tìm hiểu về những chiếc gùi hoa văn đủ màu xanh, đỏ đặc sắc của người H’rê, ông cười: “Ngày trước, muốn có một cái gùi đẹp và chắc, bà con phải vào rừng sâu để bứt những loại mây chắc như mây xà phun, mây rã, mây song, mây cám… Thời gian để hoàn thành một sản phẩm, tuỳ theo từng loại gùi, lớn, nhỏ, đẹp … trừ những cái gùi "dã chiến" để gùi củi, sắn khoai…đan bằng mây nước, chỉ đan đôi, ba ngày thì xong, nhưng nhanh hỏng. Còn lại những cái đẹp, sắc xảo phải đan vài tháng mới xong. Một cái gùi đan công phu, bằng các loại mây chắc bền có thể sử dụng khoảng nửa đời người (30 năm). Khi không dùng, bà con treo gùi trên giàn bếp, vì thế những vật dụng này có màu cánh kiến, rất bền vì không mối mọt hay bị ẩm mốc. Những chiếc gùi trang trí, gùi để làm đẹp phải nhuộm màu bằng các loại lá cây ở trên rừng... Giờ không mấy ảnh siêng để làm những chiếc gùi như vậy nữa rồi!”.

Theo lời anh Lê Văn Đờn, cán bộ văn hóa xã Bok Tới thì giờ cả xã chỉ còn mình Bok Hưa là làm nghề đan gùi. Bok giờ đã già không thể vào rừng bứt mây được nhiều như trước nên ít nhận hàng. Khi cần thì người dân trong xã dùng trác hoặc gùi đan thưa chuyển từ ...miền xuôi hoặc các tỉnh khác đến bán với giá 40 – 50 ngàn đồng/cái. Người nào kỹ tính hoặc cần các loại gùi kín thì tìm đến Bok Hưa đặt làm vì bền nhưng giá từ 200 ngàn đồng/cái trở lên.

Khi biết chúng tôi tìm hiểu về chiếc gùi, bên ché rượu cần ở nhà rông của xã, Bí thư xã Bok Tới, Đinh Văn Á trầm ngâm: “Chiếc gùi không chỉ là phương tiện, là đồ gia dụng bình thường. Chiếc gùi là bạn của đồng bào. Bây giờ, mỗi khi ra lập gia đình, ở riêng là tụi nhỏ mua gùi của người miền xuôi đan đem lên bán. Gùi đan sơ sài, cẩu thả lắm, lại làm bằng tre, dùng dăm bữa đã hư....”.

Còn ông Đinh Xuân Thẩm, Bí thư xã Đăk Mang, cho biết: “Hiện nay, trong xã chỉ còn vài người đan được loại gùi đẹp như Bok Trường, Bok Hay…Tuy nhiên, mắt của họ đã mờ, tay chân yếu, không còn vào rừng bứt mây được nữa. Trong làng cũng có vài ba người biết đan đác nhưng vì ít làm, không quen tay nên sản phẩm không đẹp, không bền”.

Gùi là một kí hiệu rõ ràng của văn hóa đồng bào miền núi. Gùi cũng là nút thắt sợi tình đoàn kết thôn trên làng dưới thắm đượm nghĩa tình, mỗi khi mùa vụ đến, bà con lại đi gùi thóc, ngô… giúp nhau. Chiếc gùi của đồng bào Bana, H’rê góp nhặt yêu thương từ nơi này đến nơi khác, trên lưng các mẹ, các chị, gùi còn là cái nôi cho em thơ giấc ngủ nồng say. Hơn thế nữa gùi còn cõng gạo nuôi con chữ chắp cánh cho những ước mơ tới trường. Trong kí ức của ông Á, ông Thẩm, vào những đêm trăng sáng bên con nước chảy êm đềm hay trong những đêm hội bập bùng ngọn lửa tình cháy bỏng, gùi đã mang cây sáo, cây đàn pơlơnkhơn... giúp cho trai làng, gái thôn thổ lộ, trao nhau ân tình. Và sau mỗi đêm hội gùi lại xe kết những lời hẹn ước yêu thương cho nam thanh nữ tú nên duyên chồng vợ.

 

Phụ nữ người H’rê với chiếc gùi trên lưng.

 

Ông Đinh Xuân Á, cho biết: “Do điều kiện kinh phí, xã không thể tổ chức các lễ hội làng, trong khi đó, lễ hội dành cho đồng bào người Bana của huyện và tỉnh còn ít nên thanh niên Bana không được tập luyện, học hỏi kinh nghiệm từ nghệ nhân làm gùi của xã. Thanh niên trong xã chỉ chịu tập luyện mỗi khi có lễ hội chứ hàng ngày thì lo làm rồi thôi”.

Ngày nay nhiều phương tiện hiện đại, tiện lợi hơn đã thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào. Vai trò “thiết bị gia dụng” của gùi dần phai nhạt nhưng ý nghĩa và vị trí của chiếc gùi trong đời sống tinh thần thì không thể nhạt nhòa. Hy vọng rằng, thế hệ trẻ các đồng bào dân tộc thiểu số hiểu ra điều này và nỗ lực gìn giữ. Nếu chính họ không nặng lòng thì mọi nỗ lực của người già, thậm chí cả với sự hỗ trợ của Nhà nước cũng trở nên vô nghĩa.

  • Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về Quy Nhơn ăn cá Ninja  (12/08/2011)
Quảng Bình: Phát hiện thêm hai hang động đẹp  (09/08/2011)
Tinh hoa nghề đậu bạc Định Công  (05/08/2011)
Hấp dẫn hò bá trạo  (02/08/2011)
Phú Yên gìn giữ dân ca   (28/07/2011)
Khu tưởng niệm Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân  (26/07/2011)
Cổ tích ở đảo Bé  (22/07/2011)
“Đệ nhất hùng quan” Việt Nam  (21/07/2011)
Lễ hội Po Dam (Pô Tằm)  (13/07/2011)
Sông Ba, niềm tự hào…  (11/07/2011)
Cá nục Lý Sơn  (09/07/2011)
100 đặc sản Việt sẽ được ghi tên vào sách kỷ lục món ngon  (07/07/2011)
Gia Lai: Khảo sát để thành lập Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo  (05/07/2011)
CÁ CHẠCH TRE BÀU SẤU  (03/07/2011)
Nghệ thuật hát dân ca của dân tộc Cor ở Quảng Ngãi  (01/07/2011)