|
Ông Diệp Công Thang và bản tế binh phu Hoàng Sa, Trường Sa |
Tỉnh Quảng Ngãi vừa phát hiện bài văn tế lính Hoàng Sa được tìm thấy ở sâu trong đất liền ngoài những bài văn tế được lưu giữ tại đảo Lý Sơn.
“Hỡi ơi!/ Đất Việt trời Nam/Trải bao cơn lão khổ/Nghĩ đến kẻ điêu linh từ thủa nọ/Cho sinh hề khí/Tử hề quy/… Hoàng Sa/Trường Sa lãnh hải/Biển cả mênh mông/Tháng năm vô định”. Mỗi độ tháng 2-3 âm lịch, người dân Lý Sơn lại kính cẩn dâng hương, xướng lời văn tế trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Hàng trăm năm qua, những bài hịch tế này vẫn được các thế hệ người dân Lý Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) lưu giữ cẩn trọng.
Tế người ra Hoàng Sa trong đất liền
Bài văn tế được tìm thấy ở sâu trong đất liền tại gia đình ông Diệp Công Thang (thôn Gia Hòa, Tịnh Long, Sơn Tịnh), cách TP Quảng Ngãi hơn chục cây số. Ở tuổi 90, chẳng mấy người khỏe mạnh, minh mẫn được như ông. Ký ức về những lần theo cha đi cúng tế vẫn còn hiển hiện.
“Từ đời ông nội đến đời cha tôi đều làm thầy cúng. Tôi 10 tuổi cũng bắt đầu nối gót học nghề. Bốn năm sau, tôi mới được theo thầy (cha) đi hành nghề cúng tế, rong ruổi khắp các làng trên, xóm dưới ” - ông Thang kể.
Ông cẩn trọng lật từng trang văn viết bằng chữ Hán ố màu, nói: Đây là bản được chính ông chép lại từ bản gốc do cha truyền lại. Cả thảy 16 trang, trong đó những trang đầu xướng tế các vị thủy thần sông nước, hà bá phù hộ độ trì, từ trang 11 - 16 tế riêng về những binh phu chuẩn bị đi Hoàng Sa, Trường Sa.
Mỗi dịp tháng 2 - 3 âm lịch hàng năm, khi các đợt mộ binh Hoàng Sa diễn ra tại các làng chài Bình Sơn, Sa Kỳ, Lý Sơn…, ông Thang lại cùng cha rong ruổi cúng tế. Lần tế nào hai cha con cũng phải mang theo bản văn tế để xướng cúng.
Lúc đó, mọi người trong làng cùng tập trung ra bãi biển, cắm cờ hoa, gióng trống dập dồn. Trong hương khói, những chiếc thuyền và hình nhân được thả xuống biển. Trong giờ khắc linh thiêng, vị chủ tế xướng lên những lời hịch bi tráng.
“Nghinh hà bá Trường Sa, Hoàng Sa. Triều bả đông hải lãng. Hà bá khai khẩu môn”. Từng cặp mắt người dân dõi ra cửa biển, cầu mong các vị thủy thần hà bá, vong linh của những lính Hoàng Sa, Trường Sa về phù hộ, độ trì… “Tế nhơn độ vật, gởi ích quần lê, anh minh mạc trạng, công đức vô cùng, hữu cầu tất ứng”.
Theo ông Thang: Thời đó ở đâu có người được mộ binh Hoàng Sa thì đều mời thầy cúng tế, không kể miền biển, hay trong đất liền. Biển cả mênh mông, hiểm nguy rình rập, mạng người khó giữ nên ai được tuyển chọn đều làm lễ tế.
“Tôi cứ nhớ cái cảm xúc mọi người bắt tay nhau ly biệt. Không ai hẹn ngày về, nhưng có một điều chắc chắn cả người đi lẫn người ở đều sẵn sàng cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền nơi Hoàng Sa, Trường Sa” - ông Thang kể.
Trong lễ tế, người ta thả thuyền tre, trên thuyền có lá cờ, gạo, muối, thẻ bài, hình nhân thế mạng, dây mây, phỏng theo mỗi chuyến ra khơi của binh phu. Tùy từng địa phương, tộc họ các thuyền tre tế lễ làm to nhỏ khác nhau nhưng cùng mang giá trị mong hải trình bình yên, thuận lợi.
Vang vọng hịch tế
Theo TS Nguyễn Đăng Vũ - GĐ Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi: việc phát hiện văn tế này rất có ý nghĩa cả về nghiên cứu, lịch sử và các giá trị khẳng định chủ quyền. Văn tế lính Hoàng Sa, Trường Sa xuất hiện phổ biến tại đảo Lý Sơn, hay các làng chài ven biển nhưng ở sâu trong đất liền như trường hợp của ông Thang là phát hiện đầu tiên. Điều này chứng tỏ phong trào mộ binh trải rộng trên nhiều địa bàn khác nhau. Nó khẳng định ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo được mọi người quan tâm giữ gìn.
Cũng theo TS.Vũ: Nội dung các văn tế đều cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, bản tế của ông Thang nhấn mạnh nhiều việc mời các vị thần linh, thủy thần che chở cho hải trình của các binh phu, thì các bản tế ngoài Lý Sơn thiên về kể công lao của những binh phu Hoàng Sa, Trường Sa: Ra đi có mấy người trở lại/Xót thương thay/Son sắt một lòng/Ngang dọc chí nam nhi/Phong ba dồn dập/Tuyết xương chẳng quản/Mưa gió chẳng sờn/Quân vụ biên phòng/Chạnh niềm viễn xứ/Hoàng Sa Trường Sa lãnh hải/Biển cả mênh mông/Tháng năm vô định… (trích văn tế tại Âm linh tự).
Tại Lý Sơn, ngoài 2 bản bằng chữ Hán của tộc họ Võ Văn và Phạm Văn, còn nhiều văn bản chép tay bằng chữ Hán Nôm hoặc quốc ngữ. Đây là những dòng họ hùng binh có nhiều người ra thực thi nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa, Trường Sa… |
. Theo TPO |