NHỮNG CƯ DÂN ĐẦU TIÊN PHỦ HOÀI NHƠN THỜI MỞ CÕI
15:47', 4/10/ 2012 (GMT+7)

Sau khi phủ Hoài Nhơn được vua Lê Thánh Tông thành lập và trở thành vùng trấn biên của Đại Việt (7.1471), những cư dân Việt Nam đầu tiên đến với vùng đất viễn châu này là một cộng đồng nông dân nghèo, binh lính và phạm nhân trọng tội được đặc ân lưu đày.

 

Núi Thạch Bi (Thạch Bi Sơn) ở giữa Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay. (ảnh: internet)

 

Năm Hồng Đức thứ 2 (1471), nước Đại Việt mở đất đến núi Thạch Bi (giữa Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay). Sau chiến thắng Đồ Bàn, sáu ngày sau vua Lê Thánh Tông bổ nhiệm quan lại, tổ chức bộ máy cai quản như sau: Cử hai người Chiêm ra hàng phục là Ba Thái làm Đồng tri châu và Đa Thủy làm Thiêm tri châu Đại Chiêm. Mười ngày sau cử hai người Việt là Đồ Tử Quy làm Đồng tri châu Đại Chiêm quân dân sự và Lê Ỷ Đà làm tri châu Cổ Lũy cai trị dân quân. Cả quan Việt và quan Chiêm nhà vua giao cho một quyền rất lớn “có kẻ nào không chịu theo, cho giết rồi tâu sau”. (Đại Việt sử ký toàn thư).

Từ đó, người Việt bắt đầu tiến dần vào lập làng sinh sống ở phủ Hoài Nhơn từ đèo Cù Mông trở ra, từ đèo Cù Mông trở vào mốc giới Đá Bia là “vùng đệm” cho phần đất biên ải phía Nam, mặc dù trên danh nghĩa là đất của Đại Việt nhưng vẫn để cho người Chàm và các dân tộc khác ở.

Những cư dân đầu tiên đi mở cõi vùng đất Viễn Châu ngoài dân nghèo vào lập nghiệp còn có lực lượng quân đội và đặc biệt là các phạm nhân bị tội lưu đày cũng được quân đội hóa thành lực lượng chiến đấu và sản xuất ở vệ Hoài Nhơn. Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép: “tháng 4 (năm Hồng Đức thứ 5.1474) có sắc chỉ rằng: Tù xử tội lưu, đi cận châu thì sung vệ quân Thăng Hoa, đi ngoại châu thì sung vệ quân Tư Nghĩa, đi viễn châu thì sung vệ quân Hoài Nhơn”.

Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi chép: lúc mới thành lập, huyện Hoài Nhơn có 3 huyện gồm 33 xã, huyện Bồng Sơn: 7 xã, huyện Phù Ly: 8 xã, huyện Tuy Viễn 18 xã. Đến năm 1490, tức chưa đầy 20 năm sau, theo Thiên Nam dư hạ tập cho biết: Dưới thời Hồng Đức Phủ Hoài Nhơn có 19 tổng và hơn 100 xã: Huyện Bồng Sơn 7 tổng, 32 xã, huyện Phù Ly có 16 tổng, 60 xã, huyện Tuy Viễn có 6 tổng…

Năm 1572, quân nhà Mạc vào đánh Thuận Hóa, định chiếm đất làm bàn đạp đánh bọ Trịnh ở Nghệ An. Trận này, Nguyễn Hoàng thắng và bắt được khá nhiều tù binh Mạc, đưa vào khai khẩn đồn điền.

Sau một thế kỷ mở đất, người Việt đã vào lập làng ở hầu hết vùng đất của phủ Hoài Nhơn từ chân Đèo Cù Mông trở ra. Năm 1578, triều Lê – dưới thời Nguyễn Hoàng bổ nhiệm Lương Văn Chánh làm tri huyện Tuy Viễn “để dẹp yên biên trấn và chiêu tập dân xiêu tán đến Cù Mông và Ba Đài, lại khai khẩn ruộng hoang ở sông Đà Diễn” (ngày nay thuộc 2 huyện Sông Cầu và Đồng Xuân. Đại Nam nhất thống chí).

Từ sau 1578, huyện Tuy Viễn bao gồm thêm địa phận 2 huyện Sông Cầu và Đồng Xuân của tỉnh Phú Yên ngày nay. Như vậy, người Việt đã đến sinh sống lập làng bên kia đèo Cù Mông, chính thức xóa bỏ “vùng đệm” trong chủ trương của thời Lê Thánh Tông. Phủ Hoài Nhơn trở thành bàn đạp cho công cuộc tiến công mở đất vào phía Nam. Năm 1611, hai năm trước khi chết, Nguyễn Hoàng đã cho quân tiến vào thu lại toàn bộ phần đất của Lê Thánh Tông đã xác định mốc giới đến Đá Bia, (núi Thạch Bi), lập ra phủ Phú Yên gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

Năm 1648, có một đợt di dân lớn trong lịch sử mở cõi vào vùng đất Quảng Nam, đó là năm chúa Nguyễn đánh thắng quân Trịnh bắt hơn 3 vạn tù binh. Chúa Nguyễn Phúc Lan có một cái nhìn sáng suốt, Chúa bảo: “Hiện nay từ miền Thăng (tức phủ Thăng Bình) Điện (tức Phủ Điện Bàn) trở vào Nam đều là đất của người Chàm, dân cư thưa thớt, nếu đem chúng an tháp vào đất ấy, cấp cho canh ngưu điền khí chia ra từng bộ, từng xóm, tính nhân khẩu cấp cho lương ăn để chúng khai khẩn ruộng hoang, thì trong khoảng mấy năm, thuế má thu được có thể giúp quốc dụng và sau 20 năm, sinh sản ngày nhiều, có thể cho vào quân số có gì mà lo về sau”.

Thực hiện chương trình này, số tù binh bị phân ra ở nhiều nơi, cứ 50 người chia nhóm thành một ấp, đều cấp cho lương ăn cả năm, lại ra lệnh cho những gia đình giàu có bỏ thóc ra cho họ vay và ưu tiên cho họ khai thác các nguồn lợi núi đầm để sinh sống. Quyết định này ban hành, có khoảng 600 làng mới được thành lập sau năm 1648 ở các vùng Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn (Quy Nhơn) và Phú Yên.

Tiếp tục bổ sung nhân lực cho vùng đất mới phía Nam, năm 1655 trong trận tiến quân vượt sông Gianh tấn công ra Nghệ An đánh chiếm 7 huyện phía Nam Sông Lam, chúa Nguyễn bắt khá nhiều tù binh và nông dân Nghệ An đưa về khẩn hoang lập làng ở phủ Quy Nhơn. Trong số này có tổ tiên của dòng họ 3 anh em nhà Tây Sơn.

Một lực lượng đáng kể được chúa Nguyễn sử dụng vào việc khai hoang là quân sĩ. Những lúc tạm ngừng chiến tranh, chúa Nguyễn chia bớt một số quân lính chuyển sang khai hoang lập đồn điền cho nhà nước. Phần lớn ruộng đất do binh lính khai khẩn dần dần rơi vào tay các tướng tá chỉ huy.

Nhằm tăng thêm lực lượng khai thác, đồng thời mở rộng thế lực kinh tế cho dòng họ mình, Chúa Nguyễn đốc thúc khuyến khích bà con, họ hàng và các gia đình từ Thanh Hóa vào khai khẩn ruộng đất, biến thành tư hữu. Những người này cũng được giao các chức vụ quan trọng trong chính quyền và trở thành chỗ dựa tin cậy của Chúa Nguyễn.

Những cư dân đầu tiên của người Việt vào khai khẩn định cư sinh sống ở Phủ Hoài Nhơn là một cộng đồng nông dân nghèo, binh lính và phạm nhân trọng tội được đặc ân cho lưu đày và được quân đội hóa. Các làng xã cũng được hình thành từ đó.

Như vậy, Chúa Nguyễn nhân cuộc chiến tranh với Lê – Trịnh, có thêm nhân lực khai thác đất đai và nhanh chóng xây dựng vùng Hoài Nhơn nói riêng và Xứ Quảng nói chung thành những vùng trù phú. Hoài Nhơn – Quy Nhơn trở thành nơi quy tụ hiền tài làm sáng ngời quan điểm “đức trị” quy phục lòng dân hướng về người có nhân đức trong thiên hạ.

  • NGUYỄN THANH QUANG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
CƠ CẦU TỔ CHỨC LÀNG XÃ AN NHƠN THẾ KỶ XIX  (25/09/2012)
HOÀI NHƠN: CÁI NHÌN ĐỊA LÝ, VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ  (14/09/2012)
Nước Mặn - Đô thị cổ  (04/09/2012)
25 năm - ghi nhận một chặng đường  (31/08/2012)
Nhơn Châu từ góc nhìn lịch sử  (30/08/2012)
Dốc sức giữ màu thổ cẩm  (25/08/2012)
TÌM VỀ PHỐ CỔ QUY NHƠN TRONG LỊCH SỬ  (22/08/2012)
Gò Thị-Di tích văn hóa Sa Huỳnh trên đất Vĩnh Thạnh  (13/08/2012)
BÌNH ĐỊNH – KHÔNG CHỈ LÀ “ĐẤT VÕ”…  (04/08/2012)
Khu Lưu niệm đồng chí Võ Chí Công: Ấn tượng một vùng quê xứ Quảng  (03/08/2012)
Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Sơn - một niềm tự hào của người xứ Nẫu  (31/07/2012)
Sống mãi những anh hùng…  (26/07/2012)
Người đầu tiên phát hiện hang yến ở Quy Nhơn   (24/07/2012)
Chùa Thắng Quang  (15/07/2012)
Bình Định - một khoảng trời thiêng   (07/07/2012)