Mấy năm gần đây, cây vạn thọ lai đã bén chân đất Phù Mỹ. Nhiều hộ dân nơi đây từ trồng hoa thử nghiệm nay thành trồng hoa chuyên nghiệp và đã vươn lên khấm khá. Hoa vạn thọ Phù Mỹ bắt đầu có tiếng ở các huyện, thậm chí là ở các tỉnh lân cận.
|
Một vườn hoa vạn thọ lai ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ.
|
Hoa vạn thọ lai thật ra không phải là giống mới. Ở miền Nam và đặc biệt ở Đà Lạt người ta đã trồng được từ lâu. Nhưng loại hoa này chỉ trổ hoa vào mùa nắng, cữ Tết hoa nếu có cũng không xinh, khi đem ra Trung, hoa mau tàn úa. Một nhà vườn ở Phù Mỹ đã tìm cách trồng và cho cây hoa trổ vào dịp Tết. Đó là anh Nguyễn Văn Phương ở thôn Chánh Thuận, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ - người có 8 năm thâm niên trồng hoa vạn thọ lai.
Bén đất
Trò chuyện với tôi tại vườn hoa trên ba sào đất thuê với hàng ngàn gốc hoa vạn thọ lai đang giai đoạn no nụ, anh Phương cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện Phù Mỹ có hai loại vạn thọ lai phát triển rất tốt. Đó là giống F1 lai vạn thọ Pháp, thân cao chừng 40-50 cm và giống F1 lai vạn thọ Thái Lan, thân lùn 20 cm. Hai giống này được trồng ở Đà Lạt cách đây hơn mười năm nhưng chỉ trồng được vào mùa nắng ấm. Năm 2003, tôi được đại lý hạt giống cây trồng Cường Phát ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ giới thiệu về giống hoa vạn thọ mới. Thấy hay, tôi mua một bì về trồng thử và canh cho cây nở hoa vào dịp Tết. Năm ấy, mãi đến ra Giêng, cây mới nở hoa. Bị muộn nhưng bù lại, ai thấy giống hoa vạn thọ mới cũng trầm trồ. Lần đầu hoa tôi trồng nở đúng tết, cả nhà tôi ai cũng vui mừng. Nhiều người thấy tôi trồng được, đến tham quan, học hỏi. Dần dần, số lượng người trồng hoa vạn thọ lai trên đất Phù Mỹ tăng lên. Đến nay thì có hoa bán đi khắp nơi”
Đưa tôi đi giữa vườn hoa ươm vàng, anh Phương tiết lộ: “Tôi đã trồng được hai giống hoa này trên nhiều chân đất nhưng thích hợp nhất là đất cát bồi sa mương, suối. Tính từ ngày ươm hạt đến lúc nở hoa, hai giống này chỉ chiếm 60-65 ngày. Việc ươm giống cũng khá đơn giản. Chỉ cần trộn thêm ít phấn kiến ngừa côn trùng rồi gieo như gieo cải là hạt sẽ nẩy mầm. Việc đưa cây con vào chậu cũng giống như trồng hoa vạn thọ truyền thống. Trộn, ủ đất với phân chuồng theo tỉ lệ 2-1 sẵn vào chậu nhựa hoặc chậu xi măng, khi cây con vừa cứng, có đủ hai lá mẹ thì tách cây, trồng vào chậu. Chậu nhỏ nên trồng một cây, chậu lớn trồng nhiều cây. Vì giống ngắn ngày nên trồng xuống là lo chăm ngay. Hai loại phân bón thích hợp nhất cho hai giống hoa này là phân NPK và DAP. Lượng phân bón thúc không cần nhiều như các loại cây trồng khác. Cứ 5-6 ngày, bón cho cây một lần. Mỗi lần không quá 6 hạt/gốc. Hoa này ít sâu bệnh nên không cần dùng nhiều thuốc, có chăng cũng chỉ phun vài lần ngừa sâu lúc đẻ nhánh và hé nụ.”
Nở hoa
Theo anh Phương, vạn thọ lai có nhiều tính ưu. Dòng hoa này cùng làm nụ, nở hoa một lượt. Bông cái, bông con tròn đều như nhau. Thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn, ít sâu bệnh, ít tốn kém phân thuốc. Hoa có hai màu vàng và đỏ. Cánh hoa cứng, rây tròn đều từ trong ra ngoài, không có ngù hoa như một vài giống vạn thọ truyền thống. Hai giống hoa này rất tiện chơi bởi nhẹ nhàng, dễ vận chuyển, đặt để, nhất là chuyển ra mộ và đặt để bàn thờ. Hoa tươi lâu, khó héo. Chơi hoa xong tết, nhiều người cắt bỏ hết hoa tàn, tiếp tục tưới nước, bón phân, cây lại đâm chồi, ra hoa đợt hai sum suê như đợt một.
Cũng theo anh Phương, hiện nay trên địa bàn huyện Phù Mỹ có trên 40 hộ dân chuyên trồng vạn thọ lai bán vào dịp tết và rất nhiều người trồng để chơi. Số người trồng, bán ở rải rác các xã Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp, Mỹ Quang và thị trấn Phù Mỹ. Người trồng nhiều nhất, trên 20 ngàn chậu là thầy Liễu ở chùa Thường Lạc, xã Mỹ Hòa. Nhiều người trồng từ 5000-7000 chậu như anh Lê Hồng Cơ, Lê Hồng Ninh cùng ở xã Mỹ Hòa. Người trồng ít cũng vài, ba trăm chậu.
Khi hỏi về chi phí, lời lãi từ trồng hoa vạn thọ lai, anh Phương không ngần ngại: “Nếu có đất trồng thì chi phí cũng không nhiều, chỉ tốn tiền mua giống, chậu và phân bón. Gía một chậu nhựa loại trồng một cây hiện nay là 1200 đồng. Chậu xi măng lớn 15 ngàn đồng. Một bị hạt giống vài trăm hạt, giá 130 ngàn đồng. Còn giá đất thuê thì vô chừng. Khi thì năm trăm nghìn đồng/sào, khi thì nhiều hơn, lúc ít hơn. Gía bán hoa hàng năm chênh lệch không cao. Thường, người trồng nhiều sẽ bán sỉ cho các mối ở ngoài huyện, ngoài tỉnh. Hiện vườn hoa này với ba trăm chậu hoa lớn, năm ngàn chậu hoa lùn đã có chủ mối ở Đà Nẵng đặt mua với giá 50 ngàn đồng/ chậu lớn, 10 ngàn đồng/ chậu nhỏ. Chờ xem giá thị trường ra sao rồi tôi sẽ bán. Nếu bán với giá này, tôi sẽ thu về được 65 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, tôi còn lãi khoảng 40 triệu đồng.”
Anh Nguyễn Văn Ba ở thôn An Lạc 2, xã Mỹ Hòa – người nhiều năm trồng vạn thọ lai thì nói hơi khiêm tốn: “Gía đặt mua hiện nay cũng chỉ bằng giá bán năm ngoái. Nhưng chỉ cần giá mua vậy thôi, tôi cũng đã lãi trên 25 triệu đồng!”
Vào những ngày cuối chạp, đến vùng gò Dứa, thôn An Lạc 2, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ hay vượt quốc lộ 1A, đoạn từ thị trấn Phù Mỹ đến Đèo Nhông, ta sẽ bắt gặp nhiều vùng hoa vạn thọ lai tập kết, chuẩn bị xuất bán. Hoa lên Tây Nguyên, hoa đi Đà Nẵng, hoa xuống thuyền ra tận đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Những hộ trồng nhỏ lẻ lại bày bán ở các chợ huyện, chợ xã. Không khí làng quê, phố thị vui nhộn hẳn lên nhờ sắc đỏ hoa vạn thọ chen lẫn sắc mai vàng, cúc trắng. Nhà nhà chưng hoa vạn thọ. Cơ quan cũng chưng hoa vạn thọ. Vạn thọ ở đầu sân, ngoài hè, nay vào tận bàn thờ tổ tiên bên mâm ngũ quả. Vạn thọ đến chùa cầu phúc, ra đình dâng cúng thần làng, lên mộ thăm viếng hương linh . . .Vạn thọ là lời chúc phúc, là hiện thân của sự trường tồn.
|