Ở thung lũng đào hoa (TP Đà Lạt - Lâm Đồng), với 1.000 gốc đào (khoảng 30 loại), dĩ nhiên hoa này chiếm thế thượng phong nhưng chưa hẳn vì vậy mà các kỳ hoa dị thảo khác lép vế. Điển hình như cây chanh được mang đến Hội Hoa Xuân năm nay có quả nặng đến 3,5 kg!
|
Anh Bùi Văn Sang, con nghệ nhân Mười Lời, bên gốc chanh đặc biệt.
|
Từ thời cố nghệ nhân Mười Lời, vườn đào nổi tiếng này đã là nơi hội tụ nhiều sản vật ngon và lạ. Trong nước thì có cây bưởi ghép từ các giống bưởi Năm Roi, Đoan Hùng, da xanh, Biên Hòa; mận Tam Hoa… Ngoài nước có cây chanh ngọt Úc, quýt Địa Trung Hải, cam ruột đỏ của Mỹ, phật thủ Đài Loan…
Mỗi năm, thung lũng đào hoa đều làm xôn xao “làng kiểng” bằng điều gì đó khác lạ. Năm nay là sự kiện cây chanh yên ra quả nặng đến 3,5kg. Chủ vườn Bùi Văn Sang cho biết loài cây này được cha anh, cố nghệ nhân Mười Lời, đem về từ Huế.
|
Anh Sang đặt tên cho loài chuối này là chuối mồ côi.
|
Quả chanh yên nặng 3,5kg thì đâu có gì phải ầm ĩ vì có trái còn nặng đến 5kg. Điều đặc biệt là cây chanh yên được trồng trong chậu. Với điều kiện như vậy, cây thường không cho trái to như trồng ngoài đất thường. Thế nên việc cây chanh yên được trồng trong chậu ra trái nặng đến 3,5kg mới trở thành sự kiện “hot”.
Chủ vườn cho biết có khoảng 20 gốc chanh yên trồng bình thường lẫn trong chậu, đến nay chỉ mới có 3 chậu cho trái “khủng”. Một trong 3 chậu đã được anh Sang đem đến Festival hoa Đà Lạt 2012, sau đó gửi về Sài Gòn tham dự Hội hoa xuân Nhâm Thìn 2012. Trong quá trình vận chuyển, quả chanh do già và nặng quá đã… rụng xuống. Khi thấy trái chanh này, ai cũng thoáng nghĩ “vắt chừng nào cho hết nước”. Anh Sang cho biết, thật ra phần ruột trắng của chanh khá nhiều, còn phần múi chanh lại không to lắm.
|
Trải qua trăm năm dâu bể, gốc trà cổ thụ này vẫn ra hoa, kết quả sai trĩu như những gốc trà “trẻ” bình thường.
|
Một sự kiện cũng gây xôn xao không kém là cây chuối ra hoa màu xanh. Tìm được cây chuối trong rừng sâu, anh Sang gọi đây là chuối mồ côi vì chuối chỉ ra hoa chứ không kết trái. Hoa chuối màu xanh dịu ngọt, tồn tại được khoảng 3 – 4 tháng. Chuối có thể sống đến 15 năm, dáng cây đẹp từa tựa cau sâm banh. Hiện tại anh đang nhân giống chuối này và hi vọng năm sau sẽ có thể đem cây chuối đang nở hoa xuống cho người dân Sài Gòn thưởng thức.
Trong thung lũng đào hoa còn có một “kiện tướng” âm thầm sống bằng tinh túy của đất trời và chứng kiến bao đổi thay của nơi này. Đó là gốc trà trăm tuổi. Gốc cây xù xì vì trăm năm sương gió. Theo anh Sang, gốc trà này được cố nghệ nhân Mười Lời phát hiện trong làng Hà Đông (TP Đà Lạt), có tuổi thọ tương đường với những gốc trà đầu tiên mà người Pháp đã trồng trên vùng trà Cầu Đất trứ danh.
|
Bạch đào đã làm nản lòng không ít người trồng hoa vì sự "khó tính" của nó.
|
Thật thiếu sót nếu không nói đến hoa đào trong thung lũng đào hoa. Những ngày này, khắp vườn thắm sắc đào phai, đào hồng yêu kiều. Nổi bật và tách biệt trong số đó là gốc bạch đào trên 50 tuổi. Sắc trắng tinh khôi của bạch đào giữa lung linh nắng và khí lạnh se se khiến không ít người ngẩn ngơ trong dạ. Trắng trong đến mức chúng tôi đứng lặng, chôn chân mà ngắm hoa, trong đầu hoàn toàn không có một ý niệm nào khác ngoài sắc trắng hoa đào.
Thế nhưng, một điều đáng buồn là loài hoa này đã gần như tuyệt chủng chính vì sự đỏng đảnh của nó: khó trồng, khó chăm sóc, khó “ép” cây ra hoa đúng dịp Tết âm lịch. Ngay cả những vị trồng đào cố cựu của làng đào Nhật Tân cũng đã nản lòng với loài hoa thanh cao này. “Biết là giống quý nên tôi cũng cố gắng giữ và nhân giống bạch đào”, anh Sang nói.
|
Đào thất thốn cũng là một giống đào quí, có nguy cơ biến mất.
|
Ngoài ra, trong vườn có sự hiện diện của cây đào thất thốn. Mỗi năm cây chỉ cao thêm được 3cm, hoa kép có 7 cánh màu đỏ, hoa đơn có 5 cánh màu hồng.
Anh Sang cũng đang chăm sóc cho gốc đào ghép với 5 loại, gồm: mận tam hoa, nhất chi mai, hồng đào, bích đào và bạch đào.
. Theo NLĐ |