Hội thảo khoa học “Quốc chúa - Bồ tát Nguyễn Phúc Chu và sự nghiệp mở mang bờ cõi, phát triển đất nước” khai mạc tại TP.HCM hôm 22-8 do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Viện Nghiên cứu tôn giáo - Viện Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức.
Hội thảo có hơn 70 tham luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành sử học và Phật học của cả nước, cùng tập trung vào ba chủ đề chính: Vấn đề sử học thời các chúa Nguyễn; Sự nghiệp quốc chúa - Bồ tát Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725); Sự nghiệp phát triển văn hóa và xiển dương đạo Phật dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu.
|
Thanh giới đao do vua Tự Đức ban tặng trụ trì chùa Quốc Tự Diệu Đế. |
Trong hành trình Nam tiến của lịch sử Việt Nam, chúa Nguyễn Phúc Chu (triều Nguyễn truy tôn là Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế, là đời chúa thứ 6 của Ðàng Trong) được ghi nhận là người có công lớn trong việc mở mang, phát triển và ổn định đất nước ở Ðàng Trong vào thế kỷ 17-18.
Báo cáo đề dẫn của Viện Nghiên cứu tôn giáo ghi nhận công trạng của ông: “Trong thời gian tại vị, ngoài thành công trong việc mở rộng bờ cõi, ngài còn có rất nhiều công lao trong việc xây dựng đời sống tư tưởng/ tâm linh, đặc biệt là Phật giáo ở Ðàng Trong. Ngài đề ra chủ trương “cư Nho mộ Thích”, kế thừa một cách sáng tạo chủ trương của vua - Phật Trần Nhân Tông “cư trần lạc đạo” ở thế kỷ 13. Ngài cũng là người bảo trợ cho sự phát triển các đền, chùa ở Ðàng Trong...”.
Các tham luận của giới sử học như nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu, Nguyễn Khắc Thuần, TS Trần Thị Mai ghi nhận ý thức chủ quyền lãnh thổ của chúa Nguyễn Phúc Chu là rất sâu sắc, thể hiện qua việc tiếp tục tổ chức các đội Bắc Hải ra khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa để khẳng định chủ quyền ở những vùng đảo này. Ông Nguyễn Khắc Thuần dẫn lại ghi nhận trong Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Ðôn để cho rằng: đến thời Nguyễn Phúc Chu, vị chúa này “đã kiểm soát được Hoàng Sa, Trường Sa, có giấy tờ rõ ràng”.
Về những đóng góp của Nguyễn Phúc Chu trong vấn đề phát triển Phật giáo Ðàng Trong, các nhà nghiên cứu đánh giá cao việc truyền bá Phật giáo Bắc tông vào Việt Nam, với sự kiện mời hòa thượng Thạch Liêm mở giới đàn cho 1.400 tăng ni ở Phú Xuân, đúc chuông Thiên Mụ nặng 3.285 cân vào năm 1710 và ngài đích thân làm bài minh khắc vào chuông.
Hòa thượng Thích Phước Sơn đánh giá cao vai trò của chúa Nguyễn Phúc Chu với việc phát triển tông Tào Ðộng Phật giáo vào Việt Nam; TS Trần Lê Bảo đưa cái nhìn biện chứng về sự song hành của Phật giáo với những triều đại Việt Nam, từ Thái tổ Lý Công Uẩn đến Ngự hoàng Trần Nhân Tông và đến Minh vương Nguyễn Phúc Chu.
. Theo TTO
Triển lãm di sản văn hóa Phật giáo Đàng Trong
Song song với hội thảo về sự nghiệp chúa Nguyễn Phúc Chu, ban tổ chức hội thảo và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM phối hợp tổ chức Triển lãm di sản văn hóa Phật giáo Đàng Trong thế kỷ 17-20 khai mạc vào sáng 22-8 và kéo dài đến ngày 28-8.
Triển lãm giới thiệu nhiều hiện vật, cổ vật thuộc dòng văn hóa Phú Xuân có liên quan đến Phật giáo. Trong đó, lần đầu tiên trưng bày các bản dập (thác bản) văn bia chùa Huế, có cả ảnh tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của quốc chúa Nguyễn Phúc Chu và bản dập trên lụa tấm bia chùa Hà Trung (Gio Linh, Quảng Trị) ghi công trạng Trần Đình Ân - vị quan có nhiều công trạng dưới nhiều đời chúa Nguyễn, bản dập văn bia tháp tổ Liễu Quán, tháp tổ Nguyên Thiều và tranh chân dung của hai vị tổ sư này.
Bên cạnh đó là hệ thống các tượng thờ Phật giáo thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Triển lãm cũng giới thiệu nhiều bản kinh Phật thời Nguyễn như các quyển Hiếu kinh và Chư kinh tập, thủ bút của Viên Giác đại sư vào thế kỷ 19, các sớ điệp, sắc chỉ của các vua Nguyễn ban cho các vị hòa thượng trụ trì ở các quốc tự. Đặc biệt có một thanh giới đao do vua Tự Đức ban tặng trụ trì chùa Quốc Tự Diệu Đế - là hiện vật quan trọng trong giới Phật giáo. Thanh đao này dùng để cạo tóc truyền giới cho người xuất gia như một nghi thức biểu tượng.
Triển lãm cũng giới thiệu một số hiện vật Phật giáo Nam bộ như cuốn kinh được viết trên giấy sậy hay kinh viết trên lá thốt nốt. Đây cũng là những dấu tích của sự phát triển Phật giáo Đàng Trong từ thời các chúa Nguyễn đến triều Nguyễn. | |